Tin tức y tế

Những lợi ích sức khỏe của lá tía tô và lưu ý khi sử dụng

14/11/2023

Lá tía tô không chỉ được biết đến là một loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày mà còn là một loại thảo mộc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin chi tiết về những lợi ích sức khỏe của lá tía tô và lưu ý khi sử dụng.

Tác dụng của lá tía tô đối với sức khỏe

Cây tía tô hay còn gọi là tô diệp, được trồng phổ biến ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Đây là một loại thảo mộc sống quanh năm, rễ màu trắng, lá màu xanh đậm, gân lá màu đỏ tía và khi ăn vào có vị nồng cay. Tía tô được nhiều người biết đến do các công dụng có lợi cho cơ thể chúng ta.

Sau đây là những tác dụng của lá tía tô đối với sức khỏe:

Chống dị ứng

Trong chiết xuất lá tía tô có chứa các hợp chất giúp ngăn chặn hoặc làm giảm các phản ứng dị ứng, giúp điều trị chứng nhạy cảm, Dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, loại lá này còn chứa thành phần Omega-3 có công dụng chống viêm.

Hỗ trợ giảm đau

Giúp giảm đau kinh nguyệt và ngăn ngừa xuất hiện bệnh ung thư vú. Đồng thời, loại lá này còn chứa nhiều axit omega-3 alpha-linolenic, có công dụng hữu ích trong điều trị các bệnh tự miễn dịch như lupus, viêm khớp dạng thấp và hen suyễn.

Chống lại các tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp

Tía tô chứa các hợp chất chống viêm là axit rosmarinic và axit caffeic, có thể giúp giảm viêm đường hô hấp, hỗ trợ giảm các triệu chứng ho, thở khò khè và cải thiện chức năng của phổi. Ngoài ra, lá tía tô có đặc tính giãn phế quản, có khả năng cải thiện hơi thở cho người bị hen suyễn.

Làm đẹp da

Hoạt chất axit rosmarinic và luteolin chứa trong tía tô có tác dụng làm sáng da với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa giúp ngăn ngừa mẩn ngứa, mề đay trên da, bức xạ tia cực tím và các yếu tố môi trường khác gây hại cho da. Điều này giúp mang đến một làn da khỏe mạnh và có độ đàn hồi tốt.

Bảo vệ hệ tim mạch

Lá tía tô có tác dụng bảo vệ tim và mạch máu, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Đồng thời, loại lá này có thể kiểm soát mức cholesterol trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Tinh dầu có trong tía tô góp phần làm tăng lượng Cholesterol tốt, ngăn chặn nguy cơ đột quỵ và xơ vữa động mạch.

Điều trị bệnh gout

Thành phần trong lá tía tô hỗ trợ làm giảm enzym xanthin oxidase. Việc lạm dụng rượu bia và chế độ ăn uống thừa chất đạm là tác nhân hình thành axit uric gây ra bệnh gout. Không chỉ vậy, loại lá này còn giúp điều trị tình trạng nhiễm khuẩn khi mắc bệnh gout. 

Hạn chế căng thẳng thần kinh

Tía tô có thể làm giảm các triệu chứng căng thẳng, cải thiện tâm trạng và mang lại lợi ích chống trầm cảm. Điều này là do lá cây chứa axit rosmarinic và luteolin giúp giảm lo lắng bằng cách kiểm soát mức độ dẫn truyền thần kinh trong não. Bên cạnh đó, chất dopamin và serotonin trong lá tía tô có vai trò cân bằng tâm trạng và cảm xúc. 

Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa

Điều trị các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn và đầy hơi. Hợp chất axit rosmarinic chứa trong tía tô có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm viêm trong ruột.

Ổn định các bệnh lý tự miễn dịch

Các hợp chất như axit rosmarinic và flavonoid trong tía tô có đặc tính tăng cường miễn dịch và làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Loại cây này chứa nhiều axit omega-3 alpha-linolenic, rất hữu ích để kiểm soát các tình trạng tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus và hen suyễn.

Chống ung thư

Lá tía tô chứa chất chống oxy hóa, chất này có vai trò cản trở sự phát triển của tế bào ung thư. Một lượng lớn luteolin, axit rosmarinic và triterpene trong lá tía tô, có khả năng chống lại các tế bào Ung thư đang tiềm ẩn bên trong cơ thể.

Lá tía tô chứa chất chống oxy hóa có vai trò cản trở sự phát triển của tế bào ung thư.
Tác dụng của lá tía tô đối với sức khỏe (Nguồn: Internet)

Công dụng của nước tía tô và cách nấu

Công dụng của nước tía tô

  • Tía tô là loại thực vật có hàm lượng tinh dầu lớn và giàu các axit béo chưa bão hòa, chủ yếu là axit alpha-linoleic. Chất chiết xuất trong lá tía tô có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, Dị ứng và trầm cảm.
  • Uống nước tía tô giúp hỗ trợ giảm cân, mang lại vóc dáng thon gọn, săn chắc. Vì trong đó chứa nhiều protein thực vật, vitamin, chất xơ và khoáng chất thiết yếu. Uống nước này giúp thúc đẩy trao đổi chất, tăng cường chuyển hóa, đốt cháy và đào thải chất béo cho cơ thể.
  • Uống nước tía tô giúp làm sạch cơ thể, chống lại tình trạng da xỉn màu, đốm nâu, tàn nhang. Trong lá chứa hoạt chất ngăn chặn sự hình thành sắc tố melanin. Điều này giúp cải thiện sắc tố da, dưỡng da trắng sáng và tẩy tế bào chết cho da.
  • Uống nước tía tô giúp phụ nữ mang thai giảm đau lưng và ốm nghén. Sử dụng loại lá này giúp mẹ bầu an thai, giảm thiếu máu, ho và các vấn đề liên quan tới tiêu hóa. Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều để tránh các tác dụng không mong muốn.

Cách nấu nước lá tía tô

  • Tía tô sau khi mua về bỏ phần rễ, giữ lại cành và lá, lấy một lượng vừa đủ khoảng 200g, rửa sạch, ngâm nước muối, cắt khúc.
  • Đun sôi 2,5 lít nước lọc, cho lá tía tô vào, đậy nắp kín, nấu khoảng 5 phút rồi vớt lá ra, lọc lấy nước tía tô để dùng.
  • Cho thêm đường phèn vào nước khuấy đều đến khi đường tan thì tắt bếp. Cho thêm 3 lát chanh tươi hoặc nước cốt chanh vào.
  • Để nguội và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi ngày uống trước bữa ăn 10-30 phút để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nước lá tía tô chứa nhiều protein thực vật, vitamin, chất xơ và khoáng chất thiết yếu
Uống nước lá tía tô giúp hỗ trợ giảm cân, mang lại vóc dáng thon gọn, săn chắc. (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc từ cây tía tô

Lá tía tô có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe, được dùng để làm các loại thuốc chữa bệnh. Sau đây là một số bài thuốc hữu ích từ cây tía tô:

  • Chữa giảm ho, tiêu đờm

Lá tía tô khoảng 6-12g, la bạc tử 8-12g, bạch giới tử 6-8g, thường kèm theo thuốc thanh nhiệt hoặc nhuận phế, bài thuốc này giúp chữa các chứng bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp mạn ho nhiều đờm.

  • Chữa cảm mạo, nhức đầu

Lá tía tô, mộc hương, tiền hồ, cát cánh, chỉ xác. Mỗi loại lấy khoảng 2g, đem sắc với khoảng 600ml nước. Nấu đến khi còn 200ml thì dùng được. Thuốc uống khi còn nóng và dùng trong ngày.

  • Chữa đau dạ dày

Lá tía tô lấy khoảng 15-20g đem đun với nước. Uống nước lá này giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày. Bài thuốc này làm giảm lượng axit trong dạ dày, từ đó hỗ trợ làm giảm các vết loét hiệu quả. Thuốc uống khi còn nóng và dùng trong ngày.

  • Chữa bệnh gout

Lá tía tô chứa thành phần có tác dụng ức chế Acid Uric, giúp giảm tình trạng của bệnh gout hiệu quả. Người bị bệnh gout có thể nấu nước tía tô uống hoặc dùng ăn kèm trong các bữa ăn hằng ngày.

  • Chữa ngộ độc hải sản

10g lá tía tô, 4g cam thảo, 8g sinh khương, đem đi nấu cùng với 600ml nước. Nấu đến khi còn 200ml thì dùng được. Thuốc uống khi còn nóng và uống trong ngày.

  • Chữa mề đay, mẩn ngứa

Lá tía tô giã lấy nước cốt uống, phần bã còn lại đắp lên vùng da bị mề đay, mẩn ngứa. Sau khi Da khô lại, rửa lại bằng nước ấm.

Lá tía tô có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe, được dùng để làm các loại thuốc chữa bệnh
Lá tía tô được sử dụng để bào chế nhiều loại thuốc. (Nguồn: Internet)

Lưu ý khi sử dụng tía tô

Lá tía tô có rất nhiều công dụng cho sức khỏe. Nhưng việc sử dụng lá tía tô không đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ thể. Dưới đây là một vài lưu ý khi dùng tía tô:

  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào để việc dùng thuốc được an toàn và hiệu quả. Lá tía tô không phải là thuốc và không sử dụng thay thế cho thuốc.
  • Không dùng tía tô cho người đang bị tiêu chảy. Việc sử dụng tía tô trong trường hợp này sẽ làm nghiêm trọng hơn tình trạng tiêu chảy.
  • Dù là thảo dược lành tính nhưng không nên lạm dụng tía tô. Việc sử dụng quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như đầy hơi, chướng bụng. Không chỉ vậy, nó còn khiến cho cơ thể trở nên mệt mỏi, đầu óc choáng váng, gây ra tình trạng chán ăn,…
  • Nên uống tối đa 3 – 4 cốc nước lá tía tô mỗi ngày, uống trước ba bữa chính khoảng 10-30 phút để giảm lượng thức ăn nạp vào, ngăn ngừa hấp thu chất béo.
  • Tránh sử dụng lá tía tô cho đối tượng mắc bệnh huyết áp thấp, vì các hàm lượng dưỡng chất  trong lá có thể gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể.
  • Uống nước tía tô quá nhiều trong một thời gian dài dẫn đến tăng huyết áp, đặc biệt là đối với những người có tiền sử về huyết áp cao.
  • Không dùng tía tô với người bị Dị ứng với bạc hà, húng quế hoặc các loại cây khác trong họ Lamiaceae vì nó cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
  • Việc sử dụng lá tía tô quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về chất lượng giấc ngủ. Vì lượng Caffeine có trong lá có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây khó ngủ và giảm hiệu suất trong ngày.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cẩn trọng khi sử dụng tía tô, cần thăm khám bác sĩ, uống theo chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng không mong muốn.
Việc sử dụng lá tía tô không đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ thể
Nên thận trọng khi xử dụng lá tía tô để chữa bệnh. (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đây là các thông tin chi tiết về lá tía tô mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về y học, vui lòng truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.