Mụn nước ở trên da khiến nhiều người lo lắng không biết tình trạng da của mình đang gặp vấn đề gì. Vậy mụn nước là gì và nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để điều trị và ngăn chặn tình trạng nổi mụn nước? Tất cả sẽ được Hoàn Mỹ giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
>>> Bài viết cùng chủ đề:
- Mụn ẩn là gì? Cách trị mụn ẩn dưới da an toàn
- Mụn trứng cá: Nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả
- Mụn cóc: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách chữa dứt điểm
Mụn nước là gì?
Mụn nước là những đốm tròn nhỏ chứa dịch trong hoặc mủ (màu trắng hoặc vàng), máu hoặc huyết thanh được hình thành dưới lớp biểu bì của da. Thoạt nhìn, những nốt mụn này có hình dạng giống bong bóng nước, nhưng chúng có kích thước rất bé (thường dưới 5mm). Trong một vài trường hợp, mụn nước có thể gây ra cảm giác ngứa, đau rát hoặc khó chịu.
Mụn nước có thể mọc ở một hoặc nhiều vị trí trên cơ thể, chủ yếu ở tay, chân và lưng. Ngoài ra, mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn đều có thể bị nổi mụn nước. Tuy nhiên, chúng có thể tự khỏi và biến mất chỉ sau vài ngày. Nếu bị nổi mụn nước trong thời gian dài hoặc kèm theo các triệu chứng khác, đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh da liễu thường gặp.
Nguyên nhân gây ra Các loại mụn nước thường gặp
Để điều trị mụn nước tận gốc một cách nhanh nhất, trước tiên cần tìm hiểu một số nguyên nhân hình thành của mụn.
Do cọ xát
Da bị cọ xát là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra vấn đề nổi mụn nước. Sự ma sát mạnh trên bề mặt da có thể gây tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và hình thành mụn nước. Các vết rộp da ở gót chân, ngón chân hoặc bàn chân do đi giày quá chật là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, việc cọ xát liên tục cũng có thể làm loại bỏ lớp dầu tự nhiên ở trên da. Điều đó khiến cho da tiết nhiều dầu hơn gây nên tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và mọc mụn nước.
Tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc bỏng lạnh
Da nổi mụn nước do tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp là phản ứng bình thường của cơ thể. Nó có thể xảy ra trong trường hợp lỡ chạm vào những đồ vật gây bỏng như ống bô, bếp, bình nước sôi,… Tay chân tê cứng do tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp cũng có thể xuất hiện mụn nước. Mụn nước lúc này có thể sưng to và phồng rộp nếu tình trạng bỏng hay tê cóng nghiêm trọng.
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc được chia thành 2 dạng là dị ứng và kích ứng. Viêm da kích ứng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang hoặc các loại cây có độc tố. Trong khi đó, viêm da tiếp xúc Dị ứng có thể đến từ hóa chất trong mỹ phẩm, thuốc nhuộm, thực phẩm,… Cả 2 tình trạng này đều khiến cho hệ miễn dịch có thể phản ứng quá mức, dẫn đến viêm da và tạo thành mụn nước.
Viêm da dị ứng
Viêm da Dị ứng là một dạng cơ bản của bệnh chàm. Nó có khả năng gây ra các chùm mụn nước li ti ở những vùng da mỏng. Bệnh chàm rất khó để điều trị dứt điểm do không thể xác định nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, việc thăm khám và điều trị kịp thời có thể ngăn chặn sự phát triển của mụn nước và các triệu chứng khác.
>>> Xem thêm:
- Viêm da cơ địa: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm
- Nổi mề đay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
- Mụn bọc là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị mụn bọc hiệu quả
Vết côn trùng cắn
Vết cắn từ một số loại côn trùng như bọ chét, ghẻ nước, rệp, bướm đêm,… chính là nguyên nhân gây mụn nước ở da. Những nốt mụn này có thể chứa dịch mủ nếu bị nhiễm khuẩn hoặc máu từ vết thương. Chúng có thể đi kèm với các triệu chứng như ngứa ngáy, sưng đỏ và có thể hết sau vài ngày. Điều quan trọng là bạn không nên gãi vết côn trùng cắn, vì việc này có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Bệnh thủy đậu và bệnh Zona
Đối với bệnh thủy đậu, những biểu hiện đầu tiên chính là cảm giác mệt mỏi, đau họng và sốt. Sau đó, người bệnh sẽ xuất hiện những nốt mụn đỏ và dần dần chuyển thành mụn nước. Cuối cùng, chúng vỡ ra và đóng vảy. Mụn nước do bệnh thủy đậu gây ra thường xuất hiện trên toàn bộ cơ thể, ít gây đau đớn.
Bệnh thủy đậu và bệnh Zona thần kinh có nguồn gốc từ cùng một loại virus đó là varicella zoster. Tuy nhiên, Bệnh zona tác động vào các dây thần kinh và gây đau đớn. Người bệnh sẽ nổi mụn nước ở một vùng trên cơ thể, ít hơn so với thủy đậu nhưng lâu lành hơn.
Nhiễm trùng do vi rút Herpes Simplex
Nhiễm trùng do vi rút Herpes Simplex thường được nhận diện qua các dấu hiệu như Sốt kèm theo mụn nước xuất hiện trên môi, miệng hoặc vùng sinh dục. Vi rút này có thể lây lan qua đường tình dục, nước bọt hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân.
Một số người không nhận ra mình mắc bệnh do triệu chứng thường nhẹ và có thể tự lành. Tuy nhiên, virus vẫn luôn tồn tại trong cơ thể nên không có biện pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn. Một vài loại thuốc chỉ có thể giúp người bệnh thuyên giảm và ngăn chặn các triệu chứng trong các đợt tái phát.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Bệnh giời leo: Nguyên nhân & cách điều trị bệnh triệt để, hiệu quả
- Phân biệt các loại mụn trên mặt và cách điều trị
- 10 cách trị thâm mụn nặng hiệu quả nhanh nhất
Bệnh Tay chân miệng ở trẻ em
Mụn nước là dấu hiệu quan trọng để nhận biết bệnh tay chân miệng. Đây là một loại bệnh lây nhiễm phổ biến ở trẻ em thường do virus Coxsackie gây ra. Bệnh Tay chân miệng thường bắt đầu bằng các triệu chứng như Sốt nhẹ, sổ mũi và đau họng. Sau đó, mụn nước xuất hiện rất nhiều tại các vị trí ở tay, chân và miệng thường tạo thành chùm, có thể gây ngứa hoặc đau.
Bệnh chốc
Bệnh chốc là một tình trạng nhiễm trùng da do độc tố có trong vi khuẩn Staphylococci. Bệnh thường biểu hiện dưới dạng các vết loét, mụn nước hoặc mụn mủ. Các nốt mụn này vỡ ra tạo thành những mảng lớn đóng vẩy, thường có màu vàng nhạt.
Bệnh chốc thường được chia thành 2 dạng là chốc bọng nước và chốc không bọng nước. Đối với chốc bọng nước, mụn nước sẽ lan rộng nhanh hơn và hình thành bọng nước. Khi chúng vỡ ra, các tổn thương sẽ lớn hơn nhiều so với chốc không bọng nước.
Cách điều trị mụn nước hiệu quả
Tất cả các phương pháp điều trị mụn nước đều tập trung vào việc giảm triệu chứng, kiểm soát sự lan rộng và đảm bảo làn da được duy trì trong trạng thái tốt nhất.
Dưới đây là một số cách điều trị mụn nước hiệu quả:
- Xác định nguyên nhân cụ thể: Tìm hiểu nguyên nhân gây mụn nước là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình điều trị. Điều này có thể giúp người bệnh có những phương pháp và phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
- Giữ vùng da sạch sẽ và khô ráo: Da của bạn sẽ hấp thụ chất lỏng có trong mụn nước, vết phồng rộp sẽ xẹp xuống và bong ra. Cho đến khi chúng tự lành lại, hãy đảm bảo vết thương luôn khô ráo bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sử dụng băng gạc hoặc băng dán cá nhân.
- Cung cấp độ ẩm cho da: Chọn các loại kem dưỡng ẩm chuyên biệt không chứa các thành phần gây kích ứng và tắc nghẽn lỗ chân lông để giữ ẩm cho da. Sử dụng các loại dầu dưỡng da từ thiên nhiên như dầu hạt nho, dầu dừa có thể làm giảm tình trạng khô da đáng kể. Uống đủ nước giúp cung cấp độ ẩm từ bên trong cho da.
- Giảm sưng và ngăn ngừa vi khuẩn: Nếu vùng mụn nước bị sưng gây đau đớn, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chườm lạnh, bôi kem chống dị ứng. Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm sẽ làm dịu cơn đau và ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thuốc kháng histamin, thuốc chống dị ứng, thuốc kháng sinh theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Hạn chế làm bể mụn nước: Với những vết mụn nhỏ, người bệnh không nên tìm cách để làm vỡ hoặc chọc chủng chúng. Việc đó có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tạo ra tổn thương lớn hơn, lâu lành hơn. Nếu mụn nước quá to gây khó khăn trong sinh hoạt, hãy thăm khám bác sĩ để có các biện pháp làm vỡ mụn an toàn và hiệu quả.
Biện pháp phòng ngừa mụn nước tái phát
Những biện pháp giúp ngăn ngừa mụn nước tái phát bao gồm:
- Giảm cọ xát: Tránh các hoạt động gây ma sát mạnh trên da. Đảm bảo lựa chọn áo quần phù hợp và mang giày vừa vặn, có thể đi kèm với tất. Điều này giúp ngăn ngừa mụn nước và tạo điều kiện thoáng khí cho da.
- Sử dụng thiết bị bảo hộ khi làm việc: Mang áo quần dài, đội mũ, đeo găng tay khi làm việc ngoài trời trong điều kiện nắng gắt hoặc giá rét. Mặc đồ bảo hộ nếu làm việc ở những nơi nguy hiểm hoặc có nhiều côn trùng.
- Hỗ trợ và tăng cường hệ miễn dịch: Duy trì một lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Đồng thời, thường xuyên tập luyện thể dục, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Cẩn thận khi tiếp xúc với nguồn nhiệt độ cao: Hãy đảm bảo an toàn khi phải tiếp xúc các vật có nhiệt độ quá nón hoặc quá lạnh.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: Đảm bảo da không tiếp xúc với các hợp chất gây Dị ứng hoặc kích ứng.
>>> Xem thêm:
- Mụn viêm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị mụn viêm
- Top 8 nguyên nhân gây mụn bạn cần biết
- Có nên nặn mụn không? Cách nặn mụn an toàn, đúng cách
Khi nào cần đến khám bác sĩ?
Nếu người bệnh phát hiện bị nổi mụn nước và xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, đó là tín hiệu cho thấy bạn nên đi khám bác sĩ:
- Vết mụn nước có dấu hiệu nhiễm trùng như nổi đỏ, sưng to, phồng rộp, chảy mủ gây mùi hôi khó chịu.
- Kèm theo các triệu chứng sốt, mệt mỏi, buồn nôn,…
- Tình trạng mụn nước kéo dài mà không có sự cải thiện.
- Mụn nước lan rộng ra khắp cơ thể hoặc xuất hiện nhiều hơn.
- Nổi mụn nước do tiếp xúc với chất gây dị ứng, hóa chất độc hại.
Vừa rồi là tổng hợp thông tin chi tiết liên quan đến mụn nước. Hy vọng qua bài viết trên, các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích để bảo vệ sức khỏe của bản thân và duy trì một làn da khỏe mạnh. Để cập nhật thêm các thông tin khác về y tế một cách sớm nhất, truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.