Tin tức y tế

Zona thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa

24/09/2023

Zona thần kinh là bệnh lý viêm da gây ra bởi sự tấn công của virus varicella-zoster (VZV). Zona thường xuất hiện dưới dạng phát ban da phồng rộp ở một bên cơ thể, sau đó tiến triển với nhiều triệu chứng đáng lo ngại khác. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị Bệnh zona thần kinh trong bài viết sau.

>>> Xem thêm:

Zona thần kinh là bệnh gì?

Zona thần kinh là bệnh lý xuất hiện dưới dạng phát ban da phồng rộp ở một bên cơ thể, gây cảm giác đau đớn và khó chịu. Hầu hết mọi người chỉ mắc Bệnh zona một lần duy nhất trong đời. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có nguy cơ tái phát. Bệnh chủ yếu xuất hiện phổ biến ở người lớn tuổi và đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu. 

Bệnh Zona thần kinh có thời gian phát bệnh từ 2 – 4 tuần và triệu chứng ban đầu của bệnh thường là nóng rát, ngứa ran, châm chích tại vùng bị tổn thương. Sau vài ngày, mụn nước bắt đầu hình thành và phát ban theo dạng sọc hoặc dải sọc, nổi lên từng đám nhỏ màu đỏ, phát triển mụn nước tương tự như thuỷ đậu. Mụn nước vỡ tạo thành các vết loét và rỉ dịch. Sau đó, vết thương bắt đầu khô dần và đóng vảy, có thể để lại sẹo nếu không được chăm sóc đúng cách. Bệnh lý này cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh dẫn đến biến chứng nghiêm trọng về sau. 

Bệnh zona thần kinh xuất hiện dưới dạng phát ban phồng rộp
Bệnh zona thần kinh xuất hiện dưới dạng phát ban phồng rộp trên da (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân bị zona thần kinh

Nguyên nhân gây ra Bệnh zona thần kinh là do virus varicella-zoster (VZV) tái hoạt động, chỉ xuất hiện ở những người từng mắc bệnh thuỷ đậu trước đó. Cụ thể, sau khi khỏi bệnh thuỷ đậu, virus vẫn tồn tại ở trạng thái không hoạt động trong hạch thần kinh. Người bệnh lúc này không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể.

Sau vài năm, khi cơ thể gặp các triệu chứng như suy nhược, suy giảm miễn dịch, tâm trạng căng thẳng,… virus varicella-zoster có thể xuất hiện trở lại lần nữa và di chuyển dọc theo các sợi thần kinh để gây bệnh zona. Nguyên nhân chính xác của cơ chế này hiện vẫn chưa được xác định rõ.

Virus varicella-zoster  gây ra bệnh zona thần kinh
Virus varicella-zoster là tác nhân gây ra Bệnh zona thần kinh (Nguồn: Internet)

Các thể Bệnh zona phổ biến

Các thể Bệnh zona thần kinh phổ biến gồm có:

  • Zona trên mặt: Các vết phồng nước đỏ hoặc vảy xuất hiện quanh môi, hai bên má hoặc vùng trán, có thể để lại sẹo về sau. Biến chứng đáng lo ngại là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
  • Zona ở tai: Gây đau tai, liệt mặt, xuất huyết, xuất hiện các vết lở loét trong tai, nổi hạch ở trước, sau tai,…
  • Zona ở miệng: Các vết lở loét thường xuất hiện ở môi hoặc ngay trong khoang miệng. Bệnh thường bị nhầm lẫn với tình trạng nhiệt miệng thông thường.
  • Zona ở vùng mắt: Triệu chứng thường gặp là ngứa, sưng, xuất hiện các vết phồng rộp ở vùng mắt, có thể kèm đau mắt. Bệnh không được điều trị có nguy cơ dẫn đến viêm giác mạc, mù loà,…
  • Zona ở các vùng khác: Thân, cổ, lưng, các ngón tay.

>>> Tìm hiểu thêm:

Các giai đoạn phát triển Bệnh zona thần kinh

Biểu hiện lâm sàng của Bệnh zona thần kinh được chia thành 3 giai đoạn rõ rệt, bao gồm:

  • Giai đoạn tiền phát bệnh: Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 48 giờ hoặc lên đến 10 ngày tuỳ vào từng trường hợp. Triệu chứng dễ nhận thấy là nhức đầu, mệt mỏi, Sốt và nhạy cảm với ánh sáng. 
  • Giai đoạn cấp tính: Các triệu chứng thực thể của bệnh bắt đầu xuất hiện rõ rệt. Người bệnh cảm thấy đau dữ dội ở một bên cơ thể, đi kèm với các tổn thương trên da, điển hình là các cụm mụn nước chứa đầy dịch. Những mụn nước này vẫn tiếp tục hình thành và vỡ ra trong khoảng thời gian từ 3 – 5 ngày. Đây là giai đoạn virus dễ dàng lây lan nhất. Sau đó, các mụn nước sẽ khô, đóng vảy và phục hồi hoàn toàn sau khoảng 4 tuần. Những thay đổi về sắc tố và sẹo trên da do tổn thương để lại có thể tồn tại vĩnh viễn.
  • Giai đoạn mạn tính: Giai đoạn này thường xảy ra ở 20% số bệnh nhân mắc Bệnh zona thần kinh. Cơn đau một bên người có thể tái phát kéo dài hơn 4 tuần sau khi mụn nước đã lành. Một số triệu chứng khác trong giai đoạn này là nóng rát, ngứa ran do dây thần kinh chịu áp lực lớn (dị cảm) và bị tổn thương (rối loạn cảm giác). 
Các giai đoạn phát triển bệnh zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau (Nguồn: Internet)

Biến chứng Bệnh zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như sau:

  • Đau dây thần kinh postherpetic: Tình trạng đau dây thần kinh giật từng cơn có thể tiếp tục xuất hiện sau khi đã lành bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.  
  • Giảm thị lực hoặc tổn thương mắt: Bệnh zona xuất hiện trong hoặc xung quanh mắt (bệnh zona mắt) có thể gây nhiễm trùng mắt, về lâu dài dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí là mất thị lực.
  • Nhiễm trùng da: Mụn nước do Bệnh zona thần kinh gây nên nếu không được điều trị đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nhiễm trùng da.
  • Các vấn đề tổn thương thần kinh khác: Viêm não, liệt một phần mặt, viêm phổi, tổn thương hệ thần kinh và cột sống, đột quỵ, ảnh hưởng đến thai nhi,…
Biến chứng bệnh zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh có thể tiến triển thành nhiều biến chứng đáng lo ngại cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Triệu chứng của người bị Bệnh zona thần kinh

Các triệu chứng của Bệnh zona thần kinh thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, bao gồm:

  • Đau, rát, ngứa ran trên da.
  • Da trở nên nhạy cảm hơn khi chạm vào.
  • Phát ban đỏ, nổi hạch.
  • Nổi các mụn nước chứa đầy dịch.

Một số trường hợp còn có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Sốt.
  • Đau đầu.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Mệt mỏi.

Trong đó, cảm giác đau dây thần kinh là triệu chứng đầu tiên của Bệnh zona thần kinh. Mức độ đau thường rất dữ dội, có thể gây nhầm lẫn với cơn đau tim, phổi hoặc thận.

Triệu chứng của người bị bệnh zona thần kinh
Phát ban và ngứa là triệu chứng điển hình của Bệnh zona (Nguồn: Internet)

Cách điều trị Bệnh zona thần kinh

Các biện pháp điều trị Bệnh zona thần kinh được chỉ định nhằm mục đích ức chế hoạt động của virus và kiểm soát triệu chứng đau. Hầu hết các trường hợp nhẹ đều có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu người bệnh gặp phải triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị. Một số phương pháp hiệu quả thường được áp dụng bao gồm:

  • Uống thuốc kháng virus: Loại thuốc này được sử dụng để ức chế hoạt động của virus varicella-zoster, giúp rút ngắn thời gian tổn thương. Đồng thời, làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương trên da. Ngoài ra, thuốc kháng virus cũng có khả năng ngăn ngừa một số biện chứng tiềm ẩn của bệnh zona. Thuốc mang lại hiệu quả cao nhất khi được sử dụng trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm phát ban lần đầu tiên. Các loại thuốc thường được chỉ định bao gồm: Acyclovir, famciclovir, valacyclovir,… Trong một số trường hợp nhất định, người bệnh có thể cần phải dùng thuốc kháng virus theo hình thức tiêm tĩnh mạch (IV).
  • Thuốc giảm đau: Loại thuốc này có công dụng cải thiện triệu chứng khó chịu do phát ban gây ra. Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như: Acetaminophen, ibuprofen. Nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau opioid mạnh hơn.
  • Thuốc kháng histamin không kê đơn, chẳng hạn như diphenhydramine có công dụng giảm ngứa cục bộ.
  • Sử dụng thuốc corticosteroid, chẳng hạn như prednisone: Phương pháp điều trị này chỉ được chỉ định với các trường hợp mắc bệnh zona thần kinh nghiêm trọng, liên quan đến tổn thương tai và  mắt. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp đồng thời với liệu pháp kháng virus. Prednisone không được khuyên dùng trong trường hợp Bệnh zona không biến chứng.
Uống thuốc điều trị bệnh zona thần kinh
Uống thuốc điều trị Bệnh zona thần kinh theo chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi nghi ngờ mắc bệnh zona thần kinh, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay từ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt là các trường hợp đáng lo ngại sau đây:

  • Cơn đau và tình trạng phát ban xảy ra gần mắt, có nguy cơ gây nhiễm trùng hoặc dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn. 
  • Người bệnh từ 50 tuổi trở lên (tuổi tác càng cao, nguy cơ xuất hiện biến chứng càng lớn).
  • Người bệnh hoặc người thân có hệ thống miễn dịch suy yếu do ung thư, mắc bệnh mãn tính, tác dụng phụ của thuốc,…
  • Triệu chứng phát ban lan rộng và gây đau đớn nghiêm trọng.
  • Trong 3 ngày đầu tiên bị bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
  • Sau 10 ngày điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.

Biện pháp phòng ngừa zona thần kinh

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa bệnh zona thần kinh hiệu quả nhất. Loại vắc-xin này có tên là Shingrix, là loại vắc-xin bất hoạt, có chứa thành phần virus, được chấp thuận và khuyên dùng cho những đối tượng sau:

  • Người từ 50 tuổi trở lên, bao gồm cả đối tượng mắc và không mắc bệnh.
  • Những người đã từng tiêm vắc xin Zostavax cũng có thể tiếp tục tiêm Shingrix.
  • Những người từ 19 tuổi trở lên, có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh tật hoặc tác dụng phụ của thuốc. 

Mỗi người cần tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau từ 2 – 6 tháng.

Tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc-xin phòng Bệnh zona thần kinh là tình trạng đỏ, đau và sưng chỗ tiêm. Một số người cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đầu,… Biện pháp tiêm vắc-xin không đảm bảo ngăn ngừa mắc zona 100% nhưng sẽ làm giảm tốc độ tiến triển, lây lan của bệnh cũng như mức độ tổn thương trên cơ thể. Theo đó, các nghiên cứu cho thấy Shingrix có thể phát huy khả năng bảo vệ cơ thể trong hơn 5 năm..

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản như ngủ đủ giấc, tránh tâm lý căng thẳng, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục tăng sức đề kháng để phòng ngừa Bệnh zona thần kinh. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Bị kiến ba khoang đốt: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Zona thần kinh kiêng ăn gì?

Khi bị mắc Bệnh zona thần kinh, người bệnh nên kiêng một số loại thực phẩm sau để cải thiện tình trạng bệnh:

  • Ngũ cốc tinh chế.
  • Các loại thực phẩm nhiều đường.
  • Thực phẩm chứa Gelatin.
  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo.
  • Thực phẩm cay nóng, chế biến sẵn.
  • Rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác.

Các thắc mắc liên quan đến bệnh zona

Dưới đây là một số giải đáp thắc mắc liên quan đến Bệnh zona thần kinh, bạn nên tham khảo để cập nhật thêm thông tin hữu ích:

Bệnh zona thần kinh có gây ngứa không?

Bệnh zona thần kinh có thể gây ngứa. Triệu chứng này thường xuất hiện trước khi tình trạng phát ban xảy ra.

Bệnh zona thần kinh có chữa khỏi được không?

Hiện nay, không có biện pháp chữa trị dứt điểm Bệnh zona thần kinh. Các biện pháp được đề xuất chỉ nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh vẫn có nguy cơ tái phát về sau. 

Bệnh zona thần kinh có tái phát không?

Hầu hết người bệnh đều chỉ gặp phải một đợt Bệnh zona duy nhất trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng tái phát vẫn có thể xảy ra. Để ngăn ngừa, những đối tượng được chỉ định tiêm vắc-xin thì nên tiêm zoster (Shingrix) phòng bệnh càng sớm càng tốt.

Bệnh zona thần kinh có lây không?

Bệnh zona thần kinh có thể lây từ người này sang người khác. Virus varicella-zoster lây lan thông qua quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa da với da, cụ thể là chất dịch chảy ra từ mụn nước. Bệnh zona hiếm khi lây lan thông qua đường hô hấp. Nếu tình trạng phát ban đang ở giai đoạn phồng rộp, người bệnh nên tránh xa những người xung quanh để đảm bảo an toàn.

Đối tượng nào dễ mắc Bệnh zona thần kinh?

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc Bệnh zona thần kinh:

  • Người cao tuổi: Bệnh zona hiếm khi xảy ra ở trẻ em, ngược lại rất phổ biến ở người lớn tuổi. Nói cách khác, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng miễn dịch suy yếu theo tuổi tác. Thực tế cho thấy, khoảng 50% trường hợp mắc bệnh zona thần kinh xảy ra ở người lớn từ 60 tuổi trở lên.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu thường có nguy cơ mắc Bệnh zona cao hơn, chẳng hạn như: Bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS, người bệnh dùng steroid hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch khác, người đã trải qua cấy ghép nội tạng, người mắc một số bệnh tự miễn (như viêm khớp dạng thấp, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng),…
  • Người thường xuyên căng thẳng: Đây được coi là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc Bệnh zona thần kinh do tác động bất lợi đến hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể. 

Bị zona thần kinh có để lại sẹo không?

Có, tuy nhiên sẹo sẽ mờ và nhỏ vì mức độ tổn thương da nhẹ. Nếu như được điều trị sớm và đúng cách thì sẹo sẽ sớm mờ và trở về màu da bình thường.

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích về Bệnh zona thần kinh, nguyên nhân, triệu chứng bệnh, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.