Tin tức y tế

Dấu hiệu sốt siêu vi là gì? Sốt siêu vi lây qua đường nào?

03/07/2023

Sốt siêu vi là một bệnh cấp tính do nhiễm virus gây ra, thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như Sốt cao, ho, hắt hơi, viêm họng, phát ban… và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết của Hoàn Mỹ sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sốt siêu vi bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa.

>> Xem thêm:

Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi là một triệu chứng thường gặp khi cơ thể bị nhiễm các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau. Có rất nhiều virus có thể gây ra bệnh chẳng hạn như rhinovirus, coronavirus, adenovirus, enterovirus hay virus cúm. 

Sốt siêu vi có thể dao động từ nhẹ đến rất cao (từ 38-39°C hoặc lên tới 40°C), kéo dài liên tục hoặc xuất hiện ngắt quãng. Thời gian bệnh kéo dài khoảng 7-10 ngày và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc kịp thời. Tuy nhiên, bạn không nên coi nhẹ sốt siêu vi vì nó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

>> Xem thêm: Sốt virus có lây không? Lây qua đường nào, cách chữa Sốt virus?

Các triệu chứng nhiễm Sốt siêu vi

Triệu chứng Sốt siêu vi ở người lớn

  • Cảm giác mệt mỏi, cơ thể nặng nề.
  • Đau nhức cơ bắp.
  • Sốt cao đột ngột lên tới 40 – 41 độ C.
  • Nghẹt mũi.
  • Ho và chảy nước mũi.
  • Nổi mẩn đỏ trên da.
Triệu chứng sốt siêu vi ở người lớn
Triệu chứng Sốt siêu vi ở người lớn (Nguồn: Hoàn Mỹ)

Triệu chứng Sốt siêu vi ở trẻ em

  • Chán ăn.
  • Sốt.
  • Viêm họng, ho.
  • Nghẹt mũi, sổ mũi.
  • Đỏ mắt.
  • Phát ban, nổi bọng nước.
  • Quấy khóc bất thường.
  • Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa.
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da.
Triệu chứng sốt siêu vi ở người lớn
Triệu chứng Sốt siêu vi ở trẻ em (Nguồn: Hoàn Mỹ)

Ngoài những dấu hiệu trên, nếu cơ thể trẻ còn xuất hiện các biểu hiện sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để tránh bệnh chuyển biến xấu:

  • Sốt cao theo từng cơn, kéo dài hơn 2 ngày, không có dấu hiệu hạ Sốt sau khi uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Co giật toàn thân.
  • Hôn mê.
  • Chân tay lạnh toát, run rẩy bất thường.
  • Phát ban toàn thân.
  • Chất thải màu đen kèm máu.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Mắt bị đau khi bị ánh sáng chiếu vào.
  • Khó thở, thở nhanh.

>> Xem thêm: Xử trí đúng cách khi trẻ bị co giật do sốt tại nhà

Các triệu chứng của sốt siêu vi
Tùy vào virus của bệnh mà sẽ có những triệu chứng bệnh khác nhau (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân bị bệnh Sốt siêu vi

Sốt siêu vi là một triệu chứng do nhiễm nhiều loại virus (siêu vi trùng) khác nhau gây ra, điển hình như: Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, Enterovirus hay virus cúm. Mỗi loại virus có thể gây ra một dạng Sốt siêu vi riêng biệt.

Loại bệnh này thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ẩm. Đây là thời điểm mà trẻ em dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sốt siêu vi.

Sốt siêu vi thường lây qua đường nào?

Sốt siêu vi có lây từ người sang người không? Sốt siêu vi có thể lây truyền qua nhiều đường khác nhau, trong đó phổ biến nhất là qua đường hô hấp và tiêu hóa. Cụ thể:

  • Qua đường hô hấp: Khi tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi hoặc khí thở của người bệnh khi họ nói chuyện, ho, hắt hơi hay sổ mũi sẽ gây ra nhiễm bệnh. Đây là cách lây truyền chính của các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh hay viêm phổi.
  • Qua đường tiêu hóa: Có thể bị nhiễm virus khi ăn uống các thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm virus như norovirus hay enterovirus. Đây là cách lây truyền của các bệnh như tiêu chảy, viêm ruột hay viêm dạ dày.
  • Qua đường cắn/đốt: Khi bị côn trùng hoặc động vật mang virus cắn hoặc đốt thì sẽ có nguy cơ nhiễm sốt siêu vi. Đây là cách lây truyền của các bệnh như dại, sốt xuất huyết hay Sốt vàng da.
  • Qua đường máu: Có thể bị nhiễm virus khi tiếp xúc với máu của người bệnh hoặc nhận máu từ người hiến máu bị nhiễm virus. Đây là cách lây truyền của các bệnh như viêm gan B, C hay HIV/AIDS.
  • Qua đường tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh hoặc mang virus, đây là con đường lây nhiễm bệnh sốt siêu vi, đồng thời gây ra một số bệnh khác như herpes sinh dục, bệnh giang mai hay bệnh lậu.

Đối tượng dễ bị nhiễm Sốt siêu vi

Mọi đối thượng đều có thể bị nhiễm Sốt siêu vi, trong đó, những đối tượng có nguy cơ mắc phải bao gồm:

  • Từng tiếp xúc gần với người bị nhiễm Sốt siêu vi.
  • Tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm virus.
  • Khu vực sinh sống đang có “dịch” Sốt virus.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu.

>> Xem thêm: Xử trí và phòng ngừa sốt do virut ở trẻ

Chẩn đoán bệnh Sốt siêu vi

Để chẩn đoán bệnh sốt siêu vi, bác sĩ có thể sẽ bắt đầu bằng cách loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn. Họ có thể làm điều này bằng cách xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn cũng như lấy bất kỳ mẫu nào để xét nghiệm vi khuẩn.

Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để xác định loại virus gây bệnh và mức độ nhiễm trùng, ví dụ như: xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm CRP (protein C phản ứng), xét nghiệm tìm kháng nguyên virus (antigen test), xét nghiệm PCR (polymerase chain reaction), xét nghiệm nuôi cấy virus.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại virus đều có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm này. Một số virus có thể chỉ được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng và tiếp xúc với người bệnh.

Sốt siêu vi lây qua đường nào?
Cần đi khám bác sĩ ngay nếu thấy dấu hiệu bị Sốt (Nguồn: Internet)

Cách điều trị bệnh Sốt siêu vi tại nhà

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho sốt siêu vi. Phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ làm giảm triệu chứng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. 

  • Nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động mạnh.
  • Bổ sung nước và bù điện giải.
  • Tăng cường hệ miễn dịch, ăn thêm hoa quả tươi để bổ sung nhiều vitamin C3.
  • Dùng những loại thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng.
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ Sốt để làm dịu các triệu chứng.
  • Làm mát cơ thể.

Cách phòng ngừa Sốt siêu vi

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả:

  • Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh.
  • Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống cân bằng, uống nhiều nước, nghỉ ngơi đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
  • Tiêm chủng vaccine phòng cúm theo khuyến cáo của bác sĩ, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính.
  • Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng sốt siêu vi hoặc những vật dụng có thể chứa virus như khăn giấy, đồ chơi, tay nắm cửa…
  • Khi có dấu hiệu sốt, nên đi khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Phòng ngừa muỗi đốt bằng cách sử dụng mùng màn, kem bôi, thuốc xịt chống muỗi.

Các biến chứng của bệnh Sốt siêu vi

Sốt siêu vi là một căn bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan qua các đường hô hấp và tiêu hóa. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Một số biến chứng thường gặp của loại bệnh này là:

  • Viêm phổi do virus hoặc do nhiễm trùng thêm các loại vi khuẩn khác, là một biến chứng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhất. Triệu chứng bao gồm ho khan hoặc ho có đờm, khó thở, đau ngực, Sốt cao.
  • Viêm não, màng não do virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng bao gồm đau đầu nặng, buồn nôn, ói mửa, co giật, hôn mê.
  • Viêm cơ gây hủy cơ và suy thận cấp do virus tấn công vào các tế bào cơ và thận. Triệu chứng bao gồm đau cơ toàn thân, tiểu ít hoặc không tiểu, sưng mắt và chân tay.

Cách điều trị, chăm sóc, theo dõi trẻ em bị Sốt siêu vi tại nhà

Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi tại nhà:

  • Nên đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ, nếu trên 38 độ C thì cho trẻ uống thuốc hạ Sốt theo hướng dẫn của bác sĩ (Paracetamol liều 10 – 15mg/kg/lần, cách nhau 4 – 6 giờ). 
  • Để trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, tránh ồn ào. 
  • Dùng khăn ấm lau người cho trẻ, chú ý đến các vùng bẹn, nách. 
  • Tránh cho trẻ mặc quần áo bó sát, khó thấm hút mồ hôi. 
  • Cho trẻ uống nhiều nước để giảm sốt, loại bỏ các chất độc trong cơ thể và ăn các loại thức ăn lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo, súp. Chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, không ép trẻ ăn quá nhiều trong một lần. 
  • Bổ sung thêm các loại nước ép hoa quả giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ.
  • Theo dõi tình hình của trẻ, nếu có biểu hiện gì bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ. Tránh để trẻ Sốt quá cao gây co giật hoặc các biến chứng nguy hiểm.
Cho trẻ nghỉ ngơi
Cho trẻ nghỉ ngơi ở những nơi yên tĩnh, thoáng mát (Nguồn: Internet)

Bị bệnh Sốt siêu vi nên ăn gì và nên kiêng gì?

Những loại thực phẩm mà người bị Sốt siêu vi nên ăn để cải thiện tình trạng bệnh:

  • Súp gà: Món ăn này cung cấp nhiều nước và nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể.
  • Nước dừa tươi: Nước dừa tươi giàu chất điện giải, giúp cơ thể lấy lại năng lượng.
  • Nước hầm xương, hầm rau củ quả: Loại thực phẩm này cung cấp cho cơ thể nhiều calo, vitamin và khoáng chất.
  • Tỏi: Tỏi có khả năng kháng khuẩn, chống viêm và chống nấm.
  • Gừng: Gừng có khả năng giữ ấm cho cơ thể tốt, đây là điều kiện giúp cơ thể cải thiện bệnh.
  • Trái cây tươi: Các loại trái cây tươi như cam, dâu tây, kiwi cung cấp nhiều vitamin C, khoáng chất và chất xơ, giúp tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể.

Vậy những người mắc bệnh Sốt siêu vi nên kiêng gì?

  • Người mắc bệnh nên kiêng các loại thực phẩm chứa các chất kích thích, cồn để tránh việc mất nước.
  • Kiêng các loại thức ăn nhanh để cơ thể dễ tiêu hóa hơn.
  • Người mắc bệnh Sốt siêu vi không nên uống nước lạnh hoặc tắm nước lạnh, nước lạnh giúp cho virus xâm nhập và tấn công cơ thể mạnh hơn.

Một số câu hỏi thường gặp

Dấu hiệu sắp khỏi Sốt siêu vi là gì?

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ sắp khỏi sốt siêu vi là: Sốt giảm dần và không tái phát; không còn các triệu chứng như chảy nước mũi, ho, họng đỏ; trẻ ăn ngon miệng và có tinh thần vui vẻ.

Bị Sốt siêu vi bạch cầu có tăng không?

Bệnh nhân khi bị Sốt siêu vi thì số lượng bạch cầu và bạch cầu hạt sẽ tăng. Tuy nhiên bệnh nhân nhiễm khuẩn sẽ có số lượng bạch cầu tăng nhiều hơn so với bệnh nhân nhiễm virus.

Sốt siêu vi mấy ngày thì hết?

Sốt siêu vi là bệnh khá lành tính. Nếu trẻ bị Sốt siêu vi thì bệnh thường kéo dài từ 3 – 5 ngày hoặc tối đa là 7 ngày. Đối với những người lớn có hệ miễn dịch tốt thì bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 7 – 10 ngày.

Sốt siêu vi có được tắm không?

Bị Sốt siêu vi vẫn có thể tắm để vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tuy nhiên khi tắm nên sử dụng nước ấm và không tắm quá lâu. Sau khi tắm nên vào phòng kín gió để cơ thể không bị nhiễm lạnh.

Sốt siêu vi có dùng thuốc kháng sinh được không?

Sốt siêu vi là sốt do các loại virus gây ra nên khác với các loại bệnh do vi khuẩn gây ra thì sốt siêu vi không thể áp dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh.

Sốt siêu vi có nên truyền nước không?

Một số triệu chứng có thể được chỉ định truyền nước: Sốt nghi kèm với sốt xuất huyết, nôn mửa liên tục, tiêu chảy và đặc biệt là mất nước.

Sốt siêu vi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để phòng ngừa bệnh, bạn nên rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài khi có triệu chứng nghi ngờ, uống nhiều nước và nghỉ ngơi đủ. Khi nhận thấy có dấu hiệu bệnh, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Ngoài ra, mời bạn ghé thăm trang Tin tức y tế để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc sức khỏe.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.