Tin tức y tế

Đau đầu: Nguyên nhân & Cách điều trị

28/10/2023

Chứng đau đầu xuất hiện trong cuộc sống thường ngày có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và công việc cũng như học tập. Việc tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng và những phương pháp giảm đau hiệu quả để ngăn chặn sự trở lại của triệu chứng này là điều cần thiết. Cùng tìm hiểu chi tiết các thông tin này tại bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ để xây dựng một lối sống tích cực. 

>> Xem thêm:

Nguyên nhân gây ra đau đầu

Đau đầu là một triệu chứng phổ biến nhưng có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Theo IHS, có tới 70 nhóm đau đầu và được phân thành 3 nhóm thành chính:

Xuất phát từ bệnh lý

Nhức đầu bắt nguồn từ bệnh lý có thể do các nguyên nhân:

  • Đau đầu do não bị ảnh hưởng: Do các bệnh lý như khối u, đột quỵ, chấn động hoặc bất thường về mạch máu trong não.
  • Đau đầu do cơ thể bị rối loạn: Từ các yếu tố như nhiệt độ cao, thiếu nước, gan hoặc suy thận, nhiễm trùng, viêm xoang, viêm mũi, hoặc các bệnh mãn tính không được điều trị tốt.

Không phải từ bệnh lý

Không chỉ xuất phát từ bệnh lý, chứng nhức đầu còn phát sinh do căn nguyên tâm thần; do các vấn đề như trầm cảm, mất ngủ, căng thẳng hoặc lo lắng. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây đau đầu có thể liên quan đến lối sống thường ngày như thiếu giấc ngủ trưa, nằm sai tư thế, mang thai, chịu ảnh hưởng của tiếng ồn hoặc thời tiết. Việc dùng quá nhiều thuốc giảm đau cũng là một vấn đề nghiêm trọng, khiến cho người bệnh đau đầu càng nhiều và càng khó chịu.

>> Xem thêmChâm cứu điều trị liệt cơ mặt ngoại biên cho bệnh nhi 13 tuổi

Nguyên nhân gây đau đầu
Đau đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguồn: Internet)

Các vị trí đau đầu nguy hiểm

Các vị trí đau đầu cũng phản ánh phần nào nguồn gốc xuất phát của tình trạng này. Một số khu vực đau nhức nguy hiểm:

  • Nhức đầu trên trán và thái dương: Đau đầu do căng thẳng là một loại đau đầu thường gặp và có biểu hiện là xuất hiện những cơn đau nhói liên tục, đau buốt, giống như có một sợi dây siết chặt quanh đầu. Chúng có nguồn gốc từ việc căng thẳng các cơ ở vùng cổ, vai và da đầu do áp lực, rối loạn lo âu. Cơn đau thường lan ra hai bên đầu và có thể làm cho người bệnh dễ bị kích thích bởi ánh sáng và âm thanh.
  • Đau nửa đầu: Đây là một loại bệnh lý thần kinh khiến cho một bên đầu bị đau như búa bổ. Chứng nhức đầu này thường có dấu hiệu là cơn đau nhói, có thể gây nôn mửa và dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng và âm thanh. Đau nửa đầu có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân như stress, biến động nội tiết tố hoặc biến đổi thời tiết.
  • Đỉnh đầu: Đau đầu trên đỉnh đầu có thể do áp lực hoặc các bệnh xoang gây ra. Tình trạng này thường làm cho thái dương, trán và đỉnh đầu bị đau nhức, còn đau đầu do xoang là do xoang bị viêm và thường tạo cảm giác nặng nề đồng thời gây ra cảm giác đau ở vùng trán, mắt.
  • Nhức khắp đầu: Viêm xoang là một nguyên nhân gây đau đầu khắp đầu, chủ yếu là ở vùng trán và mắt. Chúng còn có các dấu hiệu khác như mũi bị tắc, chảy nước mũi và cảm giác đau trong xoang.

Đối tượng nguy cơ cao bị đau đầu

Dưới đây là một số nhóm nguy cơ cao bị đau đầu:

  • Giới tính và tuổi tác: Phụ nữ có khả năng mắc bệnh đau nửa đầu gấp ba lần so với nam giới. Hầu hết mọi người bắt đầu có triệu chứng đau nửa đầu khi ở độ tuổi từ 10 đến 40. Đối với cơn đau cụm, nam giới có khả năng mắc phải nhiều hơn và thường xuất hiện ở những người từ 20 đến 50 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Bốn trong số năm người mắc bệnh đau nửa đầu có thành viên trong gia đình khác cũng bị. Nếu một trong hai cha mẹ có tiền sử mắc bệnh này, nguy cơ con cái mắc phải là 50%. Nếu cả hai cha mẹ đều mắc phải, nguy cơ tăng lên 75%.
  • Tình trạng sức khỏe khác: Những người mắc chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn giấc ngủ và động kinh có nguy cơ cao hơn.
  • Hút thuốc: Nhiều người mắc bệnh đau cụm là những người hút thuốc.

>> Xem thêm: Kỹ thuật ghi điện cơ và đo tốc độ dẫn truyền dây thần kinh

Đối tượng bị đau đầu
Giới tính và tuổi tác có thể ảnh hưởng đến việc xuất hiện các cơn đau nhức đầu (Nguồn: Internet)

Triệu chứng đau đầu

Các cơn đau nhức ở đầu có thể có nhiều loại khác nhau và một số triệu chứng thường gặp như sau:

Triệu chứng đau đầu căng cơ

Đau đầu căng cơ là loại đau đầu phổ biến nhất. Các triệu chứng thường gặp như:

  • Đau nhức, mệt mỏi ở đầu.
  • Cảm giác căng thẳng hoặc áp lực xung quanh trán hoặc ở hai bên và phía sau đầu.
  • Nhạy cảm ở da đầu, cổ và các cơ vai.

Đau đầu căng cơ có thể chia thành hai loại chính: tập trung và mãn tính. Đau đầu căng cơ tập trung có thể kéo dài từ 30 phút đến một tuần, trong khi đau đầu căng cơ mãn tính có thể kéo dài nhiều giờ và có thể liên tục.

Triệu chứng đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một loại đau đầu gây cảm giác đau nhói dữ dội, thường chỉ ảnh hưởng một bên của đầu. Các triệu chứng phổ biến:

  • Đau thường chỉ ở một bên của đầu, nhưng cũng có thể ở cả hai bên.
  • Đau có nhịp hoặc xung lực.
  • Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh.
  • Buồn nôn.

Đau nửa đầu có thể kéo dài từ 4 đến 72 giờ nếu không được điều trị. Tần suất xuất hiện của các cơn đau nửa đầu khác nhau giữa mỗi người.

Triệu chứng đau từng cụm

Đau đầu từng cụm là một loại chứng nhức đầu gây cảm giác rất đau đớn, thường xảy ra trong các chu kỳ tấn công thường xuyên, gọi là các cụm. Đau đầu từng cụm có thể làm người bệnh thức dậy khi đang chìm vào giấc ngủ. Các chu kỳ đau từng cụm có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Sau đó, thường sẽ không xuất hiện cơn đau nào trong một khoảng thời gian, từ vài tháng đến vài năm. 

Một số triệu chứng phổ biến khi bị đau đầu từng cụm bao gồm:

  • Cảm giác đau nhói hoặc nhói rất mạnh, thường ở phía sau hoặc xung quanh một bên mắt. Cơn đau có thể lan ra các vùng khác của khuôn mặt, đầu và cổ. 
  • Đau ở một bên đầu trong một cụm. Cơn đau có thể chuyển sang bên kia trong cụm khác.
  • Bồn chồn, không yên.
  • Nước mắt chảy nhiều.
  • Mắt bị đỏ ở bên có cơn đau.
  • Mũi bị nghẹt hoặc chảy nước ở bên có cơn đau.
  • Xuất hiện mồ hôi trán hoặc khắp mặt.
  • Màu da trên khuôn mặt bị thay đổi ở bên có cơn đau.
  • Mí mắt ở bên đau nhức bị chùng xuống.

Các phương pháp điều trị chứng đau đầu

Khi bị đau đầu, người bệnh nên nghỉ ngơi, thư giãn và không để tâm lý bị căng thẳng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây đau và đưa ra cách chữa trị phù hợp. Nếu tình trạng này bắt nguồn từ một bệnh lý khác, việc điều trị sẽ nhắm vào khắc phục bệnh đó. Khi căn bệnh được cải thiện, cơn đau cũng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nhức đầu không phải lúc nào cũng do bệnh lý gây ra. Cơn đau có thể mau chóng tan biến khi được chữa trị bằng các cách phù hợp.

Sử dụng thuốc

Đau căng đầu có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol), aspirin hoặc ibuprofen (Advil). Nhưng người bệnh cũng cần chú ý việc dùng quá nhiều thuốc có thể khiến chứng đau đầu kéo dài. Nếu cơn đau xảy ra với tần suất lớn hoặc đau nhói quá mạnh, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh dùng các loại thuốc chuyên trị đau đầu.

>> Xem thêmBạn đã biết: Đột quỵ và thời gian vàng cấp cứu trong đột quỵ?

Điều trị bằng thuốc
Người bệnh có thể dùng thuốc để trị nhức đầu (Nguồn: Internet)

Phương pháp điều trị thay thế

Hiện nay, có những phương pháp điều trị thay thế có thể giúp người bệnh đỡ đau đầu hơn. Cụ thể:

  • Liệu pháp châm cứu: Việc châm kim vào các điểm huyệt của cơ thể có thể giúp người bệnh giảm đau và thư giãn.
  • Biofeedback (Phản hồi sinh học): Là một phương pháp giúp bệnh nhân điều chỉnh được các hoạt động sinh lý của cơ thể, từ đó giúp thuyên giảm các cơn đau mà không cần điều trị bằng thuốc.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Là một cách chữa trị tâm lý giúp người bệnh đối phó với các tình trạng rối loạn lo âu, stress tốt hơn trong đời sống thường ngày.
  • Thiền định: Có lợi cho việc thư giãn, ngủ ngon và giảm cơn đau. 
  • Liệu pháp nhiệt/liệu pháp lạnh: Chườm nóng hoặc chườm lạnh ở vùng đầu và cổ khoảng từ 5 đến 10 phút, thực hiện thường xuyên mỗi ngày có thể giúp người bệnh đỡ đau đầu. Bệnh nhân cần chú ý nhiệt độ khi chườm để không bị bỏng.

Cách phòng ngừa cơn đau nhức đầu tại nhà

Cơn đau nhức đầu là một tình trạng phổ biến mà nhiều người phải đối mặt hàng ngày. Có nhiều loại đau nhức đầu khác nhau, từ cơn đau nhẹ cho đến cơn đau dữ dội, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Mặc dù có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng đau nhức đầu, nhưng bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp tự nhiên hiệu quả để giảm bớt và ngăn ngừa cơn đau nhức đầu. Sau đây là một số cách phòng ngừa cơn đau nhức đầu tại nhà mà bạn có thể tham khảo:

  • Uống nhiều nước: Thiếu nước có thể là một trong những nguyên nhân gây ra cơn đau nhức đầu. Ngoài ra, thiếu nước cũng có thể làm giảm khả năng tập trung và gây kích thích, khiến triệu chứng của người bệnh trở nên tồi tệ hơn. Theo nghiên cứu, uống nhiều nước có thể giúp giảm tần suất xuất hiện và mức độ của cơn đau nhức đầu ở một số người. Để tránh bị thiếu nước, bạn nên uống đủ nước trong ngày và ăn các loại thực phẩm giàu nước như trái cây và rau xanh.
  • Bổ sung magie: Magie là một khoáng chất quan trọng cần thiết cho nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm điều hòa đường huyết và truyền dẫn thần kinh. Khoáng chất này cũng được chứng minh là một phương pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị cơn đau đầu. Bạn có thể bổ sung magie bằng cách uống thuốc hoặc ăn các loại thực phẩm giàu magie như các loại hạt, lá xanh, chuối tiêu và sô-cô-la đen.
  • Đặt miếng chườm lạnh hoặc nóng lên đầu hoặc mắt: Miếng chườm lạnh hoặc nóng có thể giúp làm dịu áp lực và đau ở đầu hoặc mắt. Bạn có thể sử dụng túi nước lạnh, khăn ướt lạnh hoặc viên đá để làm miếng lạnh. Đối với miếng chườm nóng, bạn có thể sử dụng túi nước nóng, khăn ấm hoặc gối điện. 
  • Thư giãn và giảm căng thẳng: Căng thẳng là một trong những yếu tố gây ra cơn đau ở đầu, đặc biệt là đau căng thẳng. Do đó, việc thư giãn và giảm căng thẳng có thể giúp ngăn ngừa và làm giảm cơn đau. Một số phương pháp thư giãn hiệu quả như hít thở sâu, thiền, yoga, nghe nhạc, xem phim hoặc làm những điều bạn thích. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tìm và giải quyết các nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như công việc, gia đình hoặc tài chính.
  • Nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh: Ánh sáng và tiếng ồn có thể làm tăng cảm giác đau đầu, đặc biệt là khi bệnh nhân bị đau nửa đầu. Do đó, việc nghỉ ngơi trong một không gian tối và yên tĩnh có thể giúp làm dịu tình trạng nhức đầu. Người bệnh nên tắt đèn, rèm cửa, máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác. Bạn cũng có thể đeo kính râm hoặc bịt mắt để tránh ánh sáng. Nếu có tiếng ồn xung quanh, bạn có thể dùng tai nghe chống ồn hoặc bông gòn để bịt tai.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác

Uống nhiều nước giảm nguy cơ đau đầu
Uống nhiều nước giảm nguy cơ đau đầu (Nguồn: Internet)

Một số câu hỏi thường gặp

Làm gì khi bị đau đầu dữ dội?

Khi bị đau đầu dữ dội, bạn có thể thực hiện một số việc sau để giảm bớt cơn đau:
Uống thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Đặt miếng lạnh hoặc nóng lên trán, mắt hoặc gáy để làm dịu áp lực và đau ở đầu. 
Nghỉ ngơi trong một không gian tối và yên tĩnh. 
Thư giãn và giảm căng thẳng. 

Thường xuyên đau đầu là bệnh gì?

Đau đầu kéo dài cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn như:
Viêm xoang
Tăng nhãn áp
Đau nửa đầu Migraine
Thiếu máu nặng
Các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, Lupus ban đỏ, tăng huyết áp,…
Tai biến mạch máu não
Khối u não
Nhiễm trùng não – màng não
Di chứng của chấn thương

Tuy nhiên, chứng đau đầu liên tục cũng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân không do bệnh lý, chẳng hạn như stress kéo dài, lo âu, mất nước, thay đổi hormone,…Hy vọng thông tin trên đây sẽ giúp người bệnh điều trị, ngăn chặn chứng đau đầu và duy trì một lối sống lành mạnh để nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo dõi Tin tức y tế của Hoàn Mỹ mỗi ngày để không bỏ lỡ những thông tin về sức khỏe – y tế hữu ích nhất. Liên hệ với hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ toàn quốc qua HOTLINE hoặc truy cập TẠI ĐÂY để được hỗ trợ đặt lịch khám và tư vấn miễn phí.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.