Tin tức y tế

Đa nang buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & điều trị

28/10/2023

Đa nang buồng trứng là tình trạng nội tiết tố ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp nhất, gây ra nhiều vấn đề và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khác. Trong bài viết này, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu nguyên nhân của bệnh buồng trứng đa nang, cách nhận biết triệu chứng và phương pháp điều trị.

>>> Xem thêm: 

Đa nang buồng trứng là gì?

Đa nang buồng trứng, trong tiếng Anh gọi là Polycystic Ovary Syndrome (PCOS), là bệnh lý liên quan rối loạn nội tiết tố phổ biến ở phụ nữ đang trong thời kỳ sinh sản. Bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng, gây ra sự bất thường của chu kỳ kinh nguyệt, tăng sản xuất nội tiết tố nam và làm cho nhiều nang nhỏ xuất hiện trong buồng trứng.

Theo thống kê, có khoảng từ 2,2% đến 26,7% phụ nữ được chẩn đoán trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 44 tuổi) mắc bệnh. Tuy nhiên, đa phần mọi người không nhận ra triệu chứng của bệnh và không điều trị kịp thời, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

>>> Xem thêm: Nguyên nhân bị đau bụng trái ở nữ và nam và chẩn đoán bệnh

Đa nang buồng trứng là gì?
Đa nang buồng trứng là bệnh lý liên quan rối loạn nội tiết tố phổ biến ở phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh đa nang buồng trứng

Bệnh buồng trứng đa nang là bệnh lý thường gặp phụ nữ mà nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có một số yếu tố và nguyên nhân tiềm ẩn có thể đóng góp vào sự phát triển của hội chứng này.

Do di truyền

Theo các nghiên cứu, một số yếu tố di truyền có thể là yếu tố liên quan đến việc phát triển hội chứng đa nang buồng trứng. Do đó, những người có mẹ hoặc chị gái ruột bị PCOS sẽ có nguy cơ cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình về PCOS.

Do chế độ ăn uống

Một số nghiên cứu và giả thuyết cho rằng ăn quá nhiều thức ăn giàu tinh bột có thể là nguyên nhân gây ra buồng trứng đa nang (PCOS). Điều này là bởi việc tiêu thụ quá nhiều tinh bột sẽ tăng nguy cơ kháng insulin – một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hội chứng PCOS.

>>> Xem thêm: Đau bụng bên phải cảnh báo bệnh gì? Cách giảm đau nhanh chóng

Do chế độ ăn
Ăn quá nhiều thức ăn giàu tinh bột có thể là nguyên nhân gây ra buồng trứng đa nang (Nguồn: Internet)

Do kháng insulin

Insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra, giúp cơ thể biến đổi carbohydrate và lipid thành năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Insulin còn là chất duy nhất trong cơ thể có khả năng hạ nồng độ glucose trong máu.

Kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ thể không phản ứng với insulin. Theo thống kê, có khoảng 70% phụ nữ bị đa nang buồng trứng (PCOS) gặp tình trạng kháng insulin. Điều này khiến cơ thể phải sản xuất thêm insulin do lượng đường huyết tăng cao, gây ra sự gia tăng nội tiết tố nam trong buồng trứng, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Béo phì là một yếu tố gây ra kháng insulin. Kháng insulin và béo phì đều làm cho khả năng mắc bệnh tiểu đường tăng cao.

Triệu chứng thường gặp của đa nang buồng trứng

Một số phụ nữ có thể có các dấu hiệu của buồng trứng đa nang (PCOS) từ khi xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, đa số người bệnh chỉ phát hiện tình trạng khi họ gặp khó khăn trong quá trình mang thai. Các triệu chứng thường thấy: 

Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt không đều, có thể kéo dài hoặc thiếu kinh là triệu chứng phổ biến nhất của buồng trứng đa nang. Điều này là bởi chu kỳ rụng trứng bị rối loạn, dẫn đến niêm mạc tử cung không được kích thích để tự loại bỏ hàng tháng. Đây cũng là nguyên nhân khiến niêm mạc tử cung dày lên và lượng máu ra trong kỳ kinh có thể cao hơn bình thường.

Da mặt bị nhờn và xuất hiện mụn trứng cá

Khi mắc bệnh, nội tiết tố nam cao hơn bình thường kích thích tuyến dầu da sản xuất nhiều dầu hơn. Dầu thừa có thể tắc nghẽn lỗ chân lông, gây ra mụn trứng cá ở mặt, lưng, ngực…

Tâm trạng căng thẳng, lo âu

Căng thẳng, lo âu là những tình trạng thường gặp ở phụ nữ bị buồng trứng đa nang. Nếu trạng thái tinh thần này kéo dài, có thể dẫn đến trầm cảm.

Bị sạm da

Một triệu chứng khác của bệnh là da bị thâm đen ở những nơi có Nếp nhăn như cổ, bẹn và vùng dưới vú. 

Nhức đầu

Sự biến đổi hormone có thể gây ra đau đầu ở một số người. 

Có cảm giác đau, khó chịu ở vùng vùng bụng, vùng chậu

Phụ nữ mắc bệnh PCOS thường phải chịu đựng những cơn đau từ nhẹ đến nặng (giống như đau bụng kinh). Cảm giác khó chịu thường xuất hiện ở vùng chậu, bụng và lưng dưới.

>>> Xem thêmĐau bụng trên rốn: Nguyên nhân và cách điều trị

Triệu chứng thường gặp
Người bệnh PCOS thường cảm thấy khó chịu ở vùng bụng (Nguồn: Internet)

Bị béo phì

Béo phì hoặc thừa cân là tình trạng thường gặp ở phụ nữ bị PCOS. Tỷ lệ này lên đến 80% trong số những người mắc bệnh.

Có hiện tượng rậm lông, lông tóc phát triển nhiều

Phụ nữ bị buồng trứng đa nang (PCOS) thường có lông nhiều ở mặt, lưng, bụng và ngực. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị rụng tóc, tóc mỏng và thưa do nang tóc suy yếu. Những tình trạng này xuất hiện là do tác động của sự tăng hormone androgen.

Bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?

Theo nghiên cứu của các bác sĩ, bệnh buồng trứng đa nang khiến nồng độ Androgen tăng cao hơn bình thường sẽ gây ra nhiều vấn đề về sinh sản và sức khỏe. Những biến chứng phổ biến của bệnh này:

  • Vô sinh: Buồng trứng đa nang gây ra sự bất thường của quá trình rụng trứng, ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến phụ nữ khó mang thai. 
  • Rối loạn chuyển hóa do PCOS: Có thể gây ra các vấn đề về chuyển hóa như huyết áp cao, đường huyết cao, cholesterol LDL cao, Cholesterol HDL thấp,… làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch, đái tháo đường tuýp 2, đột quỵ,…
  • Ngưng thở lúc ngủ: Đây là tình trạng người bệnh có những giai đoạn ngừng thở ngắn trong khi ngủ, lặp lại nhiều lần mỗi đêm. Những người béo phì, thừa cân có nguy cơ cao mắc hội chứng này hơn.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Sau 14 ngày kể từ ngày rụng trứng, niêm mạc tử cung sẽ tự loại bỏ. Nếu trứng không rụng hàng tháng thì niêm mạc tử cung sẽ dày lên và không được loại bỏ đúng cách, có thể dẫn đến Ung thư nội mạc tử cung.
  • Ảnh hưởng tinh thần: Nội tiết tố biến đổi gây ra các triệu chứng như rụng tóc, lông nhiều, da thâm, béo phì,… làm cho người bệnh cảm thấy nặng nề về cảm xúc và tinh thần. Bệnh nhân thường trải qua tình trạng rối loạn lo âu, phiền muộn và có thể Trầm cảm nếu kéo dài.

>>> Xem thêm: Kinh nguyệt không đều: Nguyên nhân và phương án điều trị

Bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Đa nang buồng trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Các phương pháp chẩn đoán đa nang buồng trứng

Khi chẩn đoán buồng trứng đa nang, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, các vấn đề về sức khỏe như thông tin về chu kỳ kinh nguyệt, cân nặng, và tiền căn bệnh của bệnh nhân và người thân trong gia đình. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu ngoại thường như mụn trứng cá, tình trạng lông nhiều trên mặt và cơ thể, kháng insulin và các biểu hiện khác của PCOS. Sau đó, tiến hành các kiểm tra cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ đo nồng độ hormone để loại bỏ các nguyên nhân khác gây rối loạn kinh nguyệt hoặc Androgen cao tương tự như biểu hiện của PCOS. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu cũng cho biết mức độ glucose, Cholesterol và triglyceride khi đói. 
  • Siêu âm: Bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh siêu âm để xác định buồng trứng và niêm mạc tử cung có bình thường không.

Nếu được chẩn đoán mắc buồng trứng đa nang, người bệnh có thể phải làm thêm các xét nghiệm để kiểm tra biến chứng. Các xét nghiệm này gồm: 

  • Đo huyết áp, mức độ glucose, Cholesteroltriglycerid thường xuyên. 
  • Đánh giá tâm lý bệnh nhân.
  • Tầm soát tình trạng ngưng thở lúc ngủ.

Cách điều trị đa nang buồng trứng

Cách điều trị buồng trứng phụ thuộc tình trạng sức khỏe và mục tiêu của từng người bệnh. Các phương pháp điều trị:

Giảm cân và ăn kiêng

Người bệnh thường được hướng dẫn phương pháp điều trị PCOS phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe mỗi người. Thông thường, việc điều trị sẽ bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, bao gồm giảm cân, cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn và vận động thể chất. Theo các nghiên cứu, việc giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể sẽ có tác động tích cực đến cân bằng hormone, chu kỳ kinh nguyệt và giảm mức độ insulin. Ngoài ra, giảm cân cũng giúp kiểm soát huyết áp, cholesterol, insulin và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Thường xuyên tập thể dục

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học, phụ nữ bị hội chứng đa nang buồng trứng có thể giảm cân hiệu quả khi thực hiện các bài tập có độ khó vừa phải trong 30 phút mỗi ngày và ít nhất 3 lần mỗi tuần. Bên cạnh đó, tập thể dục còn có lợi cho quá trình trứng rụng và giúp kiểm soát hàm lượng insulin trong máu của phụ nữ.

Sử dụng thuốc

Các loại thuốc sau đây có thể được sử dụng để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang:

  • Thuốc tránh thai: Sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen và progestin giúp ổn định hormone trong cơ thể, điều hoà quá trình trứng rụng, giúp giảm các triệu chứng của PCOS và giảm nguy cơ mắc bệnh Ung thư nội mạc tử cung. 
  • Các loại thuốc hỗ trợ cải thiện mức insulin và giảm nguy cơ gặp tình trạng kháng insulin. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi kết hợp Metformin với việc tập thể dục, chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp người bệnh giảm cân, kiểm soát đường huyết trong máu và cải thiện chu kỳ kinh nguyệt hiệu quả hơn không dùng thuốc.
  • Loại thuốc hỗ trợ sinh sản: Giúp thúc đẩy quá trình phóng noãn ở phụ nữ mắc PCOS có khả năng có thai.
  • Các phương pháp tẩy lông: Người bệnh có thể dùng các phương pháp điều trị để ngăn chặn sự mọc lông hoặc loại bỏ vùng lông dày đặc do PCOS gây ra. Kem Eflornithine (Vaniqa) là loại thuốc giúp giảm tốc độ mọc lông và làm cho lông mềm mại hơn. Bên cạnh đó, các phương pháp sử dụng laser hoặc điện phân để hủy diệt nang lông và phá hủy tế bào lông cũng giúp xóa bỏ vùng lông thừa trên mặt và cơ thể.

Nội soi buồng trứng

Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để tăng khả năng sinh sản cho người bệnh. Bác sĩ sẽ dùng nội soi ổ bụng để cắt góc buồng trứng, làm cho bề mặt buồng trứng dễ dàng rụng trứng hơn hoặc phẫu thuật đốt điểm buồng trứng để giảm sản xuất hormone nam giới và thúc đẩy quá trình rụng trứng. Phương pháp này chỉ có tác dụng ngắn hạn nhưng có thể giúp hơn 50% phụ nữ có thai trong vòng 1 năm sau khi phẫu thuật.

>>> Xem thêm: Đau bụng kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp giảm đau

Nội soi buồng trứng
Hội chứng buồng trứng đa nang có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi buồng trứng (Nguồn: Internet)

Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm IVF

Đây là phương pháp điều trị giúp tăng cơ hội mang thai cho phụ nữ bị đa nang buồng trứng. Bác sĩ sẽ tiến hành quá trình “gắp trứng” và tinh trùng của cặp vợ chồng. Sau đó, trứng và tinh trùng được đưa vào phòng thí nghiệm để thụ tinh. Phôi thai sau khi thụ tinh được cấy vào tử cung người phụ nữ thông qua quá trình chuyển phôi thai để phát triển.

Các phương pháp phòng tránh đa nang buồng trứng

Tuy nguyên nhân của hội chứng đa nang buồng trứng vẫn chưa được làm rõ, nhưng phụ nữ có thể phòng ngừa bệnh và các biến chứng nguy hiểm bằng cách thiết lập lối sống và thói quen sinh hoạt khoa học. Một số phương pháp phòng ngừa:

  • Duy trì cân nặng ổn định: Giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp không những giúp phụ nữ khỏe mạnh, mà còn giảm tác động xấu của bệnh lên cơ thể. Phụ nữ nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có thể thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc cơ thể toàn diện.
  • Giảm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể: Việc bổ sung ít chất béo và nhiều carbohydrate sẽ làm cho hàm lượng insulin tăng cao. Vì vậy, bạn nên giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn của mình.
  • Tập thể dục đều đặn: Việc thường xuyên vận động thể chất sẽ giúp ích cho quá trình điều trị, phòng ngừa kháng insulin, giúp cân bằng cân nặng và ngăn chặn bệnh tiểu đường.
  • Khám phụ khoa định kỳ: Việc khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ, ngay cả khi bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng. Hơn nữa, khám phụ khoa định kỳ cũng giúp ngăn chặn, chữa trị kịp thời, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh lý phụ khoa khác. Vì vậy, các bác sĩ hoặc chuyên gia sản phụ khoa đưa ra lời khuyên phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

>>> Xem thêm: 9 Dấu hiệu rụng trứng dễ nhận biết, đơn giản

Cách phòng bệnh đa nang buồng trứng
Cân bằng dinh dưỡng là điều quan trọng trong phòng ngừa buồng trứng đa nang (Nguồn: Internet)

Hội chứng đa nang buồng trứng là một bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và nội tiết của phụ nữ.  Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được điều trị và ngăn ngừa bằng các phương pháp hiện đại và khoa học. Bằng cách tuân theo lời khuyên của bác sĩ kết hợp các biện pháp điều trị, chị em phụ nữ có thể kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.