Tin tức y tế

Xã hội hóa y tế tại TPHCM – Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyên sâu

12/03/2008

Thành công với nhiều mô hình xã hội hóa

– Báo cáo với đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: Nguồn ngân sách nhà nước chi cho y tế tại TPHCM trong năm 2006 là 1.020 tỷ đồng (chiếm 5,6% ngân sách và chiếm khoảng 14,25% chi thường xuyên); năm 2007 là 1.148 tỷ đồng (chiếm 5,74 nguồn ngân sách và 13,72% chi thường xuyên).

Mức chi cho thấy TP đã rất quan tâm đến đầu tư, phát triển y tế nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện XHH để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho y tế là vô cùng cần thiết.
– Theo BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhờ XHH, công tác y tế tại TP đang ngày càng có những chuyển biến tốt. Đến nay đã chuyển đổi 36 đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Với cơ chế quản lý này, các đơn vị đã tổ chức rất thành công việc đa dạng hóa các loại hình XHH như: mô hình khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính; mô hình giường dịch vụ; mô hình sinh, phẫu thuật theo yêu cầu; huy động vốn cán bộ công chức trong đơn vị để đầu tư trang thiết bị hoặc liên doanh liên kết đặt máy, đầu tư thêm các phương tiện, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh.
– Song song với việc áp dụng các mô hình XHH hiệu quả tại các đơn vị công lập, hệ thống y tế ngoài công lập của TP cũng phát triển mạnh với 12.467 cơ sở y tế hành nghề ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 1/3 so với cả nước, trong đó có 22 bệnh viện tư trong nước và 4 bệnh viện có vốn nước ngoài… Tổng số vốn đầu tư của các cơ sở y tế tư nhân không tính giá trị nhà đất khoảng 1.770 tỷ đồng.

– Ngoài ra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân còn được vay vốn từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP với số vốn vay 957 tỷ đồng. Chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến quận huyện cũng được nâng cao, tạo được sự tin tưởng của người dân, giảm tải rất nhiều cho tuyến trên…

Tính thêm bài toán nguồn nhân lực


Bên cạnh những thuận lợi, tình trạng quá tải tại ở một số bệnh viện chuyên khoa vẫn là vấn đề bức xúc của TP. Ngoài ra, bài toán nguồn nhân lực hiện cũng là vấn đề lớn của ngành. Theo BS Nguyễn Văn Châu, hiện nay số lượng bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân trong nước và nước ngoài đang ngày càng phát triển, tồn tại song song với hệ thống bệnh viện công trên địa bàn đã thu hút một số lượng lớn y bác sĩ.

– Trong khi đó, số lượng đào tạo hàng năm từ các trường có hạn, số bác sĩ có tay nghề ở các bệnh viện công dễ bị thu hút sang đơn vị y tế tư nhân vì thu nhập quá cao. Các bệnh viện tuyến trên đã trong tình trạng thiếu nhân lực, nhưng tuyến y tế quận huyện, phường xã – vốn được xem là giải pháp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên – còn thiếu hơn nhiều. Một dẫn chứng khá sinh động từ khảo sát mới đây của GS Trần Đông A tại Cần Giờ cho thấy: Cả một bệnh viện huyện chỉ có duy nhất một bác sĩ biết mổ, nhưng lại không có BS gây mê. Theo BS Nguyễn Văn Châu, hiện có 53 trạm y tế phường xã không có bác sĩ; số bác sĩ trên các trạm y tế phường xã hiện chỉ đạt 269/322.
– Góp ý về vấn đề tính bài toán giảm tải và nguồn nhân lực, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng: Ngành y tế TP cần tính toán sớm chương trình bác sĩ gia đình và thực hiện chuyển đổi luân lưu bác sĩ từ các bệnh viện tuyến trên về xã; tăng thêm trợ cấp cho bác sĩ làm việc ở trạm y tế xã.
– Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những kết quả TPHCM đạt được về việc XHH công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và khẳng định: TPHCM sẽ là một trong những điển hình được báo cáo trước Quốc hội. Bà cũng cho rằng, việc nâng cao vai trò tuyến y tế quận huyện, phường xã là vô cùng cần thiết và TPHCM nên chọn mô hình làm điểm cho cả nước bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ ở các cơ sở y tế chuyên sâu. Theo bà, làm sao để tiến tới y tế sẽ là một khâu quan trọng trong mảng dịch vụ chất lượng cao.

KIM LIÊN
Theo SGGP

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.