Tin tức y tế

Vitamin B5: Vài trò, công dụng và một số lưu ý khi bổ sung

05/11/2023

Vitamin B5 (axit pantothenic) là nguồn dưỡng chất thiết yếu đối với cơ thể của con người, đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích nội tiết tố, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe tim mạch,… Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ chia sẻ chi tiết hơn về vitamin B5, tham khảo ngay để cập nhật thêm thông tin!

>>> Xem thêm:

  • Vitamin tổng hợp là gì? Cách sử dụng đạt hiệu quả cao
  • Vitamin B1: Vai trò, công dụng và những lưu ý khi sử dụng
  • Vai trò của vitamin K là gì? Những thực phẩm giàu vitamin K

Vitamin B5 là gì?

Theo Healthline, Vitamin B5 hay axit pantothenic là nguồn dưỡng chất đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình sản xuất tế bào máu và chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Vitamin B5 tồn tại dưới dạng hợp chất hữu cơ, cơ thể không thể tự tổng hợp được, cần được bổ sung từ các nguồn bên ngoài, chủ yếu là thực phẩm ăn uống hàng ngày. 

Vai trò của vitamin đối với cơ thể người

Vitamin B5 là một trong 8 loại vitamin B quan trọng nhất trong cơ thể con người, thực hiện chức năng chuyển đổi protein, carbohydrate và chất béo thành năng lượng. Vai trò cụ thể gồm:

  • Kích thích nội tiết tố: Vitamin B5 đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp các thành phần quan trọng cần thiết cho cơ thể, chẳng hạn như chất béo, protein, carbohydrate, axit amin, đồng thời kích thích hormone sinh dục và hormone tuyến thượng thận.
  • Giảm căng thẳng: Vitamin B5 có khả năng điều chỉnh các hormone liên quan đến sức khỏe tinh thần, giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm
  • Cải thiện sức khỏe tim mạch: Thực hiện vai trò điều chỉnh nồng độ cholesterol, giúp kiểm soát huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Có lợi cho sức khỏe da và tóc: B5 giúp làm chậm các dấu hiệu lão hóa da, ngăn hình thành mụn, nếp nhăn, đồi mồi, duy trì mái tóc chắc khỏe, bóng mượt và giảm gãy rụng hiệu quả. 
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch: Vitamin B5 là nguồn dưỡng chất quan trọng giúp tối đa hóa số lượng bạch cầu trong cơ thể, đảm bảo hệ thống miễn dịch hoạt động khỏe mạnh, từ đó bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh lý khác.
  • Tăng mức độ huyết sắc tố: Vitamin B5 đã được chứng minh có khả năng nâng cao mức độ huyết sắc tố trong cơ thể, hỗ trợ gan thực hiện chức năng chuyển hóa các chất độc hại. Đồng thời, đây cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng cho quá trình phân chia tế bào và tái tạo DNA.
  • Hỗ trợ điều trị một số vấn đề bệnh lý thường gặp: Viêm xương khớp, viêm xương khớp dạng thấp, bệnh Parkinson, hội chứng tiền kinh nguyệt, phì đại tuyến tiền liệt, bệnh zona thần kinh,… 

Tình trạng thiếu hụt vitamin B5 thường xảy ra đối với các trường hợp suy dinh dưỡng cực độ, người mắc bệnh về đường tiêu hóa, đột biến gen,… Về lâu dài, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại như: tê bì chân tay, suy yếu cơ, các vấn đề về ruột, dạ dày, hạ đường huyết, nhiễm trùng đường hô hấp,… Các triệu chứng dễ nhận thấy nhất gồm:

  • Đau đầu.
  • Buồn nôn, ói mửa.
  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Khó chịu, bồn chồn trong người.
  • Tê bì, nóng rát ở tay và chân.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Chuột rút ở cơ bắp.
  • Mệt mỏi.
  • Co thắt dạ dày.

Trong trường hợp thiếu hụt vitamin B5 nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung bằng đường uống hoặc truyền qua đường tĩnh mạch.

Vai trò của vitamin đối với cơ thể người
Bổ sung vitamin B5 đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

Nhu cầu vitamin B5 ở trẻ em và người trưởng thành

Nhu cầu vitamin B5 ở trẻ em và người trưởng thành hoàn toàn khác nhau, cần tham khảo kỹ lưỡng để bổ sung đúng liều lượng, giúp hạn chế xảy ra các vấn đề sức khỏe ngoài ý muốn. Liều dùng vitamin được (NIH) National Institutes of Health Office of Dietary Supplements khuyến nghị như sau:

Đối với trẻ em

Nhu cầu vitamin B5 ở trẻ em được khuyến cáo với liều lượng như sau:

  • Trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng: 1,7 mg/ngày.
  • Trẻ sơ sinh từ 7 – 12 tháng: 1,8 mg/ngày.
  • Trẻ em từ 1 – 3 tuổi: 2mg/ngày.
  • Trẻ em từ 4 – 8 tuổi: 3mg/ngày.
  • Trẻ em từ 9 – 13 tuổi: 4mg/ngày.

Đối với người trưởng thành

  • Nam, nữ từ 14 tuổi trở lên: 5mg/ngày.
  • Phụ nữ mang thai: 6mg/ngày.
  • Phụ nữ cho con bú: 7mg/ngày.

Vitamin B5 hòa tan trong nước và được bài tiết thông qua đường nước tiểu. Cơ thể không dự trữ dưỡng chất này, cần được bổ sung hàng ngày thông qua các nguồn cung cấp để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, Hội Đồng Thực Phẩm và Dinh Dưỡng Hoa Kỳ khuyến cáo không nên dùng quá 10gr/ngày để tránh xảy ra tác dụng phụ. 

Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý sử dụng hay ngừng thuốc.

>>> Xem thêm:

  • Vai trò của vitamin A? Cách dùng và liều dùng
  • Vitamin C: Công dụng, liều dùng và cách bổ sung cho cơ thể
  • Vitamin B12 có công dụng gì? Một số lưu ý cần biết khi sử dụng
Nhu cầu vitamin B5 ở trẻ em và người trưởng thành
Bổ sung vitamin B5 theo đúng liều lượng khuyến cáo để đạt hiệu quả tốt nhất (Nguồn: Internet)

Bổ sung vitamin B5 bằng cách nào?

Vitamin B5 có thể được bổ sung theo 2 hình thức bằng thực phẩm tự nhiên và thực phẩm chức năng.

Bằng thực phẩm

Nhiều nguồn thực phẩm từ động vật, thực vật rất giàu vitamin B5, có thể kể đến như:

  • Các loại thịt: Thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, thịt bò,…
  • Nội tạng động vật: Gan, thận,…
  • Các loại thủy hải sản: Cá hồi, tôm hùm,…
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Loại thực phẩm này cung cấp nguồn vitamin B5 dồi dào, nên dùng ngũ cốc nguyên hạt vì nếu qua xay xát, hàm lượng dưỡng chất sẽ giảm đến 75%. 
  • Các sản phẩm từ sữa: Sữa, sữa chua, phô mai,…
  • Các loại đậu: Đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu nành,…
  • Các loại rau: Nấm, bông cải xanh, khoai lang, ngô, súp lơ, rau cải xoăn, cà chua,… 
  • Các loại trái cây: Chuối, bưởi, ổi, lựu,…
  • Các nguồn khác: Lòng đỏ trứng, đậu phộng, sữa ong chúa, hạt hướng dương,…

Bằng thực phẩm chức năng

Ngoài nguồn thực phẩm từ tự nhiên, bạn cũng có thể bổ sung vitamin B5 thông qua thực phẩm chức năng. Giải pháp này phù hợp với những đối tượng gặp khó khăn trong việc tính toán lượng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày hoặc cơ thể thiếu hụt vitamin B5 nhưng khó hấp thụ qua thức ăn thông thường. Bạn có thể sử dụng cùng lúc với thức ăn để tránh kích ứng dạ dày. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng để tránh xảy ra các vấn đề không mong muốn. 

Bổ sung vitamin B5 bằng cách nào?
Có thể bổ sung vitamin B5 bằng thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của vitamin B5

Vitamin B5 có khả năng dung nạp tốt và tương đối an toàn khi sử dụng cho người khỏe mạnh. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp là đau cơ, đau khớp, đau đầu, đau dạ dày. Ngộ độc vitamin B5 rất khó xảy ra trong trường hợp bổ sung từ chế độ ăn uống hàng ngày. 

Tuy nhiên, liều dùng vượt quá 10mg/ngày có thể gây tiêu chảy, ngứa ngáy.Một số phản ứng Dị ứng nghiêm trọng là nổi mề đay, khó thở, tức ngực, sưng miệng, môi,… Trong những trường hợp này, người bệnh cần được cấp cứu và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nghiêm trọng hơn. 

>>> Xem thêm:

  • Vitamin E: Công dụng trong đời sống và cách uống đúng
  • Lợi ích khi dùng vitamin D3 và những điều cần biết
  • Vitamin D3K2 là gì? Lưu ý khi bổ sung vitamin D3K2 cho bé

Trên đây là tổng hợp các thông tin liên quan đến vitamin B5, vai trò đối với sức khỏe, nhu cầu ở trẻ em, người lớn, hướng dẫn bổ sung đúng cách bằng thực phẩm và thực phẩm chức năng. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Nguồn tham khảo:

  • Morris, R. (2018) Vitamin B5 (pantothenic acid), Healthline. Available at: https://www.healthline.com/health/vitamin-watch-what-does-b5-do (Accessed: 02 November 2023). 
  • Nagdevelast, M. (2020) 9 surprising benefits of vitamin B5 (pantothenic acid), Organic Facts. Available at: https://www.organicfacts.net/health-benefits/vitamins/vitamin-b5-or-pantothenic-acid.html (Accessed: 02 November 2023).
  • National Institutes of Health Office of Dietary Supplements, N. (2021) Office of dietary supplements – pantothenic acid, NIH Office of Dietary Supplements. Available at: https://ods.od.nih.gov/factsheets/PantothenicAcid-Consumer/ (Accessed: 02 November 2023).

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.