Tiền mãn kinh là hiện tượng bình thường của người phụ nữ, diễn ra trước khi mãn kinh. Ở thời kỳ này phụ nữ sẽ gặp các triệu chứng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý và nhan sắc. Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn nhận biết các dấu hiệu đó là gì, nguyên nhân cũng như cách điều trị để từ đó chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho bản thân.
>>> Xem thêm:
- Đau bụng kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp giảm đau
- Rong kinh là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa
- Virus HPV là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa
Tiền Mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh hay còn gọi là thời kỳ chuyển tiếp Mãn kinh là giai đoạn diễn ra trước khi chính thức ngừng có kinh nguyệt. Lúc này buồng trứng hoạt động suy giảm, vì vậy các nội tiết tố nữ gồm estrogen, progesterone, testosterone bị thiếu hụt gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và sắc đẹp của người phụ nữ. Thông thường độ tuổi từ 40 – 50 sẽ rơi vào thời kỳ sắp mãn kinh và tùy vào cơ địa mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau.
12 dấu hiệu tiền Mãn kinh thường gặp
Biểu hiện của giai đoạn chuyển tiếp Mãn kinh thường gặp ở phụ nữ có thể kể đến như:
Rối loạn kinh nguyệt
Ở giai đoạn này, nội tiết tố bắt đầu mất sự cân bằng nên cơ thể sẽ gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Có thể chu kỳ kinh đến sớm hơn hoặc muộn hơn, đôi khi 2 – 3 tháng mới có kinh. Ngoài ra lượng máu kinh cũng bị thay đổi có thể ít hơn hoặc nhiều hơn.
Khó thụ thai
Khi cơ thể ở tình trạng tiền mãn kinh, buồng trứng hoạt động kém dẫn đến sự phóng thích trứng cũng giảm nên sẽ khó thụ thai tự nhiên. Có nhiều trường hợp phải nhờ vào sự hỗ trợ của y học để mang thai.
Bốc hỏa
Đây là dấu hiệu thường gặp trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Cảm giác nóng bừng từ mặt, cổ, vai đến ngực. Đồng thời cũng có hiện tượng đổ nhiều mồ hôi trong thời gian ngắn kèm theo đó là tim đập nhanh. Tình trạng Bốc hỏa này có thể lập lại nhiều lần trong ngày, đặc biệt là vào lúc ngủ.
>>> Xem thêm: Khám phụ khoa là khám những gì? Có đau không? Lưu ý khi khám
Thay đổi tính tình
Cáu kỉnh, dễ nóng giận, hay rối loạn lo âu, buồn phiền là những biểu hiện tâm trạng mà người phụ nữ ở giai đoạn này phải đối mặt. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen tác động đến hệ thống thần kinh và não bộ làm ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ.
Dễ tăng cân
Vì sao phụ nữ lớn tuổi thường có vóc dáng không được thon gọn? Bởi vì quá trình trao đổi chất trong cơ thể chậm do nồng độ hormone estrogen giảm dẫn đến việc tích lũy nhiều chất béo. Khi lượng mỡ tích tụ sẽ dẫn đến tăng cân.
Đau nhức
Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh có thể gặp tình trạng đau đầu, viêm xương khớp, đau khớp, tức ngực. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nồng độ nội tiết tố làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ thể.
Thay đổi cholesterol
Nồng độ cholesterol xấu (LDL) trong máu có thể tăng lên trong khi Cholesterol tốt (HDL) lại bị giảm xuống. Những thay đổi bất lợi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ sắp mãn kinh.
Khô âm đạo
Trong giai đoạn này, âm đạo có sự thay đổi đáng kể về độ đàn hồi và độ ẩm. Lượng dịch bôi trơn tiết ra ít hơn dẫn đến niêm mạc âm đạo khô và teo nên đau rát khi quan hệ, từ đó dẫn đến giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, estrogen giảm thấp cũng dễ dẫn đến các bệnh về nhiễm trùng âm đạo hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mật độ xương giảm
Một triệu chứng thường gặp của thời kỳ chuyển tiếp Mãn kinh là giảm mật độ xương và gia tăng nguy cơ loãng xương. Để tránh tình trạng hao hụt canxi khiến cho xương bị xốp, yếu, giòn và dễ gãy nên bổ sung canxi và vitamin D trong chế độ dinh dưỡng cũng như thường xuyên tập luyện thể dục.
>>> Xem thêm: 5+ Dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường gặp
Rối loạn giấc ngủ
Người phụ nữ dễ bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ hơn hoặc dễ bị thức giấc và khó ngủ lại. Lý do là sự thay đổi hormone cộng với tình trạng đổ mồ hôi đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ra máu nhiều bất thường trong kỳ kinh nguyệt
Dấu hiệu của tiền mãn kinh dễ nhận biết là có sự thay đổi về lượng máu kinh trong chu kỳ. Ra máu nhiều hơn so với những kỳ kinh nguyệt trước. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý khác về phụ khoa, do đó cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Suy giảm trí nhớ
Rối loạn giấc ngủ và tâm trạng bị xáo trộn sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung của phụ nữ ở tuổi sắp mãn kinh. Để cải thiện tình trạng này, nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tránh làm việc quá sức, cho cơ thể và tâm trí thời gian nghỉ ngơi, thiết lập chế độ ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính là sự suy giảm bộ 3 hormone nữ estrogen, progesterone, testosterone dẫn đến hàng loạt các triệu chứng kể trên. Đây là một quá trình tự nhiên trong sinh lý ở người phụ nữ, hầu hết không phải can thiệp bằng thuốc. Ngoại trừ những trường hợp bất thường như tiền mãn kinh trước 35 hoặc sau 50 tuổi và các triệu chứng trầm trọng hơn thì cần sự hỗ trợ của y khoa.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác thúc đẩy quá trình Mãn kinh diễn ra sớm như:
- Hút thuốc lá trong nhiều năm.
- Tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị gái bị Mãn kinh sớm.
- Áp dụng các biện pháp xạ trị, hóa trị khi điều trị bệnh ung thư.
- Đã cắt bỏ tử cung hoặc toàn bộ buồng trứng làm giảm sản xuất estrogen.
- Suy buồng trứng hoặc các bệnh lý liên quan đến buồng trứng mà không được điều trị kịp thời.
- Bị một số bệnh như rối loạn chuyển hóa, rối loạn miễn dịch….
>>> Xem thêm: Đa nang buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & điều trị
Cách điều trị
Tùy vào cơ địa, mỗi người sẽ gặp một vài biểu hiện nhẹ và không cần điều trị và cũng có người xuất hiện nhiều triệu chứng nặng. Vì vậy, tùy theo từng trường hợp sẽ có biện pháp hỗ trợ, điều trị khác nhau.
Về chế độ ăn uống
Chế độ dinh dưỡng luôn đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh. Cần chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho cơ thể, chẳng hạn như:
- Canxi: Lượng canxi khuyến cáo nên 1.200mg/ngày ngoài ra cũng cần thêm vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt nhất. Các nguồn thực phẩm giàu canxi như: sữa, hải sản, trứng, các loại đậu….
- Chất đạm: Càng lớn tuổi thì các khối cơ bắt đầu suy giảm, chất đạm sẽ làm tốt nhiệm vụ duy trì khối lượng cơ, vì vậy cần bổ sung thêm chất đạm trong mỗi bữa ăn. Có thể tìm thấy các thực phẩm chứa nhiều protein như: thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu…
- Omega 3: Bổ sung chất béo omega 3 có thể giúp giảm viêm. Các loại cá béo như cá thu, cá hồi, cá ngừ,… sẽ cung cấp lượng axit béo cần thiết cho cơ thể.
- Chất xơ: Rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và vitamin. Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn giúp no lâu giảm cảm giác thèm ăn, từ đó tránh tình trạng thừa cân, điều này đặc biệt hữu ích với phụ nữ trước mãn kinh. Ngoài ra loại rau như: súp lơ, ớt chuông, rau bina,… có chứa chất chống oxy hóa giúp giảm quá trình lão hóa.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm cần hạn chế tiêu thụ khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh như:
- Thực phẩm chứa nhiều đường.
- Thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ, chiên xào.
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo: phô mai, bơ, mỡ động vật.
- Thức uống có cồn hay chứa caffein như: bia, rượu, cà phê…
Về chế độ sinh hoạt
Lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và đặc biệt hạn chế để cơ thể căng thẳng. Một lối sống lành mạnh, khoa học sẽ giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh.
- Ngủ đủ giấc từ 7-8 giờ/ngày, tránh thức khuya.
- Mỗi ngày dành ít nhất 30 phút tập thể dục, chọn bộ môn thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe như: yoga, thiền, dưỡng sinh, đi bộ, bơi lội…
- Luôn giữ tinh thần thư thái, thoải mái, sống vui vẻ lạc quan tránh lo âu, muộn phiền.
- Làm những việc mình yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, shopping, đi du lịch…
>>> Xem thêm: Cổ tử cung: Vị trí, cấu tạo, kích thước và chức năng
Sử dụng thuốc
Nếu các triệu chứng của giai đoạn sắp Mãn kinh làm cơ thể mệt mỏi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống thì cần tìm đến bác sĩ. Hiện tại có các phương pháp điều trị như: liệu pháp hormone để bổ sung nội tiết tố bị thiếu hụt, vaginal estrogen hoặc dùng thuốc chống trầm cảm. Tùy vào từng tình trạng, sẽ được bác sĩ cân nhắc cho sử dụng loại thuốc và liều lượng khác nhau.
Một số câu hỏi thường gặp
Thời gian bước vào giai đoạn này ở mỗi người là khác nhau nhưng thông thường ở độ tuổi từ 40- 50. Thời kỳ chuyển tiếp Mãn kinh có thể ngắn từ 5 -7 tháng nhưng cũng có thể kéo dài từ 5 -15 năm.
Các thành phần cần bổ sung trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người phụ nữ trong giai đoạn sắp Mãn kinh như: canxi, vitamin D, omega 3, protein, chất xơ, thực phẩm chứa chất oxy hóa cao (việt quất, dâu tây, mâm xôi, súp lơ xanh, ớt chuông, cải xoăn…). Bên cạnh đó, có thể bổ sung nội tiết tố theo chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng với những chia sẻ bên trên đã giúp bạn hiểu được tiền mãn kinh là gì, dấu hiệu và cách điều trị, từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất cho bản thân khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Cần tìm đến dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị rối loạn tiền mãn kinh, Mãn kinh hãy liên hệ ngay HOTLINE của bệnh viện hoặc bấm TẠI ĐÂY để nhận được sự hỗ trợ từ Hoàn Mỹ trên tất cả hệ thống bệnh viện. Đừng quên truy cập mục Tin tức y tế để cập nhật các kiến thức chăm sóc sức khỏe.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.