Tin tức y tế

Thuốc kháng sinh Azithromycin là gì? Công dụng và lưu ý

30/10/2023

Azithromycin là một loại thuốc kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm macrolid được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, việc sử dụng Azithromycin hay bất kỳ loại kháng sinh nào cũng cần được thực hiện đúng cách để có thể đem lại hiệu quả. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu thuốc azithromycin là gì, công dụng và cách sử dụng chi tiết trong bài viết dưới đây.

Thuốc kháng sinh azithromycin là gì?

Azithromycin là một loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid phổ rộng. Nó có thể tác động vào quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, từ đó gây ức chế và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Azithromycin thường được sử dụng để điều trị các loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc uống thuốc không đúng cách có thể dẫn đến hậu quả vi khuẩn chống kháng sinh, làm giảm hiệu quả của thuốc. 

Thành phần chính của thuốc kháng sinh azithromycin: Azithromycin.

Dạng bào chế: Thuốc Azithromycin được điều chế dưới dạng viên nén, bột pha hỗn dịch uống, thuốc tiêm tĩnh mạch, dung dịch nhỏ mắt.

Hàm lượng: 

  • Viên nén azithromycin 250 mg: Chứa 250mg azithromycin dihydrate (tương đương azithromycin).
  • Viên nén azithromycin 500 mg: Chứa 500mg azithromycin dihydrat (tương đương azithromycin).
  • Bột pha hỗn dịch uống azithromycin: Mỗi 5ml của dung dịch chứa 200mg azithromycin.
  • Thuốc tiêm tĩnh mạch: Chứa 500mg azithromycin.
Thuốc azithromycin là một loại kháng sinh
Thuốc azithromycin là một loại kháng sinh phổ rộng thuốc nhóm macrolid (Nguồn: Internet)

Công dụng chính của thuốc azithromycin 

Thuốc azithromycin có tác dụng giúp điều trị những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra từ mức độ nhẹ cho đến trung bình. Chẳng hạn như: 

  • Nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Nhiễm trùng da và mô mềm.
  • Nhiễm trùng tai.
  • Một số loại nhiễm trùng mắt.
  • Bệnh lây lan qua đường tình dục. 

Thuốc azithromycin không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do virus gây ra như cảm lạnh, cảm cúm,…

Azithromycin có tác dụng trị nhiễm trùng
Azithromycin không có tác dụng điều trị bệnh nhiễm khuẩn do virus gây ra (Nguồn: Internet)

Cách dùng azithromycin hiệu quả, an toàn

Dưới đây là hướng dẫn sử dụng azithromycin đúng cách nhằm đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả điều trị cao mà người bệnh có thể tham khảo.

Chỉ định

Azithromycin được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do vi khuẩn gây ra.
  • Viêm xoang cấp.
  • Viêm tai giữa cấp.
  • Viêm phế quản.
  • Viêm họng hoặc viêm amidan do tụ cầu.
  • Viêm phổi cộng đồng (xảy ra ở bên ngoài môi trường y tế hoặc cộng đồng).
  • Nhiễm trùng da và cấu trúc da.
  • Viêm niệu quản không do lậu cầu và viêm cổ tử cung.
  • Bệnh Lyme do vi khuẩn.
  • Nhiễm trùng mắt (đau mắt hột, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn).
  • Các bệnh lây qua đường tình dục: Bệnh lậu, bệnh loét sinh dục ở nam, bệnh giang mai,…

Chống chỉ định

Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc azithromycin bao gồm:

  • Người bệnh quá mẫn cảm, dị ứng với thành phần Azithromycin hoặc bất kỳ kháng sinh nào thuộc nhóm macrolid.
  • Người bị rối loạn chức năng gan, thận, có tiền sử vàng da tối mật.

Liều dùng

Tùy thuộc vào từng đối tượng và tình trạng bệnh lý khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng liều lượng azithromycin phù hợp. Dưới đây là liều dùng azithromycin tham khảo đối với một vài loại bệnh nhiễm khuẩn như sau:

1. Đối với người lớn

  • Nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm khuẩn trên da: 
    • Thuốc uống: Dùng 1 liều 500mg duy nhất vào ngày đầu tiên, sau đó dùng 250mg mỗi ngày 1 lần trong 4 ngày tiếp theo. Tổng cộng uống 1,5g trong 5 ngày.
    • Hỗn dịch giải phóng kéo dài: Dùng duy nhất 1 liều 2g.
  • Viêm niệu quản, viêm cổ tử cung (do Chlamydia trachomatis) hoặc bệnh hạ cam (do Hemophilus ducreyi): Uống duy nhất một liều 1g dạng thuốc thông thường. Nếu viêm niệu quản tái đi tái lại không dứt, dùng kết hợp tinidazol hoặc metronidazol (1 liều duy nhất).
  • Bệnh viêm mắt hột: Uống duy nhất một liều 20mg/kg.
  • Bệnh tả: Uống một liều duy nhất 1g dạng thuốc thông thường.
  • Người nhiễm HIV mắc bệnh do cryptosporidium: Uống 600mg mỗi ngày 1 lần trong 4 tuần. Kết hợp uống paromomycin 1g mỗi ngày 2 lần trong 12 tuần.
  • Viêm niệu quản và viêm cổ tử cung do lậu cầu: Uống duy nhất một liều 2g (uống cùng với thức ăn). Theo dõi tác dụng của thuốc trong vòng 30 phút sau khi uống.
  • Bệnh leptospira: Uống duy nhất một liều 1g vào ngày đầu tiên, sau đó uống 500mg mỗi ngày 1 lần trong 2 ngày tiếp đó. Có thể chia nhỏ liều 15mg/kg mỗi ngày uống trong 7 ngày.
  • Bệnh nhân nhiễm Mycobacterium Avium Complex (MAC):
    • Dự phòng tiên phát nhiễm MAC ở người lớn và thanh thiếu niên trong giai đoạn muộn HIV: Uống 1,2mg mỗi tuần 1 lần. Có thể kết hợp uống rifabutin 300mg mỗi ngày.
    • Điều trị và dự phòng tái nhiễm: Uống liều 600mg mỗi ngày 1 lần, kết hợp ethambutol 15mg/kg mỗi ngày, thuốc chống nấm (theo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ).
    • Người lớn và thanh thiếu niên ở giai đoạn muộn của HIV: Uống từ 500 đến 600mg mỗi ngày 1 lần. Có thể uống kết hợp với ethambutol 15mg/kg mỗi ngày hoặc không.
    • Điều trị nhiễm khuẩn MAC ở phổi: Uống liều 500-600mg/lần, 1 tuần uống 3 lần. Uống kết hợp với ethambutol (25mg/kg mỗi lần, ba lần mỗi tuần) và rifampin (600mg mỗi lần, ba lần mỗi tuần). Quá trình điều trị nên tiếp tục cho đến khi kết quả cấy nghiệm âm tính trong một năm. 
  • Ho gà: Uống một liều 500mg vào ngày đầu tiên, sau đó dùng 250mg mỗi ngày 1 lần trong 4 ngày tiếp theo.
  • Người lành mang mầm bệnh Neisseria meningitidis: Uống một liều duy nhất 500mg.
  • Người nhiễm Shigella: Uống liều duy nhất 500mg trong ngày đầu tiên, 4 ngày tiếp theo uống liều 250mg, mỗi ngày 1 lần.
  • Người nhiễm thương hàn: Uống 1g mỗi ngày 1 lần trong 5 ngày. Có thể chia thành liều 8-10mg/kg (tối đa 500mg) uống trong 7 ngày, mỗi ngày 1 lần. 
  • Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii: Uống liều 900 – 1.200mg mỗi ngày 1 lần, có thể uống kết hợp pyrimethamin và leucovirin trong tối thiểu 6 tuần.
  • Tiêu chảy khi đi du lịch: Uống một liều duy nhất 1g dạng thuốc thông thường (hoặc 500mg mỗi ngày 1 lần, uống trong 3 ngày).
  • Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn ở người có Dị ứng với penicillin: Uống một liều duy nhất 500mg trước khi phẫu thuật từ 30 đến 60 phút.
  • Viêm phổi ngoài cộng đồng:
    • Hỗn hợp giải phóng kéo dài: Dùng một liều duy nhất 2g.
    • Tiêm truyền tĩnh mạch: Tiêm một liều 500mg mỗi ngày, tiêm trong 3 ngày. Có thể chuyển sang uống liều 500mg mỗi ngày 1 lần cho đến khi đủ phác đồ điều trị từ 7-10 ngày (tùy trường hợp có thể chuyển từ dạng tiêm sang uống).
  • Bệnh viêm tiểu khung: Tiêm truyền tĩnh mạch liều 500mg mỗi ngày, tiêm trong 1-2 ngày. Sau đó chuyển sang uống một liều 250mg mỗi ngày cho đến khi đủ phác đồ điều trị 7 ngày.

2. Đối với trẻ em

  • Viêm tai giữa cấp (trẻ em >= 6 tháng tuổi): Uống liều 10mg/kg mỗi ngày 1 lần trong ngày đầu tiên. Trong 4 ngày tiếp theo, uống liều 5mg/kg mỗi ngày 1 lần.
  • Viiêm amidan, viêm họng liên cầu khuẩn (trẻ em >= 2 tuổi): Uống một liều duy nhất 12mg/kg mỗi ngày 1 lần, uống trong 5 ngày.
  • Bệnh viêm mắt hột: Uống duy nhất một liều 20mg/kg tối đa 1g.
  • Nhiễm Escherichia coli (ETEC): Uống 10mg/kg mỗi ngày 1 lần trong 2 ngày.
  • Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Trước khi phẫu thuật 1 tiếng, uống một liều 15mg/kg.
  • Viêm phổi ngoài cộng đồng (trẻ em >= 6 tháng tuổi): Ngày đầu tiên uống một liều 10mg/kg (tối đa 500mg). Trong 4 ngày tiếp theo, uống 5mg/kg (tối đa 250mg) mỗi ngày 1 lần.
  • Nhiễm thương hàn và nhiễm khuẩn Salmonella: Uống liều 20mg/kg (tối đa 1g) mỗi ngày 1 lần, uống trong vòng 5-7 ngày.

Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý thêm bớt liều hay ngừng sử dụng thuốc.

Tác dụng phụ

Những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi sử dụng thuốc azithromycin bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, đau đầu. Đây là những tác dụng phụ thường gặp và có thể biến mất sau một thời gian ngắn. 

Một số tác dụng phụ hiếm gặp nhưng gây nguy hiểm nghiêm trọng:

  • Chóng mặt, hoa mắt.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc đi ra máu.
  • Mệt mỏi, mất ngủ, cơ thể yếu ớt.
  • Ăn uống không ngon, thường xuyên bị đầy hơi, khó tiêu.
  • Khó thở, nhịp tim không đều, tim đập mạnh.
  • Da hoặc mắt bị vàng.
  • Các dấu hiệu Dị ứng như: Phát ban, ngứa, sưng tấy ở các bộ phận trên cơ thể.

Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nêu trên, bệnh nhân phải ngừng thuốc và đến ngay trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

Đau đầu là tác dụng phụ của thuốc
Đau đầu là một trong những tác dụng phụ thường gặp sau khi uống kháng sinh azithromycin (Nguồn: Internet)

Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc cần được lưu ý khi sử dụng azithromycin:

  • Các loại thuốc kháng acid: Nếu cần thiết, người bệnh nên sử dụng azithromycin sớm hơn 1 giờ hoặc muộn hơn 2 giờ sau khi sử dụng các thuốc kháng acid, trừ thuốc uống azithromycin giải phóng chậm.
  • Đối với các loại thuốc khác: Tránh sử dụng azithromycin cùng lúc với các dẫn chất nấm cựa gà để tránh nguy cơ ngộ độc.
  • Cyclosporin: Nhóm kháng sinh macrolid làm tăng nồng độ của cyclosporin, do đó cần theo dõi và điều chỉnh liều dùng của cyclosporin một cách hợp lý.
  • Digoxin: Tương tự cyclosporin, azithromycin có thể làm tăng hàm lượng của thuốc này.
  • Pimosid: Không kết hợp với các loại kháng sinh macrolid do nguy cơ gây ra các biến chứng tim mạch nghiêm trọng.
  • Thuốc giảm lipid máu: Khi sử dụng lovastatin, cần xem xét kỹ việc kết hợp với azithromycin, erythromycin hoặc larithromycin.
  • Warfarin: Có thể sử dụng kết hợp cả hai loại thuốc này. Tuy nhiên, cần theo dõi thời gian đông máu của người bệnh do azithromycin có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu này.

Thông tin trên có thể không bao quát mọi sự tương tác thuốc xảy ra. Do đó, hãy cung cấp cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thảo dược và thực phẩm bổ sung bạn đang sử dụng. Đồng thời, hãy cho họ biết nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng các chất gây nghiện vì một số mẫu có thể tương tác với thuốc.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc azithromycin

Trước khi sử dụng thuốc azithromycin, người bệnh cần lưu ý một số điều quan trọng sau đây:

  • Thuốc azithromycin được thải trừ chủ yếu qua gan. Do đó những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan cần thận trọng hơn khi sử dụng thuốc.
  • Không sử dụng thuốc azithromycin dạng uống cho việc điều trị ngoại trú đối với trường hợp viêm phổi vừa hoặc nặng, bệnh nhân mắc bệnh ở trong bệnh viện.
  • Người bệnh có vấn đề tim mạch hoặc sử dụng nhiều loại thuốc nên cẩn trọng và được sự đồng ý từ bác sĩ trước khi dùng azithromycin.
  • Mẹ bầu và phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng azithromycin khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Cách xử lý khi quên liều hoặc dùng quá liều

  • Trong trường hợp vô tình uống quá liều: Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy và giảm khả năng thính giác. Lúc này, người bệnh cần được làm sạch dạ dày nên hãy liên hệ ngay với đội ngũ y tế để được điều trị kịp thời. 
  • Trong trường hợp quên liều: Ngay sau khi bạn nhớ ra đã bỏ quên 1 liều thuốc thì hãy uống ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu lúc đó đã gần thời gian uống liều tiếp theo, thực hiện uống thuốc như lịch trình và bỏ qua liều trước đó. Đối với kháng sinh azithromycin, không được uống gấp đôi thuốc để bù lại.

Việc sử dụng thuốc sai liều hoặc quá liều có thể làm phản tác dụng của thuốc và khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Vừa rồi là những thông tin quan trọng liên quan đến loại thuốc kháng sinh azithromycin. Hy vọng rằng, bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích trong quá trình sử dụng azithromycin. Ngoài ra, để tìm hiểu thêm kiến thức về sức khỏe khác bạn có thể tham khảo tại Tin tức y tế. Liên hệ ngay với số HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị để được tư vấn miễn phí bởi hệ thống của bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.