Tin tức y tế

Ghẻ nước: Nguyên nhân, biểu hiện, cách trị dứt điểm

24/09/2023

Ghẻ nước là chứng bệnh da liễu thường gặp, gây mẩn ngứa dữ dội, làm tổn thương da và khiến cơ thể gặp những biến chứng nghiêm trọng. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu cụ thể về ghẻ nước trong bài viết dưới đây!

>>> Bài viết cùng chủ đề:

Ghẻ nước là gì?

Ghẻ nước là bệnh trên da do sự xâm nhập của loài ký sinh trùng Sarcoptes scabiei giống Sarcoptes scabiei hominis gây nên. Đây chính là con ghẻ (hay cái ghẻ), có chiều dài chỉ 0,3-0,5 mm, màu trắng đục, do đó rất khó để có thể thấy bằng mắt thường trên da. 

Chúng sống ở những đường hầm dưới lớp sừng trên da người. Mỗi ngày chúng đẻ từ 1-5 cái trứng, trứng sẽ nở thành ấu trùng con sau 3-7 ngày và thành cái ghẻ trưởng thành sau khi lột xác.

Ghẻ nước sinh sống dưới lớp sừng trên da người
Ghẻ nước sinh sống dưới lớp sừng trên da người (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân bị ghẻ nước

Có hai nguyên nhân chính khiến lây lan ghẻ nước bao gồm: 

  • Lây nhiễm từ người sang người: Đây là lý do chủ yếu, bởi trứng và ấu trùng ghẻ rất dễ lây lan khi sinh hoạt, tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, chăn chiếu,… Khi người mang ghẻ gãi cũng làm phát tán cái ghẻ ra xung quanh và cái ghẻ bám lên da người lành.
  • Môi trường sống: Môi trường sống đông đúc, chật chội, ẩm thấp, mất vệ sinh như trường học hay doanh trại cũng có thể là nguyên nhân xuất hiện cái ghẻ.

Ngoài ra, những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (ví dụ Ung thư máu, HIV) hay đang sử dụng các loại thuốc gây ức chế miễn dịch sẽ dễ mắc ghẻ hơn. Khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ tạo điều kiện cho ký sinh trùng tấn công vật chủ dễ dàng hơn. 

Xem thêm: 

Triệu chứng bị ghẻ nước

Triệu chứng ban đầu của ghẻ là những cơn ngứa dữ dội, đặc biệt ngứa nhiều vào ban đêm. Bởi đây là lúc cái ghẻ đào hang dưới lớp sừng và đẻ trứng. Các rãnh ghẻ sẽ xuất hiện nhiều ở cổ tay, bàn tay, bàn chân, các nếp gấp da như dưới cánh tay, kẽ tay,… Rãnh ghẻ là những đường cong mảnh, dài từ vài mm cho tới 1cm, có vảy bong ra.

Ngoài ra, những tổn thương da thường gặp quanh vùng da mà cái ghẻ ký sinh bao gồm:

  • Các đốm mụn nước nhỏ chứa dịch, bên trong có cái ghẻ, nằm rải rác ở các nếp gấp da và các vùng da mỏng như cổ tay, kẽ ngón tay,…
  • Các vết xước, vảy, mụn mủ, da sẩn đỏ, phát ban.
  • Vết ngứa do chà xát và gãi có thể gây bội nhiễm và chàm.

Đây là những dấu hiệu rất đặc trưng khi mắc bệnh. Nếu nghi ngờ mình bị ghẻ nước thì cần đi thăm khám bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ soi tim dưới kính hiển vi để tìm cái ghẻ trên các đường hầm da ở lớp thượng bì người bệnh, đi kèm với đó là trứng ghẻ và cặn chất thải của con ghẻ.

>>> Xem thêm: Bị kiến ba khoang đốt: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

dấu hiệu ghẻ nước
Dấu hiệu và triệu chứng của ghẻ nước trên da (Nguồn: Internet)

Cách điều trị ghẻ nước

Bệnh ghẻ cần được điều trị bằng các thuốc diệt ghẻ tại chỗ hoặc thuốc uống. Trong đó thường gặp nhất là Permethrin. Ngoài ra bác sĩ có thể kê một số loại thuốc khác như D.E.P, Benzyl Benzoate 33%, Eurax, Ivermectin,…

Với người lớn và trẻ lớn trên 12 tuổi thường được kê thuốc permethrin. Người bệnh bôi thuốc trên toàn bộ cơ thể từ cổ xuống và để từ 8 tiếng trở lên, sau đó rửa sạch sẽ.  Riêng với trẻ em và trẻ sơ sinh, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Tìm hiểu thêm:

Cách phòng ngừa ghẻ nước

Dưới đây là một số cách phòng ngừa ghẻ nước hiệu quả:

  • Giữ nơi ở và môi trường xung quanh sạch sẽ: Cần thường xuyên dọn dẹp và lau chùi vùng xung quanh để giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh.
  • Rửa tay, tắm gội và vệ sinh thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng, tắm gội vệ sinh hàng ngày giữ cơ thể sạch sẽ là cách tốt để ngăn ngừa lây truyền bệnh. Đặc biệt cần đảm bảo rửa tay sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc các vật dụng có thể nhiễm trùng.
  • Giặt giũ quần áo, chăn chiếu, vỏ gối,… sạch sẽ, phơi hoặc sấy khô, tránh để ẩm mốc vì đây là môi trường lý tưởng cho ghẻ ký sinh. 
  • Hạn chế dùng chung đồ vật cá nhân với người khác, thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn đồ dùng. 
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: Duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách ăn đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục, và duy trì sức kháng của cơ thể là một cách khác để bảo vệ mình khỏi bệnh.
cách phòng bệnh ghẻ nước
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên là cách để phòng tránh và hạn chế ghẻ nước (Nguồn: Internet)

Ghẻ nước có nguy hiểm không?

Ghẻ nước có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Khi ngứa do ghẻ, bệnh nhân sẽ gãi mạnh liên tục khiến da tổn thương nặng, xuất hiện sẹo thâm đỏ rất khó mờ, gây kém thẩm mỹ. Ghẻ nước nếu không chữa trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm ghẻ nhiễm khuẩn, viêm da mưng mủ, bệnh chàm (eczema). Do đó, một lưu ý quan trọng với người bệnh là hạn chế cào gãi mạnh khiến da trầy xước nhiễm trùng nặng. 

Biến chứng nguy hiểm của ghẻ nước

Những biến chứng nguy hiểm của ghẻ nước bao gồm chàm hóa và viêm cầu thận cấp.

  • Chàm hóa: Vùng da bị ghẻ có thể trở nên bị chàm hóa nếu người bệnh gãi mạnh gây tổn thương da, gây ra vết sưng, viêm nhiễm và thậm chí là vết thâm. Da eczema thường khá khô và bong tróc, có thể trở nên sưng đỏ và viêm nhiễm. Đặc biệt eczema thường trở  nặng hơn vào mùa đông, khi độ ẩm trong không khí thấp và da dễ bị khô.
  • Viêm cầu thận cấp: Ký sinh trùng ghẻ không trực tiếp gây nên ghẻ nhưng nó gây bội nhiễm trên da, sau đó dẫn tới viêm cầu thận cấp. Biểu hiện của viêm cầu thận cấp là sưng, tiểu ít hoặc không tiểu, thay đổi màu nước tiểu, hoặc tăng huyết áp. Viêm cầu thận cấp có thể là một bệnh nghiêm trọng và cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

>>> Có thể bạn quan tâm:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh nhân khi nghi ngờ bị ghẻ cần thăm khám ngay tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, không nên tự ý dùng mẹo dân gian bởi có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Đặc biệt cần đến bệnh viện khi thấy da ngứa dữ dội, ngứa kéo dài từ 2-3 tuần trở lên không có dấu hiệu thuyên giảm, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, xuất hiện các vết sần đỏ và mụn nước.Hy vọng rằng thông qua bài viết trên đây, bạn đã có thêm thông tin về chứng ghẻ nước và có cách xử trí kịp thời. Truy cập trang Tin tức y tế để cập nhật thêm những kiến thức y học khác. Nếu có nhu cầu thăm khám tại Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, bệnh nhân có thể liên hệ ngay qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.