Tin tức y tế

Đau họng

21/09/2023

Đau họng là triệu chứng thường gặp ở nhiều người và có thể tự khỏi sau 2-3 ngày nên có rất nhiều người chủ quan dẫn đến bệnh tái phát liên tục. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác. Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ tham khảo chi tiết thông tin về nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa tình trạng đau họng kéo dài thông qua bài viết dưới đây.  

Các dạng đau họng thường gặp

Đau họng là trạng thái cổ họng đau rát, đau âm ỉ hoặc đau khi nuốt. Đau họng không phải là bệnh lý mà là triệu chứng chung khi đường hô hấp trên bị viêm nhiễm, do trào ngược dạ dày thực quản hoặc do các bệnh lý khác.

Một số kiểu đau họng thường thấy như:

  • Đau rát kèm theo ngứa cổ họng.
  • Đau tại một vị trí cố định trong cổ họng (đau họng khu trú).
  • Đau kèm theo ho, Sốt hoặc đau đầu.
  • Đau rát, khó nuốt, khàn giọng và mất tiếng.
  • Đau họng có đờm (đàm).

Các dạng đau họng này đều không quá nghiêm trọng, có thể giảm bệnh và hết viêm mà không cần điều trị bằng thuốc.

Đau họng rát kèm ngứa cổ
Đau họng là gì? (Nguồn: internet)

Các triệu chứng khi bị đau họng

Một số biểu hiện khi bị đau họng bao gồm:

  • Cảm giác đau, khó nuốt, vướng khi nuốt (nước bọt, thức ăn).
  • Họng ngứa ran hoặc khô rát, có cảm giác họng đang sưng phồng.
  • Khàn giọng, mất giọng.
  • Quanh cổ có các khối u hạch.
  • Hai bên amidan sưng viêm.
  • Sốt nhẹ, đau đầu.

Đi kèm với đau họng, bạn còn phải trải qua các vấn đề như:

  • Sung huyết niêm mạc mũi.
  • Chảy mũi nước.
  • Hắt xì hơi, ớn lạnh.
  • Ho.
  • Sưng Hạch bạch huyết vùng cổ.
  • Đau nhức toàn thân.
  • Đau đầu.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh đau họng

Những nguyên nhân chính khiến họng bị viêm gây đau được chia thành hai nhóm, bao gồm nhóm gây viêm (vi khuẩn, virus cúm, dị ứng, nhiễm lạnh, khói thuốc, thời tiết, chấn thương,…) và nhóm bệnh lý (trào ngược dạ dày, lao phổi, Ung thư vòm họng,…).

Cảm lạnh hoặc cúm 

Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng đau họng. Khi bị cảm lạnh hoặc cúm, các virus ở trong khu vực đường hô hấp trên sẽ khiến họng bị sưng viêm, gây đau kèm theo viêm amidan, ho, sốt, sổ mũi. Ngoài ra, virus có thể lây lan thông qua  dịch nhầy mũi, nước bọt,… của người bệnh có trong không khí. Đặc biệt khi thời tiết giao mùa, nóng – lạnh đột ngột kèm độ ẩm cao khiến cơ thể dễ bị nhiễm virus cúm. 

Những đối tượng dễ bị đau rát họng do cảm lạnh hoặc cúm bao gồm trẻ em, người già (đặc biệt người có bệnh nền), người có đề kháng yếu hoặc suy giảm miễn dịch. 

Khi bị đau họng do cảm cúm, người bệnh cần súc miệng – họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn, uống thuốc điều trị hạ Sốt – giảm đau. Đồng thời, cần nghỉ ngơi đầy đủ, tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ và bổ sung vitamin.

>>> Xem thêm:

Vi khuẩn streptococcus – Liên cầu khuẩn nhóm A

Liên cầu khuẩn nhóm A (tên khoa học: Vi khuẩn streptococcus) là loại vi khuẩn gây nên triệu chứng đau họng khi tiếp xúc trực tiếp với dịch nhầy mũi họng của người bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn streptococcus cũng gây nên một số bệnh lý về da, nó có thể lây lan thông qua các vết thương hở, dịch mủ vết loét trên da nhiễm trùng.

Đau họng do liên cầu khuẩn là bệnh lý phổ biến thường gặp, nhất là ở trẻ em. Người bệnh thường Sốt cao trên 40 độ, họng đau rát khi nuốt, nổi hạch ở cổ trước, da phát ban đỏ, sưng mủ trắng ở niêm mạc miệng… Khi bị đau họng do liên cầu khuẩn, bạn cần tăng cường sát khuẩn họng bằng nước muối sinh lý, khí dung mũi họng và đi thăm khám bác sĩ.

Trào ngược dạ dày thực quản

Đây là tình trạng mà dịch vị trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản (ống nối dạ dày và miệng). Thường xuyên bị trào ngược có thể gây ra những triệu chứng và vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, trong đó có đau họng. Khi axit trong dịch vị thường xuyên bị đẩy lên thực quản khiến niêm mạc họng bị yếu đi, từ đó dẫn tới viêm nhiễm gây sưng đau, gây cảm giác họng bị đầy, ho khan. 

Với chứng đau rát họng do trào ngược dạ dày và thực quản, người bệnh cần giải quyết triệt để tình trạng trào ngược trước bằng cách thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn uống, và sử dụng thuốc trị liệu để kiểm soát axit trong dạ dày. Nếu không được điều trị đúng cách, chứng bệnh này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư thực quản.

Trào ngược dạ dày gây viêm họng
Dịch vị dạ dày chứa axit, khi trào ngược có thể gây viêm họng, đau họng (Nguồn: internet

Bệnh viêm họng hạt

Bệnh viêm họng hạt là tình trạng họng viêm nhiễm kéo dài, khiến các mô lympho ở thành sau của họng phải làm việc quá tải trong thời gian dài và phình to. Các hạt phình to này có kích thước bằng đầu ghim trở lên. Viêm họng hạt thường gặp ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc phải. Viêm họng hạt có thể gây ra khó khăn khi nuốt, viêm xoang, ho,… và những biến chứng khác.

Mắc bệnh sỏi amidan

Sỏi amidan là những khối cứng màu trắng trên bề mặt amidan chứa vi khuẩn và các chất cặn bã, dịch tiết lắng đọng lại sau một thời gian dài bị Viêm amidan cấp, viêm họng, viêm xoang,… Khi bị sỏi amidan hơi thở sẽ có mùi hôi, đau rát họng, amidan sưng to kéo dài, đau tai, ù tai. Bởi đây là nơi cư trú của rất nhiều vi khuẩn nên sỏi amidan dễ dẫn tới viêm amidan hốc mủ bã đậu, thậm chí áp xe amidan.

>>> Xem thêm: Đừng xem thường bệnh viêm Amidan cấp tính  

Dị ứng

Dị ứng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên đau sưng họng. Đau họng Dị ứng là tình trạng tiếp xúc với tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hạt bụi, nấm mốc, hoặc các chất hóa học khiến niêm mạc họng bị viêm, gây ra đau họng và cảm giác sưng họng.

Khi phát hiện dị ứng, bạn cần cố gắng xác định và tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Đồng thời, bạn phải vệ sinh môi trường xung quanh để giảm bụi bẩn và nấm mốc,… Nếu tình hình Dị ứng nghiêm trọng như phù nề, phát ban, khó thở cần tới bác sĩ để được điều trị kịp thời. 

Không khí khô

Độ ẩm trong không khí quá thấp sẽ khiến niêm mạc họng bị khô, từ đó dễ bị tổn thương và viêm nhiễm, dẫn đến đau họng. Bạn nên sử dụng máy tạo ẩm không khí, xịt họng hoặc kẹo ngậm họng để làm dịu cơn đau do niêm mạc khô, uống đủ nước, đeo khẩu trang,… 

Khói thuốc và hóa chất 

Khói thuốc và hóa chất trong không khí có thể gây kích thích niêm mạc họng, dẫn đến viêm nhiễm niêm mạc, làm họng trở nên đỏ và đau đớn. Ngoài ra, các tác nhân này còn gây tái phát hoặc gia tăng tình trạng đau họng, ho, và khó thở. Tiếp xúc với khói thuốc, hóa chất kéo dài sẽ gây nên viêm họng mạn tính, bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn (COPD), và cả Ung thư họng.

Hút thuốc lá làm tăng cảm giác đau
Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm gia tăng tình trạng viêm họng, đau họng (Nguồn: internet)

Chấn thương

Chấn thương thường gây ra tổn thương vật lý cho niêm mạc họng và cơ họng, dẫn đến các triệu chứng như đau sưng họng. Trong trường hợp va chạm vào vùng cổ họng hoặc sử dụng giọng nói quá mức (ví dụ la hét mạnh và liên tục trong vài giờ) có thể gây tổn thương thanh quản và niêm mạc họng gây đau. 

Khối u ở họng

Khối u ở họng và các khu vực xung quanh ví dụ như tuyến giáp có thể gây ra đau họng và các triệu chứng khác liên quan đến họng hoặc đường tiêu hóa. Triệu chứng và tình trạng cụ thể sẽ phụ thuộc vào loại khối u, kích thước, vị trí, mức độ ảnh hưởng đến các cơ, mô, và hệ thống xung quanh. Khi có nghi ngờ có khối u quanh họng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và kiểm tra. 

Cách chẩn đoán đau họng

Có hai phương thức để chẩn đoán đau họng bao gồm thăm khám và xét nghiệm. 

Thăm khám: Bệnh nhân đau họng sẽ có những triệu chứng cơ bản nhất bao gồm cảm giác đau và vướng khi nuốt. Khi bệnh nhân ho hoặc mở miệng cơn đau còn thể lan đến tai. Bệnh nhân thường sốt, ho khan hoặc ho có đờm, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất tiếng hoặc khàn tiếng.

Khi soi họng sẽ thấy niêm mạc vùng họng tấy đỏ, nổi mao mạch ở thành sau họng. Ngoài ra hai bên amidan cũng sẽ sưng to kèm mủ trắng, đau hạch góc hàm khi ấn.

Xét nghiệm: Với chứng đau họng, thông thường bác sĩ sẽ không cần chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán. Tuy nhiên nếu bệnh diễn tiến nặng hoặc kéo dài không dứt thì cần làm một số xét nghiệm sau: 

  • Xét nghiệm dịch họng: Được dùng để tìm ra chính xác loại vi khuẩn gây đau họng và kê kháng sinh để dứt điểm bệnh nhanh.
  • Xét nghiệm máu: Nếu xét nghiệm máu thấy bạch cầu đa nhân trung tính cao thì cơ thể đang bị bội nhiễm vi khuẩn. 
Các cách chẩn đoán đau họng là gì?
Các cách chẩn đoán đau họng là gì? (Nguồn: internet)

Các phương pháp trị bệnh đau họng

Điều trị triệu chứng viêm và đau họng bằng các loại thuốc giảm đau – hạ Sốt thông thường chứa paracetamol hoặc ibuprofen, aspirin. Chú ý uống đúng hàm lượng và liều lượng theo quy định, bệnh nhân viêm loét dạ dày cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Người bệnh nên súc miệng nước muối loãng hoặc các dung dịch diệt khuẩn dành cho họng. Muối có tính sát khuẩn, chống viêm, từ đó làm giảm tình trạng đau sưng họng. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm các thuốc bôi vùng họng hoặc khí dung.

Người bệnh không tự ý sử dụng kháng sinh bởi có thể gây nên tình trạng kháng thuốc. Nếu đau họng kéo dài cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, làm xét nghiệm (nếu cần) và uống thuốc theo đơn.

Trong trường hợp cần sử dụng kháng sinh, một số loại kháng sinh thường gặp bao gồm: Penicillin, Amoxicillin, cephalexin, erythromycin, clarithromycin. Tuy nhiên, bạn cần chú ý uống đúng và đủ liều được kê, tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc. 

sử dụng thuốc giảm đau để giảm các triệu chứng
Làm thế nào để điều trị dứt điểm đau họng? (Nguồn: internet)

Khi đau họng thì nên ăn và uống gì? 

Khi bị đau họng, người bệnh sẽ rất dễ cảm thấy chán ăn bởi cảm giác đau khi nuốt. Với tình trạng này những thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt sẽ được ưu tiên hơn cả. Thức ăn mềm sẽ không làm tổn thương phần niêm mạc họng vốn đang mỏng và nhạy cảm, cũng như giúp người bệnh nuốt được mà không cảm thấy quá khó chịu. 

Ngoài ra, bạn nên tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, đặc biệt là vitamin C có trong hoa quả như bưởi, cam, vitamin B1,…

>>> Xem thêm: 15 cách trị ho tại nhà không cần kháng sinh hiệu quả, nhanh khỏi

Nên ăn thức ăn dạng lỏng, uống nước ấm
Người bị đau họng nên ăn thức ăn có dạng lỏng (Nguồn: internet)

Khi nào nên đến gặp bác sĩ? 

Tình trạng đau họng thông thường hầu hết đều có thể tự khỏi sau 2-3 ngày mà không cần tới gặp bác sĩ. Tuy nhiên nếu đau kéo dài hoặc có diễn tiến nặng hơn, đi kèm với đó là Sốt cao, ho khan hay đau nhức cơ thể,… thì bạn nên gặp bác sĩ để được giải quyết triệt để, tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến chứng đau họng là gì, nguyên nhân và các phương pháp trị bệnh. Hy vọng, bài viết trên đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích để chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân.Theo dõi các bài viết tin tức y tế của Hoàn Mỹ để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích khác nhé. Liên hệ ngay qua số HOTLINE hoặc đặt hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.