Tin tức y tế

Mụn bọc là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị mụn bọc hiệu quả

26/09/2023

Mụn bọc là vấn đề da liễu thường gặp, đặc biệt là những người đang sống trong môi trường khói bụi, ô nhiễm càng làm tăng nguy cơ nổi mụn bọc. Cùng bệnh viện Hoàn Mỹ tìm hiểu các thông tin về mụn bọc và cách chữa trị mụn bọc hiệu quả qua bài viết dưới đây.

>>> Xem thêm:

Mụn bọc là gì?

Mụn bọc hay mụn bọc mủ là loại mụn có kích thước lớn, mọc sâu dưới da và dễ dàng lan rộng ra khắp bề mặt da. Mụn bọc có biểu hiện đặc trưng là sưng đỏ, có sần, và vùng nhân có chứa dịch màu trắng hoặc vàng (hay còn gọi là mủ). Mụn bọc gây ra cảm giác đau nhức và thậm chí là tổn thương da nếu vô tình làm vỡ hoặc nặn mụn không đúng cách.

Mụn bọc hay mụn bọc mủ
Mụn bọc có kích thước khá lớn (Nguồn: Internet)

Đặc điểm Các loại mụn bọc thường gặp

1. Mụn bọc có nhân

Mụn bọc có nhân thường không có đầu trắng, mọc thành những cục lớn, cứng và gây cảm giác đau nhức khi sờ vào. Nhân nằm sâu trong da và  nang lông nên mụn bọc có nhân khó điều trị hơn so với các loại mụn bọc khác.

2. Mụn bọc không nhân

Mụn bọc không nhân được hình thành do sự tích tụ dầu, tạp chất và vi khuẩn trong lỗ chân lông, tạo nên một cục u lớn dưới da. Đây là một loại mụn không nhân nhưng lại nằm sâu dưới da nên thường gây đau và khó khăn trong việc điều trị.

3. Mụn bọc bị chai

Mụn bọc bị chai là tình trạng nhân mụn không được xử lý triệt để, dẫn đến sự tích tụ lâu ngày của nhân mụn. Từ đó, mụn chuyển dần sang màu nâu thẫm và hình thành các nốt sần nhô lên trên bề mặt da. 

4. Mụn bọc có mủ

Mụn bọc có mủ là loại mụn có chứa mủ ở phần trung tâm do các ổ vi khuẩn hình thành trên da đang trong tình trạng viêm nhiễm nặng. Mụn bọc có mủ thường xuất hiện dưới dạng những vết mụn sưng đỏ, có đầu trắng hoặc vàng. Khi mụn vỡ có thể tiết ra mủ và máu, dễ để lại vết thâm mất thẩm mỹ trên da. 

5. Mụn bọc có dịch 

Mụn bọc có dịch là loại mụn có nhân chứa dịch gồm mủ và máu, thường xuất hiện dưới dạng những nốt mụn sưng đỏ, kèm theo đau nhức ở các vị trí như mép, vành môi, mí mắt…. Loại mụn này sẽ để lại sẹo sau khi lành.

6. Mụn bọc có máu

Mụn bọc có máu là loại mụn có hình dạng to tròn với nhân chứa máu và mủ. Mụn bọc có máu thường xuất hiện ở tuổi dậy thì dưới dạng những vết mụn đỏ, sưng và có thể có một hoặc nhiều đốm máu trong nhân mụn.

7. Mụn bọc đầu trắng

Mụn bọc đầu trắng thường mọc ở những vùng như trán, má, cằm…. Loại mụn này được hình thành từ phản ứng giữa vi khuẩn và các tế bào miễn dịch.

8. Mụn bọc ở cằm

Mụn bọc ở cằm thường xuất hiện dưới dạng những vết mụn đỏ, sưng, và có thể có đầu trắng hoặc đen. Nguyên nhân dẫn đến mụn bọc ở cằm có thể do di truyền, stress, thay đổi hormone.

9. Mụn bọc ở mũi

Cũng giống như mụn bọc ở cằm, mụn bọc ở mũi cũng có triệu chứng nổi đỏ, sưng và có thể có một đầu trắng hoặc đen. Bụi, ô nhiễm, tắc nghẽn lỗ chân lông và quá trình sản sinh dầu nhờn trên da quá mức là những nguyên nhân chính dẫn đến mụn bọc ở mũi.

10. Mụn bọc ở má

Đặc điểm của mụn bọc ở má tương tự như mụn bọc ở cằm và ở mũi. Nguyên nhân gây ra mụn bọc ở má có thể do sự tiết dầu nhờn quá mức, sự thay đổi của hormone, hoặc chăm sóc da không đúng cách.

Mụn bọc có nên nặn không?

Không nên tự ý nặn mụn bọc vì nếu nặn không đúng cách có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ sau:

  • Nguy cơ viêm nhiễm: Nặn mụn sai cách có thể làm nốt mụn bị vỡ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và dịch mủ bên trong nhân mụn tiếp xúc với các lớp da khác, dẫn đến viêm nhiễm và khiến vùng da bị mụn trở nên trầm trọng hơn.
  • Sẹo và vết thâm: Nặn mụn bọc làm tăng khả năng để lại sẹo và vết thâm trên da sau khi lành mụn nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách.  
  • Lây lan mụn: Khi nốt mụn bị vỡ và tiết ra dịch mủ, vi khuẩn sẽ theo đó mà lây lan sang các vùng da khác gây ra viêm nhiễm và hình thành thêm nhiều nốt mụn khác.
Không nên tự ý nặn mụn bọc
Không nên tự ý nặn mụn bọc (Nguồn: Internet)

Các giai đoạn phát triển của mụn bọc

Quá trình phát triển của mụn bọc thông thường đi qua 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Vi khuẩn tấn công mụn trứng cá, khiến cho mụn trứng cá nhiễm trùng và dần dần chuyển thành mụn bọc. 
  • Giai đoạn 2: Mụn càng ngày càng sưng to, giai đoạn này mụn hình thành nhân chứa dịch mủ trắng hoặc vàng.
  • Giai đoạn 3: Sau khi mụn chín và vỡ ra, chất dịch chảy ra có thể kèm theo máu, để lại thâm hoặc sẹo tùy thuộc vào loại da và mức độ sưng của mụn.

Nguyên nhân gây mụn bọc khó chữa

Sau đây là một số nguyên nhân khiến cho mụn bọc trở nên khó chữa hơn:

  • Chức năng bài tiết bị rối loạn: Hệ thống bài tiết bị rối loạn gây ra sự kém hiệu quả trong hoạt động của gan và thận, dẫn đến tình trạng nhiễm độc trong cơ thể. Khi quá trình này xảy ra, cơ thể sẽ đẩy mạnh hệ nội tiết để bổ trợ cho hoạt động của hệ bài tiết. Tuy nhiên, hệ quả là chức năng tiết bã nhờn bị ảnh hưởng khiến da nhiều dầu gây tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện thuận lợi cho mụn bọc hình thành. Điều trị mụn bọc do nguyên nhân này rất khó chữa vì khó có thể cải thiện được chức năng bài tiết bị rối loạn.
  • Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không phù hợp: Chức năng thận và gan bị rối loạn do ăn thức ăn không lành mạnh (như thức ăn nhanh), căng thẳng kéo dài, nghỉ ngơi không hợp lý,… Tình trạng này cũng chính là tác nhân gây ra mụn bọc và khiến mụn bọc khó điều trị hơn. Để khắc phục tình trạng này người bệnh nên thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt.
  • Do nguyên nhân di truyền: Ở một số người, yếu tố di truyền là nguyên nhân dẫn đến mụn bọc. Vì vậy, mụn bọc rất khó chữa trong trường hợp này do các chuyên gia hiện tại vẫn chưa tìm được phương pháp đề điều trị dứt điểm mụn bọc.

>>> Tìm hiểu thêm: Top 8 nguyên nhân gây mụn bạn cần biết

Cách điều trị mụn bọc an toàn, hiệu quả

Để điều trị mụn bọc an toàn và hiệu quả đòi hỏi sự kiên nhẫn và phải tuân thủ chế độ chăm sóc da đúng cách. Sau đây là một số cách điều trị mụn bọc mà bạn nên tham khảo: 

  • Sử dụng sản phẩm chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide: Những thành phần này có công dụng chống vi khuẩn và làm sạch lỗ chân lông. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng quá nhiều hoặc nồng độ quá mạnh sẽ gây khô da và gây kích ứng.
  • Sử dụng retinol: Retinol là một dẫn xuất hóa học của vitamin A giúp tăng cường quá trình tái tạo da, làm giảm việc tắc nghẽn lỗ chân lông và giảm nếp nhăn. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị bằng thuốc kháng sinh: Tùy vào đặc điểm của loại mụn, tình trạng mụn của bạn, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc kháng sinh nhằm kiểm soát vi khuẩn gây viêm và mụn bọc. 
  • Xử lý da chuyên nghiệp: Các phương pháp xử lý da chuyên nghiệp như xử lý bằng ánh sáng, điều trị bằng kim (kim mỏng hoặc kim trị liệu) hoặc xử lý da bằng hóa chất có thể giúp giảm mụn bọc và tình trạng viêm nhiễm. Bạn cần lưu ý khi sử dụng những phương pháp này ở những cơ sở uy tín và được tư vấn kỹ trước khi sử dụng.
  • Điều trị bằng thuốc uống: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống như isotretinoin – một loại retinoid mạnh, để điều trị mụn bọc đang trong tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, loại thuốc này có tác dụng phụ và cần được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ.
  • Thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh: Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất xơ và vitamin, tránh ăn nhiều đường và thực phẩm có chỉ số glycemic cao. Đồng thời, hạn chế stress, duy trì giấc ngủ đủ và tập thể dục đều đặn sẽ giúp tình trạng mụn được cải thiện.
  • Tránh nặn mụn: Tuyệt đối không nặn mụn bọc, vì việc này có thể làm tổn thương da và gây nhiễm khuẩn. Nếu cần, hãy để bác sĩ da liễu xử lý mụn giúp bạn.

Bạn cũng có thể trị mụn bọc ở nhà, nhưng với điều kiện phải có kiến thức hoặc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ da liễu. Mụn bọc có thể biến chuyển phức tạp, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn cảm thấy mụn bọc đang trở nặng hơn thì nên nhờ tới sự trợ giúp của các y bác sĩ, chuyên gia trong ngành da liễu. 

>>> Xem thêm:

Chăm sóc và phòng ngừa mụn bọc

Sau đây là một số cách chăm sóc và phòng ngừa mụn bọc mà bạn nên biết:

  • Rửa mặt đúng cách: Rửa mặt hai lần mỗi ngày, sáng và tối để loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn và tạp chất trên da, nên sử dụng sữa rửa mặt lành tính, dịu nhẹ và không gây khô da. Bên cạnh đó, tránh sử dụng nước nóng quá mức vì có thể làm khô da và kích thích sự sản sinh dầu nhờn trên da.
  • Tránh sử dụng mỹ phẩm gây kích ứng: Nếu bạn có làn da dầu mụn hoặc nhạy cảm thì nên hạn chế việc sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da chứa dầu, chất gây kích ứng. 
  • Tránh chạm tay vào mặt: Chạm tay lên mặt có thể đưa vi khuẩn từ tay tiếp xúc với da, từ đó dễ gây viêm nhiễm và tắc nghẽn lỗ chân lông. 
  • Hạn chế tiếp xúc với dầu: Tránh để da tiếp xúc với sản phẩm có chứa thành phần dầu nhiều  như dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc. 
  • Tránh stress: Stress là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự xuất hiện của mụn bọc. Vì vậy, bạn nên tìm những phương pháp để giảm stress như yoga, thiền, tập thể dục và thư giãn.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và giàu chất xơ.
  • Bảo vệ da khỏi tác động của môi trường: Sử dụng kem chống nắng hằng ngày để bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và tia UV.

Trên đây là những thông tin liên quan đến mụn bọc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu làn da của mình hơn. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin liên quan về y tế và sức khỏe hãy truy cập ngay Tin tức y tế. Ngoài ra, hãy liên hệ với bệnh viện Hoàn Mỹ thông qua HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn tư vấn trực tiếp TẠI ĐÂY nếu bạn có nhu cầu khám bệnh hoặc tư  vấn.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.