Tin tức y tế

HPV là gì? Tổng hợp những thông tin quan trọng cần biết

30/06/2023

HPV là một loại virus phổ biến, chúng có thể xuất hiện trên cả nam và nữ đã từng quan hệ tình dục. Trong hầu hết các trường hợp, HPV có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, HPV cũng là nguyên nhân gây ra ung thư. Do đó, bạn không nên chủ quan với loại virus này. Với bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ HPV là gì và những thông tin cần thiết xoay quanh HPV.

>>> Bài viết cùng chủ đề:

Virus HPV là gì?  

Virus HPV là gì luôn là câu hỏi của rất nhiều chị em phụ nữ ngày nay. HPV là tên gọi của một nhóm các loại virus lây lan qua đường tình dục phổ biến nhất. Virus HPV là nguyên nhân chính gây ra mụn cóc và các loại Ung thư khác nhau. Virus HPV khác với virus HIV và HSV (mụn rộp).

Có hơn 200 loại virus HPV khác nhau, khoảng 40 loại trong số đó lây truyền qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, virus HPV cũng có thể lây lan qua tiếp xúc thân mật, da kề da. Có hai loại HPV lây truyền qua đường tình dục: 

  • HPV nguy cơ thấp có thể gây ra mụn cóc xuất hiện trên bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng hay cổ họng. 
  • HPV nguy cơ cao có thể dẫn tới tiền ung thư, Ung thư (cổ tử cung, âm đạo, hậu môn,…).

Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều tự khỏi và không gây ra biến chứng nặng. Tuy nhiên, nhiễm HPV nhiều năm tiềm ẩn nguy hiểm, đặc biệt là HPV thuộc nhóm nguy cơ cao, chúng gây ra sự thay đổi tế bào. Những thay đổi này nếu không được điều trị kịp thời sẽ biến chuyển thành ung thư.

>>> Xem thêm: Bệnh lậu là gì? Triệu chứng, cách điều trị bệnh lậu hiệu quả

Virus HPV là gì? HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục
Virus HPV là gì? Virus HPV là nhóm virus nguy cơ gây ra bệnh Ung thư sinh dục (Nguồn: Internet)

HPV lây nhiễm qua đâu? 

HPV lây truyền qua một số con đường sau đây: 

  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người nhiễm virus. Quan hệ tình dục qua âm đạo hoặc hậu môn là con đường có nguy cơ lây truyền HPV cao nhất. 
  • HPV cũng có khả năng lây lan qua tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm. 

Người bị nhiễm HPV có thể truyền bệnh cho người khác trong cả trường hợp không có dấu hiệu hay triệu chứng bệnh.

Quan hệ tình dục là con đường chính lây nhiễm HPV
Quan hệ tình dục là con đường lây nhiễm HPV chủ yếu (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu nhận biết cơ thể bị nhiễm bệnh virus HPV là gì?

Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và không gây ra bệnh lý lâm sàng. VÌ vậy, rất khó để nhận biết bản thân có bị nhiễm HPV hay không.

Các biểu hiện lâm sàng khi nhiễm HPV bao gồm: 

  • Mụn cóc mọc trên các bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc vòm họng. 
  • Xuất hiện u nhú đường hô hấp tái phát.
  • Tiền Ung thư cổ tử cung.
  • Ung thư cổ tử cung, Ung thư hậu môn, ung thư âm đạo, ung thư vòm họng… các bệnh Ung thư liên quan tới bộ phận sinh dục.

Các biểu hiện lâm sàng là thường dấu hiệu nhiễm HPV ở mức độ cao, gây hại tới cơ thể. Để ngăn ngừa HPV và sự phát triển của chúng, hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. 

>>> Xem thêm: Viêm âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Dấu hiệu khi nhiễm bệnh
Một số dấu hiệu nhận biết nhiễm virus HPV (Nguồn: Hoàn Mỹ)

Nguyên nhân phổ biến gây nhiễm virus HPV là gì?

Nguyên nhân gây nhiễm HPV chủ yếu liên quan tới hành vi tình dục:

  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Tiếp xúc thân mật, da kề da. Dùng chung đồ chơi tình dục cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HPV.
  • Số lượng bạn tình trong đời và bạn tình gần đây cao hơn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới lây nhiễm HPV.
Bệnh lây lang qua đường tình dục
Tình dục không lành mạnh là nguyên nhân chính dẫn tới lây nhiễm HPV (Nguồn: Internet)

Các chủng loại virus phổ biến của HPV là gì?

Virus HPV 6 và HPV 11 

HPV 6 và HPV 11 thuộc nhóm HPV nguy cơ thấp. HPV 6 và HPV 11 có thể gây ra tình trạng bất thường ở tế bào cổ tử cung ở mức độ lành tính hoặc cấp độ thấp. Các triệu chứng biểu hiện ra ngoài bao gồm xuất hiện mụn cóc mọc trên các bộ phận sinh dục hay u nhú đường hô hấp. Hơn 90% trường hợp mụn cóc sinh dục là do HPV 6 và HPV 11 gây ra.

>>> Xem thêm: Rong kinh là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

HPV 16 và HPV 18 

HPV 16 và HPV 18 thuộc nhóm HPV nguy cơ cao. Nhóm này gây ra các bất thường ở tế bào cổ tử cung ở cả mức độ thấp và mức độ cao. Các bất thường ở cấp độ cao do HPV gây ra là tiền thân của Ung thư cổ tử cung và ung thư vùng sinh dục khác.

HPV 16 và HPV 18 là tác nhân chủ yếu gây ra bệnh Ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư sinh dịch khác. Khoảng 50% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới là do HPV 16 gây ra. HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân của khoảng 66% trường hợp ung thư cổ tử cung.

Các chủng virus
Các chủng loại virus HPV (Nguồn: Internet)

Một số bệnh nguy hiểm do virus HPV gây ra 

Nhiễm HPV trong thời gian dài sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng, trong đó có ung thư. HPV nhóm nguy cơ cao là một trong những nguyên do chính gây ra những căn bệnh sau:

Ung thư cổ tử cung 

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư liên quan tới HPV có mức độ phổ biến cao nhất. Đa số các bệnh Ung thư cổ tử cung đều do HPV thuộc nhóm nguy cơ cao gây ra. HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân của khoảng 66% trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV nguy cơ cao gây ra những bất thường về tế bào, mức độ cao hơn là làm thay đổi tế bào dẫn tới ung thư. 

>>> Xem thêm: U vàng Xanthoma: Tất tần tật từ A đến Z

Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung (Nguồn: Internet)

Ung thư cổ tử cung có thể được phòng ngừa và phát hiện sớm bằng việc tiêm vắc xin ngừa HPV và xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Xét nghiệm Pap là phương pháp giúp phát hiện sự thay đổi trong tế bào cổ tử cung, qua đó phát hiện nguy cơ Ung thư cổ tử cung. 

Ung thư âm hộ 

HPV cũng có thể gây ra Ung thư âm hộ (phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ). Ung thư âm hộ ít phổ biến hơn so với ung thư cổ tử cung. 

Khác với Ung thư cổ tử cung, không có xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn nào đối với bệnh ung thư âm hộ. Để phát hiện bệnh, bạn cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ. 

Ung thư hậu môn 

HPV có thể gây ra Ung thư hậu môn đối với cả nam và nữ. Ung thư hậu môn phổ biến đối với người nhiễm HIV hoặc đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. 

Xét nghiệm sàng lọc Ung thư hậu môn không được khuyến nghị thường xuyên đối với tất cả mọi đối tượng. Xét nghiệm Pap hậu môn nên áp dụng đối với người có nguy cơ cao mắc ung thư hậu môn. Nhóm đối tượng này bao gồm: 

  • Đàn ông quan hệ đồng giới.
  • Người bị Ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm hộ.
  • Bất kỳ ai dương tính với HIV.
  • Người đã được cấy ghép nội tạng.

>>> Xem thêm: Khám phụ khoa là khám những gì? Có đau không? Lưu ý khi khám

Ung thư vòm họng 

Hầu hết các bệnh Ung thư được tìm thấy phía sau cổ họng, bao gồm đáy lưỡi và amidan đều liên quan đến HPV. Đây là những loại ung thư liên quan tới HPV xuất hiện chủ yếu ở nam giới. 

Không có xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn nào để phát hiện sớm các bệnh Ung thư vòm họng. Khám định kỳ là phương án duy nhất giúp phát hiện bệnh. 

Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng (Nguồn: Internet)

Cách phòng ngừa virus HPV hiệu quả 

Để giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm HPV và phòng ngừa bệnh lý nghiêm trọng do HPV gây ra, bạn cần thực hiện những biện pháp sau:

Tiêm ngừa vắc xin HPV từ sớm

Tiêm phòng là biện pháp an toàn và hiệu quả trong việc phòng ngừa HPV. Tiêm phòng vắc xin HPV làm gia tăng khả năng chống lại các bệnh do HPV gây ra. Theo CDC, hiệu quả chống lại Ung thư cổ tử cung và sùi mào gà sau khi tiêm vắc xin HPV là gần 100%. Tình trạng nhiễm HPV giảm đáng kể từ khi vắc xin được sử dụng. 

Vì vậy, nên tiêm phòng vắc xin HPV từ sớm. CDC khuyến nghị tiêm vắc xin HPV đối với: 

  • Tất cả trẻ vị thành niên bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi từ 11 hoặc 12 (hoặc có thể bắt đầu từ 9 tuổi). Tiêm vắc xin HPV trong giai đoạn này cho hiệu quả cao nhất.
  • Thanh thiếu niên từ 13 – 26 tuổi chưa tiêm vắc xin nên tiêm vắc xin ngừa HPV càng sớm càng tốt. Tiêm vắc xin trong giai đoạn này không ngăn ngừa được nhiều bệnh Ung thư như tiêm vắc xin đối với trẻ em, thiếu niên. 
  • Người lớn từ 27 – 45 tuổi trở lên nếu chưa được tiêm phòng. Tuy nhiên, tiêm phòng vắc xin HPV sau 26 tuổi mang lại ít lợi ích hơn so với việc tiêm từ sớm. 
  • CDC không khuyến nghị tiêm phòng vắc xin cho phụ nữ trên 45 tuổi.

Thực hiện tầm soát Ung thư cổ tử cung

Đối với phụ nữ từ 21 – 65 tuổi, thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là cần thiết kể cả bạn đã tiêm vắc xin HPV. Thực hiện tầm soát định kỳ sẽ nâng cao khả năng ngăn ngừa Ung thư cổ tử cung. Những lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm: 

  • Đối với người từ 21 – 29 tuổi, nên sàng lọc Ung thư bằng xét nghiệm tế bào học 3 năm một lần. 
  • Từ 30 – 65 tuổi, nên sàng lọc bằng xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm HPV đơn lẻ 5 năm một lần. 
  • ACS khuyến nghị nên bắt đầu sàng lọc từ 25 tuổi đối với những người có nguy cơ nhiễm HPV ở mức trung bình. 
  • Tiêm phòng HPV không loại bỏ nhu cầu tầm soát Ung thư cổ tử cung. 

>>> Xem thêm: 5+ Dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường gặp

Thực hiện tầm soát ung thư giúp bạn ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả
Thực hiện tầm soát Ung thư giúp bạn ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả (Nguồn: Internet)

Quan hệ lành mạnh và an toàn 

Tình dục là con đường lây truyền HPV chính. Do đó, thực hiện quan hệ lành mạnh và an toàn là điều thiết yếu để tránh nguy cơ nhiễm HPV. Quan hệ lành mạnh và an toàn có nghĩa là: 

  • Sử dụng bao cao su và dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ. Sử dụng bao cao su làm giảm thiểu khả năng lây truyền HPV từ người này sang người khác. Tuy nhiên, HPV vẫn có thể lây nhiễm qua những vùng mà bao cao su không bao phủ hết. Vì vậy, sử dụng bao cao su không giúp bảo vệ cơ thể hoàn toàn khỏi virus HPV. 
  • Duy trì quan hệ một vợ – một chồng chung thủy, dài lâu nếu bạn đã có gia đình. Trong trường hợp chưa có gia đình, cần chắc chắn mối quan hệ giữa bạn và đối tác là quan hệ 1 : 1, không quan hệ với người khác ngoài luồng. Cả hai cần trung thực và cởi mở trong tình trạng sức khỏe bản thân để giữ gìn cho đôi bên. 

Phương pháp điều trị bệnh 

Cách điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhiễm HPV là gì? Câu trả lời là không có cách chữa trị cho chính bản thân virus HPV. Tuy nhiên, có cách điều trị các vấn đề sức khỏe do HPV gây ra: như mụn cóc, Ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo…

  • Mụn cóc sinh dục có thể tự biến mất, giữ nguyên hoặc phát triển về kích thước và số lượng nếu không được điều trị. Có thể điều trị mụn cóc bằng cách sử dụng thuốc theo toa được bác sĩ kê đơn. 
  • Tiền Ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap định kỳ và theo dõi thường xuyên sẽ giúp phát hiện, theo dõi và điều trị trước khi Ung thư phát triển. 
  • Các bệnh Ung thư liên quan tới HPV. Sẽ dễ dàng điều trị hơn nếu chúng được phát hiện và điều trị sớm khi chúng còn nhỏ và chưa lan rộng. 

>>> Xem thêm: Đa nang buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & điều trị

Phương pháp điều trị các vấn đề sức khỏe do HPV gây ra
Phương pháp điều trị các vấn đề sức khỏe do HPV gây ra (Nguồn: Internet)

Một số câu hỏi thường gặp:

HPV có chữa được không?

Hiện nay, y học chưa có cách điều trị đặc trị virus HPV. Tuy nhiên, đối với các vấn đề do HPV gây ra như mụn cóc, ung thư… có những phương thức khác nhau để điều trị. Phát hiện bệnh do HPV gây ra càng sớm, khả năng điều trị bệnh hiệu quả càng cao.

Ăn gì để đào thải virus HPV?

Một số thực phẩm có thể giúp kiểm soát tốt hơn, kìm hãm sự phát triển và hỗ trợ đào thải virus HPV rất hiệu quả. Dưới đây là một số thực phẩm rất tốt với bệnh Ung thư cổ tử cung theo lời khuyên của chuyên gia: Trà xanh, măng tây, cà rốt, cá hồi, nghệ, đu đủ,…

Bị nhiễm HPV có quan hệ được không?

Người mắc HPV nếu quan hệ tình dục sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn thì không có nguy cơ lây nhiễm HPV. Mặc dù vậy, nếu đang trong quá trình điều trị bệnh để loại bỏ hoàn toàn virus HPV gây hại thì không nên có quan hệ tình dục.

Trên đây là những thông quan trọng giúp bạn hiểu rõ virus HPV là gì và mức độ nguy hại của nó tới sức khỏe con người. Hy vọng những thông tin trên sẽ trở thành công cụ hữu ích giúp bạn chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình hiệu quả hơn. Để có thể cập nhật thêm những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe thường xuyên, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Nếu có nhu cầu cần giải đáp thắc mắc về vấn đề sức khỏe, bạn có thể liên hệ qua HOTLINE để được tư vấn miễn phí hoặc truy cập TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn trực tiếp với đội ngũ bác sĩ tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.