Tin tức y tế

Thuốc Cefuroxim: Công dụng, liều dùng, lưu ý sử dụng

31/10/2023

Cefuroxim được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm trùng bởi có khả năng tiêu diệt, chống lại vi khuẩn gây bệnh. Liều dùng sẽ được chỉ định tùy thuộc vào độ tuổi người bệnh, tình trạng bệnh lý và mức độ tổn thương trong cơ thể. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ chia sẻ chi tiết hơn về tác dụng của cefuroxim, các trường hợp chống chỉ định, tác dụng phụ và khả năng tương tác với thuốc khác.

Cefuroxim là gì? 

Cefuroxim là một loại kháng sinh bán tổng hợp phổ rộng, thuộc nhóm cephalosporin, được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng tai, mũi, họng, bàng quang, thận, xương, khớp,… Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc này trong điều trị giai đoạn đầu của bệnh lậu, nhiễm trùng huyết hoặc tiêm trước/ sau phẫu thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng. 

Cefuroxim được bào chế ở dạng Cefuroxim axetil với hàm lượng 500 mg. Thành phần tá dược bao gồm: Titan oxyd, Avicel, Natri lauryl sulfat, HPMC, DST, aerosil 200, Disolcel, PEG 6000, Isopropanol, Magnesium stearat, Talc.

Cefuroxim là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin
Cefuroxime được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Công dụng của cefuroxim đối với sức khỏe

Cefuroxim có hoạt tính kháng khuẩn mạnh, ức chế tế bào vi khuẩn bằng cách liên kết với các protein gắn penicillin. Hoạt chất này có thể chống lại nhiều tác nhân gây bệnh, kể cả các chủng tiết beta – lactamase/cephalosporinase thuộc nhóm vi khuẩn gram âm, gram dương. Do đó, Cefuroxim mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị nhiễm trùng. Một số trường hợp kháng thuốc có thể do vi khuẩn tiết enzym cephalosporinase hoặc các protein gắn penicillin bị biến đổi. 

Cefuroxim có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn để điều trị tình trạng nhiễm trùng
Cefuroxim có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn để điều trị tình trạng nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn sử dụng thuốc cefuroxim

Liều dùng 

Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng Cefuroxim theo cân nặng, độ tuổi của người bệnh, tình trạng, mức độ nhiễm trùng và các vấn đề y tế khác, cụ thể như sau:

Liều dùng trong điều trị viêm họng/viêm amidan từ nhẹ đến trung bình

  • Đối với người lớn (từ 18 tuổi trở lên): Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.
  • Đối với trẻ em từ 13 – 17 tuổi: Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.    
  • Đối với trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày (có thể nuốt cả viên).
  • Không sử dụng cefuroxim cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi bị viêm họng hoặc viêm amidan.

Liều dùng trong điều trị viêm tai giữa cấp tính

  • Đối với trẻ em từ 14 – 17 tuổi: Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.
  • Đối với trẻ em từ 3 tháng đến 13 tuổi: Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.
  • Không sử dụng cefuroxim cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi bị viêm tai giữa cấp tính.

Liều dùng trong điều trị Viêm xoang cấp tính từ nhẹ đến trung bình

  • Đối với người lớn từ 18 tuổi trở lên: Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.
  • Đối với trẻ em từ 13 – 17 tuổi: Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.
  • Đối với trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: Dùng 250mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày (có thể nuốt cả viên).
  • Không sử dụng cefuroxim cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi bị viêm xoang cấp tính.

Đối với điều trị viêm phế quản cấp tính từ nhẹ đến trung bình:

  • Đối với người lớn từ 18 tuổi trở lên): Dùng 250 mg hoặc 500 mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.
  • Liều dùng cefuroxim cho trẻ từ 13 đến 17 tuổi: Dùng 250 mg hoặc 500 mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong 10 ngày.
  • Đối với trẻ em từ 0 đến 12 tuổi: 
  • Không sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 13 tuổi bị viêm phế quản cấp tính.

Đối với điều trị nhiễm trùng thứ cấp bệnh viêm phế quản cấp tính từ nhẹ đến trung bình:

  • Đối với người lớn từ 18 tuổi trở lên: Dùng 250 mg hoặc 500 mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong vòng từ 5 – 10 ngày.
  • Liều dùng cho trẻ em (từ 13 đến 17 tuổi): Dùng 250 mg hoặc 500 mg mỗi 12 giờ, uống liên tục trong vòng từ 5 – 10 ngày.

Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý sử dụng hay ngừng thuốc.

Uống Cefuroxim đúng liều lượng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất
Uống Cefuroxim đúng liều lượng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất (Nguồn: Internet)

Chỉ định 

Thuốc cefuroxim trị bệnh gì? Các trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc này bao gồm:

  • Các tình trạng viêm: Viêm túi mật, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tủy xương, viêm xoang, viêm ruột thừa, viêm amidan, viêm họng,…
  • Các tình trạng nhiễm trùng: Nhiễm lậu cầu, nhiễm trùng trong ổ bụng, nhiễm trùng khớp, nhiễm trùng da hoặc mô mềm, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng da. 
  • Dự phòng trong phẫu thuật.
  • Bệnh lao.

Chống chỉ định

Thuốc cefuroxim chống chỉ định đối với các trường hợp sau đây:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin. 
  • Cơ thể bị mẫn cảm với một số loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm betalactam như carbapenems, penicillin. 
  • Trẻ em dưới 3 tháng tuổi. 

Tác dụng phụ

Cefuroxim có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định, chẳng hạn như:

  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Tiêu chảy.

Nếu người bệnh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi uống cefuroxim, nên thông báo ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm:

  • Phát ban.
  • Ngứa trên cơ thể.
  • Khó thở, thở khò khè.
  • Khó nuốt.
  • Mặt, cổ họng, lưỡi, môi hoặc mắt bị sưng bất thường.
  • Phân có lẫn máu, co thắt dạ dày hoặc Sốt trong quá trình dùng thuốc hoặc kéo dài đến ít nhất 2 tháng sau khi ngừng uống thuốc.
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng, sốt, đau họng, ớn lạnh không cải thiện, trở nên trầm trọng hơn hoặc xuất hiện thêm triệu chứng bất thường khác.

Tương tác với thuốc khác

Cefuroxim có khả năng xảy ra tương tác với các loại thuốc sau đây, người bệnh lưu ý không nên dùng chung để tránh xảy ra vấn đề sức khoẻ không mong muốn:

  • Ranitidin và natri bicarbonat: Hai loại này làm giảm sinh khả dụng của cefuroxim và làm tăng độ pH dạ dày, nên dùng cách nhau ít nhất 2 giờ (cefuroxim dùng sau).
  • Probenecid: Probenecid liều cao có khả năng làm giảm độ thanh thải cefuroxim ở thận, làm tăng nồng độ cefuroxim trong huyết tương.
  • Aminoglycosid: Cefuroxim tương tác với aminoglycosid sẽ làm tăng khả năng gây nhiễm độc thận.
Lưu ý khi kết hợp cefuroxim với các loại thuốc điều trị khác
Lưu ý khi kết hợp cefuroxim với các loại thuốc điều trị khác (Nguồn: Internet)

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc cefuroxim 

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên cân nhắc một số lưu ý quan trọng sau đây khi dùng cefuroxim:

  • Thông báo với bác sĩ nếu có tiền sử bị Dị ứng với cefuroxim, kháng sinh penicillin và các kháng sinh khác thuộc nhóm cephalosporin như cefaclor, cefazolin, cefdinir, cefditoren, cefepime, cefadroxil,…; hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Thông báo với bác sĩ nếu bị Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong viên nén hoặc hỗn dịch cefuroxim. 
  • Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin, chất bổ sung dinh dưỡng, thảo dược đang dùng, đặc biệt là thuốc chống đông máu (warfarin, cimetidine), thuốc lợi tiểu, pantoprazole, ranitidine,… để thay đổi liều lượng phù hợp.
  • Nếu người bệnh đang dùng thuốc kháng axit có chứa magie hoặc nhôm, nên uống trước 1 giờ hoặc sau 2 giờ so với cefuroxim.
  • Thông báo với bác sĩ về tiền sử mắc bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng, bệnh gan, thận.
  • Cefuroxim có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc tránh thai đường uống.
  • Phụ nữ mang thai, có kế hoạch hoặc mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống cefuroxim.
Tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi uống thuốc cefuroxim
Tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi uống thuốc cefuroxim (Nguồn: Internet)

Cách xử lý trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều

Quá liều cefuroxim thường gây triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn, thậm chí lên cơ co giật do kích thích thần kinh, đặc biệt là ở bệnh nhân suy thận. Trong trường hợp này, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để tránh tình trạng tiến triển nghiêm trọng hơn. Một số cách xử lý hiệu quả thường được áp dụng bao gồm:

  • Bảo vệ hệ hô hấp của người bệnh bằng cách sử dụng các biện pháp làm thoáng khí, sau đó mới tiến hành truyền dịch. 
  • Thực hiện liệu pháp chống co giật với các trường hợp bị co giật do kích thích thần kinh. 
  • Lọc bỏ thuốc ra khỏi máu một cách nhanh chóng bằng biện pháp thẩm tách máu.
  • Thẩm phân phúc mạc hoặc thẩm phân máu để làm giảm độ thuốc cefuroxim trong cơ thể.

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin quan trọng liên quan đến thuốc cefuroxim. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh lý nhiễm trùng. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập tại Tin tức y tế. Liên hệ ngay với số HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị để được tư vấn miễn phí bởi hệ thống của bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.