Tin tức y tế

Nguyên nhân và cách điều trị viêm amidan hốc mủ hiệu quả

19/10/2023

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng tổn thương viêm nhiễm tuyến amidan do vi khuẩn gây ra. Bệnh có xu hướng tái lại nhiều lần nếu không được điều trị đúng cách, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh, thậm chí gây nên các biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân bị Viêm amidan là gì và phương pháp điều trị ra sao? Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu qua bài viết sau.

>> Xem thêm:

Viêm amidan hốc mủ là gì? Có lây không?

Viêm amidan hốc mủ là một trong những dạng Viêm amidan mãn tính. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Amidan là cơ quan lympo của cơ thể có kích thước tương đương đầu ngón tay cái ở phía sau cổ họng (hầu họng). Amidan là một phần của hệ thống miễn dịch, giúp lọc vi khuẩn và vi trùng xâm nhập qua mũi, miệng để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.

Cấu trúc của amidan gồm nhiều hốc nên khi vi khuẩn xâm nhập vào vòm họng, hốc mũi, các kháng thể được Lympho sản sinh các kháng thể để chống lại sự xâm nhập đó. Khi amidan phải chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn nhiều lần sẽ dẫn đến viêm nhiễm và tạo thành các khối mủ. Những hốc mủ này vón thành cục như bã đậu, có màu trắng hoặc xanh, bám trên lưỡi và xung quanh amidan. Vì vậy bệnh này còn có tên gọi là viêm amidan hốc mủ bã đậu.

Nhiều người thắc mắc và lo lắng liệu bệnh Viêm amidan hốc mủ có lây không? Mặc dù viêm amidanViêm amidan hốc mủ là các bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp và thường do vi khuẩn và virus gây ra, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm amidan hốc mủ không lây từ người này sang người khác.

Viêm amidan hốc mủ là gì?
Bệnh Viêm amidan hốc mủ. Nguồn: (Internet)

Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất

Triệu chứng của Viêm amidan hốc mủ và viêm họng mãn tính có nhiều điểm tương đồng khiến người bệnh dễ nhầm lẫn, gây tâm lý lo lắng. Để biết được có phải người bệnh đang bị Viêm amidan hốc mủ hay không, cần xác định các dấu hiệu sau:

  • Mất tiếng hoặc khàn tiếng;
  • Ho khan, ho có đờm;
  • Đau rát cổ họng, có hạch cứng;
  • Nước bọt tăng tiết dịch;
  • Có đờm vướng ở cổ, khó nuốt hoặc khạc nhổ;
  • Miệng có mùi hôi;
  • Thỉnh thoảng sẽ thấy những hạt nhỏ lấm tấm màu xanh khi ho, hắt hơi.

Người bị Viêm amidan mãn tính có triệu chứng như:

  • Sốt cao 38 độ C;
  • Cảm giác rát, ngứa cổ họng;
  • Ho khan và khàn tiếng;
  • Khó thở.

Đối với Viêm amidan cấp tính, người bệnh sẽ có triệu chứng:

  • Nhiệt độ cơ thể cao, từ 38.5 độ C trở lên;
  • Đau ngực, khó thở;
  • Ho có đờm;
  • Lưỡi trắng;
  • Viêm amidan ảnh hưởng đến hệ hô hấp;
  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn.

Tìm hiểu thêm: Sỏi amidan là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách trị

Dấu hiệu nhận biết viêm amidan hốc mủ
Người bị Viêm amidan thường đau rát cổ họng. (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân hình thành Viêm amidan hốc mủ

Một số nguyên nhân dẫn đến Viêm amidan hốc mủ 1 bên hoặc 2 bên thường gặp nhất là:

  • Vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp: Amidan nằm ở vị trí giao thoa giữa đường tiêu hóa và đường hô hấp, là nơi tiếp xúc nhiều bụi bẩn và thức ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại tấn công.
  • Chưa điều trị Viêm amidan cấp tính một cách triệt để: Amidan có nhiều hốc, tạo môi trường “lý tưởng” cho nhiều loại vi khuẩn tấn công và gây viêm nhiễm. Tình trạng Viêm amidan nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến bệnh viêm amidan hốc mủ mãn tính.
  • Môi trường: Thời tiết thay đổi nhiệt độ thất thường tạo cơ hội cho virus và vi khuẩn tấn công những người có sức đề kháng yếu. Những người mắc Viêm amidan bình thường cũng có thể phát triển thành viêm amidan hốc mủ. Ngoài ra, môi trường sống ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩn được coi là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Thói quen sinh hoạt không điều độ: Những người thường thức khuya, hút thuốc, chế độ ăn không khoa học, thường xuyên ăn đồ cay nóng, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích… kèm theo việc vệ sinh răng miệng không đảm bảo sạch sẽ, tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công. Trong thời gian dài, vi khuẩn phát triển làm tăng nguy cơ mắc bệnh Viêm amidan hốc mủ.
Nguyên nhân hình thành viêm amidan hốc mủ
Điều trị Viêm amidan cấp tính chưa dứt điểm cũng là nguyên nhân gây viêm amidan hốc mủ. (Nguồn: Internet)

Cách điều trị Viêm amidan hốc mủ hiệu quả

Cách chữa Viêm amidan hốc mủ là vấn đề được rất nhiều người quan tâm khi gặp tình trạng này. Nếu người bệnh mắc amidan cấp tính được thăm khám và điều trị đúng cách thì sẽ khỏi bệnh trong vòng 10 ngày. Nhưng nếu bệnh kéo dài hoặc không điều trị triệt để, bệnh sẽ trở nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Khi nhận thấy cơ thể có các triệu chứng đã nêu trên, người bệnh cần có cách điều trị kịp thời. Tùy vào tình trạng mà người bệnh có thể sử dụng các phương pháp điều trị như:

Sử dụng thuốc đặc trị

Trong trường hợp người bệnh vừa xuất hiện các triệu chứng và chưa có biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể xem xét kê đơn thuốc đặc trị. Dưới đây là một số loại thuốc có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng:

  • Thuốc kháng sinh: Có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của vi khuẩn.
  • Thuốc giảm đau, giảm viêm: Giúp giảm đau rát ở cổ họng. Khi kết hợp sử dụng với thuốc giảm viêm, chúng có thể giảm tình trạng viêm, sưng amidan.
  • Thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc giảm phù nề: Được dùng trong trường hợp người bệnh có các triệu chứng như sốt, ho hoặc Phù nề ở tay chân.

Bệnh nhân lưu ý rằng, việc sử dụng các loại thuốc trên cần được chỉ định bởi bác sĩ để tránh tác dụng phụ nguy hiểm. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc dùng thuốc của người khác vì có thể gây hại cho sức khỏe của bản thân.

>>> Xem thêm: Thuốc Alpha Choay kháng viêm: Tác dụng và liều dùng phù hợp

Cách điều trị viêm amidan hốc mủ hiệu quả
Sử dụng thuốc đặc trị bệnh Viêm amidan hốc mủ. (Nguồn: Internet)

Điều trị bằng các bài thuốc Đông Y

Một số mẹo chữa Viêm amidan hốc mủ theo Đông y được áp dụng trong trường hợp bệnh chưa tiến triển nặng như:

  • Súc miệng bằng nước muối: Nước muối có tính sát trùng, bệnh nhân có thể sử dụng nước muối để súc miệng hàng ngày, giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Nhờ đó làm giảm tình trạng viêm sưng và hôi miệng.
  • Lá bạc hà: Lá bạc hà là loại thảo mộc nổi tiếng với khả năng kháng khuẩn hiệu quả. Bệnh nhân có thể chưng cách thủy lá bạc hà với đường phèn trong khoảng 20 phút rồi uống. Sau vài ngày sử dụng, người bệnh sẽ cảm nhận rõ tình trạng viêm sưng amidan giảm đi đáng kể.
  • Mật ong và gừng: Cả mật ong và gừng đều có tính diệt khuẩn và giảm viêm rất tốt. Bệnh nhân có thể chưng cách thủy mật ong cùng vài lát gừng thái mỏng. Uống hỗn hợp này khoảng 2-3 lần/ngày để giúp giảm sưng và viêm ở vùng amidan.

>> Xem thêm: 9 Công dụng mật ong đối với sức khỏe & Cách sử dụng 

điều trị viêm amidan hốc mủ bằng thuốc Đông Y
Chưng cách thủy gừng và mật ong để uống. (Nguồn: Internet)

Cắt amidan

Viêm amidan hốc mủ có thể gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và tâm lý người bệnh. Do đó, nhiều người bệnh nghĩ đến phương pháp phẫu thuật cắt amidan.

Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý rằng amidan đóng vai trò trong việc bảo vệ hệ thống miễn dịch của cơ thể khỏi các tổn thương vùng họng và hệ hô hấp. Phẫu thuật cắt amidan là phương án cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc Viêm amidan hốc mủ thường xuyên tái phát gây ra nhiều bệnh lý khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Cắt amidan chỉ được khuyến nghị trong các tình huống (1):

  • Bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm như áp xe quanh amidan, viêm tai giữa, viêm xoang hoặc viêm cầu thận.
  • Người bệnh có dấu hiệu bệnh đang tiến triển nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp gây khó thở, khó nuốt…
  • Amidan có kích thước quá lớn, gây cản trở quá trình ăn uống của người bệnh hoặc gây nguy cơ ngưng thở, nhiễm trùng tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Amidan có nhiều ngóc ngách chứa chất tiết gây Hôi miệng hoặc nghi ngờ ác tính, thì bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật cắt amidan.
Can thiệp phẫu thuật nếu viêm amidan hốc mủ trở nặng
Phương pháp cắt amidan. (Nguồn: Internet)

Lưu ý khi điều trị Viêm amidan hốc mủ

Trong quá trình điều trị Viêm amidan hốc mủ, ngoài việc tuân theo chế độ ăn kiêng, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ quá trình hồi phục:

  • Súc miệng bằng nước muối ấm: Súc miệng bằng nước muối có thể giúp làm sạch cổ họng, tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý đã được pha sẵn để đảm bảo tính vệ sinh và nồng độ Natri đúng chuẩn. Nước muối tự pha có thể gây kích ứng niêm mạc miệng nếu quá mặn hoặc không có hiệu quả bảo vệ miệng họng nếu quá nhạt.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài: Để tránh tiếp xúc với khói bụi và nguy cơ nhiễm các bệnh qua đường hô hấp, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà là điều cần thiết.
  • Giữ ấm vùng mũi họng: Bảo vệ mũi họng khỏi kích ứng thời tiết giúp giảm tình trạng ho và đau họng.
  • Uống đủ nước: Người bệnh nên uống đủ nước để tránh tình trạng mất nước, có thể bổ sung thêm sữa hoặc nước ép trái cây để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn.
  • Ăn thức ăn mềm, lỏng: Các món ăn như soup, cháo, canh giúp giảm triệu chứng đau họng khi ăn.
Lưu ý khi điều trị viêm amidan hốc mủ
Nên ăn các thức ăn dạng lỏng, mềm. (Nguồn: Internet)

Khi cơ thể có những dấu hiệu, triệu chứng lạ, người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra nhằm phát hiện sớm, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và giải quyết được bệnh nhanh chóng. Để đặt lịch hẹn tại Hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY. Đừng quên theo dõi các Tin tức y tế tại website để cập nhật kiến thức sức khỏe nhé.

Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì?

Người bệnh cần kiêng những thực phẩm như: thức ăn thô cứng, khô ráp; thức ăn dầu mỡ, chứa nhiều chất béo; cácloại đồ uống có cồn; đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị chua cay; đồ ăn lạnh; thực phẩm chứa axit amin L-arginine; các loại trái cây có lông, vảy như đào, nhót; các món ăn sống như sushi, gỏi, rau sống…

Viêm amidan hốc mủ có tự khỏi không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, Viêm amidan hốc mủ không thể tự khỏi. Nếu không sử dụng phương pháp điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, khi có một trong các dấu hiệu viêm amidan, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị.

Viêm amidan hốc mủ có nên cắt không?

Đây là tình trạng Viêm amidan mãn tính, thuốc uống chỉ sử dụng khi bệnh nhân có thêm tình trạng cấp tính. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt amidan để tránh các biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ sau này.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.