Tin tức y tế

Bệnh thủy đậu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

22/06/2023

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, có nguy cơ lây lan nhanh chóng thông qua tiếp xúc thông thường. Tình trạng này xuất hiện với các triệu chứng viêm nhiễm trên da, gây ngứa ngáy, khó chịu, kèm sốt, mệt mỏi,… Bệnh cần được phát hiện, điều trị kịp thời để tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu, chưa được tiêm ngừa,… Vậy nguyên nhân bị thủy đậu là gì? Làm sao để không bị lây thủy đậu? Thủy đậu kiêng gì? Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu ngay sau bài viết dưới đây!

>>> Xem thêm các bài viết liên quan:

Bệnh thủy đậu là gì?

Bệnh thủy đậu (tên gọi khác là phỏng rạ, trái rạ) là bệnh truyền nhiễm nổi mụn nước trên da, do virus varicella-zoster gây nên. Bệnh này có thể xảy ra với mọi đối tượng, phổ biến nhất ở trẻ em và những người chưa tiêm vắc-xin phòng ngừa thủy đậu. Virus Varicella cũng là tác nhân gây ra bệnh Zona thần kinh ở người lớn.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu dễ nhận biết là phát ban, xuất hiện mụn nước chứa dịch mủ và cảm giác ngứa ngáy trên da. Sau vài ngày, các nốt mụn sẽ bắt đầu vỡ và lan rộng khắp toàn thân. Giai đoạn cuối cùng là đóng vảy rồi lành hẳn. Sau khi bị thủy đậu, người bệnh sẽ không bị lây lại lần 2 từ người khác.

Triệu chứng bệnh thủy đậu thường kéo dài trong vòng từ 10 – 21 ngày sau khi nhiễm virus. Hầu hết các trường hợp thủy đậu ở người lớn và trẻ em đều hồi phục trong khoảng 2 tuần. Thủy đậu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Đối với một số ca nghiêm trọng, mụn nước vỡ lan đến miệng, mũi, mắt, bộ phận sinh dục, gây nhiễm trùng cấp tính dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại.

Bệnh thủy đậu có lây không?

Bệnh thủy đậu có lây không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm và tìm kiếm. Câu trả lời là có, bệnh thủy đậu có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với chất dịch từ nốt mụn. Sau khi tiếp xúc với virus khoảng 3 tuần, người bệnh sẽ nhận thấy triệu chứng bệnh rõ rệt trên cơ thể. Đối với trẻ em, thời gian biểu hiện triệu chứng thường ngắn hơn rất nhiều, có thể chỉ từ 1 – 5 ngày. Bệnh thủy đậu lây lan qua một số con đường bao gồm:

  • Tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
  • Tiếp xúc với nước bọt của người bệnh trong quá trình ho, hắt hơi.
  • Tiếp xúc với dịch mũi, mắt, miệng của người nhiễm bệnh.
Bệnh thủy đậu có khả năng lây lan nhanh
Bệnh thủy đậu có khả năng lây lan (Nguồn: Internet)

Triệu chứng bệnh thủy đậu là gì?

Triệu chứng bệnh thủy đậu rất dễ nhận thấy, bao gồm:

  • Sốt.
  • Cảm thấy mệt.
  • Đau đầu.
  • Đau bụng kéo dài 1 – 2 ngày.
  • Nổi phát ban da trông giống như nhiều mụn nước nhỏ, gây ngứa ngáy.
  • Xuất hiện các vết thương sưng tấy chứa dịch như sữa.
  • Đóng vảy sau khi mụn nước vỡ.
  • Da sần sùi.

Các giai đoạn phát bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu có khả năng tiến triển theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Xuất hiện các đốm nhỏ trên da

  • Những đốm nhỏ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, kể cả bên trong miệng, xung quanh bộ phận sinh dục, có thể kèm cảm giác đau.
  • Khu trú ở một vùng da nhất định hoặc lây lan sang nhiều khu vực lân cận.
  • Các đốm nhỏ màu đỏ, hồng, đậm hơn hoặc cùng màu với vùng da xung quanh, tùy vào sắc tố da của người bệnh.
  • Các đốm nhỏ khó quan sát trên nền da tối màu. 

Giai đoạn 2: Các đốm phát triển thành mụn nước

Các đốm chứa đầy dịch, tiến triển thành mụn nước, gây cảm giác ngứa ngáy và có nguy cơ vỡ ra. 

Giai đoạn 3: Mụn nước trở thành vảy

Các đốm mụn nước bắt đầu đóng thành vảy, sau đó tự bong tróc hoặc làm rò rỉ dịch ra bên ngoài.

Nổi mụn nước và ngứa ngáy là triệu chứng điển hình của thủy đậu
Nổi mụn nước và ngứa ngáy là triệu chứng điển hình của thủy đậu (Nguồn: Internet)

Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu

Các biến chứng nghiêm trọng của thủy đậu bao gồm:

  • Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn (chủ yếu ở trẻ em), bao gồm nhiễm trùng liên cầu nhóm A.
  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi).
  • Nhiễm trùng hoặc sưng não (viêm não, mất điều hòa tiểu não).
  • Các biến chứng liên quan đến xuất huyết.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Mất nước.

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng của thủy đậu bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh.
  • Phụ nữ đang mang thai. 
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh tật hoặc thuốc điều trị: Nhiễm HIV/AIDS, mắc ung thư, sau phẫu thuật cấy ghép, đang hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng steroid lâu dài.

Nhiều trường hợp bị biến chứng nguy hiểm do thủy đậu có thể phải nhập viện để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gây tử vong. Hiện nay, bệnh lý này không còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng nhờ triển khai tiêm phòng vắc-xin. Tuy nhiên, một số trường hợp tử vong vẫn tiếp tục xảy ra ở trẻ em và những người chưa được tiêm ngừa.

Cách điều trị bệnh thủy đậu tại nhà

Với các trường hợp mắc bệnh thủy đậu không nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một số giải pháp chăm sóc và điều trị tại nhà như sau:

Sử dụng thuốc bôi calamine

Thuốc bôi calamine có chứa oxit kẽm, giúp giảm ngứa và làm dịu da đáng kể. Người bệnh rửa ngón tay thật sạch hoặc dùng tăm bông chấm thuốc lên vùng da bị tổn thương để điều trị. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không dùng calamine cho vùng da mắt để tránh phản ứng nghiêm trọng không mong muốn. 

Ăn kem que không đường

Thủy đậu có thể xuất hiện bên trong miệng, gây cảm giác vô cùng đau rát, khó chịu. Người bệnh có thể ngậm kem que không đường để làm dịu các vết loét, bổ sung chất lỏng và tránh mất nước. 

Tắm bằng bột yến mạch

Bột yến mạch có khả năng làm dịu và giảm ngứa cho vùng da bị tổn thương. Bạn yên tâm khi giải pháp này hoàn toàn không làm lây lan thủy đậu từ vùng này sang vùng khác trên cơ thể. Sản phẩm hiện có bán tại hầu hết các hiệu thuốc, bạn cũng có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Xay ⅓ cốc (đối với trẻ sơ sinh) hoặc 1 cốc yến mạch (đối với trẻ lớn hơn) bằng máy xay cà phê để nghiền nhỏ nguyên liệu.
  • Bước 2: Cho yến mạch vào vào cốc nước ấm sao cho hỗn hợp biến thành màu trắng đục.
  • Bước 3: Cho bột yến mạch vào bồn nước ấm và ngâm tối đa 20 phút.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thoa lotion bột yến mạch lên da để làm dịu và giữ ẩm cho các vết phồng rộp, từ đó làm giảm hiệu quả triệu chứng ngứa ngáy. 

Đeo găng tay khi ngủ

Gãi các vết phồng rộp trên da sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, trong quá trình ngủ, bạn nên đeo găng tay để tránh phản ứng này. Với trẻ nhỏ, ba mẹ cũng cần lưu ý cắt món tay thường xuyên.

Tắm bằng baking soda

Đây là giải pháp giúp giảm ngứa hiệu quả. Bạn thêm một cốc baking soda vào bồn nước ấm và ngâm trong vòng từ 15 – 20 phút. Ba mẹ cũng có thể sử dụng phương pháp này để tắm cho trẻ 3 lần/ngày.

Sử dụng trà hoa cúc

Trà hoa cúc có tác dụng làm dịu vùng da kích ứng do thủy đậu nhờ đặc tính kháng viêm và sát trùng. Cách thực hiện đơn giản là pha 2 – 3 túi trà, sau đó để nguội hoặc ngâm trong bồn nước ấm. Sau đó bạn tiếp tục nhúng miếng bông mềm hoặc khăn mặt vào trà, đắp lên vùng da bị ngứa. Bước cuối cùng là vỗ nhẹ cho da khô, đảm bảo tinh chất thẩm thấu sâu và phát huy công dụng hiệu quả. 

Uống thuốc giảm đau kê đơn

Nếu mụn nước thủy đậu gây đau rát nghiêm trọng hoặc xuất hiện triệu chứng sốt, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, trẻ em và thanh thiếu niên đều không được dùng aspirin trong quá trình hồi phục nhiễm trùng. Thay vào đó, acetaminophen là lựa chọn an toàn nhất để giảm đau. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh dùng ibuprofen trong thời gian này để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng da nghiêm trọng.

Bệnh thủy đậu kiêng gì?

Khi mắc bệnh thủy đậu, người bệnh lưu ý nên kiêng một số loại thực phẩm sau đây:

Đồ ăn nhiều muối

Trong thời gian bị thủy đậu, cảm giác thèm ăn giảm đáng kể, xuất hiện cùng lúc các triệu chứng loét miệng, sốt, đau họng. Thực phẩm nhiều muối sẽ làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí kéo dài thời gian hồi phục. Thay vào đó, bạn nên uống đủ nước, ăn đồ ăn lành mạnh để tăng cường khả năng kháng viêm cho cơ thể.

Chất béo bão hòa

Thực phẩm chứa chất béo bão hòa có thể làm tình trạng viêm và triệu chứng bệnh thủy đậu trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh lưu ý tránh xa đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu, đã qua tinh chế, thịt nhiều chất béo. Nguồn thay thế lý tưởng là protein nạc, thực phẩm nguyên chất không chứa thành phần bổ sung. 

Thức ăn cay

Thức ăn cay chứa nhiều nhiệt có thể gây kích ứng cổ họng, miệng và làm rối loạn hệ tiêu hóa. Làn da từ đó cũng trở nên nứt nẻ, phồng rộp hơn, đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp với ớt. Về lâu dài, tình trạng viêm càng tiến triển nghiêm trọng và khó hồi phục.

>>> Xem thêm: Bị thủy đậu kiêng gì và nên ăn gì để nhanh khỏi và không bị sẹo?

Trẻ bị thủy đậu cần kiêng một số loại thực phẩm không lành mạnh
Trẻ bị thủy đậu cần kiêng một số loại thực phẩm không lành mạnh (Nguồn: Internet)

Tiêm vắc-xin phòng ngừa thủy đậu

Tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu cho trẻ em có khả năng phòng bệnh lên đến 97%. Thời điểm tiêm được khuyến cáo như sau.

  • Với trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: Tiêm mũi thứ nhất lúc 12 tháng, mũi thứ hai tiêm trong khoảng từ 4 – 6 tuổi.
  • Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất từ 4 – 8 tuần. 
  • Phụ nữ: Hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai tối thiểu 3 tháng.

Tác dụng của vắc-xin thủy đậu có thể phát huy sau 1 – 2 tuần tiêm. Vì vậy, ba mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng trước mùa dịch tối thiểu 1 tháng. Tại Việt Nam, bệnh thường xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Hiện nay, y tế vẫn chưa xác định chính xác vắc-xin thủy đậu có tác dụng trong bao lâu. Một số nghiên cứu cho thấy thời gian kéo dài từ 10 – 20 năm. Sau giai đoạn này, mỗi người nên cân nhắc tiêm lại lần nữa để tăng khả năng phòng bệnh. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi tiềm:

  • Không tiêm vắc xin thủy đậu cho các trường hợp sau: Người bị Dị ứng với vắc-xin hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc xin, trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư, nhiễm HIV, có bất thường về máu, đang thực hiện hóa trị liệu,… 
  • Khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin thủy đậu, phụ huynh nên trình bày rõ cho cán bộ tiêm chủng về tiền sử Dị ứng và các bệnh lý con đang gặp phải.
  • Hoãn tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, đang bị Sốt cao, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, viêm da có mủ, tình trạng bệnh mãn tính đang tiến triển (lao phổi, viêm thận,…), trẻ mới khỏi bệnh nặng, đang trong thời kỳ hồi phục sức khỏe.
  • Không tiêm vắc-xin thủy đậu cho các đối tượng đang bị suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng gan thận, bị bệnh tim mạch cấp, có tiền sử co giật, có thai hoặc 2 tháng trước khi dự định có thai, đã tiêm phòng các loại vắc-xin sống khác (vắc xin sởi, bại liệt, rubella, quai bị,…) trong vòng 1 tháng trở lại đây.

>>> Xem thêm:

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh thủy đậu

Dưới đây là một số giải đáp liên quan đến thắc mắc thường gặp về bệnh thủy đậu:           

Bệnh thủy đậu có để lại sẹo không?

Thông thường, thủy đậu không để lại sẹo vĩnh viễn. Sau khi bị nhiễm trùng, cơ thể phải mất từ ​​6 – 12 tháng để làm mờ sẹo hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian cũng sẽ kéo dài hơn nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu là gì?

Người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu để có giải pháp chăm sóc phù hợp. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh kéo dài, không lành hẳn hoặc gây sẹo trên da. Một số biểu hiện dễ nhận thấy bao gồm:

  • Các mụn mủ bắt đầu vỡ ra, khô lại và đóng vảy (chu kỳ này thường lặp đi lặp lại liên tục trong 5 – 7 ngày rồi ngưng hoàn toàn, tất cả mụn nước khô lại, đóng vảy rồi liên tục bong ra, không xuất hiện thêm tổn thương mới).
  • Triệu chứng ngứa ngáy, đau rát, nóng lạnh thất thường, Sốt đã biến mất.
  • Các mụn nước se lại thành chấm đen, khô đặc, da bắt đầu tiến đến giai đoạn hồi phục và tái tạo, có thể xuất hiện cảm giác hơi ngứa do hiện tượng đóng vảy kéo da non. 

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích về bệnh thủy đậu, nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp điều trị đúng cách. Để biết thêm những thông tin hữu ích về y học thường thức khác, bạn có thể truy cập Tin tức y tế. Hãy đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY hoặc liện hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Có phải ai cũng bị thủy đậu?

Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc bệnh thủy đậu, đặc biệt là trẻ em. Đối với người lớn thì tỷ lệ mắc bệnh này sẽ thấp hơn.

Bị thủy đậu rồi có bị lại không?

Nhiều thống kê cho thấy rất hiếm các trường hợp bị tái phát bệnh thủy đậu bởi sau khi mắc bệnh thủy đậu thì cơ thể đã có khả năng tự tạo miễn dịch với virus gây bệnh.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.