Tin tức y tế

 Công dụng của thuốc erythromycin? Cách dùng và một số lưu ý

14/11/2023

Erythromycin là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong điều trị và dự phòng các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, mắt, tai, miệng, tiết niệu,… Loại thuốc này phát huy tác dụng trên nhiều nhóm vi khuẩn Gram âm, Gram dương khác nhau. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cập nhật thông tin chi tiết hơn về erythromycin, tác dụng phụ thường gặp, tương tác thuốc và liều dùng khuyến cáo, cùng tham khảo ngay!

Xem thêm:

Erythromycin là thuốc gì?

Erythromycin là loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm Macrolid, có tác dụng kiểm soát và tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gram dương (tác dụng phổ rộng), vi khuẩn gram âm (tác dụng phổ hẹp) và một số vi khuẩn khác như Chlamydiaceae, Spirochaetes, Rickettsia spp., Mycoplasma spp.,… Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế tổng hợp protein và quá trình phát triển của tế bào vi khuẩn, bằng cách gắn thuận nghịch với tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn nhạy cảm.

Thành phần:

  • Thành phần chính: Erythromycin.
  • Tá dược vừa đủ: Sodium starch glycolate, Colloidal silicon dioxide, Magnesium stearate, Talc, Hydroxypropyl methylcellulose,…

Dạng bào chế vào hàm lượng:

  • Viên nén, viên nang, viên bao: Hàm lượng 250mg và 500mg.
  • Viên nang giải phóng chậm (thành phần có chứa pellets bao tan trong ruột): Hàm lượng 250mg, 333mg và 500 mg.
  • Viên nén giải phóng chậm (bao tan trong ruột): Hàm lượng 250mg, 333mg và 500mg.
  • Cốm pha hỗn dịch dạng uống: Hàm lượng 200mg/ 5ml (100ml, 200ml).
  • Bột pha hỗn dịch dạng uống (erythromycin ethylsuccinat): Hàm lượng 200mg/ 5ml (100ml, 200ml).
  • Hỗn dịch dạng uống: Hàm lượng 200mg/ 5ml (480ml), 400mg/ 5ml (100ml, 480ml), 125mg/ 5ml, 500mg/ 5ml.
  • Dạng thuốc tiêm bột (erythromycin lactobionat): Hàm lượng 500mg và 1g.
  • Dạng dùng tại chỗ – Thuốc mỡ tra mắt: Hàm lượng 0,5% (1g; 3,5g); mỡ 2% (25g) dùng để điều trị trứng cá.
  • Dạng dùng tại chỗ  – Gel, thuốc mỡ (bôi tại chỗ): Hàm lượng 2% (30g và 60g).
  • Dạng dùng tại chỗ – Dung dịch bôi: Hàm lượng 2% (60ml) dùng để điều trị trứng cá.
Erythromycin được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau
Erythromycin được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau (Nguồn: Internet)

Công dụng của thuốc Erythromycin

Công dụng chính của erythromycin là kháng khuẩn, gắn tiểu đơn vị 50S ribosom của các vi sinh vật nhạy cảm và ngăn chặn quá trình tổng hợp protein. Ngoài ra, thành phần này cũng có khả năng diệt khuẩn ở nồng độ cao đối với các chủng vi sinh vật rất nhạy cảm. Theo đó, macrolid xâm nhập trực tiếp vào các tế bào bạch cầu và đại thực bào, phát huy tác dụng đồng thời với cơ chế phòng vệ “in vivo”. Hiệu quả của thuốc càng mạnh trong môi trường pH kiềm nhẹ (khoảng pH 8,5), đặc biệt là với các vi khuẩn Gram âm. Phổ kháng khuẩn của erythromycin như sau:

  • Vi khuẩn Gram âm: Cầu khuẩn Gram âm (Neisseria meningitidis, N. gonorrheae, Moraxella (Branhamella) catarrhalis), Bordetella spp., vài chủng Brucella, Legionella spp., Flavobacterium, Pasteurella, Haemophilus ducreyi được, H. influenzae, vi khuẩn yếm khí Gram âm (Helicobacter pylori (vi khuẩn HP), Campylobacter jejuni,…),… 
  • Vi khuẩn Gram dương: Cầu khuẩn Gram dương, Streptococcus (Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes), Bacillus anthracis, Corynebacterium diphtheria, Listeria monocytogenes,  Erysipelothrix rhusioparthiae,…
  • Các vi khuẩn khác: Actinomyces, Rickettsia spp., Spirochete như Treponema pallidum, Chlamydia,  Borrelia burgdorferi, một số Mycoplasma (đặc biệt là M. pneumoniae), Mycobacterium scrofulaceum, M. kansasii,…
Erythromycin có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn khác nhau
Erythromycin có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn khác nhau (Nguồn: Internet)

Cách sử dụng thuốc erythromycin

Chỉ định

Erythromycin được chỉ định dùng để dự phòng và điều trị các bệnh lý nhiễm trùng sau đây: 

  • Nhiễm trùng tai: Viêm tai giữa, viêm tai ngoài, viêm xương chũm.
  • Nhiễm trùng miệng: Viêm lợi, viêm lợi lở loét hoại tử cấp tính Vincent.
  • Nhiễm trùng mắt: Viêm bờ mi.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Viêm thanh quản, viêm amidan, viêm họng, viêm xoang, nhiễm trùng thứ phát sau cúm, áp xe phúc mạc, cảm lạnh thông thường.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản, viêm khí quản, các tình trạng viêm phổi (viêm phổi không điển hình tiên phát, viêm phổi thùy, viêm phế quản phổi), bệnh Legionnaire.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Viêm túi mật, viêm đường ruột do tụ cầu.
  • Nhiễm trùng da và mô mềm: Mụn nhọt, mụn nước, áp xe, mụn mủ, viêm quanh móng, viêm mô tế bào, viêm quầng,… 
  • Dự phòng các trường hợp: Chấn thương trước và sau phẫu thuật, bỏng,…
  • Các tình trạng nhiễm trùng khác: Viêm tủy xương, lậu, bệnh bạch hầu, giang mai, viêm niệu đạo, bệnh hột xoài, viêm tuyến tiền liệt, Sốt tinh hồng nhiệt.

Chống chỉ định

Erythromycin được khuyến cáo chống chỉ định với các trường hợp sau đây:

  • Người mẫn cảm với erythromycin hoặc bất kỳ thành phần nào trong thuốc.
  • Bệnh nhân mắc chứng rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú.
  • Người mắc bệnh tim, nhịp tim chậm, tim Thiếu máu cục bộ.
  • Người có tiền sử mắc hội chứng kéo dài QT, rối loạn nhịp thất.
  • Người gặp phải các tình trạng rối loạn điện giải như hạ magie máu, hạ kali máu, hạ magie máu.
  • Đang sử dụng thuốc chứa thành phần ergotamine và dihydroergotamine.
  • Đang sử dụng thuốc tolterodine, terfenadine, mizolastine, simvastatin, amisulpride, astemizole, domperidone, cisapride, pimozide,…
Sử dụng erythromycin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
Sử dụng erythromycin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Liều dùng và cách dùng

Người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ liều lượng sử dụng erythromycin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất:

Liều dùng dành cho trẻ sơ sinh:

  • Trẻ sơ sinh nặng dưới 1,2 kg và dưới 1 tuần tuổi: Uống 10 mg/kg, mỗi lần uống cách nhau 12 giờ.
  • Trẻ từ một tuần tuổi trở lên và có cân nặng từ 1,2kg trở lên: Uống 10 mg/kg, mỗi lần uống cách nhau 8 giờ.
  • Điều trị viêm mắt: Bôi thuốc lên vùng mắt bị viêm từ 2 – 6 lần/ngày. 
  • Dự phòng viêm kết mạc và viêm kết mạc do Chlamydia: Bôi thuốc mỡ (khoảng 0,5 – 1 cm) vào vị trí túi màng kết.

Liều dùng dành cho trẻ em:

  • Liều thường dùng: Từ 30 – 50 mg/kg/ngày, tần suất 2 – 4 lần/ngày (có thể tăng liều gấp đôi trong trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng, nhưng đảm bảo không vượt quá 4g/ngày, liều dùng trên 1g/ngày cần chia đều ít nhất 3 lần uống).
  • Liều dùng dành cho trẻ từ 1 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi: Dùng 125mg/lần, tần suất 4 lần/ngày.
  • Liều dùng dành cho trẻ từ 2 – 8 tuổi: Dùng 250mg/lần, tần suất 4 lần/ngày.
  • Liều dùng dành cho trẻ trên 8 tuổi: Dùng 250 mg – 500 mg/lần, tần suất 4 lần/ngày hoặc áp dụng liều thường dùng của người lớn, tăng liều gấp đôi với trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng.

Liều dùng dành cho người lớn

  • Liều thường dùng: Uống 250mg/lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ, hoặc 333mg, mỗi lần cách nhau 8 giờ hoặc 500mg, mỗi lần cách 12 giờ.
  • Điều trị nhiễm khuẩn nặng: Dùng 4g/ngày, chia thành nhiều lần uống (liều dùng trên 1g/ngày cần chia đều thành ít nhất 3 lần uống).
  • Điều trị viêm mắt: Bôi thuốc tại vị trí mắt bị viêm (khoảng 1,25 cm), tần suất bôi 2 – 6 lần/ngày.
  • Bôi tại chỗ điều trị mụn trứng cá: Bôi vào vùng da tổn thương tần suất 2 lần/ngày (sau khi đã rửa sạch và lau khô).

Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý sử dụng hay ngừng thuốc.

Đọc thêm:

  • Thuốc Augmentin: Tác dụng và hướng dẫn sử dụng
  • Thuốc Cefixim: Tác dụng, liều dùng, tác dụng phụ
  • Công dụng, liều dùng thuốc ciprofloxacin
Sử dụng thuốc cho trẻ em theo đúng liều lượng khuyến cáo
Sử dụng erythromycin theo đúng liều lượng khuyến cáo (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của thuốc erythromycin

Erythromycin ở dạng muối và ester có khả năng dung nạp tốt, hiếm khi gây ra phản ứng không mong muốn. Tác dụng phụ có thể gặp phải chủ yếu liên quan đến tiêu hóa do sử dụng sai liều, chẳng hạn như: 

  • Chán ăn.
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau dạ dày.
  • Hẹp môn vị.
  • Khó tiêu.
  • Ứ mật vàng da.
  • Viêm gan.
  • Tim đập nhanh.
  • Động kinh.
  • Phát ban, ngứa, khô da, bong tróc.
  • Yếu cơ.
  • Tăng huyết áp.

Tương tác thuốc

Erythromycin có thể gây ra tương tác khi dùng chung với một số loại thuốc nhất định, bao gồm: 

  • Tăng nồng độ thuốc trong huyết tương: Acenocoumarol, astemizole, digoxin, bromocriptine, omeprazole, carbamazepine, alfentanil, cilostazol, cyclosporin, dihydroergotamine, disopyramide, ergotamine, methylprednisolone, midazolam, phenytoin,…
  • Erythromycin ức chế tác dụng kháng khuẩn in vitro của các loại thuốc như: clindamycin, chloramphenicol, streptomycin, tetracyclines, colistin, lincomycin.
  • Xuất hiện độc tính của colchicine: Xảy ra khi sử dụng đồng thời erythromycin và colchicine.
  • Tăng khả năng chuyển hóa của erythromycin: Xảy ra khi dùng chung với các loại thuốc cảm ứng CYP3A4 (rifampicin, carbamazepine, phenobarbital, St John’s Wort, phenytoin).
  • Ức chế sự phân hủy của erythromycin: Xảy ra khi dùng chung với các thuốc ức chế protease.
  • Tăng nồng độ cisaprid: Xảy ra khi dùng đồng thời erythromycin và cisaprid.
  • Gây ngộ độc ergot cấp tính: Xảy ra khi dùng đồng thời erythromycin với ergotamine, dihydroergotamine, nguyên nhân do co thắt mạch, gây Thiếu máu nuôi lên hệ thần kinh trung ương, các chi, mô khác.
  • Tăng nồng độ theophyllin: Xảy ra khi dùng đồng thời erythromycin và theophyllin.
  • Ức chế chuyển hóa của erythromycin, làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương: Xảy ra khi dùng chung erythromycin và Cimetidin.
  • Hạ huyết áp, loạn nhịp tim, nhiễm toan lactic: Xảy ra khi sử dụng đồng thời erythromycin và verapamil (một thuốc chẹn kênh canxi).
  • Tăng nồng độ các thuốc ức chế HMG-CoA reductase (lovastatin, simvastatin).
  • Giảm tác dụng của thuốc tránh thai.
  • Tăng tác dụng của các thuốc thuộc nhóm benzodiazepin.
  • Làm giảm độ thanh thải của thuốc zopiclone.
Erythromycin có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với một số loại thuốc nhất định
Erythromycin có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với một số loại thuốc nhất định (Nguồn: Internet)

Cách xử lý khi dùng thuốc quá liều hoặc quên liều

Nên làm gì khi quên liều?

Đối với trường hợp quên liều erythromycin, người bệnh cần sử dụng ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, bạn chỉ được dùng liều kế tiếp, không nên tự ý gấp đôi liều quy định để tránh xảy ra phản ứng không mong muốn, đe dọa đến sức khỏe.

Điều cần làm khi bị quá liều

Quá liều erythromycin thường gây triệu chứng buồn nôn, nôn nghiêm trọng, tiêu chảy, thậm chí mất thính giác. Trong trường hợp này, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Quá trình xử trí thường sử dụng epinephrin, corticosteroid và thuốc kháng histamin, kết hợp thụt rửa dạ dày để đào thải thuốc chưa được hấp thu ra ngoài.

Cách bảo quản

Hướng dẫn bảo quản thuốc erythromycin đúng cách như sau:

  • Đối với dạng viên nén, viên nang: Bảo quản trong lọ kín, ở điều kiện nhiệt độ dưới 30 độ C và tránh ánh sáng chiếu vào.
  • Đối với dạng hỗn dịch uống: Sau khi pha, bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng tối đa 10 ngày.
  • Đối với dung dịch erythromycin tiêm truyền tĩnh mạch: Bảo quản ở điều kiện có độ pH 6 – 8.
  • Đối với dạng kem, dung dịch bôi và thuốc nhỏ mắt: Bảo quản ở điều kiện nhiệt độ phòng. 
  • Đối với dạng bột pha tiêm: Bảo quản ở điều kiện nhiệt độ từ 15 – 30 độ C, erythromycin lactobionat cần được hoàn nguyên với nước để pha thuốc tiêm đã diệt khuẩn, không chứa chất bảo quản để tránh tạo gel (dung dịch hoàn nguyên có thể ổn định 2 tuần trong tủ lạnh và 8 giờ ở điều kiện nhiệt độ phòng).
  • Đối với dạng bột erythromycin ethylsuccinat: Sau khi pha, có thể bảo quản ở điều kiện nhiệt độ phòng và sử dụng tối đa trong vòng 14 ngày.

Lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc erythromycin

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bệnh nhân nên cân nhắc khi dùng erythromycin để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng erythromycin cho người đang mắc bệnh gan, đặc biệt cần tuyệt đối tránh dạng erythromycin estolat. 
  • Không dùng erythromycin estolat nhiều lần hoặc quá 10 ngày để tránh nguy cơ nhiễm độc gan, cần giảm liều đối với người bệnh bị suy thận nặng. 
  • Thận trọng khi dùng thuốc erythromycin cho người bệnh bị loạn nhịp tim hoặc mắc các bệnh lý tim mạch khác, tương tác thuốc thậm chí có thể gây tử vong.
  • Erythromycin có khả năng làm trầm trọng hơn triệu chứng bệnh nhược cơ.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng erythromycin cho người cao tuổi vì cơ thể tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
  • Không dùng erythromycin dài ngày vì có thể gây bội nhiễm nấm và vi khuẩn.
  • Dùng erythromycin trong giai đoạn cho con bú có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng hẹp môn vị phì đại ở trẻ em.
  • Không dùng dạng dung dịch tiêm cho trẻ em vì thành phần chứa chất bảo quản alcol benzylic có thể gây hại cho hệ thần kinh. 
  • Không dùng erythromycin cho phụ nữ mang thai, trừ khi không còn liệu pháp điều trị thay thế, đặc biệt không sử dụng erythromycin estolat bởi làm tăng nguy cơ gây độc cho gan, tăng tác dụng phụ đối với mẹ và bào thai.
Sử dụng thuốc đúng cách để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất
Sử dụng thuốc erythromycin đúng cách để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất (Nguồn: Internet

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin cơ bản về tác dụng của thuốc erythromycin, các trường hợp chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ thường gặp, tương tác thuốc và hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong vấn đề điều trị bệnh. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.