Tin tức y tế

Ăn nấm rơm có tốt không? Tác dụng của nấm rơm

10/11/2023

Nấm rơm là một loại thực phẩm rất phổ biến ở Việt Nam, loại nấm này có hương vị thơm ngon và dễ chế biến. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ngoài hương vị thơm ngon thì nấm rơm cũng mang lại giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt trong hỗ trợ điều trị bệnh. Tham khảo bài viết sau của Hoàn Mỹ để biết chi tiết công dụng của loại thực phẩm này.

Xem thêm:

Thành phần dinh dưỡng của nấm rơm

Nấm rơm thuộc họ nấm Pluteaceae, có tên khoa học Volvariella volvacea. Loại nấm này có thể phát triển tốt ở nơi có khí hậu nóng ẩm như vùng ôn đới, nhiệt đới, cận nhiệt đới thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Một số tên gọi khác của nấm rơm là nấm cỏ, nấm rơm lúa, nấm ngọc cẩu, nấm phụ tử hay nấm Trung Quốc.

Nấm là loại thực vật kỵ khí, mọc thành từng cụm. Mỗi cây có kích thước bằng ngón tay cái và phát triển tốt nhất ở điều kiện nhiệt độ từ 28-35 độ C.

Theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam (thuộc Bộ Y tế), thành phần dinh dưỡng trong 100g nấm bao gồm:

Nấm rơm thuộc họ nấm Pluteaceae, có tên khoa học Volvariella volvacea.
Nấm rơm mang lại giá trị dinh dưỡng cao (Nguồn: Internet)

Ăn nấm rơm có tốt không?

Nấm rơm là thực phẩm bổ dưỡng, có tác dụng tốt giúp nâng cao sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh. Nấm đặc biệt có hiệu quả với các bệnh nội tiết chuyển hóa như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, huyết áp cao và xơ vữa động mạch.

Tác dụng của nấm rơm

Ăn nấm rơm giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lý nguy hiểm, bao gồm:

Tăng cường hệ miễn dịch

Hàm lượng vitamin trong nấm rơm giúp ích cho các hoạt động của hệ miễn dịch. Ngoài ra, loại nấm này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp các vết thương, vết loét nhanh hồi phục hơn.

Tốt cho hệ tim mạch

Kali và đồng là hai khoáng chất có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hệ tim mạch. Kali đảm bảo cho mạch máu hoạt động ổn định, trong khi đồng có đặc tính chống vi khuẩn, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm các cơ quan nội tạng. Ngoài ra, ăn nhiều nấm rơm cũng giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể nhờ vào hàm lượng chất đạm cao.

Kali và đồng có trong nấm rơm giúp duy trì sức khỏe hệ tim mạch.
Khoáng chất trong nấm rơm giúp duy trì sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)

Phòng ngừa ung thư

Nấm rơm có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là Ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. CLA (Axit-linoleic liên hợp) trong nấm điều chỉnh tác động của hormone estrogen, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Ngoài ra, hợp chất beta-glucans có trong nấm làm ức chế sự phát triển của các tế bào Ung thư tuyến tiền liệt và hàm lượng Selen làm ức chế và giảm số lượng tế bào ung thư.

Tốt cho người bị tiểu đường

Insulin tự nhiên, chất béocarbohydrate có trong nấm rơm rất tốt cho người bệnh bị đái tháo đường. Ngoài ra, loại nấm này còn giúp cải thiện chức năng của các cơ quan quan trọng như gan, tuyến tụy và các tuyến nội tiết khác, từ đó tạo insulin với lượng phù hợp.

Bổ sung protein

Cơ thể cần chất đạm để thúc đẩy quá trình tăng trưởng, duy trì mô và hỗ trợ các chức năng quan trọng. Trong khi đó, nấm rơm có hàm lượng chất đạm khá cao. Thường xuyên ăn loại nấm này sẽ có lợi trong quá trình phát triển cơ thể.

Giúp xương chắc khỏe

Canxi và vitamin D đều là dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển của xương. Bổ sung nấm rơm vào khẩu phần ăn giúp tăng cường sức khỏe xương và ngăn ngừa các bệnh xương khớp.

Các bài thuốc Đông y từ nấm rơm

Những bài thuốc từ nấm rơm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là cách thực hiện một số bài thuốc phổ biến:

  • Tăng cường sức khỏe: Sử dụng 200g nấm và 7 quả táo để nấu canh, ăn canh này từ 2-3 lần/tuần.
  • Hỗ trợ chữa Bệnh gan nhiễm mỡ: Lấy 100g nấm rơm xào với 5 quả trứng chim cút. Ăn món này vào buổi tối trong vòng 15 ngày.
  • Cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ: Cho 150g nấm tươi và trứng chim bồ câu, sau đó chế biến thành món xào hoặc nấu canh, ăn trong vòng 3 tháng.
  • Hỗ trợ chữa bệnh ung thư: Dùng 100g nấm rơm với 50g đậu phụ để nấu canh dùng trong các bữa cơm. Canh dùng cho những bệnh nhân đang chữa trị ung thư bằng phương pháp xạ trị và hóa chất.
  • Chữa loét miệng: Lấy 60g nấm rơm tươi và 60g nấm đầu khỉ. Rửa sạch rồi xào chung để ăn. Ăn trong khoảng từ 1 tuần đến 10 ngày để có kết quả tốt nhất.
  • Hỗ trợ chứng xuất tinh sớm: Dùng 100g nấm, 50g tôm và 30g rau dền để nấu canh hoặc xào. Ăn món này từ 10 đến 15 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nấm rơm được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y
Nấm rơm xào trứng cút hỗ trợ chữa Bệnh gan nhiễm mỡ (Nguồn: Internet)

Tác hại của nấm rơm

Mặc dù nấm rơm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng ăn quá nhiều hoặc ăn không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ từ nhẹ cho đến nguy hiểm. Người ăn có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Ăn quá nhiều nấm rơm có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng nhẹ, đau quặn phần bụng hoặc tiêu chảy.
  • Dị ứng: Một số người bị dị ứng với nấm gặp phải các triệu chứng như nổi mề đay, khó thở, thở khò khè, ho, sưng lưỡi, sưng họng hoặc sưng môi, lên cơn hen suyễn, thanh quản bị co thắt, ngất xỉu, huyết áp giảm đột ngột.
  • Nhiễm asen: Nấm rơm thường được trồng trên rơm tự nhiên nên môi trường này có thể chứa nhiều asen kim loại. Việc ăn loại nấm này có thể nhiễm asen – một chất độc hại cho sức khỏe.
Sử dụng nấm rơm không đúng cách gây ra tác dụng phụ
Người Dị ứng nấm rơm có thể bị nổi mề đay (Nguồn: Internet)

Những ai không nên ăn nấm rơm?

Theo y học cổ truyền, nấm rơm có vị ngọt, tính mát, nên khi dùng nhiều trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng lạnh bụng, khó tiêu. Những người có đường ruột yếu, hay bị đầy bụng, chậm tiêu thì không nên ăn.

Lưu ý khi ăn nấm rơm

  • Chọn mua nấm tươi chưa nở hết, có mũ tròn, khi bóp nhẹ thì vẫn còn cứng, không bị mềm nhũn.
  • Sau khi mua nấm về, cần cạo sạch bụi bẩn, cắt bỏ gốc và ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 20 phút. Rửa nấm lại 2 lần với nước sạch.
  • Khi chọn mua nấm khô, hãy quan sát màu sắc, hình dạng, mùi của nấm để đảm bảo chọn được loại ngon và còn mới. Tránh mua nấm đã bị mốc hoặc thời hạn quá lâu.
  • Trước khi chế biến nấm khô, hãy ngâm với dung dịch nước muối pha loãng rồi đun sôi khoảng 5 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch để ráo.
  • Không nên rửa nấm tươi quá kỹ trước khi chế biến để giữ nguyên các dưỡng chất của nấm.
  • Không nấu trong nồi nhôm để tránh nấm chuyển sang màu đen.
  • Không nên kết hợp cùng thực phẩm có tính hàn để tránh bị đau bụng hoặc khó tiêu.
  • Không uống rượu cùng lúc khi ăn nấm bởi vì điều này có thể gây ngộ độc kèm các triệu chứng co giật kéo dài, nôn mửa.
  • Bảo quản nấm rơm trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 10 đến 15 độ C. Nấm để trong ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản được 2 đến 3 ngày và nên hút chân không trước khi bỏ vào tủ lạnh để không làm mất dưỡng chất.
Nấm rơm có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều công dụng giúp duy trì cuộc sống lành mạnh
Một số lưu ý khi sử dụng nấm rơm (Nguồn: Internet)

Có thể thấy nấm rơm có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều công dụng trong việc duy trì cuộc sống lành mạnh. Hãy thường xuyên bổ sung thực phẩm này vào thực đơn ăn uống để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, mọi người không nên lạm dụng dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. 

Để được tư vấn và thăm khám tại Hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng gọi đến số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Ngoài ra, đừng quên cập nhật những kiến thức y tế mới nhất tại mục Tin tức y tế của website.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.