Tin tức y tế

Nguyên nhân sỏi túi mật, triệu chứng và cách điều trị

19/10/2023

Sỏi túi mật có thể gây ra nhiều triệu chứng như đau vùng bụng trên bên phải và dẫn đến biến chứng viêm túi mật, tắc nghẽn ống mật chủ, viêm tụy và thậm chí ung thư túi mật. Theo dõi bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ để nắm được nguyên nhân, các biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị sỏi túi mật hiệu quả nhất.

>>> Xem thêm:

Túi mật là gì? Vị trí, cấu tạo và chức năng của túi mật

Túi mật là một bộ phận của hệ thống đường dẫn mật, có hình dáng giống một quả lê, màu xanh xám, nằm ở phần trên bên phải của bụng ngay dưới gan. Túi mật ở người trưởng thành có chiều dài khoảng từ 7 đến 10 centimet và đường kính khoảng 4 centimet (khi đầy). 

Cấu tạo của túi mật gồm ba phần chính:

  • Đáy túi mật: Đây là phần đế của túi mật, có hình tròn hoặc gần tròn và nằm đối diện với thành bụng.
  • Thân túi mật: Thân túi mật nằm trong một khe lõm trên bề mặt dưới của gan. có thể căng lên khi túi đầy mật.
  • Cổ túi mật: Cổ túi mật thuôn nhọn và nối với ống nang túi mật cũng như một phần của đường mật. Ống túi mật kết hợp với ống gan chung để tạo thành ống mật chủ. 

Túi mật đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa với chức năng chính như sau:

  • Lưu trữ mật: Túi mật là nơi lưu trữ mật – chất tiết ra từ gan. Mật chứa cholesterol, bilirubin và muối mật.
  • Hỗ trợ tiêu hóa chất béo: Khi thức ăn được đưa vào cơ thể, túi mật nhận tín hiệu để tiết ra mật vào đường mật. Dịch mật này chứa các enzym phân giải chất béo trong thức ăn thành các hạt nhỏ hơn, giúp quá trình tiêu hóa chất béo hiệu quả hơn.
  • Vận chuyển mật đến ruột non: Túi mật kết nối với các ống dẫn mật, được gọi là ống mật để đưa mật từ gan đến ruột non. Đây là nơi mật được kết hợp với thức ăn và các dịch tiêu hóa khác để giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn.
Túi mật là gì?
Túi mật là gì? (Nguồn: internet)

Sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật là những tinh thể rắn hình thành trong túi mật có kích thước và hình dạng khác nhau, từ những hạt nhỏ vài milimet đến những viên sỏi lớn vài centimet. Khi sỏi nhỏ và không gây tắc nghẽn đường mật thì không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu Sỏi mật lớn hoặc gây tắc nghẽn trong đường mật thì sẽ dẫn đến các biến chứng như:

  • Đau bên phải trên vùng bụng.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Viêm túi mật.
  • Tắc nghẽn đường mật.
Sỏi túi mật là gì?
Sỏi túi mật là những tinh thể rắn có hình dạng và kích thước khác nhau (Nguồn: internet)

Sỏi túi mật phát triển ở đâu?

Sỏi túi mật thường phát triển trong túi mật và hình thành dưới dạng sỏi cholesterol. Ngoài ra, Sỏi mật có thể di chuyển từ túi mật qua ống nang túi mật và vào ống mật chủ – ống lớn nhất trong hệ thống ống dẫn của gan. Khi sỏi từ túi mật di chuyển vào ống mật chủ sẽ làm tắc nghẽn ống mật chủ, gây ra viêm đường mật hoặc viêm tụy. Tuy nhiên, sỏi ống mật chủ không phổ biến bằng sỏi túi mật.

Các loại sỏi túi mật

Dựa trên thành phần, có thể phân sỏi túi mật thành 3 loại chính như sau:

  • Sỏi cholesterol: Là những viên đơn độc hình bầu dục dài từ 2 – 3 cm, thường có màu từ vàng nhạt đến xanh đậm, nâu hoặc trắng phấn và có một đốm nhỏ ở giữa. Đây là loại Sỏi mật phổ biến nhất, chiếm khoảng 35% đến 90%.
  • Sỏi sắc tố (sỏi bilirubin): Thường nhỏ, sẫm màu (thường có màu đen) và hình thành với số lượng lớn. Sỏi sắc tố được cấu tạo chủ yếu từ bilirubin (polyme sắc tố bilirubin không hòa tan) và muối canxi (canxi photphat) được tìm thấy trong mật. 
  • Sỏi hỗn hợp (Sỏi sắc tố màu nâu): Sỏi hỗn hợp thường chứa 20–80% Cholesterol (hoặc 30–70% theo hệ thống phân loại của Nhật Bản) và các thành phần khác như: canxi cacbonat, palmitate photphat, bilirubin và các sắc tố mật khác (canxi bilirubinate, canxi palmitate và canxi stearate). Có khoảng 4% đến 20% người bệnh bị sỏi hỗn hợp.

Các đối tượng có nguy cơ bị sỏi túi mật

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh Sỏi mật nhưng các đối tượng dưới đây có nguy cơ cao hơn so với người bình thường:

  • Những người ít vận động.
  • Người bị thừa cân và béo phì hoặc giảm cân đột ngột.
  • Người ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, chế độ ăn chứa nhiều chất béo, Cholesterol và ít chất xơ.
  • Người sử dụng liệu pháp hormone thay thế (estrogen) và thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai.
  • Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, các bệnh rối loạn máu hoặc bệnh về gan như viêm gan và xơ gan.
  • Người có tiền sử gia đình về Sỏi mật cũng có nguy cơ cao hơn mắc bệnh này.

>> Xem thêm: Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có hại không? Nên sử dụng như thế nào?

Triệu chứng của bệnh sỏi túi mật

Các triệu chứng của vấn đề liên quan đến túi mật thường không rõ ràng. Một số người bệnh không cảm nhận được Sỏi mật hoặc thậm chí không biết bản thân bị sỏi mật. Tuy nhiên, nếu Sỏi mật làm tắc nghẽn dòng mật và ảnh hưởng đến chức năng của túi mật hoặc tụy, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng sau:

  • Đau quặn bụng: Đây là triệu chứng sỏi túi mật phổ biến nhất. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị hoặc ở phần bên phải của bụng, nhưng thường tập trung ở vùng thượng vị. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau bụng sau bữa ăn hoặc vào ban đêm, kéo dài liên tục từ 30 phút đến vài giờ. 
  • Sốt: Một số bệnh nhân bị Sỏi mật sẽ bị Sốt khi sỏi gây tắc nghẽn đường mật.
  • Vàng da: Trong các trường hợp nặng, khi sỏi gây tắc nghẽn ống mật chủ hoặc gây viêm nhiễm, da và mắt (phần màu trắng) của bệnh nhân sẽ chuyển sang màu vàng.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Một số người bệnh bị Sỏi mật có thể cảm thấy buồn nôn và nôn mửa.
Triệu chứng của bệnh sỏi túi mật
Đau quặn bụng là triệu chứng phổ biến nhất của sỏi túi mật (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra sỏi túi mật là gì?

Nguyên nhân sỏi túi mật phổ biến nhất thường là do:

  • Dịch mật chứa quá nhiều cholesterol: Khi dịch mật chứa nhiều Cholesterol hơn mức cần thiết hoặc quá trình hòa tan Cholesterol bị gián đoạn thì sẽ hình thành sỏi mật. Sự tăng cường cholesterol trong dịch mật thường là do chế độ ăn uống giàu chất béo, thừa cân hoặc tiến triển của một số bệnh.
  • Dịch mật chứa quá nhiều bilirubin: Bilirubin là một hợp chất mà gan tạo ra khi phân giải hemoglobin từ các tế bào máu cũ. Trong điều kiện bình thường, bilirubin sẽ được tiết vào dịch mật và tiêu thụ một cách bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp xơ gan, nhiễm trùng hoặc rối loạn lipid máu, gan có thể sản xuất quá nhiều bilirubin. Từ đó dẫn đến sự kết tủa của bilirubin và hình thành sỏi mật.
  • Dịch mật cô đặc tạo thành sỏi mật: Trong trường hợp dịch mật cô đặc và không chảy như bình thường thì sẽ tạo điều kiện để các chất kết tủa tạo ra sỏi mật.

Phương pháp chẩn đoán túi sỏi mật

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán sỏi túi mật gồm: 

  • Siêu âm (Ultrasound): Đây là phương pháp chẩn đoán chính với kỹ thuật không xâm lấn và không gây đau đớn. Phương pháp này sử dụng sóng âm cao tần để tạo hình ảnh cơ quan bên trong cơ thể. Tuy nhiên, kết quả siêu âm có thể không hiển thị rõ hình ảnh của ống mật chủ.
  • Nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP): Phương pháp này được sử dụng để chẩn đoán và điều trị sỏi trong ống mật chủ. Trong quá trình chẩn đoán, một ống soi mềm được đưa vào từ miệng của bệnh nhân, qua dạ dày và ruột non để kiểm tra ống mật chủ. Nếu phát hiện sỏi trong ống mật chủ, bác sĩ có thể loại bỏ sỏi bằng ống nội soi . Tuy nhiên, ERCP không thể loại bỏ sỏi trong túi mật.
  • Chụp cộng hưởng từ mật tuỵ (MRCP): Phương pháp MRCP sử dụng chụp MRI để kiểm tra ống mật. Khác với ERCP, MRCP chỉ được sử dụng cho mục đích chẩn đoán. Phương pháp này được đánh giá là an toàn hơn và thường được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn đầu tiên để chẩn đoán sỏi túi mật.
  • Siêu âm nội soi (EUS): Đây là phương pháp kết hợp giữa nội soi và siêu âm. Thiết bị quan sát được đưa qua miệng và dạ dày của bệnh nhân để hiển thị rõ ràng hình ảnh của ống mật chủ và túi mật. Tương tự như MRCP, EUS có thể xác định sỏi trong túi mật nhưng không thể loại bỏ sỏi. Nếu sỏi trong ống mật chủ được kiểm tra bằng EUS (hoặc MRCP) thì sẽ tiến hành ERCP để loại bỏ sỏi.

Điều trị bệnh sỏi túi mật

Tuỳ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà sẽ có các cách điều trị sỏi túi mật khác nhau, cụ thể như sau:

Điều trị nội khoa

Phương pháp này thường được áp dụng cho trường hợp bị sỏi Cholesterol và bệnh nhân không thể can thiệp phẫu thuật hoặc có những yếu tố y tế rủi ro khác. Dưới đây là các phương pháp điều trị sỏi túi mật trong khả năng nội khoa:

  • Nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP): ERCP thường được thực hiện để loại bỏ Sỏi mật mắc kẹt trong ống mật chủ. 
  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc chứa axit mật như Ursodiol NIH và Chenodiol NIH để phá vỡ sỏi Cholesterol có kích thước nhỏ. Thuốc thường được dùng hàng tháng hoặc hàng năm để đạt hiệu quả tốt trong quá trình điều trị.
  • Tán sỏi bằng sóng xung kích: Phương pháp này sử dụng sóng xung kích để làm vỡ Sỏi mật thành các mảnh nhỏ, từ đó dễ dàng loại bỏ sỏi khỏi cơ thể.

Điều trị ngoại khoa

Phương pháp điều trị ngoại khoa thường được áp dụng cho bệnh nhân sỏi túi mật nghiêm trọng hoặc trong những trường hợp không thể sử dụng phương pháp điều trị nội khoa. Các loại phẫu thuật sỏi túi mật sau đây có thể được thực hiện:

  • Phẫu thuật nội soi cắt bỏ: Đây là phẫu thuật tiến hành thông qua nội soi ổ bụng. Bệnh nhân có thể ra viện trong ngày và có khả năng phục hồi hoàn toàn sau khoảng 1 tuần.
  • Phẫu thuật mổ mở cắt bỏ túi mật: Phương pháp này thường được áp dụng khi túi mật bị viêm nhiễm nặng, nhiễm trùng hoặc gặp các vấn đề phức tạp khác. Bệnh nhân cần ở bệnh viện trong khoảng 1 tuần và có thể hoạt động bình thường sau khoảng 1 tháng.
Phương pháp điều trị sỏi túi mật
Phương pháp điều trị sỏi túi mật (Nguồn: internet)

Điều trị Sỏi mật tại nhà

Bên cạnh điều trị y tế, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số cách hỗ trợ chữa trị sỏi túi mật tại nhà như:

  • Uống nước ép táo: Nước ép táo có thể làm mềm Sỏi mật và giúp đào thải chúng ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn.
  • Ăn/uống hoa atiso: Hoa atiso có lợi cho chức năng túi mật và gan.
  • Sử dụng thảo dược kim tiền thảo: Cây kim tiền thảo có liên quan đến quá trình ngăn chặn sự hình thành Sỏi mật và làm mềm sỏi.
  • Tập yoga: Tập yoga đều đặn có thể giúp cải thiện một số triệu chứng liên quan đến bệnh sỏi túi mật.
  • Châm cứu: Châm cứu có thể giúp kiểm soát triệu chứng đau do sỏi túi mật gây ra.

>>> Xem thêm: Một quả táo chứa bao nhiêu calo? Ăn táo có béo không?

Chế độ dinh dưỡng cho người bị sỏi túi mật

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát và điều trị sỏi túi mật. Việc xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp giúp tối ưu hóa hiệu quả trong quá trình điều trị cho người bệnh.

Người bị sỏi túi mật nên ăn gì?

Nếu chưa biết sỏi túi mật nên ăn gì thì bệnh nhân có thể tham khảo các thực phẩm sau:

  • Chất béo tốt: Một số loại thực phẩm giàu chất béo tốt như bơ, hạt óc chó, dầu oliu, dầu mè, dầu hướng dương,… Chế độ dinh dưỡng của người mắc sỏi túi mật vẫn cần có chất béo để tránh tình trạng dịch mật bị ứ đọng lại, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mới. Người bệnh cần bổ sung các thực phẩm giàu chất béo tốt giúp duy trì sự co bóp của túi mật.
  • Ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt đều là những thực phẩm chứa tinh bột nhưng ít làm tăng đường huyết trong máu, từ đó giảm thiểu cholesterol. Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn có thể giúp hạn chế nguy cơ hình thành sỏi túi mật.
  • Rau xanh (ưu tiên cải bó xôi, súp lơ xanh) và trái cây như dâu tây, cam, quýt: Các loại rau xanh và trái cây giúp cơ thể hòa tan Cholesterol lắng đọng, từ đó có thể giúp phòng ngừa tình trạng sỏi mật. Nhóm thực phẩm này cũng chứa nhiều xơ và vitamin giúp ngăn ngừa táo bón và khó tiêu.
  • Thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, các loại cá và đạm thực vật: Protein là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển mô trong cơ thể. Tuy thịt đỏ và sữa động vật là nguồn protein tốt nhưng lại chứa nhiều chất béo có thể khiến túi mật hoạt động quá mức. Ngoài ra, người bệnh có thể ăn các thực phẩm giàu protein có nguồn gốc từ thực vật như các loại rau xanh, hạt và đậu.
  • Sữa ít béo: Nếu muốn uống sữa, người bệnh cần chọn sữa ít béo hoặc các sản phẩm sữa từ các loại hạt và sữa chua. Những sản phẩm này không chỉ giúp cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp giảm lượng cholesterol.

>>> Tìm hiểu thêm: Ăn bơ có béo không? Nên ăn như thế nào là hợp lý?

Chế độ dinh dưỡng cho người bị sỏi túi mật
Người bị sỏi túi mật nên ăn gì? (Nguồn: internet)

Mắc bệnh sỏi túi mật nên kiêng gì?

Bên cạnh các thực phẩm cần bổ sung, người mắc bệnh Sỏi mật cần loại bỏ các thực phẩm sau trong chế độ dinh dưỡng:

  • Đường: Người bị sỏi túi mật cần giảm tối đa lượng đường trong khẩu phần hàng ngày, chẳng hạn như cắt giảm bánh ngọt, bánh quy, nước ngọt, trà sữa và các thực phẩm chứa đường.
  • Thực phẩm từ bột mì tinh chế: Thực phẩm từ bột mì tinh chế thường không có chất xơ và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi mật. Nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt để bảo vệ sức khỏe.
  • Chất béo bão hòa: Nên tránh ăn thịt đỏ, bơ, pho mát, bánh ngọt và sữa nguyên chất. 
  • Thực phẩm chiên bằng dầu mỡ, đồ đóng hộp: Đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc chế biến sẵn chứa nhiều đường và chất béo. Người bệnh nên sử dụng phương pháp nấu, luộc hoặc hấp để đảm bảo an toàn. 
  • Chế độ ăn ít calo: Chế độ ăn ít calo có thể dẫn đến giảm cân đột ngột, làm cho triệu chứng của sỏi túi mật trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí kích thích sản xuất sỏi túi mật. Tốt nhất là tập thể dục thường xuyên kết hợp với một chế độ ăn cân đối và lành mạnh để giảm cân từ từ và không nên giảm quá 400 – 900g mỗi tuần.

>> Xem thêm: Tổng hợp các bảng calo thức ăn mới nhất năm 2023

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi túi mật

Sỏi túi mật có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại nếu không được điều trị kịp thời, bao gồm:

  • Viêm túi mật: Sỏi mật khi mắc kẹt ở cổ túi mật sẽ dẫn đến viêm túi mật. Biểu hiện thường bao gồm những cơn đau dữ dội kèm theo sốt. 
  • Tắc nghẽn ống mật chủ: Sỏi mật có thể gây tắc nghẽn trong đường vận chuyển dịch mật từ túi mật đến ruột non. Điều này có thể gây ra tình trạng vàng da (biểu hiện cholestatic), đau bụng và thậm chí dẫn đến viêm nhiễm ống mật. 
  • Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy là con đường vận chuyển dịch tụy, chất hỗ trợ tiêu hóa. Tắc nghẽn ống tụy gây viêm tụy khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội. 
  • Ung thư túi mật: Thống kê cho thấy những người có tiền sử về Sỏi mật sẽ có nguy cơ cao bị Ung thư túi mật. Vì vậy, cần theo dõi sát sao và can thiệp y tế kịp thời để phát hiện sớm và điều trị Ung thư túi mật (nếu có).

Cách phòng ngừa bệnh sỏi túi mật

Để phòng tránh bệnh sỏi túi mật, cần xây dựng chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học, hợp lý. Dưới đây là một số cách phổ biến và hiệu quả nhất:

  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, đậu và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ của cholesterol, giúp hòa tan Cholesterol bình thường.
  • Hạn chế đường: Thực phẩm có nhiều đường và carbohydrate tinh chế có thể gây tăng đường huyết và gây gia tăng sự sản xuất cholesterol. 
  • Ăn các chất béo tốt, tránh thực phẩm chiên rán: Dầu cá và dầu ô liu là hai loại chất béo lành mạnh giúp duy trì sự co bóp của túi mật.
  • Giảm cân khi cần thiết: Nếu đang thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Thừa cân làm tăng sản xuất Cholesterol trong mật và ức chế sự co bóp của túi mật.
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân đối, hợp lý: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, tránh ăn ít quá hoặc nhiều quá trong một bữa ăn và không bỏ bữa để duy trì chức năng túi mật.
  • Uống nhiều nước: Nước giúp hỗ trợ quá trình hòa tan các chất trong mật và hệ thống tiêu hóa.

Bài viết liên quan:

Cách phòng ngừa bệnh sỏi túi mật
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để phòng tránh sỏi túi mật (Nguồn: internet)

Trên đây là các thông tin chi tiết về sỏi túi mật mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Để kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả, bệnh nhân có thể đặt lịch khám tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc theo HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY. Ngoài ra, hãy truy cập vào mục Tin tức y tế tại website để cập nhật kiến thức sức khỏe mới nhất.

Sỏi túi mật có tái phát không?

Sỏi túi mật có thể tái phát sau điều trị. Khả năng tái phát Sỏi mật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước, loại sỏi, chế độ ăn uống và lối sống của người bệnh. Nếu không duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất béo, đường,… thì sẽ tạo điều kiện để sỏi hình thành trở lại.

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của sỏi túi mật sẽ thay đổi tùy thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi: Sỏi nhỏ dưới 4-6mm có thể gây tắc ống túi mật hoặc tắc ống mật chủ, dẫn đến viêm đường mật hoặc viêm tụy cấp. Sỏi trung bình (6-10mm) có nguy cơ biến chứng cao hơn, đặc biệt là sỏi có đường kính từ 8mm trở lên. Sỏi lớn (>10mm) thường được khuyến nghị phẫu thuật để loại bỏ các triệu chứng và nguy cơ biến chứng.

Sỏi túi mật có tự hết không?

Sỏi túi mật không tự hết hoặc tự đào thải ra ngoài. Sỏi đã hình thành trong túi mật sẽ tiếp tục phát triển và tăng kích thước nếu không được điều trị. Vì vậy, người bệnh cần tìm đến bác sĩ để có thể kiểm soát và điều trị sỏi một cách hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tái phát.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.