Tin tức y tế

Gan nằm ở vị trí nào trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng gan

26/09/2023

Gan có kích thước lớn, thực hiện đồng thời nhiều chức năng quan trọng, gồm có sản xuất mật, tạo máu, chuyển hoá chất dinh dưỡng, đào thải độc tố,… Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cơ quan này có thể gặp phải các bệnh lý đáng lo ngại (viêm gan, xơ gan, Ung thư gan,…), thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vì vậy việc theo dõi triệu chứng, phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng. Cùng Hoàn Mỹ tham khảo bài viết dưới đây để cập nhật thêm nhiều kiến thức sức khỏe hữu ích.

>>> Xem thêm:

Cấu tạo của gan
Tìm hiểu về cấu tạo và các chức năng quan trọng của gan đối với cơ thể (Nguồn: Internet)

Gan nằm ở vị trí nào trong cơ thể?

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể con người, nằm dưới lồng ngực, bên phải dạ dày, giữa ổ bụng và phía trên túi mật. Khối lượng thường dao động trong khoảng từ 1,4 – 1,8kg (đối với nam) hoặc 1,2 – 1,4kg (đối với nữ), tuỳ thuộc vào từng người. Cơ quan này có kích thước chiều cao khoảng 6 – 8cm, chiều rộng 15cm, đảm bảo có thể thuận lợi thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Lượng máu chứa trong gan có thể lên đến 800 – 900ml.

Vị trí của gan trong cơ thể
Vị trí gan nằm phía dưới lòng ngực (Nguồn: Internet)

Giải phẫu cấu tạo của gan

Dưới đây là phần giải phẫu cấu tạo chi tiết của gan:

Hình thể gan

Gan có hình nêm, xốp, màu nâu đỏ, gồm hai thuỳ với hình dạng và kích thước không đồng đều. 

Cấu trúc trong của gan

Xét theo cấp độ tế bào, bộ ba cửa (tĩnh mạch cửa, động mạch gan và ống mật) nằm liền kề và song song với nhau. Trong đó, các động mạch gan, tĩnh mạch cửa luôn ở trạng thái bao quanh các tế bào. Các nhánh tĩnh mạch gan nằm ở vị trí trung tâm tiểu thuỳ gan. Máu chảy từ ngã ba tĩnh mạch cửa, đi qua tế bào gan và các nhánh tĩnh mạch trung tâm tiểu thuỳ (vùng dễ bị Thiếu máu nhất).

Xét về cấu trúc chi tiết, cơ quan này bao gồm nhiều tiểu thuỳ, bao quanh các nhánh cuối của tĩnh mạch trung tâm (tĩnh mạch gan). Giữa các tiểu thuỳ là bộ ba cửa. Mỗi bộ gồm nhiều nhánh ống mật, tĩnh mạch cửa và động mạch gan

Cấu tạo giải phẫu gan
Cấu tạo giải phẫu gan (Nguồn: Internet)

7 chức năng và vai trò của gan

7 chức năng quan trọng của gan bao gồm:  

Chức năng chuyển hóa của gan

Đây là chức năng quan trọng nhất của gan, bao gồm: 

  • Chức năng chuyển hóa glucid của gan: Glucid là hoạt chất hữu cơ cung cấp khoảng 2/3 năng lượng sống cho toàn bộ cơ thể con người. Theo đó, gan dự trữ glucid dưới dạng glycogen, sau đó tiếp tục phân giải thành năng lượng cần thiết.
  • Chức năng chuyển hóa protid: Gan dự trữ và chuyển hoá protein dưới dạng enzyme hoặc protein chức năng. Những chất dinh dưỡng này tiếp tục được phân giải tạo thành acid amin kích thước nhỏ, hấp thụ vào máu, vận chuyển đến các tế bào để phục vụ cho hoạt động sống của cơ thể. 
  • Chuyển hóa lipid: Gan tổng hợp các acid béo thành chất béo trung hòa triglycerid hoặc phospholipid và cholesterol, sau đó tiếp tục biến đổi thành lipoprotein để hấp thụ vào máu, vận chuyển đến các mô, tổ chức trong cơ thể.

Chức năng đào thải độc tố

Một trong những chức năng gan quan trọng nhất là đào thải độc tố. Cơ quan này thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn hoặc phá vỡ các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá, điển hình như thuốc lá, hoá chất, thực phẩm bẩn,… Đồng thời, trong quá trình chuyển hoá, một số chất thải sinh ra cũng được gan làm giảm độc tố và đào thải ra ngoài. Gan thực hiện cơ chế này theo hai cách sau đây:

  • Thông qua hình thức cố định và thải trừ: Gan sử dụng cơ chế này để loại bỏ các kim loại nặng ra khỏi cơ thể, không biến đổi hay đào thải trực tiếp qua đường mật thông thường.
  • Thông qua các phản ứng hoá học: Gan biến đổi các chất độc hại trong cơ thể thành dạng ít độc hoặc vô hại. Một số phản ứng được thực hiện gồm có phản ứng tạo ure, phản ứng oxy hoá khử và phản ứng liên hợp.
Gan thực hiện chức năng đào thải độc tố và bảo vệ cơ thể (Nguồn: Internet)

Chức năng dự trữ

Gan dự trữ lượng lớn chất dinh dưỡng, là nguồn cung cấp quan trọng của cơ thể trong các trường hợp cần thiết:

  • Dự trữ sắt: Sắt được dự trữ ở gan dưới dạng khoáng chất liên kết apoferritin, sau đó vận chuyển đến tủy xương, tham gia vào hoạt động sản xuất các tế bào hồng cầu. 
  • Dự trữ máu: Lượng máu bình thường được lưu trữ ở gan có thể lên đến 450 ml, chiếm gần 10% tổng lượng máu trong cơ thể. Cơ quan này đồng thời có khả năng giãn nở để chứa được nhiều máu hơn.
  • Dự trữ Vitamin B12: Sau khi được hấp thụ, Vitamin B12 sẽ được vận chuyển và lưu trữ ở gan, sau đó giải phóng dần dần, phục vụ cho hoạt động của cơ thể. Ở điều kiện bình thường, hàm lượng hoạt chất này rất lớn, có thể được sử dụng trong 2 năm. 
  • Dự trữ các Vitamin tan trong dầu: Gan dự trữ Vitamin A, Vitamin E, Vitamin K, Vitamin D,… đồng thời làm tăng khả năng hấp thụ cho cơ thể nhờ dịch mật.
Vai trò của gan
Gan là cơ quan dự trữ nhiều chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể (Nguồn: Internet)

Chức năng tạo mật

Gan sản xuất dịch mật để hỗ trợ ruột non phân giải, hấp thụ các Vitamin tan trong dầu, cholesterol, chất béo,… Thành phần mật gồm có muối mật, bilirubin, cholesterol, chất điện giải, nước. Đó là lý do tại sao khi gan bị tổn thương, khả năng tiết mật giảm, cơ thể rất dễ gặp phải triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa thậm chí là nhiều vấn đề bệnh lý đáng lo ngại khác.

Chức năng miễn dịch

Gan là một bộ phận quan trọng của hệ thống thực bào đơn nhân, chứa nhiều tế bào Kupffer (đại thực bào), có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Theo đó, cơ quan này thực hiện chức năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ruột. 

Điều hòa quá trình đông máu

Gan tham gia sản xuất các yếu tố đông máu trong cơ thể, bao gồm prothrombin, fibrinogen, prothrombin, proaccelerin, proconvectin,… Cơ quan này đồng thời cũng góp phần sản xuất một lượng lớn chất heparin (chất chống đông máu). Nói cách khác, gan thực hiện chức năng điều hoà quá trình đông máu, nếu hoạt động này gặp trục trặc, cơ thể rất dễ xảy ra tình trạng chảy máu bất thường, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

>>>Xem thêm: Những điều bạn cần biết về hội chứng rối loạn đông máu

Tham gia vào quá trình tạo máu

Gan thực hiện chức năng tạo máu khi bào thai vẫn đang ở tháng thứ 3 của thai kỳ. Đây là thời điểm hồng cầu, bạch cầu được hình thành ở cơ quan này. Đến tuần thứ 32, chức năng này sẽ được chuyển sang tuỷ xương. Gan trở thành cơ quan sản xuất các protein cần thiết, hỗ trợ cho hồng cầu, gồm: Globin, các lipoprotein, vitamin B12, acid folic, sắt (dạng ferritin), phospholipid,…

Gan tham gia vào quá trình tạo máu
Gan tham gia vào quá trình tạo máu cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Một số Bệnh gan thường gặp

Một số bệnh về gan thường gặp bao gồm:

  • Viêm gan: Nguyên nhân gây bệnh là do virus tấn công, điển hình là virus viêm gan A, B, C, D, E hoặc lây truyền qua đường tình dục. Trong đó viêm gan A, E thường có xu hướng tự khỏi, hiếm khi tiến triển thành mạn tính. Viêm gan B, C mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến biến chứng ung thư gan.  
  • Bệnh gan do rượu (Viêm gan do rượu, xơ gan, gan nhiễm mỡ): Nguyên nhân chính là do lạm dụng rượu, dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng. 
  • Viêm đường mật nguyên phát: Đây là bệnh gan tự miễn xảy ra khi các ống nội tiểu thuỳ và ống mật nhỏ trong gan bị phá huỷ, tạo điều kiện cho các chất độc hại, dịch mật tích tụ lại. Bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tổn thương mô gan, về lâu dài gây xơ gan, tắc nghẽn tĩnh mạch cửa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
  • Bệnh não gan: Đây là tình trạng chất độc tích tụ trong máu do gan không có khả năng loại bỏ hết, có nguy cơ dẫn đến hôn mê và tử vong. 
  • Bệnh u gan và Ung thư gan: Đây là bệnh lý về gan nguy hiểm nhất và hiện chưa có nguyên nhân cụ thể.

>>>Có thể bạn quan tâm: Men gan cao: Các mức độ, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ung thư gan
Ung thư gan là bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu gan không tốt dễ nhận biết

Dưới đây là một số dấu hiệu tổn thương gan người bệnh nhất định nên nắm để phát hiện sớm, từ đó thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm về sau:

  • Ngứa ngáy khắp người, nổi mụn nhọt, mề đay.
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Thay đổi màu phân bất thường.
  • Đau hạ sườn phải.
  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Chán ăn.
  • Vàng da.
  • Vàng mắt.
  • Da xuất hiện các dấu sao mạch.
  • Xuất hiện các vết bầm tím bất thường trên da.
  • Chướng bụng.
  • Tay chân sưng phù.

Phương pháp điều trị bệnh gan

Tùy vào từng tình trạng bệnh lý và mức độ tổn thương gan, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như:

  • Uống thuốc: Các bệnh gan do nhiễm virus, điển hình là viêm gan thường cần dùng thuốc để điều trị. 
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Người bệnh mắc bệnh gan cần thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày để kiểm soát tốc độ tiến triển của bệnh, chẳng hạn như hạn chế ăn chất béo, thực phẩm giàu calo, rượu bia, tăng cường bổ sung chất xơ, uống nhiều nước,…
  • Ghép gan: Phương pháp ghép gan là lựa chọn điều trị khả thi nhất trong trường hợp mắc bệnh suy gan, Ung thư gan (tùy từng giai đoạn),…

Biện pháp phòng ngừa bệnh gan

Gan bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết mọi hoạt động diễn ra trong cơ thể. Nhiều bệnh lý nghiêm trọng thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, việc phòng ngừa ngay từ sớm là biện pháp vô cùng cần thiết. Một số gợi ý hữu ích bạn nên tham khảo như:

  • Tiêm phòng viêm gan A, viêm gan B,… ngay từ sớm.
  • Luôn luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Không uống thuốc chung với rượu.
  • Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.
  • Không dùng chung kim tiêm, luôn sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch hợp pháp.
  • Tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch từ người khác để tránh bị lây lan bệnh gan
  • Chỉ dùng thuốc điều trị bệnh khi có chỉ định của bác sĩ, đảm bảo sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo.
  • Sử dụng nước đóng chai để ăn uống, đánh răng, rửa tay khi đi du lịch đến những vùng xa lạ. 
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, sơn, thuốc diệt côn trùng, diệt nấm, nếu có, hãy đeo khẩu trang, mang găng tay, đội mũ cẩn thận và sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Quản lý cân nặng ở mức ổn định, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, hạn chế chất béo, calo, đường,…

>>>Có thể bạn quan tâm: Chỉ số BMI là gì? Cách tính theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho người Việt Nam

Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ gan khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin chi tiết về cấu tạo, giải phẫu, chức năng, một số bệnh thường gặp, dấu hiệu gan tổn thương và cách phòng Bệnh gan hiệu quả. Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.