Tin tức y tế

Cách giải rượu hiệu quả nhanh chóng ngay tại nhà

12/11/2023

Mặc dù không có cách nào có thể loại bỏ hoàn toàn rượu ra khỏi cơ thể ngay lập tức, nhưng vẫn có một số biện pháp đơn giản giúp giảm nhanh nồng độ cồn trong máu. Hãy cùng Hoàn Mỹ  tìm hiểu các cách giải rượu nhanh nhất trong bài viết sau đây.

>>> Xem thêm:

Say rượu là gì? Cách nhận biết người say rượu

Say rượu là gì?

Say rượu (còn gọi là xỉn) là một trạng thái sinh lý, xuất hiện khi chất cồn trong rượu bia tích tụ trong máu nhanh hơn khả năng chuyển hóa của gan.

Cụ thể, nếu nồng độ và tốc độ rượu uống vào vượt quá khả năng chuyển hoá của gan, gan sẽ không kịp sản xuất enzyme để chuyển hóa acetaldehyde (chất độc được chuyển hóa từ ethanol trong rượu). Lúc đó, chất này sẽ ứ đọng trong cơ thể, ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể và não bộ, kèm theo các biểu hiện “say rượu”.  

Say rượu là gì?
Say rượu là gì? (Nguồn: Internet)

Cách nhận biết người bị say rượu

Mức độ say rượu ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người. Uống cùng một lượng rượu nhưng có người say nhanh, có người say chậm. Theo đó, người say rượu cũng có những biểu hiện khác nhau như:

  • Hơi thở có mùi rượu.
  • Mất thăng bằng.
  • Da đỏ ửng.
  • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
  • Dễ cáu gắt, dễ xúc động.
  • Run rẩy.
  • Mất tập trung.
  • Buồn ngủ.
  • Nhức mỏi cơ bắp toàn thân.
  • Rối loạn tiêu hóa (Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy).
  • Tuyến nước bọt hoạt động mạnh.
  • Nhịp tim nhanh hơn.
  • Sợ tiếng ồn, ánh sáng.

Các biểu hiện đặc trưng của say rượu sẽ dần biến mất. Tuy nhiên, nếu người say rượu xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng như: thở chậm (dưới 12 lần/phút), nhịp thở không đều, thân nhiệt hạ, nôn mửa nhiều lần, co giật, da nhợt nhạt hoặc tái xanh, hôn mê,… thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. 

Các loại nước giúp giải rượu nhanh chóng, hiệu quả

Nước lọc

Nếu không có thời gian chuẩn bị, uống nước lọc là cách giải rượu nhanh nhất và đơn giản nhất. Nước pha loãng nồng độ cồn trong máu, làm quá trình đào thải rượu diễn ra nhanh chóng hơn. Ngoài ra, uống nước lọc cũng giúp giảm thiểu các triệu chứng nôn nao, khát nước và hạn chế tình trạng mất nước.

Các loại nước ép

Uống nước ép cam, quýt là cách giải rượu truyền thống được nhiều người áp dụng. Các loại quả này chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp khử độc tố trong rượu và làm tỉnh táo người đang say. Tuy nhiên, cần cân nhắc sử dụng các loại nước ép này cho người có bệnh lý dạ dày và tá tràng.

Nước mía cũng là một cách giải rượu hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này không khuyến khích cho các bệnh nhân đang mắc bệnh về huyết áp hoặc tiểu đường. Vì hàm lượng đường cao trong mía có thể khiến các triệu chứng của bệnh thêm nặng. 

Các loại nước ép trái cây giúp giải rượu nhanh chóng
Các loại nước ép trái cây giúp giải rượu nhanh chóng (Nguồn: Internet)

Trà thảo mộc

Các loại trà thảo mộc như trà gừng có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm nhẹ các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Ngoài ra, gừng là gia vị có tính ấm, vị cay hỗ trợ mạch máu lưu thông, giúp giải rượu hiệu quả. Ngoài ra, có thể thay thế bằng loại trà thảo mộc khác như trà xanh, hoa cúc, nghệ tây,…

Có thể giải rượu bằng trà thảo mộc
Trà thảo mộc giúp giải rượu hiệu quả (Nguồn: Internet)

Nước dừa

Nước dừa giúp bù nước và cân bằng điện giải sau khi say rượu nhờ chứa nhiều chất điện giải quan trọng như natri, kali. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nước dừa có tác dụng bù nước tương đương đồ uống thể thao, giúp cơ thể dễ dàng vượt qua cơn say.

Sữa

Sữa có tác dụng bổ sung nước và chất điện giải. Qua đó làm giảm các triệu chứng do say rượu gây ra và phòng hạ đường huyết. Tuy nhiên, sữa chỉ thích hợp cho những người có triệu chứng say nhẹ và cần phục hồi sức khỏe. Với những trạng thái say nặng, đây không phải là lựa chọn đúng đắn.

Nên ăn gì để giải rượu?

Cháo trắng

Cháo trắng (có thể kết hợp cùng đậu xanh) là món ăn chứa nhiều nước, dễ ăn và giúp người say rượu bổ sung lượng nước đã mất khi nôn, tiêu chảy,… Từ đó nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo sau cơn say. 

Trứng

Khi say rượu có thể ăn 1 – 2 lòng trắng trứng gà còn tươi. Chất cồn trong rượu chưa bị hấp thụ trong dạ dày khi gặp protein có trong lòng trắng trứng sẽ bị kết tủa, giúp giảm bớt lượng rượu được hấp thu vào máu. 

Lòng trắng trứng gà giúp giảm tình trạng say rượu
Ăn lòng trắng trứng gà giảm tình trạng say rượu (Nguồn: Internet)

Các loại trái cây

Các loại trái cây mọng nước như cam, chanh, bưởi, dưa hấu… cung cấp cho cơ thể lượng lớn vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp người say phục hồi đường ruột và làm dịu dạ dày sau khi uống rượu.

Sữa chua

Sữa chua cung cấp canxi và một số dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể. Qua đó làm giảm tác dụng phụ của rượu bia trên cơ thể. Đặc biệt, tốt nhất nên ăn sữa chua trước hoặc trong lúc uống rượu. 

Cá hồi

Các loại chất béo tốt cho cơ thể thường có rất nhiều ở các loại cá đại dương như cá hồi, cá thu, cá ngừ… Trong đó, cá hồi là thực phẩm hoàn hảo cho một bữa lót dạ trước khi uống rượu. Ngoài cung cấp chất béo, cá hồi còn giàu vitamin B12 –  loại vitamin có xu hướng giảm sau khi uống rượu bia.

Cá hồi giúp làm chấm quá trình háp thu rượu
Cá hồi làm chậm quá trình hấp thu rượu (Nguồn: Internet)

Giải rượu bằng cách xoa bóp, bấm huyệt

Theo lý thuyết đông y, các triệu chứng của say rượu xuất hiện là do mất cân bằng trong chuyển hóa của nội tạng. Do đó, sử dụng liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt giải rượu là cách kích thích các kinh mạch, điều chỉnh sự luân hồi năng lượng trong cơ thể. Qua đó giảm đau đầu, buồn nôn, nôn mửa và lo lắng.

Sau đây là một số vị trí bấm huyệt giúp giải rượu và giảm nhẹ các triệu chứng say rượu: 

  • Bấm huyệt Nội Quan trên cổ tay giúp giảm buồn nôn, nôn mửa. 
  • Bấm huyệt Hợp Cốc ở cuối rãnh ngón tay cái và ngón tay trỏ khi khép lại giúp giảm đau đầu do say rượu. 
  • Bấm huyệt Thần Môn ở đầu dưới xương trụ, trên nếp gấp cổ tay giảm chứng lo lắng hoặc cảm giác nôn nao khi say rượu. 
  • Bấm huyệt Thượng Quản giữa rốn và mỏm xương ức giảm đau dạ dày.
  • Bấm huyệt Bách Hội ở giữa đỉnh đầu, kết hợp xoa gáy, đáy sọ giúp giảm mệt mỏi, lừ đừ, kém tập trung.
  • Bấm huyệt Thái Xung ở bàn chân giúp cải thiện chóng mặt.

Cách giải rượu bằng hình thức bấm huyệt và xoa bóp có thể tự thực hiện mà không cần đến bác sĩ trị liệu. 

Những sai lầm khi giải rượu

Gây nôn

Cảm giác khó chịu trong bụng là chuyện thường gặp sau khi uống nhiều bia rượu. Cũng vì thế mà nhiều người rất muốn gây nôn ra để dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nôn mửa bất chợt có thể dễ gây ngạt thở, đặc biệt là khi nhận thức của người say đang không được tỉnh táo. 

Bên cạnh đó, nôn nhiều có thể gây ra tình trạng trào ngược thức ăn, dễ gây viêm tụy cấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Lạm dụng sản phẩm bổ gan, giải độc gan 

Thuốc giải độc gan nếu sử dụng không đúng liều, đúng thời gian hoặc phối hợp với nhiều loại thuốc bổ gan khác sẽ vô tình tăng “gánh nặng” cho gan. Khi rơi vào trạng thái say xỉn, gan phải hoạt động vất vả để đào thải rượu ra ngoài. Uống các loại thuốc này sẽ khiến gan làm việc nhiều hơn, dẫn đến gan dễ bị viêm và tổn thương.

Sử dụng thuốc giảm đau

Triệu chứng thường gặp nhất khi say rượu chính là đau đầu. Do đó, nhiều người có thói quen sử dụng các loại thuốc giảm đau khi đang say. Tuy nhiên, Aspirin, Paracetamol và một số loại thuốc giảm đau, hạ Sốt khác khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, làm chảy máu đường tiêu hóa, tăng gấp đôi tác hại lên gan.

Những sai lầm khi giải rượu
Không nên sử dụng thuốc giảm đau khi say rượu (Nguồn: Internet)

Cách hạn chế say rượu trong các dịp lễ, tết

Bia, rượu chắc chắn không thể thiếu trong những dịp lễ, tết. Hãy bỏ túi một số cách sau đây để hạn chế say rượu trong các dịp quan trọng này: 

  • Thức ăn giàu chất béocarbohydrate: Thức ăn giàu chất béo hoặc cơm, bánh mì sẽ hạn chế rượu tiếp xúc với niêm mạc dạ dày và thành ruột, giúp uống rượu lâu say hơn. 
  • Sữa: Uống sữa trước hoặc trong khi uống rượu làm chậm quá trình hấp thụ cồn của dạ dày, giúp gan có thêm thời gian để đào thải cồn ra khỏi cơ thể trước khi chúng xâm nhập vào hệ thần kinh.
  • Không pha với thức uống có gas: Phản ứng tạo bọt khí trong đồ uống có gas kết hợp với bia rượu làm cồn ngấm nhanh hơn vào trong máu, đồng nghĩa với việc cơn say sẽ xuất hiện sớm.
  • Chọn đồ uống có độ cồn nhẹ: Chọn các loại rượu có nồng độ cồn thấp như rượu vang, rượu mùi, bia để giảm nguy cơ say sưa.
  • Uống chậm rãi: Trung bình cơ thể người có khả năng tiêu thụ 30ml thức uống có cồn trong 1 giờ đồng hồ. Do đó, hãy uống chậm rãi để cơ thể có thời gian hấp thụ và nghỉ ngơi.

Những lưu ý khi chăm sóc người say rượu

Cần làm gì sau khi say rượu?

  • Uống nhiều nước: Nên uống thật nhiều nước, nhất là những loại nước bổ sung chất điện giải hoặc những loại nước bổ sung vitamin C như nước cam pha loãng.
  • Mặc đồ thoáng mát: Khi say nên cởi bớt cúc áo, cởi bỏ thắt lưng, cởi tất, mặc trang phục thoáng mát để cơ thể thoát mồ hôi dễ dàng hơn.
  • Ăn chuối: Rất tốt khi ăn 1 – 2 trái chuối sau khi tỉnh dậy sau cơn say. Chuối sẽ bổ sung kali, chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa và đường trong chuối sẽ cung cấp năng lượng cho ngày làm việc mới.
Những lưu ý khi chăm sóc người say rượu
Những điều nên làm sau khi say rượu (Nguồn: Internet)

Những điều cần tránh khi say rượu

  • Không đi ngủ ngay: Đi ngủ ngay sau khi uống rượu thì sẽ khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể chậm lại, gây nguy hại cho gan. Thay vào đó, nên rửa mặt bằng nước lạnh và ngồi nghỉ ngơi.
  • Không đi ra gió: Cồn kích thích cho mạch máu giãn nở, gia tăng tuần hoàn máu khiến da mẩn đỏ,  thân nhiệt tăng. Do đó rất dễ mắc bệnh do gặp lạnh sau khi uống rượu bia.
  • Không uống cà phê, trà: Không uống cà phê nhiều để tránh thiếu nước trầm trọng hơn. Không uống trà vì làm tim hưng phấn quá mức, không có lợi cho thận vốn đang vất vả đào thải cồn từ rượu bia.
  • Không đi tắm: Khi có cồn trong cơ thể, người say sẽ thấy nóng trong người và muốn đi tắm. Tuy nhiên khi uống rượu, bia thì không được tắm bất kể nước nóng hay nước lạnh. 
Những điều cần tránh khi say rượu
Những điều không nên làm sau khi say rượu (Nguồn: Internet)

Những câu hỏi thường gặp

Có nên uống thuốc giải rượu trước khi nhậu không? 

Thuốc giải rượu thường chứa các chất như vitamin B1, giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa rượu thành thành các chất không gây độc, sau đó đào thải ra khỏi cơ thể.

Thuốc giải rượu sẽ phát huy tác dụng tốt nếu sử dụng ở thời điểm trước khi uống khoảng 1 tiếng đồng hồ. Tùy từng sản phẩm mà số lượng thuốc cần uống là khác nhau, người dùng cần đọc trên bao bì của nhà sản xuất. Ngoài ra, cũng có thể uống thuốc trong lúc uống rượu, nhưng chỉ nên uống lúc chưa quá say.

Có nên sử dụng thuốc giải rượu cấp tốc không? 

Người dùng không nên lạm dụng thuốc giải rượu cấp tốc vì loại thuốc này sẽ gây tích lũy các thành phần dược tính cho cơ thể. Dù không gây nguy hại, nhưng việc tích tụ trong thời gian dài có thể gây biến chứng.

Ngoài ra, sử dụng thuốc giải rượu cấp tốc thường xuyên sẽ khiến người dùng xác định nhầm tửu lượng của mình, tăng việc sử dụng rượu, dẫn đến các nguy cơ sức khỏe khác. 

Có nên sử dụng thuốc giải rượu cấp tốc không? 
Không nên lạm dụng thuốc giải rượu cấp tốc (Nguồn: Internet)

Làm sao để không bị nôn khi sử dụng rượu bia

Sau đây là một số cách nên áp dụng để tránh buồn nôn khi uống rượu bia:

  • Ăn no trước khi uống bia rượu.
  • Tránh uống rượu và bia cùng một lúc.
  • Tránh uống rượu bia cùng với các loại thức uống có cồn khác.
  • Khi uống bia rượu, nên uống thêm nhiều soda chanh hoặc nước lọc xen kẽ nhau. 
  • Ăn các món ăn nhẹ như bánh mì nướng, bánh quy giòn hoặc Sốt táo để nạp lại năng lượng đồng thời khắc phục triệu chứng buồn nôn do rượu. 

Say rượu có ảnh hưởng đến sức khỏe không? 

Người say rượu có các biểu hiện ở mức độ nhẹ như dễ nổi giận, hoa mắt, chóng mặt, đi không vững thì chỉ cần nghỉ ngơi. Sau khi nồng độ cồn trong cơ thể đào thải ra ngoài sẽ dần tỉnh táo trở lại.

Tuy nhiên, trường hợp uống quá nhiều, vượt mức đáp ứng của cơ thể thì có thể xảy ra tình trạng ngộ độc rượu. Khi nồng độ cồn trong máu từ 4-5 g/l (0.4% – 0.5%) có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, khi say rượu, cơ thể sẽ bị Mất nước thông qua nôn mửa, tiêu chảy và đổ mồ hôi, khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng, gây nguy hiểm tính mạng. 

Chưa hết, thường xuyên say rượu có thể dẫn đến sự phát triển của các bệnh lý nghiêm trọng khác bao gồm: bệnh gan, huyết áp cao, bệnh tim và các vấn đề về tiêu hóa. 

>>> Xem thêm:

Bài viết đã giới thiệu chi tiết các cách giải rượu tại nhà an toàn và hiệu quả. Áp dụng các cách giải rượu này sẽ giúp giảm thiểu các tác hại của rượu bia đối với sức khỏe.  Để cập nhật thêm các thông tin y học hữu ích khác, truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.