Tin tức y tế

Sỏi amidan là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách trị

19/10/2023

Sỏi amidan hình thành do quá trình tích tụ dịch, cặn thức ăn, nước bọt kết hợp với hoạt động của vi khuẩn trong khoang miệng. Người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng này thông qua một số triệu chứng điển hình như miệng có mùi hôi, khó nuốt, sưng đau họng,… Ngay khi phát hiện, người bệnh nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh sỏi tiến triển thành kích thước lớn, gây ra nhiều biến chứng sức khỏe đáng lo ngại. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này thông qua bài chia sẻ hữu ích dưới đây của Hoàn Mỹ.

>>> Xem thêm:

Sỏi amidan là gì?

Amidan là một cặp mô mềm có hình bầu dục, nằm phía sau cổ họng, thuộc nhóm cơ quan lympho. Vị trí hình thành là nơi giao nhau giữa đường tiêu hoá và hô hấp, thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus qua đường miệng. Cấu tạo amidan gồm nhiều kẽ, hốc và khe rãnh lồi lõm.  

Sỏi amidan là một chất cặn cứng hình thành từ canxi, xác vi khuẩn và cặn thức ăn, tích tụ trong khe rãnh của amidan. Đặc điểm dễ nhận thấy là dạng hình khối, cứng, màu trắng hoặc vàng, gây đau họng, hôi miệng, thậm chí là khó nuốt. 

Sỏi amidan là gì?
Sỏi amidan Hôi miệng là tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải (Nguồn: Internet)

Triệu chứng bị sỏi amidan

Sỏi amidan thường xuất hiện với một số triệu chứng điển hình, dễ nhận thấy như sau:

  • Hơi thở có mùi hôi: Đây là triệu chứng sỏi amidan rõ rệt nhất. Vi khuẩn tích tụ hình thành sỏi sẽ gây ra tình trạng sưng, viêm amidan, thậm chí tiết ra khí sulfur khiến hơi thở và nước bọt có mùi hôi khó chịu. 
  • Khó nuốt: Sỏi amidan hình thành với kích thước lớn có thể gây khó nuốt hoặc đau khi nuốt.  
  • Đau họng, khô họng: Người bệnh thường cảm thấy đau họng, khô họng ở vị trí hình thành sỏi amidan do tình trạng viêm nhiễm xảy ra.
  • Sưng amidan: Trong một số trường hợp, sỏi amidan hình thành trong nếp gấp của amidan, không thể quan sát thấy bằng mắt thường. Tình trạng này chỉ được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cho thấy amidan bị sưng. 
  • Đau tai, ù tai: Vị trí sỏi amidan hình thành không liên quan trực tiếp đến vùng tai nhưng có sự liên kết với nhau bởi hệ thống dây thần kinh. Vì vậy, các trường hợp sỏi kích thước lớn có thể gây triệu chứng đau tai, ù tai. 

Khi nhận thấy các triệu chứng nêu trên, người bệnh nên chủ động đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nghiêm trọng về sau. 

Triệu chứng sỏi amidan thường xuất hiện rất rõ ràng
Triệu chứng sỏi amidan thường xuất hiện rất rõ ràng (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân hình thành sỏi amidan

Cấu tạo dạng khe, rãnh và hốc của amidan là điều kiện thuận lợi để tích tụ nước bọt, cặn thức ăn, canxi. Về lâu dài, những tác nhân này kết hợp với quá trình hoạt động của vi khuẩn trong khoang miệng dẫn đến hình thành sỏi, với nhiều kích thước đa dạng. Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân chủ yếu như:

  • Viêm xoang mãn tính: Bệnh viêm xoang kéo dài sẽ kích thích dịch nhầy từ xoang chảy xuống cổ họng, lâu dần sẽ tích tụ ở khe amidan, dẫn đến hình thành sỏi. 
  • Viêm amidan: Đây là tình trạng amidan bị tổn thương do vi khuẩn, virus xâm nhập và tấn công. Theo đó, viêm amidan cũng là tác nhân gây hình thành sỏi. 
  • Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ: Điều này sẽ làm cho thức ăn bị mắc kẹt trong các khe, rãnh amidan, kết hợp với quá trình hoạt động mạnh mẽ của vi khuẩn, dẫn đến hình thành sỏi. 
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Uống không đủ nước, ăn nhiều muối, thực phẩm giàu canxi, oxalate (cà chua, cà rốt, cà phê, socola) cũng là điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ hình thành sỏi amidan.
  • Tắc nghẽn tuyến nước bọt: Amidan là cơ quan có chứa các tuyến nước bọt, thực hiện chức năng bôi trơn và bảo vệ cổ họng. Khi những tuyến này bị tắc nghẽn, nước bọt tích tụ có thể hình thành sỏi. 
  • Cơ địa bị dị ứng: Những người có cơ địa dễ Dị ứng khi tiếp xúc với nguồn nước, không khí ô nhiễm sẽ rất dễ tăng tiết dịch, tích tụ tại amidan, gây ra sỏi. 
  • Di truyền: Người có bố mẹ, ông bà trong gia đình từng bị sỏi amidan thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
Nguyên nhân hình thành sỏi amidan
Sỏi amidan có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguồn: Internet)

Biến chứng của sỏi amidan khi không điều trị kịp thời

Sỏi amidan kích thước lớn nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại như:

Cách điều trị sỏi amidan

Tuỳ thuộc vào kích thước và mức độ nghiêm trọng của sỏi amidan, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Cụ thể như sau:

Cách trị sỏi amidan tại nhà

Với sỏi amidan kích thước nhỏ, không gây triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc và điều trị hiệu quả tại nhà như sau:

Sử dụng máy tăm nước để loại bỏ sỏi

Bạn sử dụng máy tăm nước ở mức áp suất thấp, bắn trực tiếp vào vùng amidan có sỏi. Áp lực nước sẽ làm bong tróc sỏi khỏi amidan nhưng không gây đau đớn. Hướng dẫn các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Làm sạch khoang miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý ấm để loại bỏ cặn thức ăn trong rãnh amidan. 
  • Bước 2: Điều chỉnh máy tăm nước về chế độ có mức áp suất thấp để tránh làm tổn thương niêm mạc amidan trong quá trình thực hiện.
  • Bước 3: Dùng gương soi và đèn để xác định chính xác vị trí amidan có sỏi.
  • Bước 4: Bắn nước vào vị trí đã xác định để làm bong tróc sỏi khỏi amidan.
  • Bước 5: Sau khi sỏi đã được lấy ra ngoài, bạn súc miệng và cổ họng với nước muối sinh lý một lần nữa để loại bỏ cặn bẩn, tránh nguy cơ viêm nhiễm. 

Sử dụng tăm bông để lấy sỏi amidan

Nếu bạn không có sẵn máy tăm nước, có thể dùng tăm bông đầu tròn để loại bỏ sỏi amidan theo các bước sau đây:

  • Bước 1: Làm sạch khoang miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý ấm để loại bỏ cặn thức ăn trong kẻ amidan. 
  • Bước 2: Dùng gương soi và đèn để xác định chính xác vị trí amidan có sỏi.
  • Bước 3: Dùng đầu tăm bông ấn nhẹ vào lớp mô amidan gần vị trí có sỏi (tương tự như việc nặn mụn), khi sỏi nhô ra, bạn có thể lấy ra ngoài một cách dễ dàng. 
  • Bước 4: Sau khi sỏi đã được lấy ra ngoài, bạn súc miệng và cổ họng với nước muối sinh lý một lần nữa để loại bỏ cặn bẩn, tránh nguy cơ viêm nhiễm. 

Súc miệng bằng giấm táo để loại bỏ sỏi amidan

Giấm táo chứa hàm lượng lớn axit axetic, có khả năng làm teo nhỏ kích thước sỏi amidan. Ngoài ra, loại nguyên liệu này còn giúp giảm hôi miệng, sát trùng và cải thiện vết sưng viêm một cách hiệu quả. Các bước thực hiện loại bỏ sỏi như sau:

  • Bước 1: Hoà tan giấm táo với nước ấm theo tỉ lệ 1 thìa giấm táo: 300ml nước ấm.
  • Bước 2: Sử dụng dung dịch trên để súc miệng 3 lần/ngày để dần dần loại bỏ sỏi amidan. 
  • Bước 3: Súc miệng bằng nước muối sau mỗi lần thực hiện để làm sạch cổ họng và khoang miệng. 

Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên

Đây là thói quen tốt, giúp loại bỏ các chất cặn bã trong cổ họng, khoang miệng và kẽ amidan, từ đó ngăn hình thành sỏi một cách hiệu quả. Ngoài ra, nước muối còn hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau họng, sưng viêm và nhiễm khuẩn thường gặp. 

Bên cạnh các biện pháp nêu trên, người bệnh cũng nên duy trì thói quen uống đủ nước, bổ sung thực phẩm giàu Vitamin C để hỗ trợ thu nhỏ kích thước sỏi amidan và ngăn sỏi mới hình thành. 

Cách lấy sỏi amidan tại bệnh viện

Đối với tình trạng sỏi amidan có kích thước quá lớn hoặc gây ra triệu chứng sưng đau khó chịu, người bệnh nên đi khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tuyệt đối không tự ý áp dụng các biện pháp tại nhà. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp sau:

  • Gắp sỏi, rạch amidan để lấy sỏi bằng các dụng cụ chuyên dụng. 
  • Gây tê cục bộ, sau đó thực hiện phẫu thuật cắt bỏ amidan.
  • Nếu sỏi xuất hiện đồng thời với tình trạng viêm amidan, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh uống kháng sinh để ngăn vi khuẩn phát triển hoặc thuốc trị sỏi amidan để tránh làm tăng kích thước sỏi. 

Sỏi amidan có tự khỏi không?

Sỏi amidan không thể tự khỏi nếu không được can thiệp điều trị. Về lâu dài, sỏi sẽ tăng dần về kích thước, gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là chèn ép và phá vỡ cấu trúc amidan. 

Cách trị sỏi amidan
Sử dụng dụng cụ lấy sỏi amidan chuyên dụng để loại bỏ sỏi (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng tránh sỏi amidan

Tình trạng sỏi amidan có thể được phòng ngừa hiệu quả thông qua một số biện pháp đơn giản và hiệu quả dưới đây: 

  • Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm hoặc nguồn bệnh có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp. 
  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh đường hô hấp.
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng cách súc họng đều đặn, sử dụng nước muối sinh lý để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn. 
  • Điều trị sớm bệnh Viêm amidan để tránh viêm nhiễm lan rộng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và làm giảm nguy cơ hình thành sỏi amidan.

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến sỏi amidan, triệu chứng, nguyên nhân và các phương pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm, tránh để lại biến chứng nghiêm trọng về sau.  Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

Sỏi amidan có nguy hiểm không?

Sỏi amidan ban đầu không gây nguy hiểm nhưng về lâu dài, kích thước lớn có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như: Hơi thở có mùi, khó nuốt,… Ngoài ra, một số trường hợp còn bị biến dạng amidan, tác động trực tiếp đến chức năng tai, mũi, họng, áp xe amidan do vi khuẩn phát triển,… 

Sỏi amidan có mùi gì?

Sỏi amidan có mùi thối đặc trưng do tạp chất, cặn thức ăn kết hợp với hoạt động của vi khuẩn khoang miệng. 

Sỏi amidan hình thành như thế nào?

Sỏi amidan hình thành từ quá trình lắng đọng, tích tụ của cặn thức ăn và các dịch khác trong kẽ amidan. Những tác nhân này tồn tại ở đây trong suốt một thời gian dài, kết hợp với hoạt động của vi khuẩn khoang miệng, dẫn đến hình thành các u bã đậu có kích thước từ nhỏ đến lớn. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.