Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến liên quan đến rối loạn chức năng của đại tràng. Bệnh có thể gây ra những triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy,… làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo dõi bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ để nắm được nguyên nhân, dấu hiệu cũng như các biện pháp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích.
>>> Xem thêm:
- Đau dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
- Rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhanh chóng
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome) là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất. Mặc dù bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. IBS được chẩn đoán là phổ biến hơn ở nữ giới và thường gặp trong độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi.
Các triệu chứng chính của hội chứng ruột kích thích bao gồm: đau bụng tái đi tái lại, thay đổi thói quen đi ngoài (như táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ cả hai), cảm giác chướng và khó chịu ở bụng. Đây là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, vì vậy không tìm thấy các tổn thương thực thể hoặc bệnh lý cụ thể nào trong ruột của người bệnh khi xét nghiệm.
Hội chứng ruột kích thích được phân thành 4 loại dựa trên các triệu chứng chính và đặc điểm cụ thể như sau:
- IBS-D (Thể tiêu chảy): Người bệnh trong nhóm này thường gặp các triệu chứng như tiêu chảy đi kèm với các cơn đau bụng và khó chịu
- IBS-C (Thể táo bón): Người bệnh IBS-C bị táo bón thường xuyên và khó tiêu. Chất thải thường khô và cứng, gây khó khăn trong việc đi đại tiện.
- IBS-M (Thể hỗn hợp): Loại IBS-M kết hợp cả tiêu chảy và táo bón. Các triệu chứng có thể xen kẽ hoặc xảy ra cùng lúc
- IBS-U (không phân loại): Triệu chứng của người bệnh không rõ ràng, không thuộc vào bất kỳ loại nào trong ba loại chính kể trên.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
Hiện tại, chưa thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì Hội chứng ruột kích thích có thể được gây ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố dưới đây:
Do căng thẳng kéo dài
Căng thẳng là một yếu tố góp phần làm triệu chứng IBS trở nên nặng hơn. Khi một người bị stress, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách thay đổi hoạt động của hệ tiêu hóa thông qua hệ thần kinh thực vật. Vì vậy, hầu hết những người bị Hội chứng ruột kích thích cảm thấy các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi chướng bụng, tiêu chảy,… trở nên nghiêm trọng hơn trong các giai đoạn căng thẳng.
Do thay đổi nội tiết tố
Nữ giới có khả năng bị Hội chứng ruột kích thích cao gấp đôi so với nam giới. Sự thay đổi hormon trong nội tiết tố có thể gây ra hội chứng ruột kích thích hoặc khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Đa số phụ nữ đều cho rằng các triệu chứng IBS thường trở nên nặng hơn trong hoặc trước/sau chu kỳ kinh nguyệt.
Do thực phẩm
Sử dụng các thực phẩm bị hỏng, quá hạn hoặc không phù hợp với cơ thể cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Những thực phẩm này có thể làm cho ruột trở nên nhạy cảm hoặc gây ra sự co bóp ruột, tăng nhu động ruột, góp phần tăng khả năng mắc hội chứng ruột kích thích.
Do một số bệnh lý khác
Các bệnh nhân bị loạn khuẩn (do vi khuẩn phát triển quá mức trong đường ruột) hoặc Viêm dạ dày ruột sẽ có nguy cơ cao mắc Hội chứng ruột kích thích hơn người thường.
>>> Xem thêm:
- Đau bụng dưới bên trái là biểu hiện bệnh gì? Nguyên nhân & cách điều trị
- Đau bụng kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp giảm đau
Dấu hiệu nhận biết hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 – 45 tuổi. Các triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn, nhưng cũng có thể trở nên trầm trọng hơn vào từng thời điểm khác nhau. Dưới đây là các dấu hiệu Hội chứng ruột kích thích để người bệnh có thể phát hiện và có phương pháp điều trị kịp thời:
- Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng chính của người mắc IBS. Đau thường xuất phát từ vùng bụng dưới và có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc từng cơn.
- Thay đổi trong đại tiện: Các triệu chứng Hội chứng ruột kích thích thường liên quan đến số lần đại tiện và kết cấu chất thải. Người bệnh bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy sẽ tăng số lần đại tiện và giảm số lần đại tiện trong hội chứng IBS thể táo bón. Kết cấu chất thải cũng sẽ thay đổi từ dạng lỏng đến nhầy mềm và dạng rắn.
- Khó chịu khi đi đại tiện: Người bệnh thường có cảm thấy đau hoặc khó chịu khi đi đại tiện và thường do nguyên nhân xuất phát từ ruột.
- Một số triệu chứng khác: Nhiều người bệnh IBS cũng trải qua triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, đau mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ và đau đầu.
- Triệu chứng khó tiêu: Hội chứng ruột kích thích cũng đi kèm với các triệu chứng khó tiêu như đầy bụng, chướng bụng, đầy hơi,…
- Triệu chứng bất thường: Một số triệu chứng bất thường có thể xuất hiện như đi đại tiện ra máu, sút cân đột ngột, sốt, sờ thấy cục u ở bụng hoạc trực tràng.
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể gây ra nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Cụ thể như sau:
- Tình trạng ứ đọng chất thải trong đại tràng: Người bệnh mắc hội chứng IBS, đặc biệt là những người có triệu chứng táo bón kéo dài, có nguy cơ ứ đọng chất thải trong đại tràng. Tình trạng này có thể gây ra các cơn đau đầu khó chịu và buồn nôn.
- Giảm khả năng hấp thụ thực phẩm: Hội chứng ruột kích thích có thể làm cho người bệnh trở nên nhạy cảm với một số loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như các loại đậu, sô cô la, bông cải trắng, bông cải xanh, rượu bia, sữa, thức uống có ga,… Điều này có thể dẫn đến việc hạn chế tiếp nhận một số loại thực phẩm và làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ: Thống kê cho thấy khoảng 18 -23% người bị Hội chứng ruột kích thích mắc bệnh trĩ.
- Ảnh hưởng khi mang thai: Sự thay đổi trong hormone nội tiết tố và áp lực của thai kỳ lên thành bụng có thể làm tăng triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trong thời gian mang thai.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi. Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao mắc IBS thường có các đặc điểm sau:
- Độ tuổi: Người từ 20 đến 45 tuổi thường có khả năng mắc IBS cao hơn
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc IBS cao hơn đàn ông. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc Hội chứng ruột kích thích thường cao gấp đôi so với nam giới.
- Yếu tố di truyền: Người có người thân trong gia đình mắc viêm đại tràng co thắt hoặc IBS có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Vấn đề về sức khỏe tinh thần: Người gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo lắng và căng thẳng có khả năng mắc IBS cao hơn.
Một số phương pháp chữa trị hội chứng ruột kích thích
Điều trị Hội chứng ruột kích thích chủ yếu tập trung vào việc giảm triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp chữa trị hội chứng ruột kích thích phổ biến nhất:
Sử dụng thuốc
Việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và quản lý cảm xúc của cơ thể có thể giúp triệu chứng thuyên giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích ở mức độ trung bình hoặc nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc để giúp kiểm soát các triệu chứng như:
- Thuốc điều trị táo bón: Với các bệnh nhân mắc IBS-C, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc nhuận tràng kích thích, thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ,… để giúp kiểm soát táo bón.
- Thuốc điều trị tiêu chảy: Một số thuốc chữa Hội chứng ruột kích thích tốt nhất như loperamide và cholestyramine có thể giúp kiểm soát tiêu chảy. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các loại thuốc này có thể gây ra tình trạng chướng bụng.
- Thuốc kháng acetylcholin và chống co thắt: Các loại thuốc này giúp làm giảm cơn đau do co thắt ruột và thường được kê cho bệnh nhân mắc IBS – M (cả tiêu chảy và táo bón). Tuy nhiên, người bị glaucoma (cườm nước) phải thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.
Thay đổi chế độ ăn uống
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cũng là một trong những phương pháp giúp giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Người bệnh nên thực hiện các biện pháp sau:
- Thiết lập thói quen ăn uống đúng bữa, phân bổ thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và transfat như thức ăn chiên bằng dầu, bơ, thực phẩm nhiều dầu mỡ,..
- Đảm bảo uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để chất thải không bị khô cứng, giảm nguy cơ táo bón.
- Hạn chế uống rượu, bia, đồ uống chứa caffeine và đồ uống có ga vì chúng có thể làm tăng triệu chứng IBS như tiêu chảy và đầy hơi.
Một số biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa Hội chứng ruột kích thích và cải thiện sức khỏe tiêu hóa, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Ăn uống đều đặn và không bỏ bữa, đồng thời nên ăn chậm, nhai kỹ.
- Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, rượu bia và đồ uống có gas. Ngoài ra, không nên ăn quá 240g các loại trái cây có hàm lượng fructose cao mỗi ngày như nho, táo, mía, mận, chuối,…
- Tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, học cách cân bằng cảm xúc, tâm trạng bằng yoga, thiền hay các phương pháp thư giãn khác
>> Xem thêm:
- Vitamin B1: Vai trò, công dụng và những lưu ý khi sử dụng
- Vai trò của vitamin A? Cách dùng và liều dùng
Khi nào thì bạn nên đi khám bác sĩ?
Người mắc Hội chứng ruột kích thích nếu có các dấu hiệu báo động dưới đây thì nên đến bệnh viện kiểm tra và được các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị IBS phù hợp:
- Sút cân nhanh chóng
- Tiêu chảy vào ban đêm
- Đi ngoài ra máu
- Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu
- Buồn nôn không rõ nguyên nhân
- Cảm giác đau không giảm sau khi đại tiện hoặc xì hơi
Một số câu hỏi thường gặp
Cách chữa Hội chứng ruột kích thích tại nhà
Chữa trị Hội chứng ruột kích thích tại nhà thường tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Vậy người mắc hội chứng ruột kích thích nên ăn gì? Dưới đây là một số thực phẩm và biện pháp giúp trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích tại nhà mà người bệnh có thể tham khảo:
- Hạn chế thức ăn gây kích thích gồm thức ăn cay nóng, thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, thức ăn đóng hộp hoặc chế biến sẵn.
- Chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn ít và thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng trên ruột.
- Bổ sung thêm thực phẩm chứa chất xơ vào chế độ ăn uống như rau xanh, củ quả, trái cây,..
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ tiêu chảy.
- Tập thể dục có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm triệu chứng IBS. Thử tập yoga, đi bộ, hoặc các hoạt động nhẹ như bơi lội.
- Học cách kiểm soát tâm trạng và tạo ra một môi trường thư giãn cho bản thân
- Cân nhắc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung chứa probiotics, những vi khuẩn có lợi cho đường ruột để cải thiện sự cân bằng vi khuẩn trong ruột.
Viêm dạ dày và Hội chứng ruột kích thích khác nhau như thế nào?
Viêm dạ dày và Hội chứng ruột kích thích (IBS) là hai bệnh lý tiêu hóa khác nhau về cả nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.
Viêm dạ dày | Hội chứng ruột kích thích | |
Nguyên nhân | Nhiễm khuẩn như Helicobacter Pylori, Mycobacterium, Histoplasmosis… Sử dụng các loại thuốc chống viêm nhiễm như aspirin hoặc ibuprofen không đúng cách | Chế độ ăn uống không lành mạnh Căng thẳng, trầm cảm, mất ngủ Yếu tố di truyền |
Triệu chứng | Đau bụng thượng vị hoặc trên rốn, buồn nôn, nôn, ợ chua, khó tiêu và mất cảm giác ngon miệng | Đau bụng và thay đổi thói quen đi ngoài, bao gồm táo bón hoặc tiêu chảy |
Cách điều trị | Sử dụng kháng sinh để tiêu diệt Helicobacter pylori, các thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng axit, trung hòa axit dạ dàyXây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, hạn chế đồ cay nóng | Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng. Dùng thuốc giảm triệu chứng IBS theo chỉ định của bác sĩ |
Trên đây là các thông tin chi tiết về Hội chứng ruột kích thích mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Việc nắm được nguyên nhân, triệu chứng cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện sức khỏe. Trong trường hợp các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, hãy liên hệ ngay với hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc thông qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí. Đồng thời, truy cập vào mục Tin tức y tế để theo dõi các kiến thức hữu ích mới nhất.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.