Tin tức y tế

Muối là gì? Những lợi ích và tác hại của muối

09/11/2023

Muối ăn là loại gia vị được sử dụng để nêm nếm, cân bằng hương vị món ăn. Ngoài ra, muối còn chứa nhiều khoáng chất và có lợi cho sức khỏe. Vậy ứng dụng của muối trong đời sống như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin chi tiết về lợi ích và tác hại của muối.

>>> Xem thêm:

  • BHA là gì? Công dụng của BHA và lưu ý sử dụng
  • Canxi hữu cơ là gì? Lợi ích và lưu ý khi sử dụng canxi hữu cơ

Tổng quan về muối

Khái niệm

Muối là chất rắn nhỏ, dạng tinh thể, thường có màu trắng, hoặc có màu hồng, xám nhạt, thu được từ nước biển hay các mỏ muối. Muối có vị mặn, có thể tồn tại hàng trăm triệu năm mà không bị phân hủy nếu điều kiện bảo quản tốt.

Muối là hợp chất của một hay nhiều gốc axit với một hay nhiều kim loại. Muối đóng vai trò là chất điện giải quan trọng trong cơ thể giúp cân bằng chất lỏng, dẫn truyền thần kinh và chức năng cơ.

Thành phần

Các thành phần của muối ăn bao gồm:

  • Natri clorua.
  • Kali iodua.
  • Natri ferrocyanide.
  • Natri nhôm silicat.

Muối ăn có công thức hóa học là natri clorua (NaCl), trong đó khoảng 40% natri và 60% clorua, lượng natri clorua chiếm 97% thành phần của muối ăn. Tỷ lệ nhỏ còn lại là của các muối vi lượng khác.

Phân loại

Có nhiều loại muối ăn, mỗi loại sẽ có sự khác nhau về mùi vị, kết cấu, màu sắc, cụ thể như sau:

Muối Iot

Loại muối ăn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là muối Iot. Muối Iot thường được dùng làm gia vị nấu ăn hằng ngày. Đây là loại muối tinh bổ sung Iot ngăn ngừa một số bệnh lý về tuyến giáp như bướu cổ.

Muối tinh

Muối tinh là kết quả thu được từ việc chế biến muối thô. Trong muối tinh, 7% lượng muối được dùng làm gia vị nêm nếm, phần còn lại được sử dụng cho các mục đích công nghiệp như sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa, hãm màu trong công nghệ nhuộm vải, chế biến bột giấy,…

Muối hồng Himalaya

Phần lớn lượng muối hồng thu được là từ mỏ muối lớn thứ nhì thế giới, có tên là Khewra ở Pakistan. Các tinh thể muối Himalaya chứa một lượng rất nhỏ các ô-xít sắt – tạo màu hồng cho muối. Loại muối này cung cấp một số khoáng chất như sắt, canxi, kali và magie. Lượng Natri trong muối hồng thấp hơn so với muối tinh nên thường được dùng để nêm nếm và trang trí món ăn.

Muối Kosher

Kosher là loại muối có cấu trúc thô, dễ bong, dạng tinh thể mảnh và to. Loại muối này có công dụng giữ nước, hạn chế tình trạng khô cứng, đảm bảo độ tươi của thực phẩm.

Muối thô

Muối thô hay còn được gọi là muối biển, thu được từ quá trình bốc hơi của nước biển. Đây là loại muối chứa hàm lượng khoáng chất dồi dào như sắt, kẽm, kali. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi sử dụng muối thô vì có một số loại được khai thác ở vùng biển bị ô nhiễm kim loại nặng nên có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Tổng quan về muối
Tổng quan về muối (Nguồn: Internet)

Công dụng của muối đối với sức khỏe

Muối ăn không những có vai trò như một gia vị quan trọng trong đời sống hằng ngày mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Sau đây là một số công dụng của muối ăn đối với sức khỏe:

Bổ sung nước, cân bằng điện giải cho cơ thể

Muối thực hiện chức năng giữ nước cho các mô và tế bào trong cơ thể, giúp các cơ quan trong cơ thể có đủ nước để cân bằng, duy trì, tái tạo các tế bào mới. Khi cơ thể không được bổ sung đủ muối sẽ gây ra tình trạng chóng mặt, mệt mỏi, chuột rút và sạm da.

Bên cạnh đó, muối ăn cũng tham gia vào quá trình cân bằng điện giải giữa môi trường ngoài và trong tế bào. Bổ sung muối vào chế độ ăn hàng ngày giúp cân bằng điện giải và ngăn ngừa các rối loạn như nhịp tim bất thường, mệt mỏi, buồn nôn, và co giật.

Ngăn ngừa bệnh huyết áp thấp

Trong muối ăn chứa hàm lượng natri có tác dụng điều hòa và kiểm soát áp lực huyết áp. Do đó nên bổ sung muối đúng cách để ngăn ngừa bệnh huyết áp thấp, tránh dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như tiêu chảy, nhiễm trùng,…

Duy trì chức năng tuyến giáp

Hàm lượng Iốt trong muối tác động trực tiếp đến cơ quan tuyến giáp, duy trì hoạt động và ngăn ngừa Ung thư tuyến giáp. Đây là cơ quan quan trọng của cơ thể có vai trò điều hòa quá trình trao đổi và chuyển hóa trong cơ thể. Do đó, bổ sung Iot cho cơ thể là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung lượng muối hợp lý để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Duy trì sức khỏe răng miệng

Muối có khả năng bảo vệ sức khỏe răng miệng nhờ đặc tính sát trùng mạnh. Muối ăn giúp tái tạo niêm mạc bị tổn thương, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Hàm lượng khoáng chất dồi dào trong muối có tác dụng tăng độ chắc khỏe cho răng, tái tạo và phục hồi các mô răng bị hư hại. Ngoài ra, việc ngậm nước muối còn giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm nướu, nha chu…

>>> Xem thêm:

  • Axit béo Omega 3-6-9 là gì? Công dụng và cách dùng
  • TOP 8 công dụng khi ăn thanh long và những điều cần lưu ý
  • Công dụng của rong biển trong lĩnh vực y học
Công dụng của muối đối với sức khỏe
Công dụng của muối đối với sức khỏe (Nguồn: Internet)

Một số tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều hoặc quá ít muối

Khi sử dụng quá nhiều muối:

  • Dễ mắc các bệnh về thận

Dùng muối quá nhiều gây ảnh hưởng xấu đến thận, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận như bệnh đái tháo đường, suy thận.

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày

Ăn nhiều muối sẽ làm tăng sự phát triển của vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), dẫn đến tình trạng tổn thương niêm mạc, viêm loét dạ dày và có nguy cơ gây ung thư dạ dày.

  • Gây bệnh về tim mạch

Tiêu thụ lượng muối quá mức có thể làm tăng nồng độ natri trong máu, gây bệnh huyết áp cao hoặc gây áp lực lên tim làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

  • Ảnh hưởng đến xương

Dư thừa muối trong cơ thể khiến thận có xu hướng đào thải canxi qua đường tiểu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Khi sử dụng quá ít muối:

  • Bổ sung quá ít hàm lượng muối cho cơ thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như tăng lượng chất béo triglyceride, cholesterol xấu và tăng nguy cơ kháng insulin.
  • Ăn không đủ lượng muối còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý như thường xuyên cáu gắt, cảm thấy mệt mỏi, trí nhớ kém, đau đầu.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh sỏi thận, gây suy giảm chức năng hệ cơ như mỏi cơ, chuột rút, kiến bò, liệt cơ…
  • Nếu cơ thể không được đáp ứng đầy đủ lượng muối cần thiết, có thể gây mất cân bằng điện giải, rối loạn chuyển hóa, giảm thể tích máu, tụt huyết áp.
  • Thiếu hàm lượng muối còn làm cho lượng natri máu giảm, làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ khiến cơ thể bị phù tay, phù chân, phù toàn thân.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều hoặc quá ít muối
Một số tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều hoặc quá ít muối (Nguồn: Internet)

Nên bổ sung bao nhiêu muối mỗi ngày?

Liều lượng bổ sung muối cho mỗi người khác nhau tùy theo từng đối tượng, độ tuổi:

Đối với người trưởng thành: Nên bổ sung khoảng 2.300mg natri một ngày, tương đương khoảng 5.8g muối ăn.

Đối với trẻ em:

  • Trẻ sơ sinh, nên hạn chế ở mức dưới 0,3g.
  • Trẻ dưới 1 tuổi, lượng muối nên bổ dùng dưới 1,5g.
  • Trẻ từ 1 đến 3 tuổi, dùng lượng muối mỗi ngày dưới 2g.
  • Trẻ từ 4 đến 6 tuổi, tiêu thụ tối đa ở mức dưới 3g.
  • Trẻ từ 7 đến 10 tuổi, không dùng quá 5g.
  • Trẻ từ 11 tuổi trở lên, sử dụng ở mức dưới 6g.
  • Đối với người có vấn đề về tim mạch, thận và huyết áp nên thăm khám bác sĩ để có chỉ định an toàn và hợp lý về liều lượng muối cần bổ sung trong ngày.

Lưu ý: Trên đây chỉ là liều lượng tiêu thụ muối tham khảo. Để sử dụng muối an toàn, đúng cách bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng phù hợp theo từng đối tượng, độ tuổi.

Nên bổ sung bao nhiêu muối mỗi ngày?
Nên bổ sung bao nhiêu muối mỗi ngày (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đây là các thông tin chi tiết về muối ăn mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về y học, vui lòng truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số  HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.