Tin tức y tế

Những lợi ích sức khỏe khi sử dụng cây chó đẻ

09/11/2023

Cây chó đẻ từ lâu đã xuất hiện phổ biến trong các bài thuốc chữa bệnh. Thành phần trong cây rất giàu flavonoid, alcaloid phyllanthin,… có tác dụng kháng viêm, sát trùng, điều trị mụn nhọt, Sốt rét,… Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ chia sẻ thông tin chi tiết hơn về loại thảo dược này, cùng tham khảo để cập nhật thêm nhiều kiến thức sức khoẻ bổ ích. 

Tổng quan về cây chó đẻ

Cây chó đẻ (diệp hạ châu, cây chó đẻ răng cưa, cây cau trời) có tên khoa học là Phyllanthus urinaria L. Đây là loài cây dại, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae, thường mọc hoang ở ven đường, trên những cánh đồng khô hoặc dọc bìa rừng. 

Đặc điểm:

  • Thân cây: Cao khoảng 30cm, có nhiều cành nhỏ, màu hơi tím,
  • Lá cây: Mọc so le, xếp thành hai dãy, phiến lá hình thuôn bầu dục hoặc trái xoan ngược, dài từ 0,5 – 1,5cm, phần đầu nhọn, hơi tù, không có cuống hoặc cuống ngắn, mặt dưới lá màu xanh nhạt, mặt trên màu xanh sẫm. 
  • Hoa: Màu trắng, mọc dưới lá, hoa cái và hoa đực mọc đều cùng gốc, thường nở vào khoảng tháng 7 – 10 trong năm.
  • Quả: Quả dạng nang, hình cầu, nằm bên dưới lá. 

Cây chó đẻ được thu hoạch quanh năm, rửa sạch, chế biến thành từng khúc nhỏ để làm thảo dược. Tuỳ vào mục đích sử dụng, cây có thể được dùng ở dạng tươi hoặc khô. Trong đó, dạng khô có thời gian bảo quản lâu hơn, thường có màu nâu sẫm. Sau khi phơi/ sấy khô, thảo dược cần được bỏ vào hộp nhựa hoặc thuỷ tinh có nắp đậy, để ở nơi khô ráo, thoáng mát nhằm hạn chế mọt, côn trùng, sâu bọ xâm nhập và phá hỏng. 

Thành phần: 

Cây chó đẻ răng cưa có chứa các thành phần hoá học quan trọng như: Flavonoid, alcaloid phyllanthin, hợp chất hypophyllanthin, phyltetralin, niranthin, có công dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó, Phyllanthus có khả năng ức chế  HBV cực mạnh (thông qua quá trình ức chế ADN polymerase trong HBV) làm giảm HbsAg và Anti- HBs. Cơ chế này có tác động kiểm soát quá trình nhân lên của tế bào virus, ngăn chúng bám vào ADN của người và sau đó tiến hành đào thải ra ngoài. 

>>> Xem thêm:

  • Hạt chia có công dụng gì? Liều lượng sử dụng thích hợp
  • Bật mí những lợi ích sức khỏe của cây chà là
Tổng quan về cây chó đẻ
Cây chó đẻ được sử dụng làm dược liệu điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Công dụng của cây chó đẻ trong điều trị bệnh

Tất cả các bộ phận của cây chó đẻ (trừ phần rễ) đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Dược liệu sau khi thu hoạch sẽ được loại bỏ rễ, rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô để dùng làm thuốc. 

Cây chó đẻ có vị đắng, tính mát, mang lại công dụng điều trị bệnh như sau:

  • Tiêu độc, sát trùng, kháng viêm.
  • Tán ứ, thông huyết mạch.
  • Chứa hỗn hợp steroid (beta-sitosterol, stigmasterol), ester ethyl và acid gallic, giúp giảm đau hiệu quả.
  • Điều trị mụn nhọt, đinh râu.
  • Chữa vết thương do rắn cắn.
  • Hạ sốt.
  • Lợi tiểu.
  • Hỗ trợ điều trị đái tháo đường, viêm đại tràng.
  • Hỗ trợ điều trị u xơ tuyến tiền liệt, viêm âm đạo.
  • Hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da.
  • Cao lỏng từ diệp hạ châu đã được chứng minh có khả năng ức chế sự phát triển của virus HIV/AIDS bằng cách ngăn chặn quá trình nhân đôi của tế bào virus.
  • Kích thích trung tiện, hỗ trợ sức khoẻ tiêu hoá.
  • Kích thích cơn thèm ăn, giúp ăn uống ngon miệng hơn.

Tuỳ vào từng trường hợp, người bệnh có thể sử dụng cây chó đẻ theo dạng sắc nước uống hoặc đắp ngoài da. Riêng với bệnh viêm gan B, sau khi dùng loại thảo dược này, bệnh nhân nhận thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm rõ rệt,  enzym transaminase cải thiện từ 50 – 97%, bilirubin toàn phần cũng đạt mức bình thường.

>>> Xem thêm:

  • TOP 10+ công dụng của hạt dẻ đối với sức khỏe
  • Bật mí những công dụng tuyệt vời của thốt nốt
Công dụng của cây chó đẻ trong điều trị bệnh
Cây chó đẻ được thu hoạch làm dược liệu điều trị nhiều bệnh lý khác nhau (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc từ cây chó đẻ

Dưới đây là một số bài thuốc từ cây chó đẻ, được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau: 

  • Dùng để điều trị nhọt độc sưng đau: Giã hoặc nghiền nát một nắm cây chó đẻ với muối, ép thành nước uống, phần bã còn lại dùng để đắp vào chỗ đau. 
  • Chữa xơ gan cổ trướng: Sao vàng 100g cây chó đẻ khô, sau đó sắc với nước đến khi cô đặc lại thì chắt lấy nước, pha với đường và chia uống nhiều lần trong ngày, uống liên tục trong 40 ngày, kết hợp chế độ ăn tăng đạm, giảm muối để đạt hiệu quả cao. 
  • Dùng để điều trị tình trạng lở loét không liền miệng: Giã nát cây chó đẻ, lá thồm lồm (liều lượng bằng nhau) cùng một nắm đinh hương, đắp vào vết thương bị lở loét.
  • Điều trị viêm gan B do virus: Dùng hỗn hợp 24g cây chó đẻ, 8g chi tử, 12g nhân trần, 12g hạ khô thảo và 12g sài hồ sắc thành thuốc uống mỗi ngày, uống liên tục trong 3 tháng.
  • Điều trị viêm gan vàng da/ viêm ruột tiêu chảy: Dùng 30g diệp hạ châu, 12g chi tử, 20g mã đề thảo, sắc uống trong ngày. 
  • Điều trị vết thương ứ máu: Giã nhỏ 1 nắm lá cây chó đẻ, 1 năm mần tưới, 8g bột đại tràng, thêm đồng tiện vào và vắt lấy nước uống, tận dụng phần bã để đắp vết thương. 
  • Điều trị vết thương chảy máu: Giã nhỏ 1 nắm lá diệp hạ châu, thêm vôi tôi vào và đắp hỗn hợp lên vết thương. 
  • Chữa tưa lưỡi ở trẻ em: Giã nhuyễn một nắm lá chó đẻ tươi, vắt lấy nước cốt và bôi vào lưỡi. 
  • Điều trị sốt rét: Sắc uống hỗn hợp gồm 8g lá diệp hạ châu, 10g dây gân, 4g dây cóc, 10g dây gân, 12g thường sơn, 4g ô mai, 4g bình lăng, lá mãng cầu tươi, 10g dạ giao đằng, uống trong ngày trước khi lên cơn Sốt rét khoảng 2 giờ. 
  • Điều trị suy tế bào gan và nổi mụn do nhiệt: Sắc hỗn hợp 12g diệp hạ châu, 12g cam thảo đất, uống hàng ngày. 
Một số bài thuốc từ cây chó đẻ
Diệp hạ châu là thảo dược quen thuộc trong các bài thuốc dân gian điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi sử dụng cây chó đẻ trong điều trị bệnh

Cây chó đẻ đem lại rất nhiều công dụng quan trọng trong vấn đề điều trị bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên cân nhắc một số lưu ý quan trọng sau đây để đảm bảo sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, tránh xảy ra tác dụng phụ không mong muốn: 

  • Người mắc Bệnh gan mật không nên sắc cây chó đẻ để uống hàng ngày vì dễ gây mất cân bằng chức năng, làm tổn thương gan, mật, có nguy cơ dẫn đến xơ gan nghiêm trọng. 
  • Loại thảo dược này không phải thuốc bổ, không được tự ý sắc uống hàng ngày để tránh nguy cơ vỡ hồng huyết cầu, làm suy giảm hệ miễn dịch hoặc hư hại chức năng gan. 
  • Cây chó đẻ có tính mát, không an toàn khi sử dụng cho người hay bị đầy hơi, chướng bụng.
  • Phụ nữ đang mang thai không nên dùng thảo dược từ diệp hạ châu vì có nguy cơ làm co mạch máu và tử cung, dẫn đến truỵ thai.
  • Cần kết hợp cây chó đẻ với các loại thảo dược khác theo chỉ định, không nên sử dụng một thành phần duy nhất là cây chó đẻ. 
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng diệp hạ châu với một số loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược khác để tránh tương tác gây hại cho sức khỏe. 

>>> Xem thêm:

  • Cây măng tây: Công dụng, cách chế biến và bảo quản
  • Công dụng của rong biển trong lĩnh vực y học
  • TOP 8 công dụng khi ăn thanh long và những điều cần lưu ý

Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến cây chó đẻ như đặc điểm, công dụng đối với sức khoẻ và một số bài thuốc chữa bệnh phổ biến từ loại thảo dược này.Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích về vấn đề chăm sóc sức khỏe. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.