Tin tức y tế

Vitamin PP là gì? Vai trò của vitamin đối với cơ thể người

25/11/2023

Vitamin PP là nguồn dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sống của tế bào. Theo đó, thành phần này trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, xương khớp, tuyến tụy, huyết áp,… Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ chia sẻ thông tin chi tiết hơn về vitamin PP, nhu cầu hàng ngày và liều lượng khuyến cáo, cùng tham khảo ngay.

Vitamin PP là gì?

Vitamin PP (niacinamide, nicotinamide) là một dạng vitamin B3, thực hiện chức năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng để phục vụ cho hoạt động sống hàng ngày của tế bào. Chất này dễ tan trong nước, đồng thời không được dự trữ bên trong cơ thể. Do đó, bạn cần bổ sung vitamin PP thường xuyên từ chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng để đáp ứng nhu cầu cần thiết. 

Vai trò của vitamin PP đối với cơ thể người:

  • Điều chỉnh nồng độ Cholesterol tốt (HDL) và xấu (LDL) trong máu.
  • Giảm nồng độ chất béo trung tính trong máu, giúp cải thiện triệu chứng bệnh đái tháo đường.
  • Bảo vệ sức khỏe tuyến tụy.
  • Bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ hình thành và tái phát các cơn đau tim. 
  • Tham gia vào quá trình hô hấp của tất cả các tế bào và mô trong cơ thể.
  • Kháng viêm trên da, điều trị mụn trứng cá và bệnh Rosacea.
  • Hỗ trợ giãn mạch.
  • Ngăn chặn quá trình hấp thu phosphate ở thận, đặc biệt có lợi cho người bị rối loạn chức năng thận hoặc mắc bệnh thận mãn tính.  
  • Vô hiệu hóa tác dụng của độc tố trong cơ thể.
  • Ngăn ngừa quá trình hình thành khối u ác tính.
  • Sửa chữa DNA cho làn da bị tổn thương do tia cực tím.
  • Bảo vệ sức khỏe xương khớp.
  • Vô hiệu hóa hoạt động của virus, tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. 
  • An thần. 
Bổ sung nguồn thực phẩm giàu vitamin PP để cung cấp năng lượng sống cho cơ thể
Bổ sung nguồn thực phẩm giàu vitamin PP để cung cấp năng lượng sống cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Nhu cầu vitamin PP ở trẻ em và người trưởng thành

Đối với trẻ em

  • Trẻ đủ 3 tháng: 5mg/ngày.
  • Trẻ từ 4 – 6 tháng: 6mg/ngày.
  • Trẻ từ 7 -12 tháng: 4mg/ngày.
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 8mg/ngày.
  • Trẻ từ 3 – 7 tuổi: 11mg/ngày.
  • Trẻ từ 7 – 11 tuổi: 15mg/ngày.
  • Trẻ em từ 11 -14 tuổi: 18 mg/ngày.

Đối với người trưởng thành

  • Nam giới vị thành niên từ 14 – 18 tuổi: 20mg/ngày.
  • Nữ giới vị thành niên từ 14 – 18 tuổi: 18mg/ngày.
  • Nam và nữ giới từ 18 tuổi trở lên: 20mg/ngày.
  • Phụ nữ mang thai trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ: 22mg/ngày.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú: 23mg/ngày.
Nhu cầu bổ sung vitamin PP ở người lớn và trẻ em hoàn toàn khác nhau
Nhu cầu bổ sung vitamin PP ở người lớn và trẻ em hoàn toàn khác nhau (Nguồn: Internet)

Bổ sung vitamin PP bằng cách nào?

Vitamin PP có thể được bổ sung theo 2 hình thức dưới đây:

Bằng thực phẩm

Với những người có cơ địa khỏe mạnh, ăn uống bình thường, bác sĩ khuyến khích nên ưu tiên bổ sung vitamin PP bằng thực phẩm tự nhiên, chẳng hạn như:

  • Nấm: Hàm lượng vitamin PP chứa trong nấm lên đến 7,6mg/20mg, chiếm khoảng 43% nhu cầu cần thiết hàng ngày. 
  • Các loại thịt, cá, gan động vật: Cung cấp khoảng 35 – 56% nhu cầu vitamin PP hàng ngày của cơ thể. 
  • Yến mạch: Yến mạch rất giàu chất xơ, vitamin nhóm B (vitamin B1, vitamin B3, vitamin B2, vitamin B6), bao gồm vitamin PP, giúp duy trì nồng độ cholesterol ổn định, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động suốt ngày dài. 
  • Súp lơ, dâu tây: Giàu vitamin PP, chất xơ, vitamin A, vitamin C, các chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. 
  • Quả bơ: Cung cấp khoảng 15 – 50% nhu cầu vitamin PP hàng ngày. Ngoài ra, thực phẩm này còn rất giàu vitamin E, chất chống oxy hóa, kích thích cơ thể sản xuất glutathione để duy trì làn da trẻ khỏe theo thời gian. Bơ cũng được khuyến khích thêm vào thực đơn hàng ngày bởi có lợi cho sức khỏe tim mạch, trí nhớ, huyết áp và tinh thần. 
  • Hạt điều: Hạt điều có chứa nhiều vitamin B1, B3, B6, giúp cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động cả ngày dài. 
Bổ sung vitamin PP thông qua chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày
Bổ sung vitamin PP thông qua chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày (Nguồn: Internet)

Bằng thực phẩm chức năng

Với các trường hợp đường ruột khó hấp thu vitamin PP qua chế độ ăn uống thông thường, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ về liều lượng, cách dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe và đạt hiệu quả tốt nhất. 

Liều lượng và cách sử dụng vitamin PP

  • Liều dùng dành cho người lớn: 13 – 19mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia đều thành 2 lần uống.
  • Liều dùng dành cho trẻ em: 5 – 10mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia đều thành 2 lần uống.
  • Liều dùng dành cho phụ nữ mang thai, đang trong giai đoạn cho con bú hoặc người có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng: 17 – 20 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia đều thành 2 lần uống.
  • Liều dùng tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch chậm: 25mg/ngày, tiêm/truyền ít nhất 2 lần/ngày (tốc độ tiêm tĩnh mạch không vượt quá 2mg/ phút).
  • Liều dùng trong điều trị mụn trứng cá: Dùng Vitamin PP dạng thuốc mỡ, bôi lên vùng da bị mụn 2 lần/ ngày, liên tục trong 8 – 12 tuần.
  • Liều dùng trong điều trị bệnh pellagra (người lớn): Liều thông thường là 300 – 500mg/ngày, liều tối đa 1500mg/ ngày, tần suất từ 3 – 10 lần.
  • Liều dùng trong điều trị bệnh pellagra (trẻ em): Liều thông thường là 100 – 300 mg/ngày, tần suất 3 – 10 lần.

Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý sử dụng hay ngừng thuốc.

Bổ sung vitamin PP bằng thực phẩm chức năng
Bổ sung vitamin PP bằng thực phẩm chức năng (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của vitamin PP

Vitamin PP có khả năng dung nạp tốt khi sử dụng với liều lượng thích hợp, phần dư thừa sẽ được đào thải qua nước tiểu, không dự trữ trong cơ thể. Trong các trường hợp dùng quá liều, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ đáng lo ngại như sau:

  • Các phản ứng dị ứng trên da như ngứa ngáy, bỏng rát, đỏ bừng vùng da mặt và cổ,…
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn.
  • Đau đầu.
  • Loét dạ dày, đau bụng khi đói.
  • Tăng nguy cơ kháng insulin, có thể dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Trong quá trình bổ sung vitamin PP, nếu người bệnh nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, cần thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời, tránh xảy ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Trên đây là bài viết tổng hợp đầy đủ thông tin quan trọng về vitamin PP, vai trò đối với sức khỏe, nhu cầu ở trẻ em, người lớn và hướng dẫn bổ sung đúng cách, đúng liều lượng để đạt hiệu quả cao nhất. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.