Tin tức y tế

Insulin là gì? Vai trò, tác dụng phụ của insulin với cơ thể

26/10/2023

Đối với bệnh nhân tiểu đường, insulin là hormone quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng bệnh. Vậy, insulin là gì? Hormone này có tác dụng gì với cơ thể? Để giải đáp tường tận những thắc mắc này, bạn đọc hãy theo dõi bài viết sau của Hoàn Mỹ.

>>> Xem thêm:

Insulin là gì?

Insulin là một hormone peptide được sản xuất bởi tế bào Beta trong đảo tụy. Hormone này trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể, đồng thời chuyển hóa các mô mỡ và gan thành năng lượng để cơ thể hoạt động. Đây cũng là loại hormone duy nhất trong cơ thể có khả năng thúc đẩy hấp thụ glucose, từ đó làm giảm nồng độ glucose trong máu. 

>>> Xem thêm: Corticoid là gì? Tác dụng và liều lượng sử dụng mà bạn nên biết

Insulin là gì?
Insulin làm giảm glucose trong máu (Nguồn: Interent)

Insulin có tác dụng gì?

Như đã đề cập ở trên, tác dụng của insulin chính là giả glucose trong máu. Hiệu quả có được là nhờ vào những tác động của hormone này đến quá trình chuyển hóa các chất bên trong,cụ thể:

Tác dụng của Insulin lên chuyển hóa glucid (tinh bột)

Glucose được hấp thụ chuyển thành glycogen. Sau khi ăn, hàm lượng glucose trong máu sẽ tăng kích thích sản xuất insulin nên lượng glucose được vận chuyển vào các tế bào gan, mỡ, cơ xương cũng tăng cao. Khi các tế bào không hoạt động, glucose sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen. Ngược lại, nếu hàm lượng glucose trong máu giảm, quá trình sản xuất bị kìm hãm thì glycogen sẽ phân ly và giải phóng glucose vào máu.

Nếu lượng glucose trong máu tăng cao nhưng không được chuyển hóa sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu máu, có thể gây hôn mê, nghiêm trọng hơn là tử vong. Khi cơ thể bị thiếu hụt insulin, các tế bào không có đủ glucose để tạo thành năng lượng cho cơ thể thì các tế bào đi theo quá trình chuyển hóa lactic, gây toan máu.

Tác dụng của Insulin lên chuyển hóa lipid (chất béo)

Insulin có tác dụng tổng hợp các chất béo từ glucid rồi chuyển đến các mô mỡ. Nếu cơ thể không được sản xuất đủ hormone này, axit béo trong máu tăng cao, gây biến chứng Xơ vữa động mạch ở người bệnh tiểu đường

Tác dụng của Insulin lên chuyển hóa protein (chất đạm)

Insulin tổng hợp và dự trữ protein ở các tế bào trong cơ thể. Khi hormone này trong cơ thể không đủ, quá trình phân giải protein sẽ tăng khiến lượng protein ở các mô, cơ giảm khiến người bệnh giảm cân nhanh.

>>> Xem thêm: Thuốc Meloxicam có công dụng gì? Một số tác dụng phụ cần lưu ý

Insulin có stacs dụng gì?
Insulin tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể (Nguồn: Internet)

Các loại insulin

Đối với bệnh nhân tiểu đường, insulin có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Hormone này hiện có 4 loại chính:

  • Tác dụng nhanh và ngắn: Hormone này được tiêm dưới da cho người bệnh tiểu đường. Sau khi tiêm, thuốc sẽ phân ly tạo thành các mononer và hấp thu nhanh chóng vào trong cơ thể. Khả năng hấp thu hormone sẽ đạt đỉnh sau khoảng 1 giờ tiêm thuốc. Thuốc có tác dụng nhanh nên người bệnh cần cân đối lượng carbohydrate trong các bữa ăn trước khi tiêm. 
  • Tác dụng trung bình: Thuốc có sự kết hợp 2 thành phần là Insulin Zinc hòa tan và Insulin Protamine Zinc. Loại này cũng được tiêm dưới da nhưng có tác dụng sau 2 – 4 giờ. Khả năng hấp thu đạt đỉnh sau khi tiêm 6 – 7 giờ. Với thuốc này, người bệnh cần tiêm 2 lần/ngày.
  • Tác dụng chậm, kéo dài: Thuốc này có rất nhiều loại khác nhau, tùy vào tình trạng bệnh mỗi người mà bác sĩ chỉ định dùng thuốc phù hợp. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ nên dùng vào buổi tối.
  • Insulin hỗn hợp: Loại này là sự kết hợp giữa 2 loại tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài trong một mũi tiêm. Vì thế, thuốc có thể phát huy tác dụng của cả 2 loại trên. 

>>> Xem thêm: Melatonin là gì? Công dụng đối với cơ thể mà bạn nên biết

Các loại insulin
Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ chỉ định dùng insulin phù hợp (Nguồn: Internet)

Cơ chế hoạt động của Insulin

Insulin chuyển hóa glucose trong máu đến các tế bào để tạo thành năng lượng để cơ thể hoạt động hoặc dự trữ. Để phát huy công dụng, hormone này nên được gắn chọn lọc vào tế bào đích thông qua thụ cảm thể (receptor) trên bề mặt của tế bào. 

>>> Xem thêm: Albumin là gì? Những điều cần biết về thuốc Albumin

Cơ chế hoạt động của insulin
Cơ chế hoạt động của insulin (Nguồn: Internet)

Ứng dụng của Insulin trong chữa bệnh đái tháo đường

Bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 đều liên quan đến nồng độ insulin trong cơ thể. Với bệnh tiểu đường tuýp 1, tế bào beta ở tụy không tiết đủ hormone này nên cần được bổ sung từ bên ngoài vào. Ở bệnh tiểu đường tuýp 2, cơ thể vẫn sản xuất hormone này nhưng tế bào xuất hiện hiện tượng kháng insulin gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa. Điều này cho thấy hormone này đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường.

Insulin để điều trị tiểu đường hiện được sản xuất chủ yếu bằng công nghệ tái tổ hợp. Ngoài những chế phẩm dạng tiêm, ngoài ra còn có một số dạng khác như:

  • Dạng uống: Hormone được giải phóng khi đến ruột non, không bị phá hủy bởi dịch vị.
  • Dạng xịt: Thuốc xịt vào miệng hoặc mũi giúp hạ đường huyết nhanh chóng bởi thuốc được ngấm qua đường niêm mạc hô hấp.
  • Bút tiêm: Sử dụng bút giúp khống chế lượng thuốc chính xác.

>>> Xem thêm: Thuốc Allopurinol: Công dụng, liều dùng và những lưu ý

Ứng dụng của insulin
Hormone có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của insulin

Bên cạnh tác dụng của insulin trong điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh cũng có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ sau khi dùng thuốc. Điển hình là hạ glucose huyết gây nên hiện tượng Somogyi (đường huyết bị hạ vào ban đêm nhưng lại tăng cao vào sáng hôm sau), dị ứng, loạn dưỡng mô mỡ (quá trình tiêu thụ và dự trữ chất béo gặp vấn đề), tăng cân,… 

Một số lưu ý khi sử dụng insulin

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng loại hormone này để điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh cần lưu ý:

  • Không tự ý sử dụng thuốc nếu không được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn.
  • Thuốc có khả năng làm hạ đường huyết nhanh chóng.
  • Thuốc nên được tiêm dưới da và tiêm ở một số vùng nhất định, bao gồm cánh tay, đùi và bụng. Người bệnh nên luân chuyển vị trí tiêm để tránh loạn dưỡng mô mỡ. 
  • Insulin nên được dùng kết hợp với thuốc viên điều trị tiểu đường theo đúng phác đồ điều trị. 
  • Trường hợp người bệnh bị hôn mê do nhiễm ceton acid hoặc đang trong quá trình phẫu thuật, insulin có thể được truyền theo đường tĩnh mạch.
  • Liều dùng, tần suất, thời điểm sử dụng nên theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Một số câu hỏi thường gặp

Ăn gì để tăng insulin?

Để tăng lượng insulin, người bệnh nên ăn một số thực phẩm sau: đậu bắp, ngũ cốc, mướp đắng, kiều mạch, khoai mỡ, rau cải xoăn, bí đỏ, rau sam, cacao, rong biển, tỏi đen, quế,…

Thiếu insulin gây bệnh gì?

Ngoài bệnh tiểu đường, thiếu insulin còn gây mỡ máu, xơ vữa động mạch.

Bài viết trên vừa cung cấp một số thông tin để bạn hiểu rõ về insulin cũng như tác dụng của hormone này đối với sức khỏe. Hy vọng, những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe. Để cập nhật những kiến thức mới về y học, bạn hãy truy cập Tin tức y tế. Bạn cũng đừng quên liên hệ đến số HOTLINE để được tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc đặt lịch TẠI ĐÂY để được thăm khám tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.