Vitamin B là nguồn dưỡng chất đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể con người, tham gia vào quá trình tổng hợp hồng cầu, chuyển hóa, hỗ trợ phản ứng hóa học của protein, enzyme,… Tình trạng thiếu hụt nhóm chất này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, đặc biệt là hệ tiêu hóa, tim mạch và thần kinh. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cập nhật thông tin chi tiết hơn về vai trò của các Vitamin nhóm B, nhu cầu ở trẻ em, người lớn và hướng dẫn bổ sung đúng cách.
>>> Xem thêm:
- Vitamin tổng hợp là gì? Cách sử dụng đạt hiệu quả cao
- Vitamin D3K2 là gì? Lưu ý khi bổ sung vitamin D3K2 cho bé
- Những nguy hiểm khi thiếu hụt vitamin D và cách bổ sung hiệu quả
Vitamin B là gì? Vai trò của vitamin đối với cơ thể người
Vitamin B là một nhóm vitamin có khả năng tan trong nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa tế bào và tổng hợp hồng cầu. Nhóm chất này là tập hợp của 8 loại Vitamin khác nhau, được gọi theo tên hóa học hoặc đánh số thứ tự để dễ dàng phân biệt. Vitamin B có trong nhiều loại thực phẩm nhưng rất dễ hòa tan trong nước hoặc bị phá hủy do rượu hay nhiệt độ trong quá trình chế biến.
Vai trò của vitamin B đối với sức khỏe:
- Chuyển hóa thức ăn thành các chất, từ đó tạo ra năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
- Điều hòa phản ứng hóa học của các enzyme, protein.
- Ngăn ngừa mắc bệnh Beriberi do thiếu vitamin B1.
- Hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Hỗ trợ quá trình sản xuất các hormone trong cơ thể.
- Tham gia vào quá trình tạo máu và chuyển hóa tế bào làm giảm nguy cơ đột quỵ.
- Làm giảm nguy cơ Thiếu máu và bệnh tim mạch.
- Giúp tăng cường sức khỏe cho da, móng, tóc.
Tác hại nếu thiếu hụt Vitamin B
Tình trạng thiếu hụt Vitamin B gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại như:
- Nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiêu hóa và thần kinh.
- Cơ bắp bị suy yếu.
- Tăng khả năng mắc bệnh Beriberi và hội chứng Wernicke-Korsakoff.
- Tăng nguy cơ mất trí nhớ.
- Bệnh viêm da.
- Ức chế sự phát triển của não bộ.
- Làm giảm chức năng miễn dịch và hoạt động của hormone steroid.
- Nguy cơ dị tật ống thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em.
Ngoài ra, sự thiếu hụt Vitamin B có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, tiêu chảy, yếu cơ, khó chịu, khó phối hợp tay chân trong quá trình vận động, thậm chí là mắc chứng lú lẫn. Tình trạng này thường xảy ra do chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ dưỡng chất hoặc thói quen uống quá nhiều rượu. Do đó, việc bổ sung đầy đủ Vitamin B là điều vô cùng quan trọng, giúp hỗ trợ cơ thể phát triển khỏe mạnh, đồng thời làm tăng hiệu quả phòng ngừa bệnh tật.
Các loại vitamin B và vai trò của từng loại
Theo Better Health Channel, Vitamin nhóm B gồm 8 loại như sau:
- Vitamin B1 (Thiamin): Thực hiện chức năng chuyển đổi glucose thành năng lượng và hỗ trợ hoạt động thần kinh.
- Vitamin B2 (Riboflavin): Tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng, hỗ trợ thị lực và sức khỏe làn da.
- Vitamin B3 (Niacin): Chuyển hóa carbohydrate, chất béo và rượu thành năng lượng phục vụ cho hoạt động sống của cơ thể. Vitamin B3 đồng thời còn giúp duy trì sức khỏe làn da, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và thần kinh. Khác với các vitamin nhóm B khác, niacin rất bền với nhiệt và ít bị phá hủy trong quá trình nấu nướng. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều Vitamin B3 sẽ làm tăng nguy cơ hình thành mỡ trong máu và gây tổn thương gan.
- Vitamin B5 (Axit pantothenic): Đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, protein, chất béo, rượu, đồng thời tham gia sản xuất hồng cầu và hormone steroid.
- Vitamin B6 (Pyridoxine): Đây là nguồn dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa protein, carbohydrate và hình thành tế bào hồng cầu. Đồng thời, Vitamin B6 cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, chức năng miễn dịch và hoạt động của hormone steroid trong cơ thể.
- Vitamin B7 (Biotin): Đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển hóa năng lượng, axit amin, tổng hợp chất béo và glycogen trong cơ thể. Tuy nhiên, hàm lượng biotin quá cao có thể góp phần làm tăng nồng độ cholesterol trong máu.
- Vitamin B9 (Folate/axit folic): Nguồn dưỡng chất cần thiết trong quá trình sản xuất hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thần kinh ở thai nhi, tổng hợp DNA, phát triển tế bào và làm giảm nguy cơ bị dị tật ống thần kinh.
- Vitamin B12 (Cyanocobalamin): Hỗ trợ quá trình sản xuất, duy trì myelin bao quanh các tế bào thần kinh, hình thành hồng cầu, phân hủy một số axit béo, axit amin để tạo thành năng lượng.
Nhu cầu vitamin B ở trẻ em và người trưởng thành
Đối với trẻ em
Nhu cầu bổ sung Vitamin B ở trẻ em thay đổi theo độ tuổi. Dưới đây là liều lượng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyến nghị:
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi:
- Vitamin B1 (thiamin): 0,5 – 0,7 mg.
- Vitamin B2 (riboflavin): 0,6 – 0,8 mg.
- Vitamin B3 (niacin): 8 – 9 mg.
- Vitamin B5 (axit pantothenic): 3 – 5 mg.
- Vitamin B6 (pyridoxine): 0,1 – 0,5 mg.
- Vitamin B7 (biotin): 50 – 150 mcg.
- Vitamin B9 (acid folic): 100 – 200 mcg.
- Vitamin B12 (cyanocobalamin/methylcobalamin): 2 – 3 mcg.
Đối với trẻ em từ 4 tuổi trở lên:
- Vitamin B1 (thiamin): 1,5 mg.
- Vitamin B2 (riboflavin): 1,7 mg.
- Vitamin B3 (niacin): 20 mg.
- Vitamin B5 (axit pantothenic): 10 mg.
- Vitamin B6 (pyridoxine): 2 mg.
- Vitamin B7 (biotin): 300 mcg.
- Vitamin B9 (folate): 400 mcg.
- Vitamin B12 (cyanocobalamin): 6 mcg.
Đối với người trưởng thành
Một người trưởng thành khỏe mạnh cần bổ sung khoảng 2,4 mcg vitamin B12, 1,3 mg vitamin B6; 400 mcg, 5 mg axit pantothenic và 30 mcg biotin. Tuy nhiên, liều lượng giữa nam giới và nữ giới có một số khác biệt như sau:
Nam giới:
- Vitamin B3 (niacin): 16 mg.
- Vitamin B1 (thiamin): 1,2 mg.
Nữ giới:
- Vitamin B3 (niacin): 14 mg.
- Vitamin B1 (thiamin): 1,1 mg.
- Vitamin B2 (riboflavin): 1,1 mg.
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú có thể cần bổ sung nhiều Vitamin B hơn nhu cầu bình thường, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng.
Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý sử dụng hay ngừng thuốc.
>>> Xem thêm:
- Vitamin E: Công dụng trong đời sống và cách uống đúng
- Hướng dẫn bổ sung vitamin C cho bé đúng cách theo độ tuổi
- Nên uống vitamin C lúc nào trong ngày là tốt nhất?
Bổ sung vitamin B bằng cách nào?
Dưới đây là 2 hình thức bổ sung Vitamin B bạn có thể tham khảo:
Bằng thực phẩm
- Nguồn thực phẩm giàu thiamin (Vitamin B1): Ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt (đặc biệt là hạt vừng), mầm lúa mì, các loại đậu, quả hạch, thịt lợn.
- Nguồn thực phẩm giàu riboflavin (Vitamin B2): Sữa, sữa chua, phô mai, bánh mì, lòng trắng trứng, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, nội tạng động vật (gan, thận).
- Nguồn niacin tốt (Vitamin B3): Cá, thịt gia cầm, sữa, trứng, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, nấm, tất cả các loại thực phẩm giàu protein.
- Nguồn thực phẩm giàu axit pantothenic (Vitamin B5): Nội tạng động vật (gan, thận), thịt, sữa, trứng, đậu phộng, các loại đậu.
- Nguồn thực phẩm giàu pyridoxine (Vitamin B6): Ngũ cốc, các loại đậu, rau xanh và lá, cá, thủy/hải sản có vỏ, gan động vật, thịt, thịt gia cầm, quả hạch, trái cây.
- Nguồn thực phẩm giàu biotin (Vitamin B7): Gan động vật, súp lơ, lòng đỏ trứng, đậu phộng, thịt gà, nấm.
- Nguồn thực phẩm giàu folate (Vitamin B9): Các loại rau lá xanh, các loại đậu, các loại hạt, gan động vật, thịt gia cầm, trứng, ngũ cốc, trái cây họ cam quýt.
- Nguồn thực phẩm giàu Cyanocobalamin (Vitamin B12): Gan động vật, sữa, phô mai, trứng (hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật).
Bằng thực phẩm chức năng
Với các trường hợp không thể cung cấp đầy đủ Vitamin B thông qua chế độ ăn hàng ngày, sử dụng thực phẩm chức năng chính là giải pháp tối ưu nhất để cải thiện quá trình trao đổi chất. Nhóm đối tượng cần sử dụn bao gồm:
- Người ăn chay.
- Người kén ăn.
- Người có chế độ ăn không đủ dinh dưỡng và calo.
- Người bị rối loạn tiêu hóa hoặc hệ tiêu hóa kém hấp thu dinh dưỡng.
- Phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú (cần bổ sung đầy đủ Vitamin B để giúp thai nhi phát triển toàn diện về trí não, thể chất và tránh bị khuyết tật ống thần kinh).
- Người cao tuổi.
Dưới đây là một số đối tượng không nên tự ý sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung Vitamin B để tránh xảy ra các vấn đề sức khỏe ngoài ý muốn.
- Người mắc bệnh đái tháo đường: Vitamin B3 có chứa axit nicotinic làm tăng lượng đường huyết trong máu, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả điều trị của thuốc tiểu đường.
- Người đang dùng thuốc huyết áp.
- Người đang dùng thuốc chống động kinh.
- Người đang dùng dùng thuốc điều trị bệnh lao.
- Người đang điều trị ung thư.
- Người bệnh đang dùng thuốc trị loét đại tràng và trào ngược dạ dày.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
>>> Xem thêm:
- Vai trò của vitamin K là gì? Những thực phẩm giàu vitamin K
- Vai trò của vitamin A? Cách dùng và liều dùng
- Vitamin C: Công dụng, liều dùng và cách bổ sung cho cơ thể
Trên đây là tổng hợp các thông tin quan trọng liên quan đến vitamin B, vai trò đối với sức khỏe, nhu cầu ở trẻ em, người trưởng thành và hướng dẫn bổ sung đúng cách để đạt hiệu quả cao nhất. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
Nguồn tham khảo:
- Department of Health & Human Services, B.H.C. (2000) Vitamin B, Better Health Channel. Available at: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/vitamin-b (Accessed: 02 November 2023).
- Snow, Dr.J. (2020) Why is the vitamin B complex important for kids? I hiya health, Hiya Health | Essential Super Nutrients for Kids. Available at: https://hiyahealth.com/blogs/news/why-is-the-vitamin-b-complex-important-for-kids (Accessed: 02 November 2023).
- Wolfenden, E. (2019) How much vitamin B complex should a person take in a day? | livestrong, LIVESTRONG.COM. Available at: https://www.livestrong.com/article/483285-how-much-vitamin-b-complex-should-a-person-take-in-a-day/ (Accessed: 02 November 2023).
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.