Tin tức y tế

Nổi mề đay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa mề đay an toàn

24/08/2023

Nổi mề đay là tình trạng các mao mạch trên da phản ứng với các tác nhân kích thích, làm da ngứa ngáy, phù nề, đỏ và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Nguyên nhân gây ra có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của bệnh nổi mề đay để đem lại sự thoải mái cho làn da của bạn.

>> Xem thêm:

Nổi mề đay là bệnh gì?

Nổi mề đay, hay còn gọi là mẩn ngứa, mày đay là tình trạng da xuất hiện các nốt hay mảng sần, phồng rộp, sưng đỏ, thường đi kèm với cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Đây là một trong những bệnh da liễu phổ biến mà nhiều người trên thế giới mắc phải.

May mắn là phần lớn trường hợp mề đay có xu hướng tự giảm sau khoảng 6 tuần và chỉ một số ít trường hợp kéo dài hoặc tái phát. Tuy nhiên, việc không điều trị hoặc xử lý không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm là phù mao mạch dị ứng. Bệnh này có thể gây sưng phù ở mặt, mi mắt, lưỡi, môi và thậm chí gây tắc nghẽn đường thở, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Mề đay có bao nhiêu loại?

Bệnh mề đay có thể được chia thành nhiều loại dựa vào các yếu tố khác nhau như nguyên nhân gây ra, tính chất triệu chứng và thời gian kéo dài của bệnh. Bệnh mề đay có 2 tình trạng chính là mề đay cấp tính và mề đay mãn tính.

Mề đay cấp tính

Đây là dạng bệnh có triệu chứng nổi mẩn đỏ, ngứa xuất hiện một cách đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn, thường kéo dài trong vòng 24 giờ hoặc 72 giờ sau khi điều trị. Các vết mề đay cấp tính có thể tự biến mất sau khi ngừng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh hoặc ngưng sử dụng sản phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên nếu không điều trị mề đay dứt điểm, tổn thương kéo dài sẽ dẫn đến mề đay mãn tính.

Mề đay mãn tính

Tình trạng mề đay mãn tính sẽ lâu khỏi hơn, thường kéo dài trên 6 tuần với các biểu hiện nổi mẩn ngứa trên da có màu đỏ, hồng nhạt, trắng đi kèm với cảm giác ngứa, nóng rát. Mề đay mãn tính nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ gây ra các biến chứng như chàm hóa, sạm da và tăng nguy cơ mắc các bệnh Dị ứng thứ phát khác.

Bệnh mề đay mãn tính kéo dài và tái phát liên tục sẽ làm thay đổi sắc tố da, ngứa ngáy cả ngày làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mất ngủ và khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.

>>> Tìm hiểu thêm:

Tình trạng nổi mề đay có 2 loại cấp tính và mãn tính
Nổi mề đay thường đi kèm với cảm giác ngứa ngáy, khó chịu (Nguồn: Internet)

Triệu chứng của bệnh nổi mề đay

Một số triệu chứng phổ biến của nổi mề đay giúp bạn nhận biết dễ dàng hơn:

  • Nổi các nốt sần màu trắng sữa có bọng nước thành cụm trên da như vết muỗi đốt, xung quanh có màu đỏ.
  • Xuất hiện các vết ban đỏ sưng phồng hay còn gọi vết giác đỏ với nhiều hình dạng và kích thước như hình tròn, hình bầu dục,…
  • Cảm giác ngứa da dữ dội, khiến người bệnh gãi không ngừng, làm tổn thương da.
  • Vùng da bị nổi mề đay có thể sưng, viêm và có cảm giác nóng rát.
  • Các vết mày đay nổi ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể.

Triệu chứng nổi mề đay có thể ảnh hưởng đến tinh thần của bệnh nhân, gây khó chịu và không thể tập trung làm việc hoặc học tập. Sự xuất hiện không thường xuyên và khó lường trước của các triệu chứng gây khó khăn cho người bệnh trong điều trị.

>> Xem thêm:  Bệnh viêm da cơ địa và những thông tin quan trọng bạn nên biết

Vùng da bị mề đay nổi ban đỏ
Vùng da bị nổi mề đay với các nốt đỏ ngứa ngáy (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân nổi mề đay ngứa ngáy, khó chịu

Nổi mề đay xảy ra do cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng. Khi cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng, histamin và các chất trung gian sẽ được giải phóng khiến các mạch máu giãn nở và dịch từ mạch máu sẽ thoát ra tích tụ ở dưới da, gây phù cấp và phù mãn tính ở trung bì, da sưng đỏ và ngứa. 

Các nguyên nhân nổi mề đay thường gặp:

  • Nổi mề đay do Dị ứng với thuốc kháng sinh như aspirin, thuốc giảm đau, thuốc cao huyết áp,…
  • Dị ứng thức ăn như trứng, cà chua, sữa tươi,…
  • Các chất phụ gia và chất bảo quản trong thực phẩm.
  • Tiếp xúc với vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, lông động vật như chó, mèo.
  • Thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng gây nổi mề đay.
  • Nổi mày đay do nhiễm virus và nhiễm trùng cùng với stress liên tục.
  • Nổi phát ban do Dị ứng bụi phấn hoa, bụi trong nhà.
  • Tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
  • Ong chích dẫn đến tình trạng nổi mề đay.
  • Mủ cao su.
  • Dị ứng với một số loại mỹ phẩm.

Mề đay thường xuất hiện ở vị trí nào?

Mề đay có thể xuất hiện ở các vùng da khác nhau, thường là vùng da mỏng có nhiều mao mạch gây ra cảm giác ngứa ngáy, sưng đỏ và khó chịu. Các vị trí nổi mề đay trên cơ thể phổ biến nhất:

  • Mặt và cổ: Mề đay thường xuất hiện trên vùng gò má và cổ, gây sưng môi, ngứa và mẩn đỏ. Tình trạng bệnh lan đến cổ họng có thể gây bít tắc đường thở và nguy cơ sốc phản vệ.
  • Cánh tay và chân: Mề đay thường nổi lên trên cánh tay và vùng chân, gây ngứa và sưng. Các vùng da này thường nhạy cảm và dễ bị kích ứng.
  • Bụng và lưng: Các vết mề đay mẩn đỏ cũng có thể xuất hiện trên bụng và lưng gây ngứa.
  • Mông: Vùng mông thường tiếp xúc với quần áo, khi bị mề đay gây ra cảm giác khó chịu và ngứa ngáy.
  • Bàn tay và bàn chân: Da bàn tay và bàn chân cũng có thể bị ảnh hưởng, gây ngứa và sưng.
  • Vùng kín: Mề đay có thể xuất hiện ở vùng kín, gây cảm giác khó chịu và không thoải mái.
  • Vùng cơ thể khác: Ngoài ra, mề đay cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể tùy theo tác nhân gây Dị ứng và cơ địa của mỗi người.
Mề đay có thể xuất hiện ở các vùng da khác nhau
Mề đay có thể xuất hiện ở các vùng da khác nhau (Nguồn: Internet)

Một số phương pháp điều trị nổi mề đay hiệu quả

Để điều trị nổi mề đay một cách hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số phương pháp hữu ích:

Hạn chế tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây nổi mề đay

Điều quan trọng nhất khi điều trị nổi mề đay là xác định chính xác tác nhân gây Dị ứng và tránh tiếp xúc với chúng. Bạn có thể kiểm tra các tác nhân gây kích ứng tiếp xúc trong thời gian gần đây như gió, ánh nắng mặt trời, côn trùng cắn, stress, nhiễm khuẩn và virus.

Sau khi hạn chế tiếp xúc các tác nhân gây mề đay, đa phần triệu chứng sẽ giảm dần và khỏi hẳn trong khoảng 24 giờ. Nếu triệu chứng không giảm đi, bạn nên tìm đến chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Sử dụng dung dịch chống ngứa

Ngứa là triệu chứng chung khi bị nổi mề đay và việc gãi ngứa có thể làm tổn thương da, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để giảm tình trạng này, bạn có thể sử dụng các dung dịch giảm ngứa. Tuy nhiên, việc sử dụng các dung dịch này chỉ là biện pháp tạm thời. Nếu triệu chứng không giảm đi và vẫn kéo dài thì có thấy rằng bạn vẫn đang tiếp xúc với tác nhân gây Dị ứng và việc cách ly hoàn toàn với chúng để ngăn ngừa tái phát triệu chứng là điều cần thiết.

Chườm lạnh để giảm nổi mề đay

Phương pháp chườm lạnh đã được nhiều người áp dụng và ghi nhận hiệu quả tích cực trong việc giảm ngứa cũng như làm dịu các triệu chứng mề đay. Cách thực hiện là cho đá lạnh vào túi vải hoặc túi nước đá, sau đó chườm lên vùng da bị ngứa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên chườm lạnh quá 10 phút/lần để tránh da bị bỏng lạnh.

Chữa nổi mề đay bằng lô hội

Lô hội là nguồn mỹ phẩm tự nhiên giàu dưỡng chất, có khả năng giảm ngứa ngáy và Dị ứng da. Lá cây lô hội chứa nhiều thành phần tốt cho da, đặc biệt là Vitamin E có tác dụng làm mát da và xoa dịu cơn ngứa. Cách thực hiện đơn giản, người bệnh cắt lá lô hội, lấy gel bên trong và thoa nhẹ nhàng lên vùng da bị nổi mẩn ngứa. Việc sử dụng lô hội có thể mang lại hiệu quả trong việc giảm triệu chứng và làm dịu da.

Điều trị nổi mề đay
Lô hội có khả năng giảm ngứa ngáy (Nguồn: Internet)

Sử dụng thuốc kháng histamin

Histamin là chất gây ra các triệu chứng Dị ứng và viêm nhiễm, có liên quan tới tình trạng nổi mề đay. Thuốc kháng histamin làm giảm tác động của histamin lên cơ thể bằng cách ức chế hoặc ngăn chặn sự kích thích của chất này đối với các tế bào dị ứng. 

Các loại thuốc kháng histamin phổ biến bao gồm cetirizine, loratadine, fexofenadine và desloratadine. Những loại này có tác dụng nhanh chóng và hiệu quả trong việc giảm ngứa, mẩn và sưng do mề đay.

Việc sử dụng thuốc kháng histamin cần tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nổi mày đay của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn loại và liều lượng thuốc phù hợp.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý thuốc kháng histamin có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, mệt mỏi, khô mắt hoặc khô miệng. Những người bệnh thường xuyên làm các công việc yêu cầu tinh thần tập trung như lái xe cũng nên thận trọng khi sử dụng thuốc này.

Phương pháp phòng ngừa nổi mề đay

Để phòng ngừa bệnh nổi mề đay, người bệnh cần nhận biết tình trạng bệnh và thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng. Dưới đây là một số phương pháp giúp phòng ngừa bệnh nổi mề đay:

  • Tuân theo chế độ ăn uống cân đối, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức kháng và cải thiện sức khỏe.
  • Ưu tiên sống ở nơi thông thoáng, tránh môi trường có độ ẩm cao. Đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân gây kích thích da.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và mềm mại để tránh kích ứng da.
  • Nếu bạn có cơ địa dị ứng, hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và kiêng những yếu tố có thể kích thích bệnh.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để tránh bị nổi mề đay
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để tránh bị nổi mề đay (Nguồn: Internet)

Nổi mề đay kiêng gì?

Nổi mề đay cần kiêng kỵ những thói quen sau đây:

  • Cần kiêng gãi khi bị ngứa và nổi mày đay.
  • Không nên sử dụng các loại mỹ phẩm làm từ hóa chất.
  • Không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, …
  • Tránh tiếp xúc với gió và ánh nắng mặt trời, nếu cần ra ngoài thì cần che chắn làn da cẩn thận, đồng thời không nên nằm trước quạt để tránh gió.
  • Nên tắm bằng nước ấm, không nên chà xát quá mạnh gây tổn thương da. Không nên tắm quá lâu và nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có thành phần từ thiên nhiên.

Những thực phẩm mà bệnh nhân nổi mề đay cần kiêng kỵ:

  • Giảm lượng đường và muối nạp vào cơ thể.
  • Kiêng các chất kích thích như rượu, cà phê, trà, thuốc lá, …
  • Nếu bệnh nhân bị Phù nề thì hạn chết ăn thực phẩm nhiều nước như súp, canh, …
  • Kiêng các loại thực phẩm giàu chất đạm như tôm, cua, thịt bò, cá biển, đồ hộp, trứng, sữa, …
  • Kiêng ăn các loại thực phẩm cay nóng như tiêu, ớt, đồ ăn chiên rán.

Những thực phẩm mà bệnh nhân nổi mề đay nên bổ sung:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, vitamin B, vitamin C, chất xơ như trái cây, rau xanh.
  • Các loại củ quả như khoai lang, mướp đắng, cam, … cũng rất tốt cho cơ thể trong quá trình bị nổi mề đay.

>>> Xem thêm các bài viết cùng chủ đề:

Nguyên nhân, triệu chứng khi bé bị nổi mề đay ban đêm

Nguyên nhân khiến bé bị nổi mề đay ban đêm

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mề đay ở trẻ em:

  • Sự thay đổi thời tiết về đêm đột ngột khiến trẻ chưa kịp thích nghi và nhạy cảm hơn bình thường, đây là thời điểm để mề đay tấn công.
  • Nhiễm khuẩn do cơ thể trẻ còn yếu.
  • Dị ứng thức ăn như hải sản tươi sống hoặc các nhóm thực phẩm từ sữa, trứng.
  • Côn trùng đốt: Ban đêm là thời điểm để các loại côn trùng xuất hiện, nọc độc của côn trùng sẽ khiến da của trẻ bị mẩn đỏ hoặc sưng tấy.
  • Dị ứng thuốc tây: Trẻ em thường phải tiêm thuốc kháng sinh nên dễ xuất hiện các phản ứng sau tiêm.

Triệu chứng nổi mề đay ở trẻ em

Bé bị nổi mề đay vào ban đêm có thể có những triệu chứng sau:

  • Ngứa dữ dội.
  • Xuất hiện các nốt sần, phù nề.
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng mãn tính như phù mạch tại mí mắt, môi, tay chân, Sốt cao, khó thở, mệt mỏi, da bị rát đỏ, …

Nếu Sốt tái phát liên tục khiến cho bé biếng ăn, quấy khóc, các triệu chứng kéo dài và không giảm, các nốt mẩn đỏ ngày càng nặng hơn thì phụ huynh nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Tình trạng da nổi mề đay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Hy vọng rằng những thông tin mà bài viết trên đã chia sẻ sẽ giúp bạn và những người thân nắm rõ nguyên nhân ư, cách điều trị và phòng ngừa bệnh mề đay. Để cập nhật các thông tin về sức khỏe mới nhất, bạn có thể theo dõi các Tin tức y tế hoặc liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Câu hỏi liên quan

Nổi mề đay có lây không?

Nổi mề đay là hiện tượng phản ứng Dị ứng trên da, không có nguy cơ lây nhiễm từ người sang người. Tình trạng bệnh này gây ra bởi sự phản ứng của hệ miễn dịch với các chất gây dị ứng (dị nguyên) như thực phẩm, thuốc, phấn hoa, côn trùng, hóa chất, ánh nắng,… Những người có cơ địa mẫn cảm hoặc tiền sử dị ứng sẽ dễ bị nổi mề đay hơn những người khác. Nếu nhiều người trong gia đình cùng bị nổi mề đay thì có thể do họ tiếp xúc với cùng loại dị nguyên hoặc do yếu tố di truyền.

Nổi mề đay bôi dầu gió được không?

Khi bị nổi mề đay, không nên bôi các loại dầy có tính sát khuẩn cao vì có thể gây nóng rát và kích ứng da. Thay vào đó có thể sử dụng dầu có nguồn gốc từ thiên nhiên để an toàn cho làn da như dầu gió thông thường, tinh dầu tràm, tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu hoa cúc, … Tuy nhiên chỉ nên bôi vào những nơi không bị trầy xước, không có vết thương hở.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.