Tin tức y tế

Liều dùng thuốc Ameflu Daytime điều trị cảm cúm

23/08/2023

Nếu thường xuyên đau đầu, cảm cúm, đau họng hay nghẹt mũi, chắc chắn người bệnh sẽ không còn xa lạ với thuốc Ameflu Day Time. Vậy thành phần trong viên thuốc này là gì? Cách dùng, liều lượng và tác dụng phụ ra sao? Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ tìm hiểu kỹ hơn về loại thuốc này trong bài viết dưới đây. 

Xem thêm các bài viết khác:

Ameflu Day Time là thuốc gì? 

Thuốc Ameflu Day Time là loại thuốc được công ty dược OPV Pharmaceutical Việt Nam sản xuất. Thuốc có công dụng điều trị các triệu chứng liên quan đến cảm cúm, cảm lạnh như  đau nhức, sốt, nghẹt mũi, đau họng, đau đầu, ho… Bên cạnh đó, thuốc còn có khả năng làm loãng dịch tiết ra từ phế quản, giúp người bệnh ho dễ dàng hơn. 

Loại thuốc này có chứa 4 hoạt chất chính, bao gồm acetaminophen (hay còn gọi là paracetamol), phenylephrin HCl, guaifenesin và dextromethorphan HBr. Thuốc Ameflu Day Time có dạng viên nén thuôn dài, màu vàng, đóng gói thành 1 vỉ có 10 viên. Trên 2 mặt sản phẩm in tên thuốc. Người bệnh cần được bác sĩ kê đơn mới có thể sử dụng.

Thành phần trong một viên thuốc Ameflu nén và tác dụng 

Cụ thể thành phần hoạt chất có trong một viên thuốc dạng nén và tác dụng như sau:

Hoạt chất chính:

  • 500 mg acetaminophen (paracetamol): Tương tự như aspirin, hoạt chất này cũng có công dụng hạ sốt, giảm đau bằng cách làm giãn mạch và tăng thêm lưu lượng máu.
  • 200 mg guaifenesin: Có khả năng làm dịch tiết của phế quản giảm độ nhớt, tăng lượng dịch tiết ra từ đường hô hấp. Nhờ vậy mà người bệnh dễ tống đờm khi ho hơn.
  • 5 mg dextromethorphan HBr: Tác động lên trung tâm gây ho nằm ở hành não, từ đó làm giảm ho. Tuy nhiên, thuốc không có khả năng giảm đau hay giúp an thần.
  • 10 mg phenylephrin HCl: Trực tiếp tác động lên thụ thể α1-adrenergic, từ đó điều trị sung huyết mũi hay còn gọi là nghẹt mũi.

Một số tá dược khác:

  • Povidone K30.
  • Tinh bột tiền hồ hoá.
  • Tinh bột ngô.
  • Silic oxit ở dạng keo.
  • Natri starch glycolate.
  • Magnesi stearat.
  • Talc.
  • Axit citric khan.
  • Opadry AMB yellow.

Chỉ định dùng thuốc Ameflu Day Time 

Thuốc Ameflu Day Time được chỉ định dùng để làm loãng đờm, loãng chất dịch tiết phế quản. Bên cạnh đó, nó còn làm làm giảm sốt, giảm cơn đau nhức đầu, đau họng hay nghẹt mũi.

>> Xem thêm:

Thuốc Ameflu giúp làm giảm sốt, giảm cơn đau nhức đầu, đau họng hay nghẹt mũi.
Thuốc Ameflu giúp làm giảm Sốt (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn dùng thuốc Ameflu DAYTIME đúng cách, hiệu quả 

Việc đọc kỹ cách dùng và liều lượng trước khi uống thuốc sẽ giúp thuốc phát huy tối đa tác dụng. Đồng thời hạn chế gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. 

Cách dùng thuốc 

Như đã trình bày ở trên, thuốc Ameflu Day Time được sản xuất thành dạng viên nén, sử dụng bằng đường uống. Người bệnh uống trực tiếp thuốc với lượng nước vừa đủ cho đến khi thuốc không còn mắc nghẹn trong họng.

Liều dùng Ameflu 

Mỗi đối tượng ở mỗi độ tuổi sẽ phù hợp với liều lượng sử dụng thuốc khác nhau. Cụ thể:

  • Người lớn hoặc trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống 4 lần/ngày, mỗi lần 1 viên. Đặc biệt, mỗi ngày không sử dụng quá 6 viên.
  • Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi: Uống 4 lần/ngày, mỗi lần chỉ ½ viên. Đặc biệt, không uống quá 3 viên/ngày.
Liều dùng Ameflu khác nhau tùy thuộc vào đối tượng là người lớn hay trẻ em
Người lớn và trẻ em có liều lượng dùng thuốc Ameflu khác nhau (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của Ameflu Day Time 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng dưới đây khi uống thuốc Ameflu Day Time:

Bên cạnh đó, thuốc có thể gây ra một vài tác dụng phụ khác bao gồm:

  • Cảm giác nôn nao, bồn chồn.
  • Khó ngủ, trằn trọc.
  • Tim đập loạn nhịp, huyết áp tăng.
  • Buồn nôn, chóng mặt, người run rẩy.
  • Khó thở.
  • Người xuất hiện ảo giác, cảm thấy mệt mỏi.
  • Dạ dày bị kích ứng.

Tương tác thuốc 

Tương tác thuốc là hiện tượng các thành phần giữa các loại thuốc tác động với nhau làm thay đổi chức năng hoạt động chính của thuốc hoặc tăng thêm mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ.

Thuốc Ameflu Day Time tương tác với các loại thuốc nào? 

Để hạn chế tương tác thuốc, bệnh nhân cần lập danh sách những loại thuốc đang sử dụng bao gồm thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng… rồi đưa cho bác sĩ. 

Những thành phần trong thuốc Ameflu có khả năng sẽ tương tác với những loại thuốc như: 

  • Thuốc chống tình trạng co giật (carbamazepin, barbiturat hay phenytoin).
  • Isoniazid (thuốc kháng sinh trị bệnh lao).
  • IMAO (thuốc chống trầm cảm) ức chế enzym monoaminooxydase (MAO).
  • Thuốc chống tăng huyết áp (guanethidin, methyldopa, debrisoquin, reserpin).
  • Atropin (thuốc dùng để điều trị ngộ độc thuốc trừ sâu, ngộ độc chất độc thần kinh, điều trị chứng nhịp tim chậm, làm giảm lượng nước bọt bệnh nhân tiết ra khi phẫu thuật).
  • Digoxin (thuốc điều trị bệnh nhân suy tim, giúp tăng lưu lượng tim và tăng lực cơ tim co bóp).
  • Thuốc chống Trầm cảm ba vòng (imipramin và amitriptylin).
  • Phenylephrin có các amin giống thần kinh giao cảm.
  • Alcaloid nấm cựa gà vì sẽ làm tăng mức độ ngộ độc nấm cựa gà.
  • Thuốc chẹn beta.

>> Xem thêm: Thuốc Duphalac có tác dụng gì? Những lưu ý quan trọng khi sử dụng

Thuốc Ameflu Day Time tương tác với thực phẩm đồ uống nào?

Ngoài tương tác thuốc, Ameflu Day Time còn tương tác với một số loại thực phẩm nhất định như rượu bia, thuốc lá. Vì vậy, bệnh nhân cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc chung với những loại thực phẩm trên.

Thuốc lá tương tác với thuốc Ameflu gây ảnh hưởng đến sức khỏe
Không nên hút thuốc lá khi đang sử dụng thuốc Ameflu (Nguồn: Internet)

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến việc dùng thuốc này? 

Nếu thuộc trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng. Những trường hợp này được sẽ trình bày cụ thể hơn trong phần “Chống chỉ định dùng thuốc” bên dưới.

Người bệnh huyết áp cao không được sử dụng thuốc Ameflu
Bệnh nhân Huyết áp cao (Nguồn: Internet)

Lưu ý khi sử dụng thuốc Ameflu Day Time 

Khi sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân cần quan tâm đến những lưu ý dưới đây:

Chống chỉ định dùng thuốc 

Thuốc Ameflu được chống chỉ định sử dụng đối với những trường hợp:

  • Người mẫn cảm với một trong số các thành phần của thuốc.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành.
  • Thiếu hụt G6PD hoặc bị suy gan ở mức độ nặng.
  • Người bệnh đang sử dụng thuốc chống Trầm cảm IMAO.
  • Đang sử dụng loại thuốc khác có thành phần gồm paracetamol (acetaminophen).
  • Trẻ em chưa đủ 6 tuổi.

Những điều cần thận trọng khi sử dụng Ameflu 

Bên cạnh tìm hiểu về tương tác thuốc hay tác dụng phụ, bệnh nhân cũng cần hết sức thận trọng trong quá trình uống thuốc Ameflu. Hãy thông báo ngay lập tức cho bác sĩ hoặc đến những bệnh viện/cơ sở khám chữa bệnh uy tín nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường trên da như TEN (hội chứng hoạt tử da nhiễm độc), AGEP (hội chứng ngoại ban mụn mủ mọc toàn thân), hội chứng Lyell (hội chứng hoại tử thượng bì vì nhiễm độc), hội chứng Steven – Johnson

Người bệnh cần ngưng thuốc thuốc ngay khi nhận thấy bệnh có dấu hiệu nghiêm trọng hơn:

  • Sưng phù, da đỏ.
  • Các triệu chứng mới xuất hiện.
  • Ho nặng, kéo dài hơn 1 tuần.
  • Ho đi kèm với Sốt và nhức đầu.
  • Sung huyết mũi.
  • Mất ngủ, bồn chồn, âu lo.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh tình hiện tại nếu như đang bị cường giáp, cao huyết áp, bệnh gan, ho mạn tính kéo dài, đi tiểu khó do bị phù đại tuyến tiền liệt, tăng nhãn áp, suy thận, khí phế thũng, viêm phế quản… để bác sĩ cân nhắc việc kê thuốc.

Ngừng dùng thuốc Ameflu nếu xuất hiện các triệu chứng sưng phù, ho kéo dài, sốt hoặc mất ngủ.
Ngừng dùng thuốc nếu tình trạng ho kéo dài (Nguồn: Internet)

Đối với những đối tượng đặc biệt

Theo nghiên cứu, Ameflu không tác động lên hệ thần kinh đối với những trường hợp như buồn ngủ, đau đầu hay chóng mặt. Thế nhưng, những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ như tài xế lái xe đường dài, tài xế điều khiển máy móc cần thận trọng khi sử dụng.

Hiện nay, chưa có bài nghiên cứu nào chứng minh thuốc có bài tiết qua đường sữa mẹ hay không nên phụ nữ đang cho con bú cần cân nhắc khi uống thuốc. Điều này cũng tương tự đối với phụ nữ đang mang bầu. Vì thế, chỉ nên uống Ameflu khi lợi ích mà thuốc mang lại cho người mẹ vượt trội hẳn so với tác hại hay nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.

Phụ nữ mang thai, người điều khiển phương tiện giao thông cần cân nhắc sử dụng thuốc Ameflu
Phụ nữ mang thai nên cân nhắc sử dụng thuốc (Nguồn: Internet)

Dùng quá liều/quên liều thuốc Ameflu Day Time và cách xử lý 

Tham khảo cách xử lý khi uống quá liều hay quên liều thuốc sẽ giúp người bệnh tìm được hướng xử lý phù hợp nhất:

Xử lý khi dùng quá liều thuốc Ameflu 

Đối với Acetaminophen, triệu chứng có thể gặp như:

  • Buồn nôn, đau bụng (trong vòng khoảng 24 giờ kể từ khi uống).
  • Đau hạ sườn bên phải (sau 24 giờ kể từ khi uống) do quá trình hoại tử gan đang phát triển.
  • Tổn thương gan dẫn đến xuất huyết, phù não, hạ đường huyết, thậm chí là tử vong nếu uống quá liều (trong 3 – 4 ngày kể từ khi uống).

Cách xử lý (dựa trên nồng độ của huyết tương)

  • Rửa dạ dày để làm giảm mức độ hấp thụ Acetaminophen vào cơ thể.
  • Trong 24 giờ kể từ khi quá liều, hãy uống Acetylcystein với liều đầu tiên là 140mg/kg, 17 liều tiếp theo với mỗi liều là 70mg/kg và cứ cách 4 tiếng sẽ uống một lần.

Đối với Phenylephrin hydrochlorid, triệu chứng có thể gặp:

  • Xuất huyết não, lên cơn co giật.
  • Nhức đầu.
  • Ngực xuất hiện cơn đau như đánh trống.
  • Tim đập chậm.

Cách xử lý: bệnh nhân cần được tập trung điều trị dựa trên các triệu chứng

Đối với Dextromethorphan, triệu chứng có thể gặp:

  • Mắt mờ, nhãn cầu rung giật.
  • Buồn ngủ, buồn nôn.
  • Bí tiểu.
  • Xuất hiện ảo giác.
  • Co giật, suy hô hấp.

Cách xử lý: bệnh nhân cần được tập trung điều trị dựa trên các triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiêm tĩnh mạch 2mg naloxon.

Xử lý khi quên 1 liều thuốc Ameflu 

Nếu quên uống 1 liều thuốc Ameflu theo đơn của bác sĩ, bệnh nhân cần uống ngay sau khi nhớ ra. Trong trường hợp liều đã bị quên liền kề với liều kế tiếp, người bệnh bỏ qua liều đã quên đó và tiếp tục uống thuốc theo đúng lịch trình. Lưu ý, tuyệt đối không uống gấp đôi lượng thuốc với suy nghĩ bù vào liều đã quên.

Tuân thủ liều lượng khi sử dụng thuốc Ameflu, không dùng gấp đôi lượng thuốc nếu đã quên liều trước đó
Không được gấp đôi liều lượng nếu quên uống thuốc (Nguồn: Internet)

Bảo quản thuốc

Thuốc Ameflu cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo, không tiếp tục với ánh sáng mặt trời một cách trực tiếp. Nhiệt độ lý tưởng nhất là dưới 30 độ C. Ngoài ra, hãy đảm bảo thuốc được đặt xa tầm tay trẻ em và thú cưng.

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về cách sử dụng, tương tác thuốc, lưu ý cũng như cách bảo quản thuốc Ameflu. Để đặt lịch khám hoặc cần được bác sĩ tư kê đơn, bạn có thể  gọi điện cho số HOTLINE của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc hoặc bấm TẠI ĐÂY. Ngoài ra, bạn đừng quên cập nhật nhiều kiến thức y học thường thức khác tại chuyên mục Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.