Tin tức y tế

Panadol là thuốc gì? Liều lượng, cách dùng và tác dụng phụ

10/08/2023

Cảm cúm, đau đầu và Sốt là những biểu hiện thường xuất hiện khi cơ thể không được bảo vệ tốt trước sự biến đổi của thời tiết. Trong các trường hợp này, Panadol là một trong những sự lựa chọn rất được ưa dùng. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết về những công dụng cũng như cách dùng của loại thuốc này thông qua bài viết sau.

Panadol là thuốc gì?

Đây là một loại thuốc được phân loại vào nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt, thành phần chính của nó là paracetamol. Thuốc được biết đến với tính an toàn cao, không gây hại cho tim mạch và hệ tiêu hóa. Điều này làm cho loại thuốc này phù hợp với nhiều đối tượng, bao gồm cả trẻ em.

Tuy vậy, việc sử dụng paracetamol với liều lượng không đúng vẫn có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, mọi người cần hiểu rõ về paracetamol để đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả nhất.

Panadol là thuốc gì?
Panadol giúp giảm các triệu chứng Cảm cúm (Nguồn: Internet)

>> Xem thêm: Thuốc Amoxicillin là gì? Liều lượng & cách sử dụng an toàn

Các dạng thuốc Panadol hiện nay

  • Thuốc Panadol xanh dạng viên nén, bao bì màu xanh dương. Hàm lượng paracetamol trong mỗi viên là 500mg. Công dụng chính là giảm đau nhẹ, hạ sốt.
  • Thuốc Panadol đỏ (Panadol extra) dạng viên nén, bao bì màu đỏ. Mỗi viên thuốc chứa 500mg paracetamol và 65mg caffeine. Công dụng chính là giảm đau, hạ sốt, duy trì trạng thái tỉnh táo.
  • Thuốc Panadol dạng sủi, có thể tan trong nước. Hàm lượng paracetamol trong mỗi viên là 500mg. Công dụng chính là giảm đau nhẹ, hạ sốt.

Trường hợp chỉ định và chống chỉ định sử dụng Panadol

Trường hợp chỉ định sử dụng Panadol

Panadol được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Đau đầu, đau nửa đầu do căng thẳng, mất ngủ,…
  • Đau nhức cơ bắp, khớp.
  • Đau lưng, cổ, vai.
  • Đau sau phẫu thuật.
  • Đau răng.
  • Đau bụng khi tới ngày hành kinh.
  • Sốt nhẹ.

Trường hợp chống chỉ định sử dụng Panadol

Các trường hợp không nên sử dụng thuốc Panadol:

  • Người mẫn cảm với paracetamol hoặc thành phần thuốc.
  • Người có vấn đề về gan, chống chỉ định sử dụng Panadol.
  • Người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn.

Tác dụng của thuốc Panadol

Công dụng chính của thuốc Panadol là:

  • Giảm đau: Panadol có khả năng làm giảm các cơn đau nhẹ như đau đầu, đau cơ, đau khớp. Ngoài ra, thuốc Panadol cũng được sử dụng để làm dịu bớt các cơn đau bệnh lý, đau sau phẫu thuật, đau do kinh nguyệt,…
  • Hạ sốt: Panadol có thể giúp hạ Sốt nhanh do cảm cúm, tiêm vaccine, sốt xuất huyết, sốt siêu vi,…

Lưu ý, Panadol chỉ có tác dụng làm giảm đau và sốt, không phải là thuốc điều trị nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó. Ví dụ, Panadol có thể hạ Sốt do sốt siêu vi nhưng không điều trị sốt siêu vi.

Cách dùng và liệu lượng sử dụng cho từng độ tuổi

Khi sử dụng Panadol, cần phải lưu ý sử dụng đúng liều lượng cho từng độ tuổi khác nhau.

Liều lượng sử dụng Panadol

Đối với người lớn, liều lượng khuyến cáo là 500-1000 mg paracetamol mỗi lần sử dụng và dùng cách lần trong khoảng thời gian từ 4-6 giờ. Tuyệt đối không sử dụng quá 4000 mg paracetamol mỗi ngày để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Đối với trẻ em, liều lượng Panadol được khuyến cáo trong 1 lần sử dụng à 10 – 15 mg paracetamol/kg trọng lượng cơ thể. Trẻ dưới 10 tuổi chưa đủ cân nặng, không nên sử dụng Panadol nếu không có hướng dẫn từ bác sĩ. Trẻ em từ 10 – 12 tuổi chỉ nên dùng 1 viên/lần, không quá 4 viên trong 1 ngày. Lưu ý, trẻ không được sử dụng panadol đỏ vì có chứa caffeine.

*Trên đây là liều dùng mà người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp mà Bác sĩ có thể đưa ra liều dùng khác nhau. Do đó, trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của các Bác sĩ chuyên môn.

Liều dùng panadol đối với người lớn
Liều dùng đối với người lớn (Nguồn: Internet)

Cách dùng Panadol

Với Panadol dạng viên nén, bạn có thể nuốt nguyên viên thuốc với nước lọc. Với Panadol dạng viên sủi, bạn hãy pha cùng 200 – 300ml nước lọc, sau đó uống ngay khi thuốc hòa tan trong nước.

Lưu ý, phải uống thuốc sau khi ăn để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến dạ dày.

Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc panadol 

Dựa trên kết quả của các thử nghiệm lâm sàng, thuốc này có ít khả năng gây ra những tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số trường hợp xấu như:

  • Giảm tiểu cầu.
  • Phát ban, phù mạch.
  • Chóng mặt, đau đầu.
  • Táo bón.
  • Mất ngủ.
  • Bồn chồn, lo lắng.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Có thể gây co thắt phế quản.

Lưu ý: Danh sách trên không bao gồm đầy đủ tất cả các tác dụng phụ. Nếu bạn gặp bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc những người có chuyên môn.

Tác dụng phụ khi dùng panadol
Panadol có thể gây ra một số tác dụng phụ (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi sử dụng thuốc Panadol mà bạn nên biết 

  • Bạn cần lưu ý rằng, không nên sử dụng Panadol cho người bệnh bị Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
  • Không sử dụng kết hợp với bất kỳ loại thuốc nào khác có chứa paracetamol vì có thể làm vượt mức hàm lượng cho phép.
  • Trong tình huống quên mất liều paracetamol, khả năng giảm đau sẽ không được duy trì vì tác dụng của thuốc chỉ kéo dài trong khoảng 4-6 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, không có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng đáng lo ngại nếu quên liều.
  • Ngay sau khi phát hiện đã quên liều và vẫn còn cảm giác khó chịu, người bệnh nên sử dụng thuốc ngay lập tức.
Lưu ý khi sử dụng panadol
Lưu ý không dùng cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc (Nguồn: Internet)

Câu hỏi liên quan đến thuốc Panadol

Panadol đỏ và xanh khác nhau như thế nào?

Panadol xanh có thành phần chính là paracetamol, còn loại Extra (Panadol đỏ) ngoài paracetamol còn chứa caffeine, giúp tăng cường tác dụng giảm đau và đồng thời hỗ trợ tỉnh táo, tập trung khi mệt mỏi.

Dùng quá liều Panadol có nguy hiểm không?

Việc sử dụng quá liều Panadol rất nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng tổn thương gan nghiêm trọng. Nếu xuất hiện các triệu chứng sau, có thể bạn đã bị ngộ độc paracetamol:

  • Mệt mỏi, vã mồ hôi, mất tập trung.
  • Buồn nôn, đau bụng.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Tiêu chảy.
  • Hạ đường huyết.

Panadol có thể tương tác với những loại thuốc nào?

Panadol và các loại thuốc chứa paracetamol có thể tương tác với một số loại thuốc như Simvastatin, Clopidogrel, Levofloxacin, Naproxen, Diazepam, Aspirin, Amlodipine, Amoxicillin, Atorvastatin…

Làm sao để bảo quản Panadol?

Cách bảo quản thuốc Panadol như sau:

  • Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Không để thuốc ở nơi có nhiệt độ cao, ẩm ướt.
  • Để thuốc xa tầm tay trẻ em.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của Panadol. Để cập nhật các thông tin về sức khỏe mới nhất, bạn có thể theo dõi các Tin tức y tế. Liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.