Sữa chua là một thực phẩm được nhiều người yêu thích bởi vì không chỉ ngon và dễ ăn, mà còn có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Trong bài viết sau đây, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn khám phá 7 lợi ích của sữa chua đối với sức khỏe cơ thể.
>>> Xem thêm:
- Hạt chia có công dụng gì? Liều lượng sử dụng thích hợp
- Bật mí những công dụng tuyệt vời của thốt nốt
- TOP 8 công dụng khi ăn thanh long và những điều cần lưu ý
Thành phần dinh dưỡng của sữa chua
Sữa chua là gì? Sữa chua là một loại chế phẩm từ sữa được sản xuất bằng cách lên men sữa bò hoặc sữa động vật với các loại vi khuẩn có lợi bao gồm Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus. Quá trình lên men này làm biến đổi đường và protein trong sữa thành acid lactic, giúp sữa có cấu trúc dày hơn với vị chua ngọt đặc trưng. Các thành phần chính bao gồm:
Protein
Có khoảng 8,5g protein trong mỗi 245g sữa chua nguyên chất. Protein trong chế phẩm này được chia thành hai loại chính:
- Whey (váng sữa chua): Đây là một nhóm protein hòa tan chiếm khoảng 20% tổng hàm lượng protein trong sữa chua. Whey protein giúp hạ huyết áp và hỗ trợ quá trình giảm cân.
- Casein: Đây là các loại protein sữa không hòa tan, có khả năng cung cấp lượng lớn axit amin thiết yếu và giúp tiêu hóa tốt.
Protein có nhiều trong sữa chua (Nguồn: Internet)
Đường bột (Carbohydrate)
Thành phần đường bột (Carbohydrate) trong sữa chua bao gồm lactose, glucose, galactose và có thể có sự bổ sung của sucrose hoặc các loại đường hương liệu tùy theo các loại sữa chua.
- Lactose (lactosa): Đây là loại đường bột chính trong sữa chua và có xuất phát từ sữa. Quá trình lên men bởi vi khuẩn làm giảm lượng lactose trong sản phẩm. Lactose được chuyển hóa thành galactose và glucose, và một phần lớn glucose sau đó biến thành axit lactic để tạo ra vị chua.
- Glucose (glucosa): Một phần của lactose sẽ chuyển hóa thành glucose.
- Galactose (galactosa): Galactose cũng xuất phát từ lactose và có mặt trong sữa chua sau quá trình lên men.
- Sucrose (đường mía): Một số loại sữa chua có thể được bổ sung thêm sucrose (đường mía) nhằm tạo vị ngọt.
Chất béo
Chất béo là một thành phần quan trọng trong sữa chua. Hàm lượng cụ thể bao gồm:
- Hàm lượng chất béo: Chất béo có thể dao động từ khoảng 0,4% đối với sữa chua không chất béo (fat-free) và đến 3,3% hoặc thậm chí cao hơn trong sữa chua chứa nhiều chất béo (full-fat).
- Loại chất béo: Sữa chua chứa khoảng 70% chất béo bão hòa và một lượng nhỏ chất béo không bão hòa.
- Axit béo: Chất béo trong sữa chua cung cấp nhiều loại axit béo khác nhau, có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng và ảnh hưởng đến hương vị và cấu trúc của loại thực phẩm này.
Vitamin và khoáng chất
Thành phần vitamin và khoáng chất trong sữa chua có thể thay đổi tùy thuộc vào nguồn gốc và quy trình sản xuất. Sữa chua làm từ sữa tươi nguyên chất thường chứa một lượng lớn các vitamin và khoáng chất quan trọng như:
- Vitamin B12.
- Canxi.
- Phospho.
- Vitamin B2 (Riboflavin).
Probiotics
Probiotic là loại vi khuẩn có lợi có tác động tích cực đối với sức khỏe con người, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Các probiotics chủ yếu trong sữa chua bao gồm vi khuẩn axit lactic và bifidobacteria, có các công dụng như sau:
- Cân bằng và tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể đối phó với các tác nhân gây bệnh một cách hiệu quả.
- Giảm mức cholesterol trong máu, giúp giảm nguy cơ bị các bệnh về tim mạch.
- Một số loại probiotics như bifidobacterium có khả năng tổng hợp hoặc cung cấp nhiều loại vitamin quan trọng như vitamin B1, vitamin B3, vitamin B6, vitamin B12, axit folic và vitamin K.
- Giúp giảm dấu hiệu hội chứng ruột kích thích (IBS) và cải thiện quá trình tiêu hóa.
- Phục hồi cân bằng vi khuẩn trong ruột sau khi sử dụng kháng sinh và ngăn ngừa tiêu chảy.
- Cải thiện chất lượng niêm mạc ruột và giúp điều trị táo bón.
- Cải thiện khả năng tiêu hóa lactose.
7 Tác dụng của sữa chua đối với cơ thể
Sữa chua là một thực phẩm lành mạnh và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Dưới đây là 7 tác dụng quan trọng của sữa chua đối với cơ thể:
Bổ sung các dưỡng chất quan trọng
Sữa chua chứa canxi, vitamin B12, riboflavin (vitamin B2), phospho, magiê, kali và thường được bổ sung thêm vitamin D trong quá trình sản xuất. Các chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương và răng, hệ thống thần kinh, tạo máu, trao đổi năng lượng và nhiều quá trình sinh học khác trong cơ thể.
Nguồn protein dồi dào
Sữa chua là một nguồn cung cấp protein dồi dào với khoảng 12g protein trong mỗi 200g sữa chua. Protein có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình trao đổi chất và đốt cháy calo dư thừa trong cả ngày. Điều này có thể giúp kiểm soát cân nặng bằng cách làm giảm cảm giác thèm ăn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng người ăn sữa chua thường cảm thấy ít đói và tiêu thụ ít calo trong bữa tối hơn so với những người ăn đồ ăn nhẹ có hàm lượng protein thấp hơn với cùng một lượng calo.
Bổ sung lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa
Sữa chua rất có lợi cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là những loại sữa chua chứa men vi sinh sống (probiotics). Dưới đây là một số lợi ích của sữa chua đối với hệ tiêu hóa:
- Men vi sinh giúp cân bằng vi khuẩn trong ruột, cải thiện quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.
- Giảm triệu chứng Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi tác động của kháng sinh, giúp duy trì sự cân bằng vi khuẩn trong ruột.
- Giảm triệu chứng táo bón.
Tăng cường hệ miễn dịch
Các khoáng chất như magie, selen và kẽm có trong sữa chua đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hơn nữa, một số loại sữa chua cũng được bổ sung vitamin D giúp cơ thể duy trì mức độ miễn dịch tốt và ngăn ngừa các bệnh phổ biến như cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Hỗ trợ giảm cân
Mặc dù sữa chua không phải là một biện pháp giảm cân tức thì nhưng vai trò của sữa chua trong hỗ trợ giảm cân là không thể phủ nhận. Sữa chua có hàm lượng protein cao, cùng với canxi, có thể khiến cảm giác no kéo dài, từ đó giúp kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ trong mỗi bữa ăn.
Tuy nhiên, để dùng sữa chua với mục đích hỗ trợ giảm cân, bạn nên chọn sữa chua không đường hoặc ít đường, có men vi sinh (probiotics) để hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa. Sữa chua Hy Lạp với hàm lượng protein cao cũng có thể là một lựa chọn tốt.
Tốt cho tim mạch
Chất béo trong sữa chua chủ yếu là chất béo bão hòa và nghiên cứu cho thấy chúng không gây hại cho tim mạch. Thậm chí, sữa chua có thể giúp tăng nồng độ Cholesterol có lợi (HDL cholesterol) và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, sữa chua có thể hỗ trợ kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Chắc khỏe xương
Các thành phần như canxi, protein, kali, phốt pho và vitamin D trong sữa chua giúp ngăn ngừa loãng xương. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ ít nhất ba phần thực phẩm từ sữa mỗi ngày, bao gồm sữa chua, có thể giúp duy trì khối lượng và độ dẻo dai của xương, đặc biệt là ở những người cao tuổi.
>>> Xem thêm:
- Cây măng tây: Công dụng, cách chế biến và bảo quản
- TOP 10+ công dụng của hạt dẻ đối với sức khỏe
- Công dụng của rong biển trong lĩnh vực y học
Cách ăn sữa chua đúng cách
Sữa chua mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng bạn đã biết sử dụng đúng cách? Hãy xem qua các lưu ý sau đây.
- Sữa chua có khả năng tái cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột sau khi sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, hãy sử dụng sữa chua ngay sau khi kết thúc điều trị bằng thuốc kháng sinh và không nên sử dụng đồng thời cả hai.
- Ăn sữa chua khi đói có thể làm giảm tác dụng của nó, vì men lactic chỉ phát triển tốt ở môi trường dạ dày sau khi ăn. Do đó, thời gian tốt nhất để ăn sữa chua là 1-2 giờ sau bữa ăn.
- Lưu ý là không đun nóng sữa chua để đảm bảo an toàn và duy trì tác dụng của sữa chua. Đồng thời nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh trước 15-30 phút trước khi dùng.
Tác hại của sữa chua khi ăn không đúng cách
Sữa chua có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có những tác hại mà bạn cần quan tâm, đặc biệt nếu ăn quá nhiều và không hợp lý:
- Khó tiêu: Ăn quá nhiều sữa chua trong một ngày có thể gây ra tình trạng đau bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc tiêu chảy.
- Dị ứng: Nếu bạn Dị ứng với sữa hoặc sữa chua, hãy tránh sử dụng vì có thể gây khó thở, phát ban thậm chí nôn mửa.
- Người có bệnh nền: Người bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, viêm túi mật và viêm tụy nên tránh ăn sữa chua có đường vì hàm lượng chất béo cao sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Tác động tiêu cực cho răng: Một số loại vi khuẩn trong sữa chua và các chất có tính axit có thể gây tổn hại cho răng.
Nên ăn sữa chua khi nào tốt nhất?
Thời điểm tốt nhất để ăn sữa chua là khi nào? Dưới đây là các gợi ý về thời điểm phù hợp để ăn sữa chua:
- Sau bữa ăn chính (khoảng 1 giờ sau): Khi dạ dày đã xử lý thức ăn, độ pH đã được cân bằng, vi khuẩn có lợi trong sữa chua có môi trường thuận lợi để hoạt động và hỗ trợ sức khỏe ruột.
- Bữa sáng: Kết hợp sữa chua với các loại trái cây, hạt hoặc ngũ cốc để có một bữa sáng dinh dưỡng.
- Xế chiều: Buổi xế chiều thường là thời điểm cơ thể cảm thấy mệt mỏi và cần nạp thêm năng lượng. Sữa chua có thể là lựa chọn tốt để cung cấp năng lượng mà không gây thừa calo.
- Trước hoặc sau tập thể dục: Sữa chua cung cấp canxi, carbohydrate, protein và lợi khuẩn cần thiết để phục hồi cơ nhanh chóng và giúp bù đắp năng lượng mất đi.
Trong bài viết trên, Hoàn Mỹ đã giúp bạn điểm qua những lợi ích của sữa chua đối với sức khỏe và cách sử dụng hợp lý. Để luôn cập nhật những thông tin mới nhất về lĩnh vực sức khỏe và y tế, hãy truy cập tin tức y tế. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc quan tâm nào về tình trạng sức khỏe của mình, đừng ngần ngại tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia y tế hoặc bác sĩ. Đội ngũ chuyên gia của Hoàn Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn thông qua HOTLINE hoặc việc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.