Tin tức y tế

Công dụng của rong biển trong lĩnh vực y học

26/10/2023

Rong biển là một loại thực vật chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, khoáng chất, các vitamin và axit béo có lợi,… Các món ăn làm từ rong biển ngày càng phổ biến, được nhiều người yêu thích nhờ hương vị thơm ngon và có lợi cho sức khỏe. Để hiểu rõ hơn về tác động tích cực của rong biển đối với cơ thể con người, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ.

Đặc điểm của cây rong biển

Rong biển là một loại thực vật sống ở biển thuộc nhóm tảo đa bào, có màu sắc đa dạng như màu đỏ, màu nâu đen, màu xanh lá cây,… Tuỳ thuộc vào điều kiện môi trường phát triển mà rong biển sẽ có màu sắc khác nhau.

Rong biển có khả năng thích nghi với cả hai môi trường nước mặn và nước lợ. Loại thực vật này thường mọc trên các vách đá, rạn san hô hoặc dưới tầng nước sâu – nơi có ánh sáng mặt trời chiếu tới để thực hiện quá trình quang hợp.

Đặc điểm của cây rong biển
Đặc điểm của cây rong biển (Nguồn: Internet)

Phân biệt rong biển và tảo biển

Rong biển và tảo biển đều có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vi chất và vitamin quan trọng như sắt, iốt, vitamin A, vitamin nhóm B,… Phân biệt hai loại thực vật này thông qua các đặc điểm sau:

Rong biểnTảo biển
Môi trường sốngSống ở cả vùng nước mặn và vùng nước lợChỉ có ở khu vực nước mặn, thường gần các bờ đá.
Đặc điểm sinh họcThường bám trên các san hô, vách đá – nơi có ánh sáng để quang hợp.Rễ thường cắm xuống đáy đại dương và phát triển thành nhóm
Cấu trúc thực vậtTùy vào từng loại mà có loại có rễ hoặc khôngKhông có đầy đủ rễ, thân và lá như cây thực phẩm thông thường
Khả năng hấp thụ chất dinh dưỡngCó khả năng hấp thụ tốt chất khoáng và vi chất khác từ nước biểnKhông có khả năng hấp thụ chất khoáng và vi chất

Các loại rong biển phổ biến ở Việt Nam

Ở Việt Nam, các loại rong biển phổ biến được sử dụng trong ẩm thực và chế biến thực phẩm bao gồm:

  • Nori (Tảo đỏ): Nori là một loại tảo đỏ phổ biến và thường được sử dụng để cuộn sushi. Chúng được chế biến thành các tấm mỏng, khô và có vị tanh đặc trưng. Loại rong biển này thường được sử dụng để cuộn sushi
  • Tảo bẹ (Tảo Nâu): Tảo bẹ thuộc nhóm tảo nâu và thường được phơi khô thành từng tấm trước khi sử dụng. Loại rong biển này sẽ giúp tăng hương vị và cung cấp thêm chất xơ cho các món ăn, đồng thời được sử dụng như một sản phẩm không chứa gluten thay thế cho bột mì. 
  • Dulse (Tảo Đỏ): Dulse có kết cấu mềm hơn và dai hơn so với Nori nên thường được chế biến thành các loại snack ăn nhẹ. Loại rong biển này cũng giúp tăng thêm hương vị cho nhiều món ăn như gỏi, súp, canh hải sản,…
  • Chlorella (Tảo Xanh Lục): Chlorella là một loại tảo xanh lục thường sống ở nước ngọt, thích hợp làm thực phẩm bổ sung vì chứa nhiều dưỡng chất quan trọng. Loại rong biển này thường được sử dụng dưới dạng bột hoặc viên.
  • Spirulina: Đây là một loại tảo nước ngọt màu xanh lam, thường được sản xuất dưới dạng viên, mảnh hoặc bột. Tương tự như Chlorella, Spirulina chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và thường được sử dụng làm thực phẩm bổ sung.
Tảo bẹ là loại rong biển phổ biến tại Việt Nam
Tảo bẹ là loại rong biển phổ biến tại Việt Nam (Nguồn: Internet)

Giá trị dinh dưỡng của rong biển khô và tươi

Cây rong biển là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Giá trị dinh dưỡng cụ thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại rong biển, cách chế biến cũng như cách sử dụng.

Trung bình trong 100g rong biển tươi chứa 45g calo với các dưỡng chất như 10 gram carbohydrate, 2g chất đạm (protein chủ yếu là các amino acid cần thiết), 1 gram chất béo và chất xơ. Ngoài ra, rong biển còn chứa một số khoáng chất thiết yếu đối với cơ thể như:

  • Khoáng chất như magie, mangan, iốt, natri, canxi, folate, kali, sắt, đồng
  • Vitamin A, vitamin C, vitamin E, phốt pho, vitamin B, vitamin K và choline
  • Axit béo omega-3 và omega-6
  • Chất chống oxy hóa
  • Polysaccharides sulfated (sPS)

Đặc biệt, rong biển khô cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn so với rong biển tươi. Chỉ cần một lượng nhỏ tảo bẹ khô khoảng 8gr đã có thể cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng đã được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, hàm lượng chất dinh dưỡng trong rong biển khô có thể thay đổi tùy theo loại và thương hiệu cụ thể của sản phẩm.

Một số tác dụng tốt cho sức khỏe của rong biển

Cây rong biển có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe con người nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất quý giá. Dưới đây là các công dụng của rong biển:

Cải thiện hệ tim mạch

Rong biển chứa nhiều chất xơ hòa tan như alginate và carrageenan, giúp giảm hấp thu cholesterol trong tiêu hóa và kiểm soát mức Cholesterol máu. Điều này có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh đau thắt ngực. Các polysaccharides sulfated (sPS) trong rong biển có khả năng giảm huyết áp và làm giảm nguy cơ tình trạng đông máu.

Ngoài ra, loại thực vật này cũng chứa axit béo omega-3 chuỗi dài, như EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic acid) có tác dụng chống viêm nhiễm và làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như đau thắt ngực hoặc đột quỵ.

Rong biển giúp cải thiện hệ tim mạch
Rong biển giúp cải thiện hệ tim mạch (Nguồn: Internet)

Cải thiện tuyến giáp trong cơ thể

Rong biển là loại thực vật giàu i-ốt, một khoáng chất quan trọng cho sự hoạt động của tuyến giáp. Iodine giúp duy trì sức khỏe của tuyến giáp và điều tiết sản xuất hormone tuyến giáp, đặc biệt là hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). 

Thiếu iốt có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, trong đó suy giáp là triệu chứng phổ biến nhất. Các triệu chứng suy giáp bao gồm khô da, trì trệ, trầm cảm, ngứa ran ở bàn tay và bàn chân, tăng cân mất kiểm soát….

Rong biển giúp ổn định đường huyết 

Các nhà nghiên cứu phát hiện một số hợp chất có trong rong biển đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ổn định đường huyết, đồng thời ngăn ngừa bệnh đái tháo đường loại 2. Một trong những hợp chất quan trọng là fucoxanthin – một chất chống oxy hóa thường tìm thấy trong tảo nâu. Fucoxanthin giúp giảm kháng insulin và ổn định lượng đường trong máu.

Ngoài ra, thành phần chất xơ trong rong biển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Chất xơ giúp làm chậm tốc độ hấp thụ carbohydrate, giúp cơ thể dễ dàng kiểm soát hàm lượng đường trong máu.

Rong biển có công dụng giảm cân

Rong biển có hàm lượng calo thấp và chất xơ cao, giúp tạo cảm giác no lâu. Hơn nữa, rong biển chứa fucoidan – một loại polysaccharides sulfated (sPS) có khả năng tăng cường phân hủy chất béo và ngăn chặn sự hình thành của chất béo. Vì vậy, sử dụng rong biển thường xuyên có thể giúp giảm cân. 

Để chứng minh cho điều này, một nghiên cứu trên những người béo phì đã được thực hiện. Người tham gia sẽ sử dụng rong biển trong bữa ăn hàng ngày và kết quả cho thấy họ giảm được khoảng 1,6kg sau 12-16 tuần. 

Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rong biển có khả năng giảm mức độ estrogen, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Ung thư vú ở phụ nữ. Hơn nữa, chất xơ hòa tan trong rong biển có khả năng chống lại sự phát triển của ung thư đại tràng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng còn ít nghiên cứu điều tra tác động trực tiếp của rong biển đối với bệnh nhân ung thư. Việc đưa rong biển vào chế độ dinh dưỡng nên được cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế.

Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Bên cạnh các công dụng ở trên, rong biển cũng giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Các chất xơ trong loại thực vật này giúp ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra rong biển cũng chứa các thành phần như agars, carrageenans và fucoidan hoạt động như prebiotics – một loại chất xơ không tiêu hóa giúp cung cấp dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi trong ruột. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung rong biển có thể cải thiện số lượng lợi khuẩn và giảm lượng hại khuẩn trong đường ruột hiệu quả hơn so với các loại prebiotics khác. Một số prebiotics trong rong biển còn có khả năng ngăn chặn vi khuẩn có hại như vi khuẩn HP dạ dày kết dính vào thành ruột, tránh loét dạ dày.

Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Sử dụng rong biển giúp hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn (Nguồn: Internet)

Tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể

Thành phần của rong biển bao gồm các hợp chất có tính chất chống oxy hóa, chống Dị ứng và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và giúp bảo vệ khỏi một số bệnh nhiễm trùng. 

Các nghiên cứu đã sử dụng các hợp chất này từ rong biển để khảo sát tác động đối với người mắc herpes và HIV và kết quả cho thấy rằng chúng có khả năng ngăn chặn virus herpes và HIV thâm nhập vào tế bào trong cơ thể.

Cách bảo quản rong biển sấy khô và dạng tươi

Bảo quản rong biển đúng cách là bước quan trọng để duy trì chất lượng, tránh tình trạng hư hỏng. Dưới đây là một số cách bảo quản rong biển mà mọi người có thể tham khảo:

Cách bảo quản rong biển khô:

  • Rong biển khô nên được đóng gói kín trong túi ni lông hoặc hộp kín để ngăn hơi ẩm và không khí lọt vào.
  • Để rong biển khô ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp hoặc độ ẩm cao.
  • Có thể đặt một túi hút ẩm hoặc hạt gạo khô trong bao bì rong biển để hút ẩm.

Cách bảo quản rong biển tươi:

  • Trước khi đóng gói và bảo quản, hãy rửa sạch rong biển tươi để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và các tạp chất.
  • Rong biển tươi nên được đóng gói trong bao bì, tốt nhất là hút chân không.
  • Nếu có điều kiện, nên cất rong biển tươi trong tủ lạnh ở nhiệt độ thấp (từ 0 độ C đến 4 độ C).
  • Rong biển tươi nên được sử dụng càng nhanh càng tốt sau khi mua.

Lưu ý: Rong biển tươi thường có thời hạn sử dụng ngắn hơn so với rong biển khô. Vì vậy hãy kiểm tra hạn sử dụng trên bao bì và sử dụng nhanh chóng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trên đây là các công dụng của rong biển đối với sức khỏe con người mà Hoàn Mỹ đã đề cập chi tiết. Đây là một nguồn thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú, dễ dàng chế biến thành các món ăn có hương vị thơm ngon. Mời bạn truy cập vào mục Tin tức y tế để cập nhật kiến thức sức khỏe hữu ích. Để đặt lịch khám tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng gọi đến HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.