Tin tức y tế

Huyết áp bình thường theo từng độ tuổi là bao nhiêu?

20/09/2023

Chỉ số huyết áp bình thường ở từng người cần được theo dõi chặt chẽ và thường xuyên để kịp thời phát hiện ra tình trạng bất thường trong cơ thể. Đặc biệt, tuổi càng lớn thì chỉ số huyết áp sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Bài viết hôm nay chia sẻ về những vấn đề xoay quanh huyết áp và chỉ số huyết áp theo tuổi. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu kỹ càng hơn ngay dưới đây.

>>> Xem thêm: Nhịp tim bình thường là bao nhiêu? Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim

Huyết áp là gì? 

Huyết áp (hay còn được gọi là áp lực máu) là áp lực mà máu tác động lên thành mạch khi được bơm từ tim và lưu thông qua hệ thống mạch máu trong cơ thể. Huyết áp được đo bằng hai giá trị đó là huyết áp tâm thu (huyết áp cao nhất trong chu kỳ tim) và huyết áp tâm trương (huyết áp thấp nhất trong chu kỳ tim). 

Huyết áp bình thường có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự lưu thông chất lỏng và dưỡng chất trong cơ thể. Tuy nhiên, Huyết áp cao hoặc Huyết áp thấp là hai trạng thái cần lưu ý vì có thể gây ra những nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Huyết áp cao (còn gọi là tăng huyết áp) khiến các bệnh lý như bệnh tim mạch, đột quỵ và suy thận xuất hiện. Ngược lại, huyết áp thấp (còn gọi là hạ huyết áp) có thể làm người bệnh cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, dẫn đến Thiếu máu lên não.

Huyết áp là áp lực máu lên thành mạch
Huyết áp là áp lực máu lên thành mạch (Nguồn: Internet)

Chỉ số huyết áp bình thường, thấp và cao theo Tổ chức Y tế Thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) chịu trách nhiệm xây dựng và thúc đẩy các chính sách và chương trình y tế, quy định tiêu chuẩn y tế quốc tế, cung cấp thông tin và hướng dẫn về các vấn đề y tế quan trọng. Ngoài ra, tổ chức này cũng làm việc với các đối tác và tổ chức y tế quốc tế khác để đạt được mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe và chăm sóc y tế cho toàn bộ dân số thế giới.

Chỉ số huyết áp bình thường của WHO được xác định dựa trên nghiên cứu và dữ liệu y tế từ nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Đây chính là là mức huyết áp lý tưởng để các cơ quan và tổ chức y tế có thể sử dụng làm tiêu chuẩn để đánh giá và giám sát sức khỏe tim mạch của cá nhân và cộng đồng.

Chỉ số huyết áp bình thường 

Chỉ số huyết áp ở trạng thái bình thường được chia thành các phạm vi giá trị như sau:

  • Huyết áp tâm thu (huyết áp cao nhất trong chu kỳ tim): Từ 90 mmHg – 129 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương (huyết áp thấp nhất trong chu kỳ tim): Từ 60 mmHg – 84 mmHg.

Chỉ số huyết áp thấp

  • Chỉ số Huyết áp thấp (hạ huyết áp) thường được xác định khi huyết áp tâm trương và/hoặc huyết áp tâm thu có giá trị dưới mức bình thường. Huyết áp thấp là bao nhiêu? Dựa trên dữ liệu của WHO, Huyết áp thấp được xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg. 
  • Hạ huyết áp có thể liên quan đến các vấn đề về hệ thần kinh, bao gồm rối loạn tự động thần kinh, bệnh Parkinson,… hoặc bệnh lý tim mạch. Vì vậy, đánh giá Huyết áp thấp là một bước quan trọng trong quá trình chẩn đoán, điều trị và quản lý các vấn đề liên quan đến huyết áp.

Chỉ số huyết áp cao 

  • Chỉ số Huyết áp cao (cao huyết áp) thường được xác định khi huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương có giá trị cao hơn mức bình thường. Dựa vào phân độ tăng huyết áp của Hội tim mạch và huyết áp Châu âu (ESC/ESH) năm 2018, trạng thái cao huyết áp sẽ được chia thành các loại như sau:
    • Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm trương < 80 mmHg và huyết áp tâm thu < 120 mmHg. 
    • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm trương 80 mmHg – 84 mmHg và huyết áp tâm thu 120 mmHg – 129 mmHg. 
    • Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm trương 85 mmHg – 89 mmHg và huyết áp tâm thu 130 mmHg – 139 mmHg.
    • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm trương 90 mmHg – 99 mmHg và huyết áp tâm thu 140 mmHg – 159 mmHg.
    • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm trương 100 mmHg – 109 mmHg và huyết áp tâm thu 160 mmHg – 179 mmHg.
    • Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg. 
    • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm trương < 90 mmHg và huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg. 
  • Tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, Suy tim và suy thận. Sự gia tăng các vấn đề tim mạch liên quan đến tăng huyết áp là một vấn đề quan trọng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do đó, việc tăng cường kiểm soát và quản lý tăng huyết áp là rất quan trọng để giảm nguy cơ và tác động của bệnh lên sức khỏe cộng đồng. 
Huyết áp cao gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng
Huyết áp cao gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng (Nguồn: Internet)

Chỉ số huyết áp chuẩn theo từng độ tuổi

Chỉ số huyết áp theo độ tuổi thường được sử dụng để phân loại mức độ tăng huyết áp dựa trên độ tuổi của người được đo. Tuy nhiên, không có một chỉ số huyết áp cụ thể cho từng độ tuổi mà thay vào đó, các chuyên gia sẽ sử dụng phạm vi giá trị huyết áp được coi là bình thường cho từng nhóm tuổi.

Việc theo dõi chỉ số huyết áp theo độ tuổi giúp định rõ xem một người có mức huyết áp nằm trong phạm vi bình thường hay bất thường. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp xác định rõ hơn liệu một người có yếu tố nguy cơ cao về tăng huyết áp hay không. Điều này đóng vai trò quan trọng để đưa ra các quyết định về chẩn đoán, điều trị và quản lý tăng huyết áp trên lâm sàng. Dưới đây là bảng chỉ số huyết áp theo độ tuổi có tính chất tham khảo:

Độ tuổiChỉ số huyết áp
Trẻ em từ 1 – 5 tuổiTối đa 110/80 mmHg, trung bình 80/50 mmHg
Trẻ em từ 6 – 13 tuổiTối đa 120/80 mmHg, trung bình 85/55 mmHg
Trẻ em từ  13 – 15 tuổiTối đa 104/70 mmHg, trung bình 95/60 mmHg
Thanh thiếu niên từ 15 – 19 tuổiTối đa 120/81 mmHg, trung bình 117/77 mmHg
Người lớn từ 20 – 24 tuổiHuyết áp bình thường nằm trong ngưỡng từ 108/75 mmHg đến 120/79 mmHg, tối đa không quá 132/83 mmHg
Người lớn từ 25 – 29 tuổiMức huyết áp được đánh giá an toàn từ 109/76 mmHg cho đến 121/80 mmHg và không được vượt quá 133/84 mmHg
Người lớn từ 30 – 34 tuổiNgưỡng an toàn từ 110/77mmHg đến 134/85 mmHg
Người lớn từ 35 – 39 tuổiBình thường nằm trong mức 111/78 – 135/86 mmHg
Người lớn từ 40 – 44 tuổiBình thường nằm trong mức 125/83 mmHg
Người lớn từ 45 – 59 tuổiTối đa 139/88 mmHg và trung bình là 115/80 mmHg
Người lớn trên 60 tuổiTrung bình là 134/87 mmHg

Lời khuyên cho người cao huyết áp

Nguy cơ cao huyết áp tăng theo tuổi tác. Một phần nguyên nhân là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, sự đàn của  mạch máu giảm dần và tăng cường xơ cứng động mạch. Cao huyết áp nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách, có thể gây ra nhiều tác hại và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho những người có Huyết áp cao tham khảo và áp dụng:

  • Giảm ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối như thức ăn nhanh, đồ hộp,…
  • Tăng cường việc ăn các loại thực phẩm giàu kali, bao gồm chuối, cam, khoai lang, cà chua, đậu hà lan, cải xoong,…
  • Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tập yoga.
  • Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm và duy trì thói quen ngủ điều độ.
  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống có nồng độ caffeine cao như cà phê và nước ngọt có ga.
  • Tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn chứa Cholesterol cao như đồ chiên, thịt đỏ, trứng.
  • Giảm cân khoa học có thể giúp giảm áp lực lên hệ thống tim mạch và giúp kiểm soát huyết áp.
  • Quản lý thời gian và ưu tiên công việc để giảm áp lực và căng thẳng hàng ngày.
  • Thực hiện các cuộc kiểm tra y tế định kỳ để theo dõi mức độ huyết áp và sức khỏe chung.
  • Tuân thủ lời khuyên, uống thuốc theo đơn của bác sĩ và thảo luận với họ về bất kỳ thay đổi nào của tình trạng sức khỏe.
Tập thể dục giúp cải thiện tình trạng cao huyết áp
Tập thể dục giúp cải thiện tình trạng cao huyết áp (Nguồn: Internet)

Khi nào cần gặp bác sĩ? 

Cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim và đột quỵ. Để tránh những tác hại nghiêm trọng từ bệnh lý này, việc điều trị và kiểm soát áp lực máu một cách hiệu quả thông qua sự hợp tác với bác sĩ là rất cần thiết. Trong một số trường hợp, nếu đã áp dụng nhiều cách như vẫn thấy huyết áp gia tăng thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời, cụ thể như sau:

  • Có các triệu chứng liên quan đến huyết áp cao, như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khó thở, hoặc nhức mỏi ngực.
  • Phụ nữ mang thai và có áp lực máu cao hoặc có các triệu chứng như đau đầu, thay đổi thị lực, hoặc sưng tăng đột ngột.
  • Được chẩn đoán mắc cao huyết áp và muốn theo dõi tình trạng sức khỏe hoặc điều chỉnh liều thuốc thì nên đặt cuộc hẹn với bác sĩ để kiểm tra định kỳ.
  • Nguy cơ cao gây ra cao huyết áp, như tiền sử gia đình có bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh thận.

Câu hỏi thường gặp

Huyết áp 110/80 là cao hay thấp? 

Huyết áp 110/80 được coi là mức huyết áp bình thường hoặc trong khoảng bình thường. Đây là một mức huyết áp khá lý tưởng và được xem là mục tiêu cho sức khỏe tim mạch. Điều này cũng cho thấy hệ thống tuần hoàn đang hoạt động một cách hiệu quả và không có sự căng thẳng quá mức trên mạch máu.
Huyết áp 110/80 là trị số huyết áp bình thường

Huyết áp 140/100 có cao hay không?

Theo các hướng dẫn về chỉ số huyết áp, một mức huyết áp ở mức 140/90 mmHg hoặc cao hơn được chẩn đoán là huyết áp cao. Trong trường hợp này, nếu gặp các triệu chứng nguy hiểm như đau ngực cấp tính, khó thở nặng, mất thị lực,…hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, vì đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng khẩn cấp.

Trên đây là tổng hợp một số thông tin quan trọng liên quan đến huyết áp bình thường và chỉ số huyết áp theo độ tuổi. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khỏe để duy trì mức huyết áp ổn định và bình thường. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.