Tin tức y tế

Giải đáp thắc mắc: Tim đập nhanh có nguy hiểm không?

28/11/2023

Tim đập nhanh với biểu hiện đặc trưng là nhịp tim tăng nhanh hơn bình thường và có thể kéo dài từ vài giây đến vài giờ. Triệu chứng này sẽ khiến không ít người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe tim mạch của bản thân. Cùng Hoàn Mỹ giải đáp thắc mắc “tim đập nhanh có nguy hiểm không?” qua bài viết sau.

>>> Xem thêm: 

Hiện tượng tim đập nhanh là gì?

Với người trưởng thành khỏe mạnh thì nhịp tim bình thường sẽ dao động trong khoảng 60 – 100 nhịp/ phút. Nếu đang ở trạng thái nghỉ mà nhịp tim cao hơn 100 lần mỗi phút thì được xem là hiện tượng tim đập nhanh. Tuy nhiên, khi một người hoạt động, tập luyện với cường độ cao hoặc đang trong tâm trạng phấn khích,… thì nhịp tim tăng lên lại là một hiện tượng tự nhiên và không liên quan đến bất cứ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào. 

Tim đập nhanh có thể là một hiện tượng bình thường tùy theo biến đổi thể chất, tâm trạng nhưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo về các bệnh lý như đột quỵ, suy tim,… Nhịp tim nhanh chỉ xảy ra ở 1 trong 2 nơi là ở tâm nhĩ (hai ngăn trên của tim) hoặc tâm thất (hai ngăn dưới của tim). 

Đối với nhịp nhanh nhĩ (cơn rung nhĩ), hoạt động của các tế bào cơ tim thường bị loạn nhịp. Tình trạng này không đe dọa đến tính mạng và để lại hệ quả khôn lường cho sức khỏe và dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao. Còn trong cơn rung thất, các buồng tim không thể co bóp do rối loạn hoạt động sinh lý, dẫn đến mất khả năng bơm máu cho tim. Nhịp nhanh thất sẽ khiến người bệnh đối diện với nguy cơ ngừng tim trong vòng vài phút và là nguyên nhân phổ biến gây đột tử do tim.

Nhịp tim nhanh là gì?
Ở trạng thái nghỉ mà nhịp tim cao hơn 100 lần mỗi phút thì được xem là hiện tượng tim đập nhanh (Nguồn: Internet)

Tim đập nhanh có gây nguy hiểm không?

Một số loại nhịp tim nhanh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Ví dụ, nhịp tim nhanh không được kiểm soát, làm huyết áp của người bệnh xuống thấp đến mức cơ thể không nhận đủ oxy nên dễ ngất xỉu. 

Tim đập nhanh cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nghiêm trọng như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim,… Trong một số trường hợp khác, nhịp tim nhanh lại là do tác dụng phụ của một số loại thức ăn, đồ uống hoặc thuốc điều trị. Do đó, để điều trị kịp thời và đảm bảo an toàn sức khỏe thì cần được chẩn đoán sớm nguyên nhân của nhịp tim nhanh ngay khi xuất hiện triệu chứng.

Triệu chứng của nhịp tim nhanh

Với mỗi người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau từ mức độ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh nhịp tim cao là:

  • Nhịp tim nhanh hơn 100 lần mỗi phút khi ở người trưởng thành đang trong trạng thái nghỉ ngơi.
  • Thường xuyên xuất hiện những cơn đau ngực, chóng mặt, khó thở, ngất xỉu,…

>>> Xem thêm: Huyết áp thấp là bao nhiêu? Có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa

Triệu chứng của nhịp tim nhanh
Nhịp tim cao sẽ khiến người bệnh thường xuyên xuất hiện những cơn đau thắt ngực (Nguồn: Internet)

Khi nào cần khám bác sĩ?

Thông thường cảm giác nhịp tim tăng nhanh sẽ chỉ xuất hiện thoáng qua và không thường xuyên. Nếu tình trạng này chỉ thỉnh thoảng xuất hiện và kéo dài khoảng vài giây do xúc động, phấn khích thì không cần thăm khám chuyên khoa. Tuy nhiên, nếu đã có tiền sử về tim mạch hoặc tình trạng tim đập nhanh xảy ra thường xuyên và ngày càng tệ hơn, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và thăm khám. 

Chẩn đoán nhịp tim đập nhanh

Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ cân nhắc làm các chỉ định xét nghiệm, chụp hình ảnh để tìm nguyên nhân cho hiện tượng nhịp tim tăng nhanh. Cụ thể: 

  • Đo điện tâm đồ (ECG): Giúp phát hiện nhịp tim đều hoặc không đều cũng như các hội chứng liên quan đến bệnh lý rối loạn nhịp đập. ECG có thể đo khi người bệnh ngủ nghỉ hoặc vận động. 
  • Holter điện tâm đồ: Hiện tượng tim đập nhanh có thể xuất hiện thoáng chốc và biến mất sau vài giây nên khi sử dụng ECG thì đôi khi không thể phát hiện bệnh ngay tại thời điểm đo. Do đó, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đeo 1 thiết bị theo dõi nhịp tim liên tục (gọi là holter ECG) từ 24 – 72 giờ. Máy sẽ ghi lại chi tiết dữ kiện về tốc độ nhịp đập, giúp phát hiện các cơn nhịp tim nhanh.
  • Siêu âm tim: Đây là cách chẩn đoán giúp cung cấp chi tiết về hình ảnh và các thông số chức năng co bóp của tim.
  • Kiểm tra cận lâm sàng: Tùy thuộc vào kết quả thăm khám và tiền sử bệnh lý của người bệnh, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết để đưa ra được chẩn đoán chuẩn xác nhất.
Chẩn đoán tim đập nhanh
Đeo máy holter ECG liên tục trong vòng 24 – 72 giờ sẽ giúp chúng ta chẩn đoán có mắc chứng tim đập nhanh hay không (Nguồn: Internet)

Biến chứng tim đập nhanh

Ngoại trừ bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch thì thông thường nhịp tim nhanh chỉ gây ra 1 vài biến chứng nhẹ như khó thở, chóng mặt, ngất xỉu,… Tuy nhiên, nếu đã từng có vấn đề về tim mạch thì người bệnh dễ gặp các biến chứng nặng như sau:

Ngừng tim

Đây là hiện tượng tim ngừng hoạt động đột ngột, khiến người bệnh không còn phản xạ, không thể thở bình thường và không có dấu hiệu tuần hoàn. Nếu không được cấp cứu nhanh chóng và kịp thời, ngừng tim sẽ dễ khiến chúng ta tử vong đột ngột. Ngưng tim do rối loạn nhịp tim hầu như không có dấu hiệu báo trước nên chỉ khoảng 10% bệnh nhân có cơ hội sống sót khi rơi vào tình trạng này và hầu hết trong đều bị suy yếu thần kinh.

Suy tim

Suy tim là một hội chứng rối loạn chức năng của tâm thất, khiến tim không thể hoạt động bình thường nên khó bơm đủ máu cho cơ thể. Các triệu chứng đều xuất phát từ cung lượng tim không đủ và không theo kịp nhu cầu trao đổi dinh dưỡng của cơ thể.

Suy tim cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và các bệnh lý liên quan đến vấn đề tim mạch. Tỷ lệ Suy tim trên thế giới ngày càng tăng và ước tính có hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim ở con người như hiện tượng tim đập nhanh, các bệnh tự miễn, một số dị tật di truyền,…

Đột quỵ

Đột quỵ do Thiếu máu cục bộ là hiện tượng khá phổ biến và chiếm gần 85% các ca đột quỵ cấp tính. Hiện tượng này xảy ra khi có sự gián đoạn trong quá trình lưu lượng máu đến một khu vực nhất định của não. Đột quỵ thiếu máu cục bộ được chia thành 4 loại chính, gồm: Bệnh mạch máu nhỏ, xơ vữa mạch máu lớn, đột quỵ do tắc mạch tim và đột quỵ không rõ nguyên nhân. Trong đó, đột quỵ do tắc mạch tim thường do cơn rung nhĩ, khiến hình thành cục máu đông và gây tắc mạch máu não. 

Đột quỵ
Đột quỵ thường khiến hình thành cục máu đông và gây tắc mạch máu não, có thể gây ngất xỉu (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi tim đập nhanh

Một số điều cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh có nhịp tim nhanh để giúp hồi phục sức khỏe một cách nhanh chóng:

  • Sốt: Nhịp tim nhanh liên quan đến nguyên nhân Sốt sẽ được điều trị bằng thuốc hạ sốt như ibuprofen, acetaminophen,… Nếu Sốt do nhiễm khuẩn, người bệnh cũng có thể dùng thêm kháng sinh nhưng phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Mất máu: Để điều trị mất máu, trước hết người bệnh sẽ được ổn định thể trạng bằng phương pháp truyền máu hoặc dịch truyền tĩnh mạch. Sau đó, bác sĩ sẽ tiếp tục xử trí nguyên nhân gây chảy máu.
  • Cường giáp: Nếu nguyên nhân tim đập nhanh do cường giáp thì người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ đưa ra như: điều trị nội khoa, phẫu thuật, iod phóng xạ, đốt sóng cao tần,…
  • Rối loạn nhịp tim: Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn như dùng thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, digitali hoặc amiodarone,… Một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân sẽ điều trị bằng phương pháp cắt đốt loạn nhịp hoặc điều trị bằng sốc điện.
  • Bệnh phổi: Nếu nhịp tim nhanh do các cục máu đông trong phổi gây ra, phương pháp điều trị thường là dùng thuốc làm tan và ngăn hình thành thêm cục máu đông. Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng thuốc để điều trị bệnh.

Phòng ngừa tim đập nhanh

Việc phòng ngừa nhịp tim cao có thể phụ thuộc vào việc điều trị các nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, nếu một người bị cường giáp, khiến nhịp tim nhanh hơn bình thường thì cần ưu tiên việc điều trị bệnh tuyến giáp.

Bên cạnh đó, một số biện pháp như thay đổi tích cực trong lối sống, ăn uống và sinh hoạt hằng ngày cũng giúp phòng bệnh hiệu quả, cụ thể:

  • Không lạm dụng thức uống caffeine và thức uống có cồn như cà phê, rượu bia,…
  • Bỏ hút thuốc.
  • Thường xuyên tập luyện với cường độ vừa phải hoặc lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng của bản thân.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn cay nóng, dầu mỡ, uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh,…
  • Điều tiết tâm trạng, nghỉ ngơi hợp lý để kiểm soát stress.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.

>>> Xem thêm: Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không? Phương pháp điều trị?

Phòng ngừa bệnh tim đập nhanh
Duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống hợp lý và luyện tập với cường độ phù hợp sẽ giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ các thông tin liên quan đến hiện tượng tim đập nhanh và cách điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Trong trường hợp đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng tình trạng nhịp tim cao vẫn không thể cải thiện, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tim mạch để được điều trị kịp thời. Để đặt lịch khám về bệnh lý nhịp tim nhanh tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, quý khách vui lòng liên hệ  HOTLINE hoặc click TẠI ĐÂY. Ngoài ra, nếu muốn cập nhật thêm nhiều kiến thức phòng ngừa bệnh lý thì hãy truy cập vào chuyên mục Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.