Tin tức y tế

Béo phì: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả

07/07/2023

Bên cạnh các căn bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, Ung thư thì thừa cân béo phì cũng đang trở thành một “đại bệnh” mới trong thế kỷ 21 vì nó lan rộng nhanh chóng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thừa cân không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người thừa cân. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu những hậu quả và cách phòng ngừa béo phì trong bài viết dưới đây. 

>> Xem thêm:

Béo phì là gì?

Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), béo phì là tình trạng tích tụ quá nhiều mỡ tại một vùng hoặc toàn bộ cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai thừa cân cũng bị béo phì, đặc biệt nếu người đó có nhiều cơ bắp hoặc khung xương lớn.

Theo thông tin từ một số bác sĩ, tình trạng thừa cân đang gia tăng đáng kể tại Việt Nam. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, thói quen ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam đã chỉ ra rằng tỷ lệ béo phì ở người lớn là 2,3% vào năm 1993 và năm 2015 tăng lên 15%. Tỷ lệ thừa cân ở trẻ em trong độ tuổi học sinh, sinh viên (từ 5 – 19 tuổi) tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020). Trong đó, tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 26,8%, khu vực nông thôn là 18,3% và khu vực miền núi là 6,9%.

Béo phì là tình trạng tích tụ quá nhiều mỡ tại một vùng hoặc toàn bộ cơ thể
Bệnh béo phì gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (Nguồn: Internet)

Phân loại mức độ béo phì theo chỉ số BMI

Có một cách rất đơn giản để biết bạn có đang bị thực cân hay béo phì, đó là tính chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) dựa trên cân nặng và chiều cao. Lưu ý rằng, c

Công thức tính chỉ số BMI bằng cân nặng (theo đơn vị kilogam) chia cho bình phương chiều cao (theo đơn vị mét):

BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m)

Trong đó:

  • Chỉ số BMI <18,5: Gầy
  • Chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9: Bình thường
  • Chỉ số BMI từ 25,0 đến 29,9: Thừa cân.
  • Chỉ số BMI từ 30,0 đến 34,9: Béo phì cấp độ 1.
  • Chỉ số BMI từ 35,0 đến 39,9: Béo phì cấp độ 2.
  • Chỉ số BMI từ 40,0 trở lên: Béo phì cực độ hoặc nghiêm trọng (béo phì cấp độ 3).

Nguyên nhân dẫn đến béo phì

Một số nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em và người lớn thường gặp là:

1. Ăn nhiều

Bệnh béo phì liên quan đến việc ăn nhiều có thể là do:

  • Thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, bánh pizza,…
  • Thực phẩm giàu chất béo bão hòa như: bơ, phô mai, mỡ động vật,…
  • Thực phẩm chứa nhiều carbohydrat như là đường, bánh kẹo, nước ngọt, bia rượu…
  • Thói quen ăn uống của gia đình.
  • Bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống vô độ,…
Nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì là do ăn nhiều
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh béo phì (Nguồn: Internet)

>> Xem thêm:

2. Ít vận động

Việc ít rèn luyện thể chất là một trong những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến bệnh béo phì ở trẻ em và người lớn. Nếu bạn không hoạt động đủ để đốt cháy calo, năng lượng dư thừa sẽ không được tiêu thụ mà thay vào đó sẽ được cơ thể lưu trữ dưới dạng chất béo. Trong đó, các đối tượng có thể bị béo phì do lười vận động là:

  • Nhân viên văn phòng
  • Ít tập thể dục
  • Những người bị hạn chế vận động do tuổi tác hoặc bệnh lý

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), người lớn nên thực hiện ít nhất 150 phút các hoạt động thể chất mỗi tuần, bao gồm tập aerobic, đạp xe hoặc đi bộ. Nếu bạn không quen, hãy bắt đầu bằng cách chia nhỏ thời gian tập thành các buổi tập ngắn. Từ đó, việc rèn luyện sức khỏe sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như, bạn có thể tập thể dục 30 phút/ngày trong 5ngày/tuần để đạt được mục tiêu 150 phút.

Đối với những ai đang bị béo phì và muốn giảm cân, việc tập thể dục nhiều hơn 150 phút/tuần là cần thiết. Hãy bắt đầu từ những bài tập dễ, sau đó tăng dần khối lượng và tần suất tập thể dục qua mỗi tuần.

Bị béo phì do ít vận động
Ít vận động là nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phí (Nguồn: Internet)

>> Xem thêm:

3. Yếu tố di truyền

Nếu có trường hợp trong gia đình cha, mẹ hoặc cả hai đều bị thừa cân và béo phì, nguy cơ thừa cân ở con cái sẽ tăng lên cao. Người bị thừa cân và béo phì do yếu tố di truyền thường có tốc độ trao đổi chất chậm, khó có thể cải thiện.

Bệnh béo phì ở trẻ em
Yếu tố di truyền cũng góp phần tăng nguy cơ bi béo phì (Nguồn: Internet)

4. Rối loạn tuyến giáp

Đây là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cần thiết cho cơ thể. Sự thiếu hụt hormone dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình trao đổi chất, làm cho chất béo không được đốt cháy và tích tụ thành mỡ thừa.

Bị béo phì do rối loạn tuyến giáp
Việc rối loạn tuyến giáp sẽ làm cho chất béo không được đốt cháy và dẫn đến béo phì (Nguồn: Internet)

5. Thiếu ngủ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi thiếu ngủ 30 phút mỗi ngày, nguy cơ thừa cân và béo phì có thể tăng lên đến 17%. Khi không ngủ đủ giấc, mức độ hormone ghrelin trong cơ thể sẽ tăng lên, làm cho bạn cảm thấy đói và thèm đồ ăn có nhiều đường. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến việc mất kiểm soát về chế độ ăn uống, là một nguyên nhân của thừa cân và béo phì.

>> Xem thêm:

Nói tóm lại, nguyên nhân của béo phì do rất nhiều yếu tố và có thể gây ra rất nhiều tác hại. Cần có những biện pháp phòng chống và giảm thiểu loại bệnh này để tránh việc tổn hại đến sức khỏe. 

Tác hại của bệnh béo phì 

Tác động tâm lý: Thừa cân và béo phì có thể gây ra sự tự ti và căng thẳng cho người mắc bệnh. Người mắc bệnh này thường mất tự tin trong giao tiếp, trở nên ngại giao tiếp và cảm thấy căng thẳng khi xuất hiện trước đám đông. Điều này có thể làm giảm hiệu suất làm việc trong cuộc sống hàng ngày.

Bệnh xương khớp: Người thừa cân và béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương và đau nhức liên tục do áp lực từ trọng lượng cơ thể. Bên cạnh đó, người thừa cân cũng dễ mắc bệnh gout.

Béo phì gây bệnh xương khớp
Béo phì gây bệnh xương khớp (Nguồn: Internet)

Bệnh lý tim mạch: Người bị thừa cân thường đi kèm với rối loạn lipid máu hoặc Cholesterol cao. Cholesterol cao có thể gây xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, trong đó có rất nhiều trường hợp liên quan đến béo phì.

Béo phì gây ra bệnh về tim
Béo phì gây ra bệnh về tim (Nguồn: Internet)

Bệnh tiểu đường: Thừa cân và béo phì có liên quan mật thiết đến bệnh tiểu đường loại 2, do gây đề kháng insulin. Điều này là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh Tiểu đường loại 2 ở người thừa cân và béo phì.

Bệnh lý đường tiêu hóa: Thừa cân và béo phì có thể gây táo bón và tạo điều kiện cho sự phát triển của Bệnh trĩ do mỡ dư bám vào quai ruột. Ngoài ra, sự tích tụ chất thải độc hại và ứ đọng phân trong quá trình chuyển hóa cũng có thể góp phần vào nguy cơ mắc Ung thư đại tràng.

Suy giảm trí nhớ: Trẻ em thừa cân thường có chỉ số thông minh thấp hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Nguy cơ mắc bệnh Alzheimer  sẽ cao hơn ở người lớn mắc bệnh béo phì. 

Bệnh lý đường hô hấp: Sự tích tụ mỡ quá nhiều trong lồng ngực, cơ hoành và ổ bụng có thể gây khó thở. Trong trường hợp béo phì nặng, có thể gây ra hội chứng Pickwick với những cơn ngưng thở ban đêm, có thể gây tử vong. 

Rối loạn nội tiết: Phụ nữ thừa cân thường mắc chứng rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang và khó thụ tinh, có nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai, có nguy cơ đẻ khó và tỷ lệ bị rối loạn chuyển hóa cao. Nam giới bị thừa cân thường có vấn đề về sinh lý và nguy cơ vô sinh.

Gây rối loạn nội tiết ở phụ nữ
Gây rối loạn nội tiết ở phụ nữ (Nguồn: Internet)

Nguy cơ bị ung thư: Người thừa cân và béo phì thường có mức đường và Cholesterol cao,  từ đó làm tăng lượng Cholesterol trong tế bào miễn dịch và giảm khả năng tiêu diệt tế bào Ung thư của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa béo phì và một số loại ung thư như ung thư thực quản, ung thư trực tràng, ung thư vú, …

Cách chẩn đoán bệnh béo phì 

Để chẩn đoán béo phì, bác sĩ thường tiến hành một loạt các xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe, bao gồm:

  • Ghi lại tiền sử sức khỏe: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về lịch sử bệnh lý của bạn, bao gồm cân nặng trước đây, nỗ lực giảm cân trước đó, hoạt động thể chất, thói quen tập thể dục và chế độ ăn uống. Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe khác như thông tin về thuốc men, mức độ căng thẳng, vấn đề sức khỏe gia đình,… cũng được xem xét.
  • Khám sức khỏe tổng quát: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát gồm: đo chiều cao, kiểm tra các chỉ số quan trọng như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, kiểm tra bụng, phổi,…
  • Đo chỉ số BMI: Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một phần quan trọng trong chẩn đoán béo phì. Chỉ số BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì. Bạn nên đo chỉ số BMI ít nhất mỗi năm một lần để có thể xác định tình trạng sức khỏe của cơ thể và từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
  • Đo vòng eo: Việc này giúp xác định lượng mỡ tích tụ quanh bụng. Thông thường, phụ nữ có vòng eo lớn hơn 89cm và nam giới có vòng eo lớn hơn 102cm có thể gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn so với người có vòng eo nhỏ hơn. Và cũng như chỉ số BMI, vòng eo nên được đo hàng năm.
  • Kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác: Bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp, Cholesterol cao, hoạt động tuyến giáp kém, vấn đề về gan và bệnh tiểu đường để đánh giá sự ảnh hưởng của béo phì đối với tình trạng sức khỏe của bạn.
Dấu hiệu béo phì ở người lớn
Cách nhận biết béo phì ở trẻ em và người lớn (Nguồn: Internet)

>> Xem thêm: Sự thật về yến mạch giảm cân đối với sức khỏe mà bạn chưa biết

Phương pháp điều trị bệnh béo phì

Dưới đây một số biện pháp điều trị bệnh béo phì:

  • Giảm ăn: Nguyên tắc chính ở đây là lượng calo tiêu thụ cần phải ít hơn lượng calo bạn nạp vào cơ thể. Khi đó, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng từ mô mỡ, giúp bạn đạt được mục tiêu giảm cân.
  • Tập luyện thường xuyên: Việc này sẽ làm tăng cường việc tiêu hao năng lượng dự trữ, từ đó giúp giảm mỡ và duy trì cân nặng. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng có lợi cho việc kiểm soát đường huyết và giảm lipid máu.
  • Sử dụng thuốc: Đây là cách để hỗ trợ cho việc giảm ăn và tập luyện. Tuy nhiên thuốc giảm cân có thể mang đến nhiều tác dụng phụ và không phải đều có hiệu quả với tất cả mọi người. Vì vậy bạn hãy tham khảo các tư vấn từ những chuyên gia y tế để có liệu trình sử dụng thuốc an toàn và phù hợp.
  • Biện pháp khác: Trong trường hợp biến chứng của bệnh béo phì gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày, bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp điều trị đặc biệt như phẫu thuật để giảm cân.

Cách phòng ngừa béo phì

Để sức khỏe tốt và có ngoại hình như mong muốn, không những hiểu khái niệm béo phì và duy trì cân nặng ổn định mà còn cần phải thực hiện một số biện pháp cụ thể nhằm tránh các bệnh do thừa cân mang lại. 

Tạo nên chế độ sinh hoạt lành mạnh 

  • Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng. 
  • Vận động thường xuyên, không ngồi lâu một chỗ. 
  • Có thể tập thể dục nhẹ nhàng hoặc tham gia vào các hoạt động thể thao nhẹ. 
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn uống và bài tập thích hợp.
Tạo chế độ sinh hoạt lành mạnh
Tạo chế độ sinh hoạt lành mạnh (Nguồn: Internet)

Lên thực đơn ăn uống phù hợp, khoa học 

  • Nên ăn đủ bữa, đúng giờ và đặc biệt không bỏ qua bữa sáng, vì nó giúp cơ thể tỉnh táo hơn và giảm khả năng ăn nhiều trong các bữa tiếp theo. 
  • Hạn chế việc ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, nội tạng động vật, đồ uống có ga, rượu bia, …
  • Ăn trái cây và rau xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể.
Lên thực đơn ăn uống khoa học
Lên thực đơn ăn uống khoa học (Nguồn: Internet)

Tăng cường vận động thường xuyên 

  • Tạo thói quen tập thể dục hàng ngày để làm cho cơ thể khỏe khoắn hơn và ngăn ngừa sự tích tụ mỡ thừa. 
  • Không tập luyện quá sức, hãy tham khảo chế độ tập phù hợp với sức khỏe và lịch trình công việc. 
  • Có thể tham gia vào các môn thể thao phù hợp như gym, yoga, bơi lội, chạy bộ, đi bộ,…

Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ học được cách kiểm soát cân nặng bằng việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với việc tập luyện hợp lý để cải thiện sức khỏe và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm liên quan đến thừa cân béo phì. Để có thể cập nhật các kiến thức về sức khỏe thường xuyên, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Để có một chế độ ăn uống và phòng ngừa bệnh thừa cân hiệu quả, bạn có thể đặt lịch khám tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc TẠI ĐÂY  hoặc gọi điện qua số HOTLINE để được tư vấn trực tiếp. 

Câu hỏi thường gặp:

Béo phì là gì?

Béo phì là tình trạng cơ thể bị tích tụ quá nhiều mỡ tại một vùng hoặc toàn bộ cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bị bệnh béo phì, bạn cần quan tâm đến cân nặng và cả tỷ lệ mỡ có trong cơ thể.

Các biến chứng của bệnh béo phì là gì?

Vấn đề về tim mạch, đặc biệt là ở những người có mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng.
Nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Bệnh đái tháo đường.
Rối loạn sinh sản ở cả nam giới và nữ giới.
Bệnh Sỏi mật và các vấn đề liên quan đến gan như xơ gan và gan nhiễm mỡ.
Bệnh thoái hóa khớp.
Rối loạn tâm lý.
Nguy cơ tử vong sớm đối với những người có chỉ số BMI ≥ 35.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.