Tin tức y tế

Có nên nhổ răng khôn? Những thông tin bạn cần biết

16/10/2023

Nhổ răng khôn là thủ thuật nha khoa phổ biến, được chỉ định thực hiện cho các trường hợp răng số 8 mọc lệch, bị sâu, tổn thương xương hàm,… Để đảm bảo an toàn, hạn chế xảy ra biến chứng, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trước và sau khi tiến hành nhổ răng. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ tổng hợp và chia sẻ đến bạn các thông tin cụ thể về nhổ răng khôn, cùng tham khảo để cập nhật ngay!

>>> Xem thêm:

Răng khôn là gì? Răng khôn thường mọc ở vị trí nào?

Răng khôn là răng mọc ở phía trong cùng hai hàm răng hay còn gọi là răng số 8. Răng khôn chủ yếu mọc trong giai đoạn từ 17 – 25 tuổi khi xương hàm tại vị trí này đã ngừng phát triển, mỗi người thường có 4 chiếc răng khôn, mỗi hàm 2 chiếc.

Vì răng số 8 mọc khi xương hàm đã ngừng phát triển nên răng khôn thường có xu hướng mọc lệch, mọc đâm xiên, gây sưng lợi, đau răng, nhiễm trùng. Đối với trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định nhổ răng khôn để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Răng khôn mọc lệch và đâm vào răng bên cạnh
Răng khôn mọc xô lệch và sai vị trí (Nguồn: Internet)

Nhận biết sớm các dấu hiệu mọc răng khôn

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm tình trạng mọc răng khôn: 

  • Sưng lợi: Ở người trưởng thành, xương hàm hầu như không còn phát triển về kích thước. Do đó, khi mọc răng khôn, phần lợi sẽ bị nứt và sưng phồng lên.
  • Đau nhức quanh lợi răng: Khi răng khôn nhú lên, bạn sẽ nhận thấy cảm giác ê nhức vùng nướu răng, cơn đau tiến triển tăng dần và kéo dài theo sự phát triển của răng. Nếu răng mọc sai vị trí hoặc mọc lệch, người bệnh có thể bị đau răng hàm bên cạnh và một số vùng lân cận. 
  • Sốt và đau đầu: Mọc răng khôn thường đi kèm với triệu chứng sốt, đau đầu âm ỉ theo từng cơn.
  • Một số dấu hiệu khác: Cơ thể đau nhức, mệt mỏi, khó chịu, chán ăn,… 
Răng số 8 mọc xô lệch gây sưng đau lợi
Răng khôn mọc xô lệch gây sưng đau lợi (Nguồn: Internet)

Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?

Hiện nay, thủ thuật nhổ răng khôn được thực hiện bằng công nghệ, máy móc tiên tiến hiện đại nên hạn chế tối đa rủi ro nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện nhổ răng ở những cơ sở y tế kém chất lượng hoặc bác sĩ nha khoa thiếu kinh nghiệm, có thể xảy ra một số biến chứng như: 

  • Viêm ổ răng và nhiễm trùng: Sau khi tiểu phẫu răng khôn, nếu bạn không chăm sóc răng miệng đúng cách có thể làm cho ổ răng bị viêm nhiễm, dẫn đến sưng đau lợi, xương hàm, thường đi kèm dịch mủ trắng hoặc vàng, có mùi hôi, Sốt cao. 
  • Nhiễm trùng máu: Tình trạng viêm ổ răng sau tiểu phẫu răng khôn nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Triệu chứng thường gặp là rét run và Sốt cao.
  • Tổn thương dây thần kinh: Dây thần kinh có thể bị tổn thương sau thủ thuật nhổ răng khôn, xuất hiện với các triệu chứng như ngứa ngáy ở môi dưới, lưỡi,… nhưng thường chỉ là tạm thời, hiếm khi kéo dài vĩnh viễn. 

Để ngăn ngừa và giảm thiểu xảy ra biến chứng sau khi tiểu phẫu răng khôn, người bệnh nên được thăm khám kỹ lưỡng trước khi thực hiện thủ thuật và chăm sóc răng miệng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi mổ.

Tiểu phẫu răng khôn được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn
Một số biến chứng sau khi nhổ răng khôn vẫn có thể xảy ra (Nguồn: Internet)

Khi nào nên nhổ răng khôn?

Dưới đây là các trường hợp được chỉ định và chống chỉ định thực hiện thủ thuật nhổ răng khôn

Trường hợp nên nhổ

Bác sĩ chỉ định nên nhổ răng khôn cho các trường hợp sau:

  • Răng số 8 bị mọc lệch, gây đau nhức răng lân cận và ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai.
  • Xương hàm bị tổn thương do u nang quanh răng khôn.
  • Mô mềm sau chân răng bị viêm nhiễm.
  • Răng khôn mọc nghiêng, xô lệch toàn bộ khuôn hàm.
  • Sâu răng khôn.
  • Răng khôn bị viêm nha chu.
  • Răng số 8 nhỏ, dị dạng, dẫn đến tình trạng nhồi nhét thức ăn cho răng bên cạnh.
  • Xuất hiện khe giắt giữa răng khôn và răng kế bên.

Trường hợp không nên nhổ

Để tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn, bác sĩ khuyến nghị không nên làm tiểu phẫu răng khôn cho các trường hợp dưới đây:

  • Răng số 8 đã mọc thẳng hàng và khớp với hàm phía trên.
  • Sự xuất hiện của răng khôn không làm hỏng răng số 7.
  • Hình dạng răng số 8 bình thường.
  • Đang mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thần kinh, huyết áp, tim mạch, bệnh đái tháo đường, chứng đông máu,… 
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc trong giai đoạn cho con bú.

Tìm hiểu thêm:

Răng số 8 mọc thẳng và khớp với hàm trên không nên nhổ
Bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khôn cho một số trường hợp nhất định (Nguồn: Internet)

Quy trình nhổ răng khôn

Quy trình nhổ răng khôn đúng chuẩn sẽ được tiến hành theo 4 bước như sau:

Bước 1: Khám tổng quát và chụp X-quang

Đây là bước cơ bản và quan trọng, được thực hiện đầu tiên trong quy trình nhổ răng khôn. Theo đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát để đánh giá tình trạng sức khoẻ của người bệnh, xem xét vị trí, mức độ tổn thương ở răng. Bước tiếp theo là chụp X-quang hàm răng để thu thập hình ảnh chính xác về vị trí, kích thước, hình dạng của răng số 8. Thông qua kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp và thời nhổ răng phù hợp nhằm hạn chế tối đa biến chứng. 

Bước 2: Thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra

Người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng đông máu và uống thuốc điều trị nếu cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu đo huyết áp, làm xét nghiệm kiểm tra bệnh tim mạch, đái tháo đường để đảm bảo quá trình nhổ răng khôn an toàn, thuận lợi.

Bước 3: Tiến hành nhổ răng khôn

Bác sĩ nha khoa thực hiện gây tê tại vị trí răng số 8 để giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh trong quá trình nhổ. Quá trình nhổ răng sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng như kìm, ống hút nước bọt,… để lay chân răng nhẹ nhàng, sau đó loại bỏ răng số 8 một cách nhanh chóng. 

Bước 4: Tái khám

Sau khi nhổ răng khôn, người bệnh cần quay lại tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra khả năng phục hồi vết thương. Trong 7 – 10 ngày đầu tiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong khoang miệng, nên liên hệ ngay với nha sĩ để được thăm khám kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng về sau.

Quy trình nhổ răng số 8 bao gồm gây tê
Quy trình nhổ răng khôn được thực hiện trong điều kiện gây tê (Nguồn: Internet)

Một số lưu ý trước và sau khi nhổ răng khôn

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng thực hiện trước và sau khi nhổ răng khôn, đảm bảo không xảy ra biến chứng nguy hiểm: 

Trước khi nhổ răng khôn

  • Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu đang dùng thuốc, đang mắc bệnh hoặc có tiền sử mắc bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chức năng đông máu,… 
  • Không nên nhổ răng khôn nếu bạn đang bị sốt, ho, cảm cúm, thay vào đó nên chờ sức khoẻ ổn định lại mới tiến hành nhổ.
  • Nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy cao răng định kỳ, điều trị viêm lợi trước khi tiến hành nhổ răng khôn. 

Sau khi nhổ răng khôn

  • Sau khi nhổ răng và thuốc gây tê bắt đầu hết tác dụng, người bệnh có thể cảm thấy đau nhẹ tại vị trí vết thương. Nếu đau nhức nghiêm trọng, hãy dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Tình trạng sưng má, đau tại vị trí nhổ răng khôn có thể xuất hiện lâu hơn nếu răng mọc khó, mọc lệch nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai của người bệnh. Do đó, bạn cần ăn thức ăn dạng lỏng (cháo, súp để nguội), thức ăn mềm,… trong vòng 3 – 5 ngày đầu tiên. 
  • Triệu chứng chảy máu, sưng đau có thể xuất hiện sau khi nhổ răng số 8, thường sẽ hết sau 1 – 2 ngày, bạn không nên quá lo lắng. 
  • Trong vòng 30 – 60 phút sau khi nhổ răng khôn: Người bệnh cắn chặt bông theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế vết thương chảy máu. 
  • Trong 1 – 2 ngày sau khi nhổ răng số 8: Máu có thể bị rỉ nhẹ từ miệng vết thương, trộn lẫn với nước bọt tạo thành dạng dịch có màu hồng nhạt. Bạn không cần quá lo lắng, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau 2 – 3 ngày, nếu kéo dài hơn, bạn nên thông báo với bác sĩ. 
  • Sau khi tiểu phẫu răng khôn, tại vị trí răng số 8 có thể xuất hiện lỗ nhỏ không còn chân răng. Tuỳ vào cơ địa, chỗ này sẽ được lấp đầy trong vòng 1 – 2 tháng, bạn lưu ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh mắc thức ăn thừa.
  • Sau khi nhổ răng khôn, người bệnh nên vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải lông tơ mềm, kết hợp sử dụng nước súc miệng, dung dịch làm sạch chuyên biệt theo chỉ định của  bác sĩ. 
  • Tuyệt đối không dùng vật nhọn hoặc tăm để lấy thức ăn trong kẽ răng để tránh tình trạng lợi bị chảy máu, nhiễm khuẩn, làm chậm tốc độ phục hồi vết thương. 
  • Các mốc thời gian và triệu chứng đi kèm thường gặp sau khi nhổ răng khôn:
  • 24 giờ đầu: Hình thành cục máu đông.
  • 2 – 3 ngày: Triệu chứng sưng đau bắt đầu cải thiện.
  • 7 ngày: Nha sĩ sẽ hẹn tái khám để cắt chỉ.
  • 7 – 10 ngày: Triệu chứng cứng hàm, đau nhức dần biến mất.
  • 2 tuần: Tình trạng sưng đau biến mất hoàn toàn.
  • Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. 
Tái khám định kỳ sau khi nhổ răng khôn
Tái khám định kỳ sau khi nhổ răng khôn để được theo dõi và kiểm tra kỹ lưỡng (Nguồn: Internet)

Một số câu hỏi thường gặp

Dưới đây là phần giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến thủ thuật nhổ răng khôn:

Giá nhổ răng khôn tại bệnh viện?


Chi phí nhổ răng khôn sẽ tùy thuộc vào mức độ lệch răng và công nghệ sử dụng. Để cập nhật bảng giá dịch vụ nhổ răng tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, bạn có thể gọi trực tiếp số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

Răng khôn mọc lệch nhưng không đau có nên nhổ?

Trường hợp răng khôn mọc lệch nhưng không đau vẫn nên nhổ để tránh ảnh hưởng đến các răng lân cận và gây tổn thương xương hàm.

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin thủ thuật nhổ răng khôn, các trường hợp chỉ định, chống chỉ định, lưu ý trước và sau khi nhổ để hạn chế biến chứng. Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ và điều trị các vấn đề răng miệng. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.