Tin tức y tế

Stress là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

08/11/2023

Stress khiến thần kinh của người bệnh luôn lâm vào trạng thái căng thẳng, lo âu và mệt mỏi. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày, thậm chí là sức khỏe của người bệnh. Vậy stress là gì? Nguyên nhân do đâu và cách điều trị thế nào? Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu ngay.

>>> Xem thêm:

Stress là gì?

Stress là trạng thái thần kinh căng thẳng, bất ổn do nhiều yếu tố tác động bao gồm vật lý và hóa học. Đây cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đang cố gắng thích nghi với sự thay đổi hay áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong. Khi gặp tác nhân gây stress, cơ thể sẽ tự tiết ra nhiều hormone giúp cung cấp năng lượng mạnh mẽ cho các cơ quan, khiến cho nhịp thở nhanh hơn và nhịp tim tăng lên.

Stress có thể đem lại những biểu hiện tích cực, kích thích sự tập trung trong công việc và học tập. Tuy nhiên, nếu stress quá độ, kéo dài liên tục sẽ dẫn tới các bất ổn về sức khỏe, tâm lý và hành vi, chẳng hạn như mệt mỏi, chán ăn, buồn phiền, rối loạn lo âu, mất ngủ,… Thậm chí có thể gây ra bệnh trầm cảm, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và các mối quan hệ xung quanh.

Dưới đây là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải stress:

  • Người cơ thể yếu: Suy dinh dưỡng, người tiêu hóa kém, thường xuyên đau ốm,..
  • Người sống và làm việc trong môi trường không lành mạnh,
  • Công việc quá tải.
  • Người thiếu tự tin, sống khép kín và có ít mối quan hệ xã hội.
  • Ảnh hưởng stress từ những người xung quanh như bạn bè, anh chị, họ hàng,…

>>> Xem thêm: Đau nửa đầu bên trái do đâu? Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Stress là gì?
Stress là gì? (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra stress

Nguyên nhân gây ra stress là gì? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới stress nhưng thường chủ yếu là do yếu tố bên trong và bên ngoài, cụ thể:

Yếu tố từ bên trong

  • Sức khỏe: Những người có tình trạng sức khỏe không tốt như thường xuyên ốm đau, suy dinh dưỡng, kén ăn hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo khó chữa,…
  • Tâm lý: Thường xuyên suy nghĩ về những điều tiêu cực, thường xuyên mất ngủ và sử dụng chất kích thích, tự tạo áp lực cho bản thân bằng những mục tiêu hay kỳ vọng không thực tế,…

>>> Xem thêm: Viêm màng não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & cách điều trị

Người thường xuyên ốm đau dễ mắc nguy cơ stress cao
Người thường xuyên ốm đau dễ mắc nguy cơ stress cao (Nguồn: Internet)

Yếu tố bên ngoài

  • Sống và sinh hoạt trong môi trường quá nhiều tiếng ồn.
  • Sự thay đổi của thời tiết và môi trường: Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm khói bụi,…
  • Quan hệ gia đình: Bất hòa và thường xuyên cãi vã với bố mẹ, người thân trong gia đình, sự ra đi đột ngột của bạn bè, ông bà,…
  • Xã hội: Công việc quá tải, xung đột với người xung quanh, bệnh thành tích học tập, gặp khó khăn về tài chính,…

Dấu hiệu của stress

Dấu hiệu của stress được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thể chất, tinh thần, hành vi hoặc cảm xúc.

Biểu hiện thể chất

Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, buồn nôn, tim đập nhanh, đau tức ngực khó thở,…

Biểu hiện tinh thần

Thường xuyên cảm thấy buồn bã, không vui vẻ, trí nhớ sa sút, thiếu tập trung trong công việc và học tập, thiếu quyết đoán,…

Biểu hiện hành vi

Khóc lóc hoặc ăn uống thất thường, có những hành vi tự phát làm hại bản thân hoặc người khác, hút thuốc, nghiện ngập và sử dụng chất kích thích,…

Biểu hiện cảm xúc

Thường xuyên cảm thấy căng thẳng, lo âu, sợ hãi, bồn chồn, thất vọng, dễ nóng giận,…

>>> Xem thêm: Đau đầu: Nguyên nhân & Cách điều trị

Bệnh nhân sẽ dễ cảm thấy buồn phiền, lo âu, sợ hãi
Bệnh nhân sẽ dễ cảm thấy buồn phiền, lo âu, sợ hãi (Nguồn: Internet)

Cách điều trị stress

Stress nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe như rối loạn thần kinh, các bệnh tim mạch, trầm cảm,… Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài cũng khiến cho tâm sinh lý giảm sút và cơ thể dần suy yếu nên dễ mắc những bệnh truyền nhiễm hơn. Dưới đây là phương pháp để phòng ngừa và điều trị stress hiệu quả mà người bệnh nên áp dụng:

  • Rèn luyện sức khỏe: Luyện tập thể dục thể thao đều đặn như chạy bộ, đạp xe, tập yoga, tập thiền,…
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung đầy đủ nhóm chất, đặc biệt là vitamin, không bỏ bữa, hạn chế dùng thức ăn nhanh hoặc chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,… Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày cần hạn chế đồ cay nóng và giàu chất béo bởi chúng là những tác nhân khiến cho stress nặng hơn.
  • Sinh hoạt lành mạnh: Người bị stress cần được nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ, tránh thức khuya,… Vì những điều này sẽ khiến cho cơ thể đỡ mệt mỏi, buồn phiền, não bộ được nghỉ ngơi đầy đủ nên đủ sức hồi phục. 
  • Kiểm soát cảm xúc: Giúp cho cơ thể thư giãn về đầu óc lẫn thể chất bằng cách nghe nhạc, đọc sách, nấu ăn, massage, trồng cây,…
  • Thiết lập nhiều mối quan hệ tích cực, lành mạnh: Duy trì đời sống tinh thần phong phú bằng cách xây dựng nhiều mối quan hệ xã hội và tham gia vào các hoạt động cộng đồng,… Từ đó dần chấp nhận và làm chủ cảm xúc của bản thân, đề ra mục tiêu để theo đuổi và dành thời gian tận hưởng cuộc sống.
  • Tìm cách vượt qua khó khăn: Khi đứng trước áp lực, thử thách trong cuộc sống hoặc công việc, hãy cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề thật tốt. Đồng thời, không nên chìm đắm vào cảm xúc tiêu cực mà hãy giữ niềm tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, Khi học được cách chấp nhận tức là đã đủ dũng khí đối mặt và vượt qua stress. Một gợi ý để đạt được mục tiêu này là hãy tự thưởng cho bản thân sau những giờ làm việc căng thẳng hoặc học tập mệt mỏi bằng những chuyến du lịch, tụ tập vui chơi và ăn uống với bạn bè,…
  • Sử dụng thuốc: Với bệnh nhân stress lâu ngày, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thay đổi cách sinh hoạt, môi trường sống và có thể sẽ kèm theo một số loại thuốc hỗ trợ điều trị. 
Cách điều trị stress
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, giúp cho cơ thể khỏe mạnh là một cách giúp bạn phòng ngừa stress hiệu quả (Nguồn: Internet)

Một số câu hỏi thường gặp

Stress có phải Trầm cảm không?

Không. Nhưng nếu stress kéo dài, quá mức chịu đựng và không được giải tỏa hay điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến trầm cảm.

Stress dễ bị bệnh gì?

Stress kéo dài, điều trị chậm trễ không chỉ ảnh hướng đến đời sống tinh thần, tình cảm mà còn khiến bệnh nhân dễ mắc phải nhiều căn bệnh khác như trầm cảm, tim mạch, béo phì, huyết áp cao, rối loạn tiêu hóa,…

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu stress là gì, nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý này. Nếu có những biểu hiện về stress, tốt nhất nên đi thăm khám để được chẩn đoán tình trạng bệnh và đưa ra cách điều trị phù hợp. Hoặc có thể gọi số HOTLINE hoặc bấm TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí và đặt lịch hẹn kiểm tra nhanh chóng tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Đừng quên ghé thăm chuyên mục Tin tức y tế để thu thập thêm các thông tin hữu ích về cách điều trị bệnh lý an toàn.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.