Tin tức y tế

Tác dụng của thuốc Tylenol và lưu ý khi sử dụng

30/10/2023

Tylenol là loại thuốc giảm đau không kê đơn được sử dụng phổ biến. Với thành phần chính là acetaminophen, thuốc được chỉ định dùng cho cả trẻ em, người lớn với công dụng hạ Sốt và cải thiện các triệu chứng đau nhức nhẹ. Trong bài viết sau đây, Hoàn Mỹ sẽ cập nhật thông tin chi tiết hơn về loại thuốc này, cùng tham khảo ngay!

Tham khảo thêm:

Thuốc tylenol là gì?

Tylenol là thuốc có chứa thành phần chính acetaminophen (paracetamol), được sử dụng để giảm đau, hạ Sốt do cảm lạnh, cảm cúm, đau cơ, nhức đầu, viêm khớp,… 

Các dạng bào chế:

  • Tylenol dạng viên nén (325mg/ viên).
  • Tylenol dạng bào chế hỗn dịch.
  • Tylenol dạng viên nang.
  • Tylenol dạng bột.

Thành phần:

  • Dược chất chính: Acetaminophen.
  • Các thành phần khác: Sáp carnauba, dầu thầu dầu, tinh bột ngô, FD&C red #40 aluminum lake, hypromellose, magie stearat, bột cellulose, tinh bột tiền gelatin hóa, propylene glycol, shellac, sodium starch glycolate, titanium dioxide (1).
Thuốc tylenol là gì?
Thuốc tylenol dành cho bé là loại thuốc giảm đau có chứa thành phần chính là acetaminophen (Nguồn: Internet)

Tác dụng của thuốc tylenol

Tylenol thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, đã và đang được sử dụng phổ biến trong hơn 50 năm qua. Hoạt chất Acetaminophen trong thuốc hoạt động bằng cách tương tác với chất gây viêm, đau trong cơ thể, được gọi là prostaglandin. Do đó, Tylenol được đánh giá cao về hiệu quả hạ Sốt và làm giảm triệu chứng đau nhức nhẹ do cảm lạnh thông thường, viêm khớp, đau lưng, nhức đầu,… Không giống như các loại thuốc giảm đau khác như aspirin hay ibuprofen, loại thuốc này không có tác dụng chống viêm (2).

Cách sử dụng thuốc tylenol đúng cách, an toàn

Dưới đây là hướng dẫn sử dụng thuốc tylenol an toàn, đúng cách cho trẻ em và người lớn.

Chỉ định dùng thuốc cho trẻ em và người lớn

Thuốc tylenol trẻ em được chỉ định sử dụng cho trẻ em từ 6 – 11 tuổi và người lớn đang gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Hắt xì
  • Sốt
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Đau bụng kinh nguyệt
  • Đau cơ

Chống chỉ định

Thuốc tylenol được khuyến cáo không nên sử dụng cho hai trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị thiếu hụt men G6PD.
  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào thuốc.

Liều dùng

Quá trình sử dụng thuốc tylenol cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tình trạng quá liều có thể gây tổn thương gan, thậm chí dẫn đến tử vong. Liều dùng được khuyến cáo như sau (3):

  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Không dùng quá 5 liều Tylenol trong vòng 24 giờ.
  • Người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên: Không dùng quá 1000mg/lần hoặc quá 4000 mg trong vòng 24 giờ.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. 

Liều dùng tylenol cho trẻ em được chỉ định dựa vào độ tuổi và cân nặng, cần tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh xảy ra các vấn đề không mong muốn. Tylenol dành cho trẻ sơ sinh thường dụng cụ định lượng, trước khi dùng cần đo chính xác để không bị quá liều.

Hiện nay, loại thuốc này của trẻ em có nhiều dạng bào chế khác nhau như viên nang, chất lỏng, viên nhai, viên tan, dạng bột, hạt hòa tan. Tuỳ vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại phù hợp.

>>> Xem thêm:

Liều dùng thuốc cho trẻ em
Cho trẻ sử dụng thuốc tylenol theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ

Tylenol là loại thuốc không kê đơn, chủ yếu gây ra tác dụng phụ khi dùng quá liều. Triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Gây tổn thương gan (suy gan): Đây là tình trạng nguy hiểm nhất, xảy ra khi lạm dụng/ sử dụng quá liều Tylenol, theo Bộ Y Tế
  • Phản ứng dị ứng: Triệu chứng thường gặp là phát ban, ngứa, nổi mề đay, khàn giọng, khó nuốt, khó thở,… Những biểu hiện này có thể là dấu hiệu cảnh báo phản ứng Dị ứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong, hay còn được gọi là sốc phản vệ. Nguyên nhân có thể do dùng chung với các loại thuốc có cùng hoạt chất như thuốc trị ho, cảm lạnh, thuốc opioid,… 
  • Tái phát triệu chứng đau đầu: Người bị đau đầu mãn tính có thể tái phát triệu chứng khi dùng quá liều tylenol và các loại thuốc giảm đau không kê đơn nói chung. 

Nhìn chung, thành phần acetaminophen thường dung nạp rất tốt ở cả trẻ em và người trưởng thành, hiếm khi gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng theo đúng chỉ dẫn. 

Cách xử lý khi sử dụng tylenol quá liều

Quá liều acetaminophen (thành phần chính trong tylenol) có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là suy gan, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời (4). Do đó, ngay khi nhận thấy đã uống quá liều chỉ định hoặc xuất hiện triệu chứng đau bụng, chán ăn, vàng da, vàng mắt, phát ban, nước tiểu sẫm màu,… người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để tiến hành điều trị sớm.

Lưu ý khi sử dụng thuốc tylenol cho trẻ em

Trẻ cần ngừng dùng tylenol và liên hệ ngay với bác sĩ nếu xuất hiện các tình trạng sau đây:

  • Triệu chứng đau họng không cải thiện sau 2 ngày dùng thuốc.
  • Vẫn bị Sốt dai dẳng sau 3 ngày dùng uống.
  • Các triệu chứng đau nhức trên cơ thể không cải thiện sau 5 ngày uống tylenol.
  • Trẻ bị ngứa, phát ban da, nhức đầu liên tục, buồn nôn, nôn,…
  • Các triệu chứng đau nhức trên cơ thể trở nên nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện một số dấu hiệu bất thường khác.

Lưu ý trước khi dùng thuốc tylenol:

  • Tuyệt đối không cho trẻ uống tylenol nếu đã có tiền sử Dị ứng với thuốc này hoặc các loại thuốc có chứa thành phần acetaminophen.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống tylenol hoặc trẻ từng có tiền sử mắc bệnh xơ gan.
  • Cần lắc đều lọ thuốc tylenol dạng hỗn dịch trước khi cho trẻ uống. 
  • Không dùng chung tylenol với các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin, thảo dược khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Những tình trạng y tế có thể gây ảnh hưởng đến bệnh nhân khi dùng Tylenol (5):

  • Người đang mắc bệnh về gan: Acetaminophen chỉ được chuyển hóa một phần về dạng không hoạt động ở gan, phần còn lại sẽ chuyển thành chất độc gây hại cho cơ quan này. Do đó, tylenol không được khuyến cáo sử dụng cho người bị suy gan. Việc tự dùng có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, thậm chí gây ra hàng loạt biến chứng đáng lo ngại như: suy gan cấp, tử vong,… 
  • Người mắc bệnh tiểu đường: Acetaminophen có thể thay đổi các chỉ số đường huyết. 
  • Các đối tượng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng: Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người có thói quen uống rượu,…

 >>> Tìm hiểu thêm:

Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng thuốc tylenol theo đúng chỉ dẫn bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn (Nguồn: Internet)

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin quan trọng liên quan đến thuốc tylenol, tác dụng, các trường hợp chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ thường gặp và hướng dẫn sử dụng đúng cách, hiệu quả, an toàn. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.