Paracetamol là loại thuốc khá quen thuộc trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Đây là loại thuốc không kê đơn và thường được dùng trong các trường hợp như bị sốt, đau nhức đầu, đau răng, đau cơ,… Thế nhưng, bạn thật sự đã biết Paracetamol 500g là thuốc gì hay chưa? Tác dụng và liều dùng an toàn như thế nào? Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu ngay!
Paracetamol 500mg là thuốc gì?

Paracetamol là một loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, nằm trong danh mục thuốc không kê đơn của Bộ Y tế. Thuốc được dùng để giảm các cơn đau từ đau nhẹ đến đau vừa hoặc sử dụng như thuốc hạ sốt, hỗ trợ điều trị cảm lạnh, cảm cúm,… Thuốc này không có hoạt tính kháng viêm, tính an toàn cao, không gây ra những tổn thương cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa nếu được sử dụng đúng liều lượng cho phép.
Hiện nay, thuốc Paracetamol trên thị trường có sẵn ở những dạng sau:
- Viên nén: 100mg, 120mg, 500mg.
- Viên nhai: 120mg.
- Viên sủi: 500mg.
- Dạng bột: 80mg, 150mg, 250mg.
- Dung dịch uống: 120mg/5ml, 250mg/5ml.
- Thuốc đặt hậu môn: 80mg, 150mg, 300mg.
Tác dụng của thuốc Paracetamol 500mg

Như đã nói ở trên, Paracetamol 500mg là thuốc giảm đau, hạ sốt, được dùng trong trường hợp bác sĩ kê đơn hoặc không kê đơn:
- Giảm đau: Thuốc 500mg có tác dụng giảm đau hiệu quả. Thuốc có thể dùng khi cơ thể có cảm giác đau, khó chịu ở một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể như: đau đầu, đau bụng do kinh nguyệt, đau họng, đau răng, đau lưng, đau khớp hay các cơn đau khác do chấn thương,… Ngoài ra, Paracetamol 500mg còn có tác dụng giảm đau sau khi thực hiện phẫu thuật hay tiểu phẫu.
- Hạ sốt: Thuốc 500mg có tác dụng hạ sốt, được dùng khi cơ thể có dấu hiệu sốt trên 38.5 độ C. Ngoài ra, thuốc còn hỗ trợ điều trị cảm lạnh, cảm cúm.
Chống chỉ định của thuốc Paracetamol 500mg

Mặc dù thuốc đã được chứng minh là một loại thuốc an toàn, ít gây ra tác dụng phụ nhưng vẫn có một số trường hợp chống chỉ định với loại thuốc này. Các trường hợp cụ thể bao gồm:
- Người dị ứng, mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người có tiền sử bệnh về gan, gan bị tổn thương.
- Người mắc bệnh liên quan đến tim mạch, thận.
- Người bị thiếu máu.
- Người nghiện rượu bia, thường xuyên sử dụng đồ uống chứa cồn hay các chất kích thích khác.
- Người bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Người đang sử dụng một số loại thuốc khác có thể gây tương tác với Paracetamol.
- Với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trước khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Liều dùng thuốc Paracetamol 500mg
Paracetamol được lọc qua gan nên người bệnh uống quá liều sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, người bệnh không nên sử dụng thuốc tùy tiện mà phải tuân thủ theo hướng dẫn. Liều dùng thuốc để giảm đau và hạ sốt cho các đối tượng được quy định như sau:
Liều dùng thuốc Paracetamol cho người lớn và trẻ trên 16 tuổi
Liều dùng | |
Giảm đau | 1 viên 500mg, uống mỗi 4 – 6 giờ |
Hạ sốt | 2 viên 500mg, uống mỗi 4 – 6 giờ |
Liều dùng thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ em từ 10 đến 15 tuổi
Liều dùng | |
Giảm đau | 10 – 15mg/kg sau mỗi 4 – 6 giờ. |
Hạ sốt | 325 – 650mg sau mỗi 4 – 6 giờ hoặc 1.000mg trong 6-8 giờ. |
Liều dùng Paracetamol cho trẻ em dưới 10 tuổi
Liều dùng | |
Giảm đau | 10 – 15mg/kg sau mỗi 4 – 6 giờ. |
Hạ sốt | Liều khởi đầu là 30mg/kg (trẻ từ 4 tháng – 9 tuổi) |
Cách dùng Paracetamol 500mg của từng dạng chế phẩm

Mỗi dạng chế phẩm Paracetamol 500mg có cách sử dụng khác nhau. Để thuốc phát huy công dụng tốt nhất, bạn cần sử dụng đúng cách:
- Viên nén: Thuốc uống chung với nước, không nên nhai.
- Viên sủi: Hoà tan viên thuốc với 150 – 200ml nước, không bẻ viên sủi.
- Viên nhai: Nhai thuốc trước khi nuốt, không nuốt viên thuốc còn nguyên vẹn.
- Dạng dung dịch: Dùng cốc, thìa, xilanh có vạch phân liều để sử dụng thuốc theo đúng liều lượng như hướng dẫn.
- Thuốc bột: Khuấy thuốc với một lượng nước vừa đủ, uống ngay sau khi pha.
- Thuốc đặt hậu môn: Đặt đầu nhọn của thuốc hướng vào trực tràng và dùng ngón tay đẩy thuốc vào trong khoảng 2cm để thuốc tan chảy trong môi trường, nhiệt độ cơ thể ở trực tràng.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Paracetamol 500mg

Lạm dụng thuốc Paracetamol 500mg có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì thế, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần lưu ý:
- Trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
- Không sử dụng thuốc trong trường hợp không đau nhức, không sốt cao trên 38.5 độ C.
- Người lớn không được dùng Paracetamol liên tục quá 10 ngày và trẻ em không dùng thuốc liên tục quá 5 ngày nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
- Không sử dụng thuốc liên tục trong ngày mà mỗi lần dùng cần cách nhau 4 – 6 giờ.
- Tuân thủ đúng liều lượng thuốc cho phép, không uống quá liều.
- Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn hay sử dụng chất kích thích khi dùng thuốc.
- Các đối tượng chống chỉ định không nên tự ý dùng thuốc.
- Trẻ em uống thuốc cần có sự giám sát của người lớn.
- Paracetamol nên uống sau khi ăn từ 30 phút – 1 giờ để thuốc hấp thụ tốt nhất.
- Uống thuốc với nước lọc là tốt nhất, không uống chung với nước trà, nước ngọt.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu dùng chung Paracetamol với bất kỳ loại thuốc nào khác.
Tác dụng phụ của Paracetamol 500mg
Paracetamol an toàn khi sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Nếu người bệnh sử dụng thuốc quá liều và không được cấp cứu kịp thời sẽ gây ngộ độc gan. Ngoài ra, sử dụng Paracetamol cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: nổi mẩn da, phát ban, sưng mặt, sưng lưỡi, sưng môi, sưng họng, khó thở,… Khi gặp bất kỳ phản ứng phụ nào, người bệnh nên ngưng sử dụng thuốc và gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Tương tác thuốc
Paracetamol 500mg tương tác với thuốc nào?
Paracetamol 500mg có thể tương tác với một số loại thuốc sau: Amoxicillin, Aspirin, Tramadol, Atorvastatin, Amitriptyline, Codeine, Amlodipine, Gabapentin, Levothyroxine, Diclofenac, Naproxen, Metformin, Furosemide, Clopidogrel, Pantoprazole, Diazepam, Ibuprofen, Lansoprazole, Levofloxacin, Pregabalin, Prednisone, Naproxen, Ramipril, Omeprazole, Ranitidine, Pantoprazole, Simvastatin, Sertraline.
Paracetamol 500mg có tương tác với rượu và thức ăn không?
Paracetamol 500mg có tương tác với rượu, đồ uống chứa cồn và thức ăn gây ảnh hưởng xấu đến gan. Sự tương tác này có thể gây ra một số phản ứng như sốt, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, vàng da, ngứa da,…
Cách bảo quản thuốc Paracetamol 500mg

Paracetamol là thuốc dự phòng ở nhiều gia đình, trường học, công ty, văn phòng. Vì thế, người dùng cần biết bảo quản thuốc để thuốc không bị hỏng hay biến đổi tính chất. Sau đây là một số cách bảo quản thuốc Paracetamol chuẩn nhất:
- Các loại thuốc Paracetamol từ viên uống, viên sủi, dạng bột, dạng lỏng,… nên được bảo quản ở những nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao.
- Nhiệt độ tốt nhất để bảo quản thuốc là từ 15 – 30 độ C.
- Paracetamol dạng viên đặt hậu môn có thể bảo quản được trong tủ lạnh.
- Ngoài ra, Paracetamol nên bảo quản ở những nơi ngoài tầm tay của trẻ em.
So sánh Paracetamol và Aspirin

Paracetamol và Aspirin đều là những loại thuốc có tác dụng giảm đau những tác động và hiệu quả của 2 loại thuốc này khác nhau. Cụ thể như bảng dưới đây:
Paracetamol | Aspirin |
Thuốc chỉ dùng để giảm đau, hạ sốt, không có tác dụng điều trị viêm. | Thuốc thuộc nhóm nonsteroidal anti-inflammatory drugs (NSAIDs) nên vừa có tác dụng giảm đau vừa kháng viêm. Aspirin còn được dùng để ngăn ngừa đông máu (81mg/liều/ngày), giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tính axit của Aspirin cao hơn Paracetamol. Liều dùng Aspirin cao nhất là 4g/ngày và uống ít hơn 5 ngày. |
Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt, trị cảm cúm, cảm lạnh,… khá hiệu quả, được nhiều người kiểm chứng. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng thuốc cho những cơn đau kéo dài để tránh lờn thuốc hay tác dụng phụ. Tốt nhất, khi phát hiện những triệu chứng bất thường về sức khỏe, người bệnh hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ qua Hotline 1900 0119 để được tư vấn và đặt lịch khám bệnh sớm nhất.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.