Tin tức y tế

Có nên nội soi dạ dày gây mê? Một số lưu ý khi nội soi dạ dày

17/10/2023

Nội soi dạ dày là một phương pháp phổ biến trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày và tiêu hóa. Bên cạnh đó, nội soi giúp chẩn đoán sớm những trường hợp ung thư. Trong bài viết này, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu về một số lưu ý khi nội soi dạ dày, cũng như trả lời câu hỏi có nên lựa chọn nội soi dạ dày gây mê không nhé.

>> Xem thêm:

Tổng quan về nội soi dạ dày 

Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán sử dụng một ống soi mềm để quan sát các phần của tiểu phế quản, dạ dày, ruột non và ruột già. Bác sĩ có thể sử dụng các công cụ đặc biệt để loại bỏ dị vật, loại bỏ polyp, cầm máu, điều trị các vấn đề như giãn tĩnh mạch tiểu phế quản, giãn tĩnh mạch dạ dày,…

Nội soi dạ dày là một thủ thuật an toàn rất ít xảy ra biến chứng. Một số biến chứng có thể xuất hiện sau quá trình nội soi, bao gồm sưng niêm mạc, nhiễm trùng, chảy máu, hoặc rách – thủng niêm mạc. Những tình huống này thường xảy ra khi bệnh nhân không tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ hoặc đã có vấn đề niêm mạc từ trước. 

Vì sao cần phải nội soi dạ dày?

Nội soi dạ dày cần được thực hiện để:

  • Chẩn đoán bệnh lý: Qua việc quan sát trực tiếp bên trong, nội soi dạ dày giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa. Từ đó, đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
  • Sinh thiết: Nội soi dạ dày tạo thuận lợi cho việc lấy các mẫu mô nhỏ từ các vùng quan trọng của đường tiêu hóa. Những mẫu mô này sau đó sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để chẩn đoán. Điều này giúp xác định cụ thể hơn về tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị tiếp theo.
  • Điều trị bệnh lý đường tiêu hóa: Ngoài việc chẩn đoán, nội soi dạ dày cũng có thể được sử dụng để thực hiện các thủ thuật như loại bỏ polyp, lấy dị vật, kiểm soát xuất huyết tiêu hóa và xử lý các vấn đề khác liên quan đến đường tiêu hóa.
Vì sao cần phải nội soi dạ dày
Vì sao cần phải nội soi dạ dày? (Nguồn: Internet)

Những đối tượng nào nên và không nên nội soi dạ dày?

Nội soi dạ dày là một phương pháp giúp kiểm tra và chẩn đoán các vấn đề về dạ dày chính xác hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng nên sử dụng phương pháp này. 

Đối tượng nên nội soi dạ dày:

  • Người có triệu chứng lâm sàng: Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau vùng thượng vị, nôn, ợ hơi, khó tiêu, hoặc đi ngoài ra máu cần được nội soi dạ dày để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng này.
  • Bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính: Những người mắc viêm dạ dày mãn tính, đặc biệt là người có mức độ đau dạ dày nghiêm trọng, nên thực hiện nội soi dạ dày 2 lần/năm. Từ đó, theo dõi tình trạng và tránh bệnh trở nên nghiêm trọng hơn như viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc uống rượu bia: Hút thuốc lá và tiêu thụ rượu bia có thể tăng nguy cơ bị các vấn đề về dạ dày và tiêu hóa. Đối với những người này, nội soi dạ dày có thể được sử dụng để kiểm tra và theo dõi tình trạng dạ dày.
  • Người có tiền sử gia đình về bệnh dạ dày: Nếu bạn có người thân trong gia đình bị các vấn đề về dạ dày, đặc biệt là Ung thư dạ dày, bạn có nguy cơ cao hơn bị mắc các vấn đề tương tự. Do đó, nội soi dạ dày có thể được thực hiện để sớm phát hiện và điều trị bệnh.

Đối tượng không nên nội soi dạ dày:

Dù thủ thuật này khá an toàn nhưng tuyệt đối chống chỉ định với những đối tượng sau: 

  • Người bị bỏng do uống axit, thủng dạ dày.
  • Người bị suy tim, thiếu máu, nhồi máu cơ tim.
  • Người bị suy hô hấp.
  • Người mắc chứng tâm thần không phối hợp.
  • Người mới ăn no.

>>> Xem thêm:

Có bao nhiêu phương pháp nội soi dạ dày?

Có nhiều phương pháp nội soi dạ dày khác nhau, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để lựa chọn phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp nội soi dạ dày phổ biến:

Nội soi dạ dày qua đường miệng

Đây là phương pháp nội soi truyền thống được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Bác sĩ sử dụng một ống nội soi mềm đưa qua miệng, họng và dạ dày và tá tràng để tiến hành kiểm tra và chẩn đoán bệnh.

  • Ưu điểm: dễ thực hiện, độ chính xác cao (điều kiện là bệnh nhân phải hợp tác tốt) và chi phí thấp.
  • Nhược điểm: ống mềm để nội soi có đường kính lớn, khi đi qua đường miệng có thể gây khó chịu cho bệnh nhân, làm cho bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, thậm chí gây cảm giác sợ hãi trong quá trình thực hiện nội soi. Đôi khi, do buồn nôn và nôn nhiều, bệnh nhân có thể có cảm giác đau rát ở họng và vùng sát họng sau khi đã thực hiện nội soi.
Nội soi dạ dày qua đường miệng
Nội soi dạ dày qua đường miệng (Nguồn: Internet)

Nội soi dạ dày qua đường mũi

Phương pháp này sử dụng ống nội soi nhỏ, mềm đưa qua mũi thay vì miệng rồi xuống thực quản, dạ dày và hành tá tràng. Nó có thể được sử dụng trong trường hợp miệng hoặc họng của bệnh nhân không thể sử dụng phương pháp nội soi thông thường.

  • Ưu điểm: Dễ thực hiện và độ chính xác cao. Ống soi được sử dụng có đường kính nhỏ (khoảng 5,9 mm) và đi qua đường mũi, không tiếp xúc với lưỡi và vùng hầu họng, do đó ít gây buồn nôn và mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân hơn.
  • Nhược điểm: Không thể thực hiện phương pháp này cho bệnh nhân có bệnh lý ở vùng mũi hoặc bị hẹp khe mũi. Chi phí cao hơn. Ngoài ra, khi phát hiện bệnh lý cần can thiệp như loại bỏ dị vật, cắt polyp, kiểm soát xuất huyết, thắt tĩnh mạch thực quản,… thì không thể thực hiện và có thể chuyển sang phương pháp nội soi dạ dày qua đường miệng.
Nội soi dạ dày qua đường mũi
Nội soi dạ dày qua đường mũi (Nguồn: Internet)

Nội soi dạ dày gây mê không đau

Phương pháp này sử dụng thuốc gây mê, làm cho bệnh nhân không cảm thấy đau trong quá trình nội soi. Dưới đây là một số thông tin về nội soi dạ dày gây mê:

  • Ưu điểm: Sử dụng thuốc gây mê giúp bệnh nhân không cảm thấy đau hoặc khó chịu trong quá trình nội soi. Điều này có lợi đối với những người có tâm lý sợ hãi hoặc lo lắng về quá trình nội soi. Bệnh nhân sẽ không bị ám ảnh sau khi nội soi, không có ký ức về quá trình nội soi, do đó không gây tạo áp lực tâm lý sau khi điều trị.
  • Nhược điểm: Phương pháp nội soi dạ dày gây mê thường có chi phí cao hơn so với nội soi thông thường do sự sử dụng thuốc gây mê và sự tham gia của bác sĩ gây mê. Quá trình gây mê và thực hiện nội soi cũng phức tạp hơn. Đôi khi, cần phải thực hiện một số xét nghiệm bổ sung như điện tim đồ để đảm bảo an toàn.

Nội soi dạ dày không đau bằng viên nang

Bên cạnh các phương pháp trên, còn có một phương pháp nội soi dạ dày không đau bằng cách sử dụng viên nang. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ nuốt một viên nang chứa một thiết bị camera rất nhỏ. Viên nang sau khi nuốt vào sẽ tự di chuyển theo trình tự từ thực quản, dạ dày, ruột non đến ruột già. Camera bên trong viên nang có khả năng chụp hình liên tục với tốc độ 3 hình mỗi giây và truyền hình ảnh đến máy hiển thị để bác sĩ tiến hành quan sát và đưa ra chẩn đoán về tình trạng bệnh.

  • Ưu điểm: Viên nang chứa camera giúp bệnh nhân tránh khỏi sự khó chịu và đau đớn thường gặp trong quá trình nội soi thông thường. Viên nang có khả năng chụp hình liên tục và truyền hình ảnh có độ phân giải cao qua máy hiển thị, cho phép bác sĩ quan sát từng phần của dạ dày và ruột non. Đồng thời giúp tiếp cận các vị trí khó tiếp cận bằng các phương pháp truyền thống.
  • Nhược điểm: Nội soi viên nang có chi phí cao hơn so với các phương pháp nội soi truyền thống. Nội soi viên nang không áp dụng cho các đối tượng như người bị động kinh, tắc ruột, người mắc chứng khó nuốt, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 10 tuổi.

Quy trình nội soi dạ dày

Quy trình nội soi dạ dày được thực hiện qua những bước sau:

Trước khi nội soi:

  • Bác sĩ đến thăm khám, đánh giá chung về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Sau đó sẽ giải thích về quá trình nội soi và các tùy chọn gây mê nếu bệnh nhân lựa chọn nội soi dạ dày gây mê.
  • Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký cam kết đồng ý thực hiện nội soi dạ dày sau khi đã được giải thích về quy trình và các rủi ro có thể xảy ra.
  • Trước khi nội soi, người bệnh sẽ uống một dung dịch chứa các chất làm sạch bọt và chất nhầy có trong dạ dày. Thời gian uống dung dịch này thường là từ 10 đến 30 phút trước khi tiến hành nội soi.
  • Để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra thuận lợi, người bệnh cần nhịn ăn khoảng 6 – 8 giờ trước khi thực hiện nội soi.

Quá trình nội soi:

  • Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm đúng tư thế để tiến hành nội soi. Trong trường hợp nội soi đường miệng, bác sĩ sẽ đưa vào miệng bệnh nhân một dụng cụ bằng nhựa để bảo vệ răng và giữ cho miệng luôn mở trong suốt quá trình nội soi.
  • Bệnh nhân sẽ được gắn các thiết bị theo dõi huyết áp, nhịp tim và mạch. Nếu nội soi gây mê, thuốc gây mê sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch cánh tay của bệnh nhân.
  • Sau đó, ống nội soi sẽ được đưa vào đường tiêu hóa để bác sĩ có thể quan sát và tìm kiếm dấu hiệu bất thường, chụp ảnh và ghi chú.

Sau khi nội soi:

  • Nếu nội soi gây mê, bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi ở phòng hồi sức trong khoảng 30 phút.
  • Bệnh nhân chờ kết quả nội soi và bác sĩ sẽ đánh giá kết quả. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, cũng như hẹn lịch tái khám cho bệnh nhân.

Một số điều cần chú ý trước và sau khi nội soi dạ dày

Trước khi nội soi dạ dày

  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất xơ và khó tiêu hóa, như các loại ngũ cốc (bột yến mạch, bánh mì lúa mạch, súp lơ xanh, đậu Hà Lan). 
  • Tránh uống các loại nước có màu đậm như nước hoa quả, nước ngọt, cafe, để tránh làm mờ hình ảnh trong quá trình nội soi và gây nhầm lẫn khi chẩn đoán bệnh.
  • Trước giờ nội soi, người bệnh cần nhịn ăn uống ít nhất 6 tiếng. Điều này giúp hạn chế tình trạng nôn mửa, bảo vệ đường thở.
  • Không nên sử dụng các loại thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày trước nội soi, chẳng hạn như gastropulgite, phosphalugel, vì chúng có thể làm mờ hình ảnh niêm mạc dạ dày trong quá trình nội soi.
  • Nếu bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, hen suyễn, bệnh thận hoặc dị ứng, cần thông báo cho bác sĩ.
Một số lưu ý trước khi nội soi dạ dày
Nhịn ăn uống ít nhất 6 tiếng để đảm bảo rằng dạ dày rỗng và tránh trào ngược thức ăn (Nguồn: Internet)

Sau khi nội soi dạ dày

  • Sau nội soi dạ dày, người bệnh nên nghỉ ngơi một thời gian trước khi ra về.
  • Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất trong vòng 1 giờ sau nội soi.
  • Không nên khạc nhổ sau nội soi dạ dày; thay vào đó, súc miệng bằng nước muối loãng để giữ vệ sinh.
  • Sau khi nội soi dạ dày, bạn có thể xuất hiện một số triệu chứng như cảm giác buồn nôn, nôn, khó nuốt, chảy máu miệng và đau họng, hoặc đau mũi nếu nội soi qua đường mũi. Những triệu chứng này hoàn toàn bình thường và sẽ sớm hồi phục.
  • Sau khi hoàn thành nội soi, bệnh nhân nên ăn thức ăn mềm, lỏng, và dễ tiêu hóa. 
  • Tránh thức ăn cay nóng sau nội soi, vì nó có thể gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày và tạo ra cảm giác không thoải mái.

Nội soi dạ dày là một kỹ thuật quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày và đường tiêu hóa. Việc chọn một địa chỉ thăm khám uy tín và có kinh nghiệm trong thực hiện kỹ thuật này là rất quan trọng để đảm bảo quá trình nội soi được thực hiện an toàn và hiệu quả. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn miễn phí tại hệ thống bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ trên toàn quốc, quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Theo dõi thêm kiến thức các loại bệnh khác tại mục Tin tức y tế.

Phụ nữ mang thai có thể nội soi dạ dày không?

Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ đang mang thai thì không nên nội soi dạ dày. Trong giai đoạn thai kỳ, việc sử dụng thuốc gây mê có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Phương pháp này có thể gây khó chịu, buồn nôn và đau khi nội soi qua đường miệng.

Giá một lần nội soi dạ dày là bao nhiêu?

Các mức giá nội soi dạ dày có thể thay đổi tùy theo loại hình cơ sở y tế và dịch vụ cụ thể mà bạn tham khám. Dưới đây là một số thông tin về mức giá cho nội soi dạ dày mà bạn có thể tham khảo:
Nội soi dạ dày không gây mê dao động từ 200.000 – 900.000 đ/lần
Nội soi dạ dày gây mê dao động từ 700.000 – 1.400.000 đ/lần

Bao lâu thì nên nội soi dạ dày một lần?

Người bệnh nhiễm vi khuẩn HP, đau dạ dày mãn tính: Nên nội soi 3 năm/lần.
Người bệnh bị bệnh Barrett thực quản, có loạn sản dạ dày: Nội soi 1 năm/lần.
Người bệnh phát hiện tổn thương nghiêm trọng, có loạn sản dạ dày: Nội soi tần suất cao hơn, 3-6 tháng/lần.
Người bệnh viêm dạ dày mạn tính: Nên nội soi định kỳ với tần suất 2 lần/năm..

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.