Tin tức y tế

TOP 10+ công dụng của hạt dẻ đối với sức khỏe

31/10/2023

Hạt dẻ không chỉ là một loại thực phẩm có hương thơm đặc trưng và vị ngọt béo mà còn được biết đến với nhiều công dụng quan trọng đối với sức khỏe con người. Hãy cùng khám phá những lợi ích tuyệt vời của hạt dẻ trong bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ.

>>> Xem thêm:

  • TOP 8 công dụng khi ăn thanh long và những điều cần lưu ý
  • Cây măng tây: Công dụng, cách chế biến và bảo quản
  • Hạt chia có công dụng gì? Liều lượng sử dụng thích hợp

Hạt dẻ là gì? Đặc điểm của hạt dẻ

Hạt dẻ (hay còn gọi là Castanea Mollissima hoặc Sơn Hạch Đào) là hạt của cây hạt dẻ – một loại cây thuộc họ Sồi dẻ (Fagaceae). Đây là loài cây gỗ lâu năm, cao từ 12 đến 30 mét hoặc hơn. Lá của cây hạt dẻ có hình dạng đối xứng, có viền răng cưa và thường có màu xanh sáng. 

Hạt dẻ xuất hiện chủ yếu ở khu vực châu Âu và bán đảo châu Á, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quả hạt dẻ thường được bao phủ bởi lớp vỏ gai bên ngoài, thường chín vào thời điểm tháng 8 đến 10 hàng năm. Quả chín có màu nâu đen và rụng tự nhiên xuống đất. Mỗi quả thường chứa 1-2 hạt dẻ nhưng cũng có quả có thể chứa đến 4 hạt dẻ bên trong.

Tại Việt Nam, có rất nhiều loại hạt dẻ với hương vị đặc trưng khác nhau như:

  • Hạt dẻ Sapa: Có phần vỏ hạt sáng bóng màu nâu sẫm và có một lớp lông tơ màu trắng nhạt trên đỉnh vỏ. Kích thước thường lớn hơn đến 4 lần so với hạt dẻ rừng và có vị béo, ngọt bùi.
  • Hạt dẻ Thái Lan: Có vỏ cứng màu nâu, hình dạng tròn và cân xứng nên rất dễ nhận biết. Hạt dẻ Thái Lan thường có hương vị thơm ngon và giá cả phải chăng.
  • Hạt dẻ Nhật: Có hình dạng hơi méo và không đều, lớp vỏ dày màu nâu đất và hạt bên trong màu vàng sáng. Hạt dẻ Nhật thường được chế biến sẵn và đóng gói trong bao bì sạch sẽ.
  • Hạt dẻ rừng: Vỏ hạt mỏng màu nâu sẫm, có lớp lông tơ màu trắng và rất dễ bóc. Quả hạt dẻ được bao quanh bởi nhiều gai sắc nhọn, giống quả chôm chôm rừng. Hạt dẻ rừng có màu vàng chanh và vị ngọt, bùi, thơm và béo ngậy.
  • Hạt dẻ Trung: Có kích thước khá lớn và hình dạng tròn, vỏ mỏng màu nâu bóng, gần giống với hạt dẻ Sapa.
  • Hạt dẻ ngựa: Hạt dẻ ngựa không có lớp vỏ gai nhọn mà được bao phủ bởi một lớp vỏ gai nhỏ và mịn. Ngoài phần hạt, hoa và vỏ của cây hạt dẻ ngựa cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, được sử dụng như một loại thảo dược hiệu quả để điều trị các vấn đề liên quan đến Bệnh trĩ và mạch máu.

>>> Xem thêm:

Hạt dẻ
Hạt dẻ là gì? (Nguồn: Internet)

Giá trị dinh dưỡng của hạt dẻ

Hạt dẻ là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và có nhiều tác dụng cho sức khỏe nhờ vào các thành phần như:

  • Chất chống oxy hóa: Hạt dẻ cung cấp một lượng lớn vitamin E – một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Vitamin E giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động gây hại của các gốc tự do, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư và các vấn đề về tim mạch.
  • Chất xơ: Hạt dẻ chứa chất xơ, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, duy trì đường ruột khỏe mạnh và ổn định hệ tiêu hóa. Chất xơ trong hạt dẻ cũng có khả năng giảm cholesterol, hỗ trợ kiểm soát cân nặng và đường huyết.
  • Vitamin và khoáng chất: Hạt dẻ cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin B1, B6, B9, đồng, magie, mangan,…
  • Axit béo không bão hòa: Hạt dẻ cung cấp axit béo không bão hòa như axit oleic và axit linoleic. Những axit béo này có khả năng giảm mức Cholesterol xấu trong máu, hỗ trợ sự phát triển và bảo vệ các tế bào trong cơ thể.

Công dụng của hạt dẻ đối với sức khỏe

Tác dụng của hạt dẻ đối với sức khỏe đã được kiểm chứng thông qua nhiều nghiên cứu và khảo sát. Dưới đây là một số công dụng nổi bật nhất của hạt dẻ:

Hạt dẻ giúp tăng sức đề kháng

Hạt dẻ là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin E, magie, và kẽm giúp hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, hạt dẻ cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoids, resveratrol và aescin. Các chất này giúp ngăn chặn sự tổn thương của tế bào do gốc tự do, giúp tăng sức đề kháng.

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Hạt dẻ chứa chất chống oxy hóa như vitamin E, axit ellagic và flavonoid. Những hợp chất này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, làm giảm lượng Cholesterol xấu trong máu và ngăn chặn sự oxy hóa của mạch máu, giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Ngoài ra, magie và kali có trong hạt dẻ cũng giúp điều hòa nhịp tim, duy trì huyết áp ổn định. Sự cân bằng giữa magie và kali trong cơ thể sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hay đột quỵ.

Hạt dẻ tốt cho sức khỏe tim mạch
Hạt dẻ tốt cho sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)

>>> Xem thêm:

  • Bật mí những lợi ích sức khỏe của cây chà là
  • Hạt óc chó: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe
  • Hạt dẻ cười là gì? Công dụng của hạt dẻ cười đối với sức khỏe

Giảm tình trạng giãn tĩnh mạch

Hạt dẻ (đặc biệt là hạt dẻ ngựa) chứa aescin giúp tăng lưu lượng máu ở bên trong tĩnh mạch, cải thiện tuần hoàn máu và giảm tình trạng tắc nghẽn trong mạch máu. Thông thường, bệnh giãn tĩnh mạch sẽ đi kèm với tình trạng viêm nhiễm trong mạch máu và các mô xung quanh. Aescin có thể giúp làm giảm tình trạng viêm nhiễm, giúp giảm đau và sưng.

Tăng cường chức năng não bộ

Hạt dẻ là một nguồn thực phẩm giàu các loại vitamin nhóm B như vitamin B6, B1, B2 và B9. Nhóm vitamin này có vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin giữa các tế bào não, chuyển hóa chất béo, protein và carbohydrate thành năng lượng cho não bộ. 

Đồng thời vitamin nhóm B có trong hạt dẻ còn duy trì chức năng thần kinh, tăng cường sự liên kết giữa các tế bào thần kinh và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sự thoái hóa của não như bệnh Alzheimer.

Hạt dẻ chứa nhiều vitamin nhóm B
Hạt dẻ chứa nhiều vitamin nhóm B giúp tăng cường chức năng não bộ (Nguồn: Internet)

Cung cấp chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu

Hạt dẻ chứa cả hai loại chất xơ là chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan hấp thụ nước và tạo thành một loại gel trong ruột, giúp điều chỉnh tốc độ hấp thụ đường và các chất dinh dưỡng từ thức ăn vào máu. Bên cạnh đó, chất xơ không hòa tan giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và giảm nguy cơ táo bón. 

Chống oxy hóa

Hạt dẻ (đặc biệt là trong hạt dẻ ngựa) chứa nhiều chất chống oxy hóa như kaempferol và quercetin giúp bảo vệ tế bào và mô khỏi sự tổn thương do oxy hóa. Từ đó làm giảm tình trạng viêm và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến oxy hóa như bệnh tim mạch và ung thư.

Làm giảm các triệu chứng ở bệnh trĩ

Hạt dẻ chứa aescin có tác dụng chống viêm và làm giảm sưng tấy, đau, ngứa tại các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Ngoài ra, aescin có khả năng tăng lưu lượng máu trong các tĩnh mạch, cải thiện tuần hoàn máu và làm giảm áp lực trên các tĩnh mạch bị giãn nở, giúp giảm triệu chứng của bệnh trĩ.

Chữa trị vô sinh ở nam giới

Ngoài các tác dụng trên, hạt dẻ còn có thể cải thiện tình trạng vô sinh ở nam giới nhờ khả năng giảm sưng tấy của các tĩnh mạch xung quanh tinh hoàn. Kết quả từ một nghiên cứu kéo dài 2 tháng trên 100 nam giới bị vô sinh đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về mật độ và khả năng di chuyển của tinh trùng. 

Ngăn ngừa ung thư

Hạt dẻ được biết đến với khả năng chống viêm và oxy hóa. Thành phần aescin trong hạt dẻ có khả năng làm giảm sự phát triển của tế bào Ung thư và các khối u, đặc biệt là ở gan, đa u tủy và bạch cầu. Ngoài ra, aescin cũng có khả năng tiêu diệt tế bào Ung thư phổi và ung thư tuyến tụy.

>>> Xem thêm:

  • Sâm tố nữ có tác dụng gì đối với sức khỏe của phụ nữ?
  • Chanh dây: Giá trị dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe và tác dụng phụ
  • Quả mâm xôi: Lợi ích đối với sức khỏe và thành phần dinh dưỡng
  • Giá trị dinh dưỡng, công dụng của hạt hạnh nhân đối với sức khỏe

Những lưu ý khi sử dụng hạt dẻ

Dưới đây là những lưu ý mà mọi người nên biết khi sử dụng hạt dẻ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:

Những đối tượng không nên ăn hạt dẻ

Mặc dù hạt dẻ là một món ăn ngon và bổ dưỡng nhưng những người thuộc trường hợp dưới đây không nên ăn loại thực phẩm này:

  • Người cao tuổi: Chức năng tiêu hóa của người cao tuổi thường bị suy giảm. Nếu ăn quá nhiều hạt dẻ cùng lúc sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, hóc nghẹn và tổn thương tỳ vị. Vì vậy, người cao tuổi không nên ăn quá 50-70 gram hạt dẻ mỗi tuần.
  • Người có vấn đề về dạ dày: Người bị các vấn đề về dạ dày nên hạn chế ăn nhiều hạt dẻ để tránh kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit, gây quá tải cho dạ dày và có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày.
  • Người bị đái tháo đường: Hạt dẻ chứa một lượng tinh bộ khá cao. Do đó, người bị đái tháo đường nên hạn chế ăn hạt dẻ (đặc biệt là món hạt dẻ rang đường) để tránh tăng đường huyết đột ngột
  • Người bị cảm, Sốt rét, kiết lị hoặc phụ nữ sau sinh: Những người này không nên ăn quá 10 hạt dẻ mỗi ngày để tránh tình trạng táo bón.
  • Trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, vì vậy không nên ăn quá nhiều hạt dẻ để tránh gây đau bụng. 

Những thực phẩm không nên dùng chung với hạt dẻ

Dưới đây là những thực phẩm không nên kết hợp khi chế biến hạt dẻ vì có thể gây ra các tác động không mong muốn cho sức khỏe như:

Thịt cừu: Cả hạt dẻ và thịt cừu đều có tính nóng nên sẽ gây nóng trong cơ thể nếu ăn chung với nhau. Các nguyên tố kim loại vi lượng trong thịt cừu tương tác hóa học với vitamin C trong hạt dẻ và phá hủy giá trị dinh dưỡng của vitamin C. Hơn nữa, cả hai loại thực phẩm tạo ra chất lắng cặn khó tiêu hóa và hấp thụ.

Đậu phụ: Magie clorua và canxi sunfat trong đậu phụ khi kết hợp với axit oxalic trong hạt dẻ sẽ tạo ra chất kết tủa màu trắng, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể và dễ lắng đọng gây sỏi thận.

Hạnh nhân: Hạt hạnh nhân chứa hàm lượng chất béo cao và có thể gây tiêu chảy. Ăn kết hợp hạt dẻ và hạnh nhân có thể dẫn đến đau bụng và khiến bệnh đau dạ dày tái phát.

Thịt bò: Ăn hạt dẻ cùng với thịt bò có thể gây ra các triệu chứng đầy bụng, nôn mửa, và khó tiêu. Tương tự như thịt cừu, thịt bò làm giảm giá trị dinh dưỡng trong hạt dẻ. 

Thời gian ăn hạt dẻ và lượng hạt dẻ mỗi lần ăn

Hạt dẻ nên được ăn trong bữa phụ lúc 9h sáng hoặc 15h chiều. Ăn hạt dẻ ngay sau bữa chính sẽ làm đầy bụng và gây khó khăn cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Mỗi ngày, một người bình thường chỉ nên ăn tối đa 10 hạt dẻ để duy trì cân nặng và giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tránh các tác hại của hạt dẻ.

Ăn hạt dẻ vào bữa phụ và ăn tối đa 10 hạt mỗi ngày
Những lưu ý khi sử dụng hạt dẻ (Nguồn: Internet)

>>> Xem thêm:

  • Táo tàu là gì? Hàm lượng dinh dưỡng, cách dùng, lợi ích sức khỏe
  • Những lợi ích của quả việt quất đối với sức khỏe
  • Hạt Điều: Giá trị dinh dưỡng & Công dụng đối với sức khỏe
  • 10 Công dụng của khoai tây đối với sức khỏe và lưu ý khi dùng

Một số câu hỏi

Phụ nữ mang thai có nên ăn hạt dẻ không?

Hạt dẻ có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và có thể đưa vào chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định liều lượng thích hợp và đảm bảo rằng việc ăn hạt dẻ phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng mẹ bầu.

Hạt dẻ có gây tăng cân không?

Hạt dẻ có nhiều calo, protein và chất béo nên sẽ gây tăng cân nếu ăn quá nhiều. Tuy nhiên, chỉ cần kiểm soát lượng hạt dẻ ăn trong một ngày, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao thì sẽ duy trì được vóc dáng.

Cách bảo quản hạt dẻ

Có nhiều cách để bảo quản hạt dẻ tươi và hạt dẻ đã rang mà mọi người có thể tham khảo:

  • Bảo quản hạt dẻ tươi: Đặt hạt dẻ trong túi thực phẩm có lỗ thoát khí và đặt trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản khoảng 15 ngày. 
  • Bảo quản hạt dẻ đã rang: Hạt dẻ rang nên được đặt trong hộp kín nắp và sử dụng trong vòng 1 – 2 ngày. Khi ăn, hâm nóng hạt dẻ trong lò vi sóng để giữ hương vị ban đầu
  • Bảo quản bằng cách phơi khô: Phơi hạt dẻ trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời từ 3 – 4 ngày, sau đó đặt trong túi nilon, buộc kín và trong thùng gỗ hoặc hộp cát mịn dày từ 4 – 6cm. Để thùng gỗ ở nơi khô ráo và thoáng mát.
  • Bảo quản trong ngăn đá: Rửa sạch hạt dẻ rồi cho vào túi hút chân không và để trong ngăn đông tủ lạnh để bảo quản trong khoảng 6 tháng.
  • Bảo quản bằng rượu: Ngâm hạt dẻ trong rượu giúp hạt dẻ luôn tươi ngon và có thể chế biến thành các món tráng miệng

Trên đây là các công dụng của hạt dẻ đối với sức khoẻ mà Hoàn Mỹ đã tổng hợp chi tiết. Mời bạn truy cập vào mục Tin tức y tế. Liên hệ ngay với số HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị để được tư vấn miễn phí bởi hệ thống của bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.