Viêm họng mãn tính là bệnh lý thường gặp với nhiều triệu chứng đa dạng như khô họng, nóng rát cổ họng, ho có đờm, khàn giọng,… Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến các biến chứng sức khỏe đáng lo ngại, nghiêm trọng nhất là Ung thư vòm họng. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ tổng hợp đầy đủ thông tin về nguyên nhân, triệu chứng bệnh, cách chẩn đoán, chữa trị và phòng ngừa hiệu quả, cùng tham khảo ngay!
>>> Xem thêm: Virus cúm B khác với cảm lạnh thông thường như thế nào?
Viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng mãn tính là tình trạng bệnh lý viêm họng kéo dài trên một tuần, chủ yếu do viêm họng cấp tính tái phát liên tục, không được điều trị dứt điểm. Các triệu chứng ho, đau rát họng,… không cải thiện trong nhiều tuần có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại khác. Người bệnh cần đi thăm khám kịp thời để được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm về sau.
Triệu chứng viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính thường xuất hiện với các triệu chứng điển hình như sau:
Triệu chứng cơ năng:
- Họng bị khô, nóng rát.
- Ngứa họng, đau họng, đặc biệt là khi mới ngủ dậy.
- Cổ họng có đờm, mức độ dẻo, độ đặc đờm tăng lên khi nuốt, phải đằng hắng để long đờm.
- Ho có đờm, đặc biệt là vào ban đêm và mùa lạnh.
- Giọng bị khàn trong giây lát rồi bình thường trở lại, đặc biệt là khi uống rượu, nói nhiều hoặc hút thuốc lá.
Triệu chứng thực thể
Dựa vào đặc điểm tổn thương, viêm họng mãn tính được chia thành 4 thể với các triệu chứng rõ rệt như sau:
Viêm họng xuất tiết
- Niêm mạc họng ướt, đỏ, tiết dịch nhầy dính vào thành sau họng.
- Khi khạc hoặc hút dịch nhầy sẽ thấy thành sau họng không nhẵn, nổi lên nhiều tia máu và nang lympho, tạo thành những hạt phù nề, sưng đỏ.
Viêm họng quá phát
- Niêm mạc họng đỏ, sưng dày.
- Nhạy cảm ở họng, dễ buồn nôn.
- Niêm mạc cạnh trụ sau amidan bị nề dày, tạo thành trụ giả.
- Các nang lympho phát triển mạnh ở thành sau họng, tạo thành những đám nề màu hồng hoặc đỏ.
- Lưỡi gà và màn hầu dày hơn bình thường.
- Hẹp eo họng.
- Ù tai do niêm mạc loa vòi Eustache quá sản.
- Ho khan, khàn tiếng, xuất tiết nhiều do mép sau thành quản dày lên.
Viêm họng teo
Viêm họng teo là tình trạng viêm họng xảy ra lâu ngày, dẫn đến niêm mạc của bệnh nhân mỏng và teo, khô dần chuyển sang teo, đồng thời giảm tiết, nhợt nhạt có màu vàng khô. Triệu chứng điển hình gồm:
- Niêm mạc họng nhẵn bóng, trắng bạch và xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ.
- Eo họng rộng hơn bình thường.
- Dịch nhầy khô lại và chuyển thành dạng vảy dính vào niêm mạc.
- Ho, đằng hắng liên tục.
Nguyên nhân gây ra viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính chủ yếu xảy ra do các nguyên nhân điển hình dưới đây:
- Nhiễm trùng: Vùng hầu họng là vị trí xâm nhập và tấn công của nhiều nhóm vi khuẩn, thường gặp nhất là vi khuẩn Streptococcus gây ra nhiễm trùng cũng gây ra bệnh sâu răng.
- Viêm amidan mãn tính: Viêm các tổ chức xung quanh họng cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm họng mãn tính. Trong đó, amidan là cấu trúc dễ bị viêm nhiễm nhất. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh thường có triệu chứng Viêm amidan kèm theo đau bụng, đau đầu, sốt, buồn nôn, sưng Hạch bạch huyết lân cận.
- Do bị viêm mũi xoang mãn tính, đặc biệt là viêm xoang sau: Khi xoang mũi bị viêm, dịch nhầy xuất tiết nhiều hơn bình thường, đặc biệt là xoang sau. Dịch chảy xuống vùng họng gây kích ứng, sưng đau cổ họng, về lâu dài dẫn đến viêm họng mãn tính.
Một số nguyên nhân ít gặp hơn:
- Hội chứng trào ngược axit dạ dày thực quản.
- Tắc mũi mãn tính do quá phát cuốn mũi, polyp mũi hoặc vẹo/lệch vách ngăn.
- Do tiếp xúc nhiều với hơi hoá học, khói bụi, thuốc lá, rượu bia,…
- Cơ địa bị dị ứng, tạng khớp, tạng tân,…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Thời tiết thay đổi khiến tình trạng Viêm amidan mãn tính, viêm xoang,… trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ mắc viêm họng mãn tính.
- Làm việc trong môi trường ô nhiễm, phải tiếp xúc thường xuyên với các chất gây hại đường hô hấp như khói bụi, hơi hoá học,…
>>> Xem thêm:
- Suy hô hấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & điều trị
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh viêm họng mãn tính, bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng cơ năng kết hợp thăm khám vùng hầu họng. Theo đó, tuỳ vào từng thể bệnh, hình thái niêm mạc họng sẽ xuất hiện với những đặc điểm khác nhau:
- Viêm họng mãn tính sung huyết đơn thuần: Niêm mạc họng đỏ, có thể dễ dàng quan sát thấy nhiều mạch máu nổi lên.
- Viêm họng mãn tính xuất tiết: Niêm mạc họng xung huyết đỏ, tăng tiết dịch nhầy, trong, dính vào thành sau họng.
- Viêm họng mãn tính quá phát: Niêm mạc họng bị đỏ và dày lên. Các Hạch bạch huyết trên thành sau họng quá phát, hình thành nhiều đám to nhỏ, phân bố rải rác hoặc tập trung thành từng dải dọc.
- Viêm họng teo: Niêm mạc họng mỏng, khô, teo dần, thường có màu hồng nhạt, đóng vảy khô.
Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân gây bệnh, đồng thời phân biệt được với các bệnh lý khác:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ.
- Chụp X-quang phổi, phim Blondeau, phim Hirtz…
- Nội soi đường tiêu hoá trên.
- Chụp CT cổ.
- Nội soi thanh quản.
Cách chữa viêm họng mãn tính
Tình trạng viêm họng mãn tính có thể phục hồi hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Bệnh cũng rất dễ tái phát nếu không chữa trị dứt điểm.
Điều trị nguyên nhân
Sau khi xác định được nguyên nhân gây viêm họng dai dẳng, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị từ những yếu tố này, chẳng hạn như:
- Điều trị viêm xoang và viêm amidan: Uống thuốc kháng sinh.
- Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Sử dụng các loại thuốc kháng bơm proton.
- Ngăn chặn các yếu tố làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh: Hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá, hơi hoá học, đeo khẩu trang khi ra đường để ngăn khói bụi,…
Điều trị triệu chứng
- Thuốc làm lỏng chất nhầy cổ họng: thuốc có thành phần hoạt chất như bromhexin, acetylcysteine,…
- Thuốc kháng viêm: thuốc có thành phần hoạt chất như alphachymotrypsin, lysozym,…
- Thuốc chống dị ứng: Các loại thuốc kháng histamin có thành phần hoạt chất như cetirizin, clopheniramin,…
- Thuốc giảm ho: Thuốc có thành phần hoạt chất thảo dược.
Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Điều trị tại chỗ
- Điều trị thể viêm họng xuất tiết: Giảm tình trạng viêm họng xuất tiết bằng cách bôi thuốc, súc họng bằng các loại thuốc làm se niêm mạc, kiềm tính, giảm viêm, giảm đau, chẳng hạn như Glycerin iod, SMC,…
- Điều trị thể viêm họng teo: Hạn chế tình trạng này bằng cách bôi thuốc, súc họng bằng các thuốc có chứa iod loãng, thuốc dầu, nước khoáng,…
- Khí dung họng: Dùng máy khí dung để khuếch tán thuốc xuống vùng họng tuy nhiên không nên quá lạm dụng vì có thể gây phụ thuộc thuốc và tổn thương phổi.
- Nhỏ mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, nước biển sâu,…
>>> Xem thêm:
- Thuốc Gaviscon: Công dụng trị trào ngược dạ dày và liều dùng
- Thuốc Alpha Choay kháng viêm: Tác dụng và liều dùng phù hợp
Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm họng mãn tính
Đối với người bị viêm họng mãn tính, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm áp lực lên niêm mạc cổ họng. Từ đó, các triệu chứng đau rát, vướng nghẹn, khó chịu,… cũng được cải thiện đáng kể. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích, người bệnh nhất định không nên bỏ qua:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch như: Ngũ cốc, trái cây giàu vitamin C, kẽm, Omega-3, sữa,…
- Chia thực đơn trong ngày thành các bữa nhỏ để làm giảm áp lực cho cổ họng trong quá trình tiêu thụ thức ăn.
- Không ăn đồ cay nóng, đồ uống có gas, rượu bia,… để tránh làm kích ứng niêm mạc họng.
- Tuyệt đối không bỏ bữa vì dễ khiến cơ thể suy nhược, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công, làm cho triệu chứng bệnh càng trở nên nghiêm trọng.
- Đảm bảo bổ sung đầy đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để ổn định thân nhiệt, tránh làm cho khoang miệng bị khô và sưng nóng.
Biến chứng nguy hiểm do viêm họng mãn tính gây nên
Bệnh viêm họng mãn tính nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng đáng lo ngại. Mức độ nghiêm trọng sẽ tùy thuộc vào khả năng miễn dịch và cơ thể của từng người. Một số tình trạng phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Hình thành hội chứng áp xe, viêm tấy vòm họng do họng xuất hiện nhiều hạt và tổ chức lympho.
- Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Viêm mũi.
- Viêm xoang.
- Viêm phổi.
- Viêm phế quản.
- Ung thư vòm họng.
Cách phòng ngừa viêm họng mãn tính
Bệnh viêm họng mãn tính hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả thông qua các biện pháp đơn giản sau đây:
- Rửa tay thường xuyên, nên rửa kỹ bằng nước ấm và xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, ho, trước khi ăn và chế biến thức ăn,…
- Nếu không có xà phòng rửa tay, hãy thay thế bằng chất khử trùng có cồn.
- Không nên dùng chung thức ăn, đồ vệ sinh cá nhân, ly uống nước với người khác.
- Giấy sử dụng trong quá trình ho, hắt hơi cần được bỏ vào thùng rác cẩn thận.
- Thường xuyên làm sạch điện thoại, chuột, bàn phím máy tính, điều khiển tivi,… bằng chất tẩy rửa khử trùng.
- Tránh tiếp xúc gần với người đang bị viêm họng.
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, rượu bia, hơi hoá học,…
- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Đeo khẩu trang cẩn thận khi ra đường.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm họng.
- Uống đủ nước.
Trên đây là tổng hợp các thông tin liên quan đến tình trạng viêm họng mãn tính, triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng và các phương pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh gặp phải biến chứng nghiêm trọng về sau. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.
Viêm họng mãn tính hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể tái phát nếu chữa trị sai phương pháp hoặc quá trình chăm sóc không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.