Tin tức y tế

Polyp túi mật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

23/08/2023

Các nghiên cứu đều cho thấy phần lớn polyp túi mật là lành tính và không nguy hại đối với sức khỏe. Tuy nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ từ căn bệnh này, bởi một số thể polyp có thể phát triển thành Ung thư túi mật. Vậy polyp túi mật là gì, làm cách nào để phát hiện và điều trị kịp thời? Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu nội dung trên qua bài viết sau đây!

>> Xem thêm:

Polyp túi mật là gì? 

Những tổn thương ở dạng u hay giả u nhô ra và phát triển trên thành túi mật, niêm mạc túi mật được gọi là polyp túi mật (hay u nhú niêm mạc túi mật). Tỷ lệ mắc polyp được báo cáo là 4,3 – 6,9% và bệnh hiếm gặp ở lứa tuổi trẻ em. 

Mặc dù, hấu hết các trường hợp u nhú niêm mạc túi mật mang bản chất lành tính nhưng một trong số đó có khả năng là các polyp ác tính (có khả năng phát triển thành ung thư). Do đó, việc phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết để điều trị bệnh một cách triệt để.

>> Xem thêm: Ung thư vòm họng – Nhận biết dấu hiệu và cách điều trị bệnh

Các thể polyp ác tính có thể phát triển thành ung thư túi mật
Các thể polyp ác tính có thể phát triển thành Ung thư túi mật (Nguồn: Internet)

Các loại polyp túi mật thường gặp

Theo mô học của polyp, có hai loại polyp là polyp lành tính và polyp ác tính. Trong mỗi loại lại chia ra vô số dạng polyp khác nhau. Dưới đây là một số thể polyp chiếm tỉ lệ và  thường gặp nhất: 

Polyp thể cholesterol

Phần lớn các u nhú niêm mạc tuyến túi mật là lành tính, và 60 – 90% trong số đó là polyp cholesterol. Chúng thường có kích thước nhỏ hơn 10mm. Dạng polyp Cholesterol thường liên quan đến bệnh Cholesterol có mụn nước. 

>> Xem thêm:

Các thể polyp cholesterol thường có kích thước nhỏ
Các thể polyp Cholesterol thường có kích thước nhỏ (Nguồn: Internet)

Polyp thể viêm

Polyp viêm chỉ chiếm khoảng 10% trong số các trường hợp mắc polyp. Chúng là phản ứng viêm tăng sinh biểu mô cục bộ với sự xâm nhập của các tế bào viêm, thường liên quan đến viêm túi mật mãn tính. Các polyp hiếm khi gây Ung thư và thường có kích thước dưới 10mm.

Polyp thể u tuyến thường có kích thước từ 5 - 20mm
Polyp thể u tuyến thường có kích thước từ 5 – 20mm (Nguồn: Internet)

Polyp thể u tuyến

Mặc dù polyp thể u tuyến là dạng polyp lành tính nhưng chúng có nguy cơ phát triển thành u ác tính. Polyp thể u tuyến thường là những tổn thương mang tính đơn lẻ có cuống và liên quan đến tình trạng viêm túi mật mãn tính hoặc sỏi mật. Chúng có kích thước từ 5 – 20mm và thường đứng đơn độc. 

Polyp thể u tuyến thường có kích thước từ 5 - 20mm
Polyp thể u tuyến thường có kích thước từ 5 – 20mm (Nguồn: Internet)

Polyp thể phì đại cơ tuyến

Polyp thể phì đại cơ tuyến xảy ra ở bệnh nhân tuổi trung niên. Tỷ lệ mắc polyp thể phì đại cơ tuyến tăng dần theo độ tuổi. U cơ tuyến chiếm tới 25% polyp dạng túi mật. Chúng thường khu trú ở đáy túi mật và xuất hiện dưới dạng các polyp đơn độc. 

Polyp phì đại cơ tuyến khu trú ở đáy túi mật và thường xuất hiện đơn độc
Polyp phì đại cơ tuyến khu trú ở đáy túi mật và thường xuất hiện đơn độc (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân bị polyp túi mật 

Có nhiều yếu tố khác nhau được xem là có liên quan đến việc hình thành các thể polyp bao gồm chức năng gan mật kém, nồng độ đường trong máu, mỡ máu cao, thói quen ăn uống không phù hợp hay tình trạng nhiễm virus viêm gan. 

Phần lớn các nguyên nhân gây ra tình trạng u nhú niêm mạc tuyến túi mật hiện nay vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng polyp ác tính, sự hình thành và phát triển các polyp ác tính liên quan chặt chẽ tới một số yếu tố sau: 

  • Tuổi tác, u nhú niêm mạc túi mật phổ biến hơn ở những bệnh nhân trên 50 tuổi
  •  Kích thước polyp, polyp có kích thước lớn hơn 1,5 cm có khả năng cao là polyp ác tính 
  • Người mắc bệnh tiểu đường, sỏi thận. 

Triệu chứng của polyp túi mật

Các triệu chứng của polyp dạng túi mật khá mơ hồ, trong nhiều trường hợp không xuất hiện dấu hiệu cụ thể. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị u nhú niêm mạng tuyến túi mật có thể gặp một số tình trạng sau: 

  • Buồn nôn
  • Đau vùng hạ vị phải gây ra bởi các mảnh Cholesterol nhỏ tách ra khỏi niêm mạc túi mật
  • Khó tiêu
  • Viêm túi mật cấp tính hoặc vàng da (tuy nhiên đây là những triệu chứng rất hiếm gặp).

Đôi khi, Polyp được xác định dựa trên kết quả siêu âm ổ bụng đối với người bệnh đau vùng bụng góc phần tư phía trên bên phải. Những trường hợp không có dấu hiệu khác, u nhú niêm mạc túi mật có thể coi là nguyên nhân gây ra những cơn đau quặn mật. 

Ngoài ra, giữa bệnh nhân mắc polyp lành tình và polyp ác tính, những triệu chứng mà họ gặp phải không có quá nhiều sự khác biệt. Polyp Cholesterol có thể tác ra và biểu hiện lâm sàng như sỏi mật, gây đau quặn mật, tắc mật, thậm chí là viêm tụy.

Chẩn đoán và cách điều trị polyp túi mật 

Mặc dù phần lớn các u nhú niêm mạc tuyến túi mật là lành tính, tuy nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây Ung thư từ các thể polyp. Chính vì vậy, chẩn đoán bệnh định kỳ và có phương pháp điều trị thích hợp là điều thiết yếu. 

Chẩn đoán polyp túi mật

Để chẩn đoán u nhú niêm mạc túi mật, cần có sự can thiệp phương pháp khoa học với sự trợ giúp của các thiết bị hiện đại. Sau đây là những phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán polyp: 

Siêu âm 

Siêu âm vùng bụng được coi là phương pháp kiểm tra tốt nhất hiện có để chẩn đoán polyp dạng túi mật. Bởi khả năng tiếp cận, chi phí thấp và độ nhạy, độ đặc hiệu từ phương pháp này. Phương pháp siêu âm cho phép chuyên gia xác định các vị trí, đếm và đo kích thước của polyp, đồng thời quan sát ba lớp thành túi mật và những dấu hiệu bất thường có thể đi kèm. 

Chụp cộng hưởng từ 

Phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán các bệnh về túi mật. Nhược điểm của chụp cộng hưởng từ là độ phân giải không gian và độ tương phản kém. Tuy nhiên, chụp cộng hưởng từ khuếch tán (DWI) này có thể hỗ trợ phân biệt giữa các tổn thương túi mật dạng polyp lành tính và ác tính. 

Chụp CT (Chụp cắt lớp vi tính)

Phương pháp này không có khả năng phát hiện các tổn thương mật độ thấp và độ nhạy của nó trong chẩn đoán polyp không quá cao (đặc biệt khi túi polyp có đường kính dưới 10mm). Tuy nhiên, chụp CT lại khá hữu ích trong việc nghiên cứu Ung thư biểu mô túi mật, tương quan giải phẫu và chẩn đoán di căn hạch. 

Cách điều trị polyp túi mật

Có 2 hướng điều trị u nhú niêm mạc túi mật là điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết và có chỉ định của bác sĩ. 

Điều trị bảo tồn

Trên 90% các trường hợp mắc u nhú niêm mạc tuyến túi mật là lành tính (không gây ung thư). Nếu polyp nhỏ (dưới 1 cm), bệnh nhân chỉ cần theo dõi định kì 3 – 6 tháng một lần mà không cần can thiệp cắt bỏ. Người bệnh nên điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của mình để các polyp hạn chế phát triển. 

Thực phẩm nên hạn chế: 

  • Đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa như đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, mỡ động vật,…
  • Thực phẩm chứa hàm lượng đường, tinh bột cao
  • Thực phẩm chứa nhiều cholesterol.

Bệnh nhân nên lựa chọn thực phẩm như:

  • Rau, củ, quả giàu các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể
  • Sử dụng chất béo từ thực vật
  • Sữa không đường, ít béo.

Trong trường hợp, bệnh nhân gặp một số tình trạng đau nhức, bạn có thể áp dụng biện pháp chườm nóng để làm dịu bớt cơn đau. 

Phẫu thuật

Đối với polyp có kích thước lớn hơn 1 cm, chúng có khả năng phát triển thành Ung thư (đặc biệt là các polyp lớn hơn 1,5cm). Do đó, phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp có thể được đề nghị để ngăn chặn sự hình thành ung thư túi mật. Hai phương pháp phẫu thường xuyên được áp dụng bao gồm:

  • Phẫu thuật mở: Thường áp dụng khi nghi ngờ nguy cơ mắc Ung thư cao. Phương pháp này đòi hỏi vết rạch lớn, quy trình thực hiện dài và thời gian phục hồi lâu ( 6 – 8 tuần).
  • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp giúp bác sĩ thông qua vết mổ nhỏ mà loại bỏ túi mật. Phương pháp này hạn chế được những biến chứng sau phẫu thuật và có thời gian hồi phục nhanh.
Phẫu thuật nội soi là phương pháp an toàn hiệu quả giúp cắt bỏ cơ quan và loại bỏ hoàn toàn polyp ác tính
Phẫu thuật nội soi là phương pháp an toàn hiệu quả giúp cắt bỏ cơ quan và loại bỏ hoàn toàn polyp ác tính (Nguồn: Internet)

Cách phòng ngừa polyp túi mật

Để phòng ngừa bệnh u nhú niêm mạc túi mật, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày, bao gồm: 

  • Hạn chế ăn đồ ăn chiên nướng hoặc đồ ăn giàu chất béo 
  • Không nên ăn quá nhiều đồ ăn giàu cholesterol
  • Tránh, hạn chế tối đa đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có gas 
  • Bổ sung nhiều trái cây, rau củ tươi
  • Bổ sung axit béo omega-3 mỗi ngày
  • Bạn có thể bổ sung gừng, nghệ vào bữa ăn hàng ngày
  • Uống đủ lượng nước cần thiết đối với cơ thể và duy trì đều đặn hàng ngày 
  • Duy trì chế độ ngủ nghỉ và sinh hoạt hợp lý. 

Ngoài ra, bạn nên khám sức khỏe định kỳ, trong đó áp dụng phương pháp siêu âm để có thể phát hiện tình trạng bệnh kịp thời, từ đó có phương án điều trị thích hợp để ngăn chặn tiến trình phát triển của bệnh.

Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh u nhú túi mật
Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh u nhú túi mật (Nguồn: Internet)

Trên đây là tổng hợp thông tin về polyp túi mật, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích, từ đó có biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Để cập nhật thêm các kiến thức hữu ích mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

Câu hỏi thường gặp:

Bị Polyp túi mật có nguy hiểm  không?

U nhú niêm mạc túi mật bao gồm hai dạng chính là polyp lành tính và polyp ác tính. Phần lớn các thể polyp thuộc dạng polyp lành tính, loại polyp này không đáng lo ngại vì chúng không gây ra vấn đề nguy hiểm đối với sức khỏe. Polyp ác tính chiếm tỷ lệ nhỏ, chúng có khả năng cao gây ra Ung thư nguy hiểm tới tính mạng. 

Polyp túi mật có gây đau không?

Phần lớn các trường hợp mắc các dạng polyp khác nhau đều không xuất hiện các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, vẫn có số ít bệnh nhân mắc polyp gặp phải tình trạng đau vùng hạ vị phải gây ra bởi các mảnh Cholesterol nhỏ tách ra khỏi niêm mạc túi mật.

Polyp có tự hết không?

Các thể polyp khác nhau đều không thể tự tiêu biến. Đồng thời, theo thời gian, chúng có thể phát triển về cả số lượng và kích thước. Ngoại trừ phương pháp cắt bỏ, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào khác giúp loại bỏ hoàn toàn polyp. 

Polyp túi mật nên ăn gì?

Áp dụng chế độ ăn lành mạnh và hợp lý là yếu tố cần thiết giúp ngăn ngừa sự phát triển của polyp đối với người bệnh. Một số thực phẩm mà người mắc u nhú túi mật có thể đưa vào thực đơn hàng ngày bao gồm: Củ cải đường, nước ép củ cải đường, dầu oliu (loại chưa qua tinh chế), trái lê tươi và nước ép lê.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.