Tin tức y tế

Huyết áp thấp là bao nhiêu? Có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa

20/09/2023

Mọi người vẫn thường lo lắng, quan tâm nhiều đến bệnh Huyết áp cao mà chưa có nhận thức sâu sắc về sự nguy hiểm của căn bệnh huyết áp thấp. Đây là bệnh lý gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chúng ta không kịp thời xử lý hay điều trị. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa về căn bệnh này nhé. 

>>> Xem thêm: Nhịp tim bình thường là bao nhiêu? Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim

Bệnh Huyết áp thấp là gì?

Khi tim co bóp sẽ đẩy dòng máu đến là các động mạch và huyết áp bị thấp là khi áp lực của dòng máu bị giảm xuống thấp hơn mức quy định. Huyết áp ở người khỏe mạnh dao động khoảng 120/80 mmHg. Còn chỉ số huyết áp thấp sẽ là bao nhiêu? Khi huyết áp tâm thu < 90 mmHG và hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHG thì được xem là huyết áp bị thấp. 

Không chỉ Huyết áp cao mới gây bệnh nhồi máu não hay tai biến mạch máu mà huyết áp bị thấp cũng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm này. Ngoài ra bệnh còn có thể làm tăng khả năng mất trí nhớ, suy giảm chức năng thần kinh, gây choáng váng. Về cơ bản, bệnh lý này được chia làm 2 loại:

  • Huyết áp sinh lý: là do yếu tố di truyền
  • Huyết áp bệnh lý: là do sự suy giảm chức năng của tim, thận, tuyến giáp hoặc thể thần kinh thực vật không tự kiểm soát được. 
Huyết áp bị thấp có chỉ số dưới 90/60 mmHG
Huyết áp bị thấp có chỉ số dưới 90/60 mmHG (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân huyết áp thấp

Bệnh giảm huyết áp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến là:

  • Bệnh về tim mạch như rối loạn nhịp tim, Suy tim hở van tim… vì lúc này chức năng hoạt động tim kém, không đủ áp lực đẩy máu đến các bộ phận trên cơ thể dễ dẫn đến huyết áp bị giảm.
  • Chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt; phụ nữ sau sinh, có kinh nguyệt kéo dài; người mới ốm dậy hay sau phẫu thuật,… là những đối tượng trong tình trạng thiếu máu, thiếu hồng huyết cầu nên dễ làm giảm huyết áp. 
  • Mất nước do tiêu chảy, bị nôn nhiều cũng có thể khiến huyết áp giảm. 
  • Tác dụng phụ một số thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu… 
  • Ngoài ra cũng có thể do một số nguyên nhân khác như: uống rượu bia nhiều, thay đổi tư thế đột ngột, phụ nữ mang thai, người ăn kém… 
Các bệnh về tim mạch là nguyên nhân làm giảm huyết áp
Các bệnh về tim mạch là nguyên nhân làm giảm huyết áp (Nguồn: Internet)

Triệu chứng nhận biết huyết áp thấp 

Tình trạng giảm huyết áp sẽ có các biểu hiện khác nhau tùy vào thể trạng mỗi người. Hầu hết sẽ có các triệu chứng sau đây: 

  • Đau đầu, chóng mắt, hoa mắt, choáng váng: Do máu không kịp bơm lên não, các tế bào thần kinh bị thiếu dưỡng chất, một số trường hợp nặng còn có thể gây ngất xỉu.
  • Đau đầu nhiều hoặc mê sảng: Não hoạt động nhiều hơn vì không nhận được oxy và máu đầy đủ nên làm các cơn đau đầu tăng lên dữ dội. 
  • Giảm tập trung, giảm trí nhớ, mờ mắt: Giảm huyết áp dẫn đến giảm lượng máu và lượng oxy đến tế bào thần kinh từ đó ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ gây nên tình trạng không tập trung, dễ quên, trí nhớ sa sút.
  • Da tái xanh, tay chân lạnh, môi tím tái: Nguyên nhân là cơ thể không duy trì việc tưới máu và cung cấp oxy kịp thời đến cơ quan gây giảm thân nhiệt.  
  • Nhịp tim nhanh, thở nông: Huyết áp giảm khiến tim và phổi phải tăng cường hoạt động để tạo oxy, bơm máu nên làm cho tim đập nhanh, thở gấp, tức ngực, hụt hơi. 
  • Mệt mỏi: Cơ thể có cảm giác thiếu năng lượng, chân tay tê, yếu sức. Tình trạng này có thể cải thiện bằng việc nghỉ ngơi, ngủ đủ tuy nhiên sẽ thường xuyên bị lặp lại như thế.
  • Một số triệu chứng khác như: buồn nôn, cảm giác hay khát, rối loạn giấc ngủ, tâm trạng uể oải dễ dẫn đến trầm cảm…  

Đối tượng dễ mắc huyết áp thấp

Những người dễ bị giảm huyết áp có thể kể đến như:

  • Phụ nữ có thai: Đây là bệnh lý bình thường đối phụ nữ mang thai nên bạn không cần quá lo lắng, chỉ số huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sinh em bé. 
  • Người mắc các bệnh tim mạch: Chức năng tim mạch bị suy yếu nên khả năng bơm máu đến các cơ quan cơ thể cũng bị giảm dẫn đến huyết áp giảm.
  • Người mắc bệnh nội tiết: Các rối loạn ở tuyến giáp, bị suy thượng thận, bệnh tiểu đường… đều có thể gây ra biến chứng là giảm huyết áp. 
  • Người bị mất máu, thiếu sắt: Các tế bào hồng huyết cầu không được tái tạo kịp thời, lượng máu ít cũng dẫn đến tụt huyết áp. 
  • Người bị mất nước: Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng hoặc tập luyện thể lực quá mức, làm việc ngoài trời nắng nóng nhiều mà không bổ sung nước đầy đủ.
  • Người trong tình trạng bị nhiễm trùng nặng: Vi khuẩn ở khu vực bị nhiễm trùng sẽ đi màu máu gây nhiễm trùng máu và làm giảm huyết áp. 
  • Người sử dụng thuốc có tác dụng phụ: thuốc lợi tiểu, thuốc Viagra, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị bệnh Parkinson,… có tác dụng phụ gây huyết áp thấp.  
  • Ngoài ra người sử dụng nhiều rượu bia, làm việc trong môi trường áp lực căng thẳng… 
Người thiếu máu, thiếu sắt dễ bị giảm huyết áp
Người thiếu máu, thiếu sắt dễ bị giảm huyết áp (Nguồn: Internet)

Huyết áp tụt đột ngột nên làm gì?

Huyết áp giảm đột ngột nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm sức khỏe vì vậy bạn cần nắm vững một số biện pháp cải thiện tình trạng này, cụ thể:

  • Ngừng ngay mọi hoạt động đang làm, cho người bệnh từ từ nằm xuống mặt phẳng chắc chắn. Tư thế chân cần kê cao trên gối để giúp tăng cường tuần hoàn máu. Nơi nằm nghỉ cần yên tĩnh, thoáng đãng, tránh môi trường quá nóng hay quá lạnh. 
  • Sau đó người bệnh cần được bổ sung nước bằng nước điện giải nếu không có thể uống nhiều nước lọc hoặc một ly nước pha ít muối hay đường. 
  • Dùng tay massage huyệt thái dương.
  • Khi triệu chứng đã giảm thì cũng không nên đột ngột ngồi dậy vì có thể sẽ bị tụt huyết áp trở lại thay vào đó hãy từ từ thay đổi tư thế. 
  • Nếu áp dụng những biện pháp này mà tình hình không cải thiện hoặc trở nên trầm trọng hơn như lú lẫn, đau đầu dữ dội, buồn nôn… hoặc trường hợp tụt huyết áp kèm chấn thương thì cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. 
Nằm nghỉ và uống nhiều nước khi bị tụt huyết áp đột ngột
Nằm nghỉ và uống nhiều nước khi bị tụt huyết áp đột ngột (Nguồn: Internet)

Cách phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa bệnh huyết áp thấp, bạn cần tuân thủ chế độ sinh hoạt và chế độ ăn uống phù hợp như sau:

Cân bằng chế độ sinh hoạt

  • Ngủ đủ giấc đều này không có nghĩa là bạn thức khuya và dậy trễ mà nên rèn luyện thói quen ngủ sớm, dậy sớm. 
  • Tránh việc thay đổi tư thế đột ngột như ngồi bật dậy khi đang nằm. 
  • Không lao động, mang vác đồ vật nặng quá sức.
  • Luyện tập thể dụng thể thao đều đặn, cường độ nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng của mình. 
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ tránh các kích động mạnh gây tụt huyết áp.
  • Sử dụng máy đo huyết áp tại nhà để có thể thường xuyên kiểm tra, theo dõi chỉ số huyết áp của mình. 
Tập luyện thể dục vừa sức, giữ tinh thần vui vẻ và lạc quan là cách phòng ngừa huyết áp giảm
Tập luyện thể dục vừa sức, giữ tinh thần vui vẻ và lạc quan là cách phòng ngừa huyết áp giảm (Nguồn: Internet)

Thay đổi chế độ ăn uống

Một cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ đủ khỏe mạnh để chống lại bệnh tật. Do đó hãy xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều dưỡng chất, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Cụ thể như:

  • Ăn thịt, cá, trứng, sữa để bổ sung protein giúp cơ thể tăng năng lượng. Đừng quên kèm theo rau xanh, trái cây nhé. Nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.
  • Nước chiếm đến 70% trọng lượng cơ thể, nó sẽ giúp máu huyết lưu thông trơn tru hơn vì thế đừng để cơ thể bị thiếu nước.
  • Đối với người huyết áp thấp nên có chế độ ăn mặn hơn bình thường, khuyến nghị khoảng 10-15g muối/ngày.
  • Hạn chế tối đa việc uống rượu bia, đồ uống có cồn. Thay vào đó hãy bổ sung các thức uống giúp tăng huyết áp như: trà gừng, trà sâm, cà phê.
  • Không sử dụng các thức uống thức ăn lợi tiểu như: râu ngô, dưa hấu, bí ngô….
Thức ăn nên chứa lượng muối nhiều hơn bình thường cho người huyết áp bị thấp
Thức ăn nên chứa lượng muối nhiều hơn bình thường cho người huyết áp bị thấp (Nguồn: Internet)

Câu hỏi thường gặp:

Huyết áp 90/60 có thấp không?

Theo Bộ Y Tế huyết áp từ 90/60 mmHG đến 130/80 mmHG được xem là bình thường. Từ 90/60 mmHG trở xuống là Huyết áp thấp vì vậy huyết áp bạn ở chỉ số này là ngưỡng bắt đầu dấu hiệu huyết áp bị thấp. Do đó bạn cần theo dõi thường xuyên cũng như áp dụng các biện pháp nêu trên để nâng huyết áp lên. 

Tụt huyết áp uống gì?

Khi cơ thể trong tình trạng tụt huyết áp đột ngột, bạn hãy cho người bệnh uống ngay nước điện giải (nếu có), nước chanh, nước pha ít muối hoặc đường, trà gừng, trà đặc, cà phê hoặc đơn giản chỉ cần uống nhiều nước lọc là được. Những thức uống này sẽ giúp cải thiện triệu chứng của tình trạng giảm huyết áp.
Một số món ăn trị huyết áp thấp
Để cải thiện tình trạng huyết áp bị thấp, bạn nên lựa chọn các món ăn như: 
Thực phẩm chứa caffein (nước trà đặc, cà phê, chocolate)
Thức ăn chứa muối
Thực phẩm chứa nhiều folate (đậu, măng tây, rau xanh, trứng, gan)
Thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 (thịt, cá, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa)
 Hạt hạnh nhân, cam thảm, húng quế, nho khô. 

Nhìn chung huyết áp thấp không quá nguy hiểm nếu người bệnh thường xuyên kiểm tra huyết áp, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt cho phù hợp. Để cập nhật về kiến thức và mẹo hay về chăm sóc sức khỏe hãy truy cập chuyên mục tin tức y tế nhé. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần sự tư vấn chuyên khoa đừng ngừng ngại liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch hẹn TẠI ĐÂY, các bạn sẽ được đội ngũ nhân viên, bác sĩ của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc hỗ trợ tận tình. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.