Tin tức y tế

Viêm họng hạt: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị hiệu quả

20/09/2023

Viêm họng là bệnh lý về đường hô hấp trên thường gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó, viêm họng hạt là dạng mãn tính của viêm họng, gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, Hoàn Mỹ mời bạn tham khảo những thông tin hữu ích qua bài viết dưới đây. 

>> Xem thêm:  Ung thư vòm họng – Nhận biết dấu hiệu và cách điều trị bệnh

Viêm họng hạt là gì?

Có lẽ tình trạng viêm họng là bệnh lý quen thuộc với mọi người, tuy nhiên viêm họng dạng hạt thì ít phổ biến hơn. Đây là tình trạng viêm họng thông thường, cấp tính về lâu dài không điều trị đúng sẽ dẫn đến viêm họng hạt nên nó còn được gọi là viêm họng mãn tính hình thức quá phát. Bệnh lý này sẽ làm cho các mô lympho ở vòm họng sưng to, tạo thành các hạt màu đỏ hoặc hồng, gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Nó có thể khởi phát đơn độc hoặc đi kèm bệnh viêm xoang, viêm phế quản… Ngoài ra còn có thể gây viêm đến các cơ quan xa như: viêm khớp, viêm cầu thận… Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhất là những người có sức đề kháng yếu, cơ thể suy nhược.

Các khối lympho sưng to khi bị viêm họng mãn tính
Các khối lympho sưng to khi bị viêm họng mãn tính (Nguồn: Internet)

Có những loại viêm họng hạt nào?

Bệnh được phân thành 2 loại cơ bản: 

Viêm họng hạt cấp tính

Đây là giai đoạn đầu của bệnh, thường người bệnh không có nhiều triệu chứng và ít gây đau. Vì vậy đa phần mọi người thường chủ quan, bỏ qua hoặc tự ý mua thuốc uống mà không có sự theo dõi của bác sĩ. 

Viêm họng hạt mãn tính

Khi tình trạng viêm họng cấp tính không được điều trị đúng cách, dứt điểm để lâu ngày sẽ chuyển sang thành bệnh viêm họng dạng hạt mãn tính. Lúc này người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt như đau khi ăn uống và nói chuyện, khàn tiếng, đau đầu, sốt,… Giai đoạn này thì việc điều trị trở nên khó khăn hơn và bệnh cũng dễ tái đi tái lại. 

Viêm họng thông thường để lâu dài không điều trị chuyển thành viêm họng mãn tính
Viêm họng thông thường để lâu dài không điều trị chuyển thành viêm họng mãn tính (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra viêm họng hạt

Các chuyên gia y tế cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng này, một vài tác nhân chính thường thấy như:

  • Khoang miệng luôn ẩm và tiếp xúc thức ăn dễ bị các loại nấm gây bệnh, vi khuẩn hay virus tấn công. Vì vậy tế bào lympho tại vòm họng như “những chiến binh” phải hoạt động hết công suất để bảo vệ “thành lũy” dễ dẫn đến tình trạng quá tải nên gây sưng to.
  • Bệnh viêm xoang, viêm mũi mạn tính, đau amidan, viêm phế quản… lâu ngày không đều trị sẽ dẫn đến biến chứng là viêm họng hạt.
  • Không khí ô nhiễm, khói bụi, làm việc hay sinh sống trong môi trường độc hại cũng là một nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh.
  • Lối sống không lành mạnh như thường xuyên uống rượu bia, uống nước đá hàng ngày, không vệ sinh răng miệng kỹ càng…
  • Do cơ địa như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi hoặc yếu tố di truyền.
  • Do hệ miễn dịch kém hoặc không có sức đề kháng. Vì vậy hãy tăng cường thể lực bằng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tập luyện thể dục hợp lý. 
  • Ngoài ra bệnh cũng thường xảy ra khi thời tiết thay đổi thất thường, nhất là vào mùa lạnh thì xuất hiện nhiều hơn.  

Các triệu chứng của bệnh viêm họng hạt

Các triệu chứng của bệnh viêm họng dạng hạt cũng có phần tương tư như viêm họng thông thường. Tuy nhiên mức độ biểu hiện của bệnh sẽ trầm trọng hơn, cụ thể:

  • Đau họng, gây khó khăn khi ăn uống thậm chí đau ngay cả khi nói chuyện.
  • Khô và ngứa họng, có cảm giác cổ họng bị vướng víu do các hạt sưng to. Vì vậy người bệnh có xu hướng khạc nên dễ làm cho niêm mạc ở họng trầy xước, tổn thương.
  • Ho khan hoặc ho có đờm do ổ viêm nhiễm ở họng tiết ra dịch gây kích ứng vòm họng. 
  • Cổ có thể nổi hạch gây đau,
  • Sốt cao lên đến 38 độ vì vậy bạn hãy thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể để kịp thời xử lý, không được để nhiệt độ tăng quá cao sẽ gây ra các biến chứng khó lường nhất là ở trẻ nhỏ. 
  • Do đau họng nên cũng dễ dẫn đến tình trạng chán ăn, làm cơ thể suy nhược mệt mỏi, không có sức lực. 
Sốt là triệu chứng thường gặp của viêm họng mãn tính dạng hạt
Sốt là triệu chứng thường gặp của viêm họng mãn tính dạng hạt (Nguồn: Internet)

Phương thức chẩn đoán viêm họng hạt

Thông qua thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ chuẩn đoán được bệnh lý này. Người bệnh sẽ được hỏi vệ các triệu chứng, thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng và được bác sĩ khám tai mũi họng. 

Ngoài ra, để việc chẩn đoán chính xác bác sĩ cũng có thể thực hiện thủ thuật nội soi thanh quản, chụp x-quang phổi, MRI, CT… Mục đích của những việc này là giúp bác sĩ quan sát kỹ niêm mạc họng, để phát hiện tổn thương ở vùng này từ đó mới có phác đồ điều trị phù hợp. 

Cách điều trị viêm họng hạt

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị là gì? Bạn cần tuân thủ theo chỉ dẫn của người có chuyên môn để quá trình điều trị mang lại hiệu quả cao nhất. 

Điều trị bằng thuốc trị viêm họng hạt

Đây là cách điều trị đơn giản và phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc có các hoạt chất giảm đau, chống viêm, giảm sưng, giảm ho, long đờm… Ngoài ra, người bệnh cũng có được cho uống các vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng như vitamin C, PP, kẽm… để mau phục hồi hơn. Bên cạnh đó, các sản phẩm vệ sinh khoang miệng như: nước súc miệng, dung dịch xịt mũi,… cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh.

Điều trị bằng tiểu phẫu đốt hạt

Trường hợp các hạt lympho bị viêm nhiễm và sưng quá to, sử dụng thuốc có hiệu quả chậm thì người bệnh có thể được chỉ định tiểu phẫu đốt hạt bằng laser hoặc đốt lạnh. Đây là một tiểu thuật khá đơn giản, không gây đau đớn, có thể xuất viện ngay sau khi đốt do đó bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện nhé để tránh các tình trạng như: bị sẹo họng, bỏng vùng hỏng lưỡi… Ngoài ra, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ như: kiêng rượu bia, không ăn lạnh uống lạnh, không hút thuốc lá, không hít khói thuốc của người khác, giữ vệ sinh khoang miệng, luôn giữ ấm vùng cổ… 

Điều trị theo triệu chứng & nguyên nhân

Viêm họng hạt cũng có thể là do biến chứng của một bệnh lý khác, bác sĩ sẽ xem xét và xử lý các bệnh lý trước. Nếu nguyên nhân gây bệnh được giải quyết thì tình trạng viêm họng cũng giảm theo. Chẳng hạn nếu do viêm xoang gây ra thì ưu tiên điều trị viêm xoang, không làm cho dịch chảy xuống họng thì vùng họng sẽ không còn bị kích ứng, viêm nhiễm. Hoặc do trào ngực dạ dày, bác sĩ sẽ cho dùng các thuốc điều trị trào ngược để niêm mạc họng không bị tổn thương. Vì vậy nhiều bạn thắc mắc mình đau họng nhưng bác sĩ lại kê thuốc trị đau bao tử, giảm axit. 

Sử dụng thuốc để điều trị bệnh viêm họng dạng hạt là phương pháp đơn giản được bác sĩ áp dụng
Sử dụng thuốc để điều trị bệnh viêm họng dạng hạt là phương pháp đơn giản được bác sĩ áp dụng (Nguồn: Internet)

Người bệnh viêm họng hạt Nên và Không Nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng luôn đúng vai trò quan trọng trong bất kỳ quá trình điều trị bệnh lý nào. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng hệ miễn dịch, sức đề kháng chống lại viêm nhiễm. 

Thực phẩm nên kiêng ăn

  • Thức ăn khô cứng: Người khỏe mạnh bình thường ăn thức ăn khô cứng cũng đã cảm thấy khó chịu, đối với người viêm họng dạng hạt thì tình trạng này càng tồi tệ hơn. Vùng niêm mạc họng vốn đã bị tổn thương lại càng dễ bị trầy xước bởi những thức ăn khô cứng, góc cạnh như bánh mì, lương khô, đậu phộng, hạt dẻ,… dễ làm khởi phát cơn ho, khiến cho bệnh trở nặng hơn. 
  • Thức ăn cay, chua, nóng: Những thức ăn dạng này sẽ làm dạ dày tiết nhiều axit dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày gây hại cho niêm mạc họng.
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ: Đây là loại thực phẩm không chỉ cần hạn chế đối với người bệnh viêm họng mà còn đối với nhiều người. Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ không chỉ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động kém, tăng Cholesterol mà còn có thể tăng tiết đờm. 
  • Thức ăn tái, sống: Thức ăn chưa được nấu kỹ như gỏi, nem chua, sashimi… thường chứa nhiều vi khuẩn chính vì vậy làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Thức ăn, đồ uống lạnh hay chứa các chất kích thích: Rượu, bia, cafe, nước ngọt, kem ăn, uống đá lạnh… là những dạng thực phẩm người bệnh viêm họng hạt nên kiêng. Chúng gây tăng nhiệt độ cơ thể dẫn đến việc Mất nước làm thanh quản bị khô, khó chịu. 
  • Thực phẩm chứa arginine: Virus, vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng bởi tác động arginine vì vậy làm do bệnh khó có thể thuyên giảm. Những thực phẩm chứa arginine thường thấy như: lúa mì, bơ đậu phộng, hạnh nhân, hạt dẻ, chocolate, nho… 
Thức ăn khô cứng, chiên rán… cần tránh cho người dùng
Thức ăn khô cứng, chiên rán… cần tránh cho người dùng (Nguồn: Internet)

Thực phẩm nên ăn 

Các thực phẩm được chế biến ở dạng mềm, lỏng, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp, món hầm… sẽ là lựa chọn tốt nhất cho người bệnh. Bên cạnh đó, hãy bổ sung thêm các loại thực phẩm như:

  • Giàu vitamin C, A, E: đây là những vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, giúp tái tạo và làm lành vết thương nhanh. 
  • Giàu protein: Protein là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể. Khi đã có năng lượng thì cơ thể mới có sức chống lại tác nhân có hại cũng như vượt qua được sự mệt mỏi do bệnh gây ra. 
  • Giàu kẽm: Đây là một vi chất quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Các thực phẩm chứa nhiều kẽm như: súp lơ xanh, rau chân vịt, nấm, ngêu, sò… nên được bổ sung vào chế độ hàng ngày của người bệnh. 
  • Bên cạnh đó các thực phẩm có tính kháng viêm như: mật ong, gừng, tỏi, bạc hà, hành, hẹ, lá tía tô… cũng được khuyên dùng cho người bệnh viêm họng hạt. Những thực phẩm này là phương thuốc tự nhiên, an toàn mà dân gian vẫn hay thường dùng để giảm đờm, trị họ, cảm lạnh,…
Dạng thức ăn mềm, lỏng nhiều dinh dưỡng, vitamin được khuyên dùng cho người viêm họng mãn tính
Dạng thức ăn mềm, lỏng nhiều dinh dưỡng, vitamin được khuyên dùng cho người viêm họng mãn tính (Nguồn: Internet)

Câu hỏi thường gặp:

Viêm họng hạt có mủ có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm họng dạng hạt có mủ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: áp xe họng, viêm amidan, viêm phổi, Ung thư vòm họng, viêm cầu thận, viêm xoang, viêm tai giữa, thấp khớp, nhiễm trùng máu… Vì vậy bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám khi có dấu hiệu đau họng khởi phát, tránh việc để lâu ngày. 

Viêm họng hạt có tự khỏi được không?

Một số người cho rằng viêm họng chỉ cần súc nước muối và tự mua thuốc về uống là sẽ ổn. Thật tế bệnh lý này không thể tự khỏi do đây là tình trạng viêm họng mãn tính, trở nặng hơn so với viêm họng thông thường.

Viêm họng hạt có lây không?

Bệnh có tính chất lây lan khi tiếp xúc với nước bọt, ho hắt hơi, các chất tiết chứa vi khuẩn của người bệnh. Ngoài ra, việc dùng chung đồ dùng, thức ăn, thức uống với người bệnh cũng có nguy cơ lây lan. 

Hy vọng thông qua những chia sẻ bên trên đã giúp bạn biết được nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh viêm họng hạt. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe, hãy liên hệ ngay số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Ngoài ra thường xuyên truy cập Tin Tức Y Tế cũng là cách để bạn cập nhật kiến thức, mẹo hay để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản và gia đình. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.