Tin tức y tế

Sốt xuất huyết Dengue là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

15/10/2023

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp đến bạn thông tin về Sốt xuất huyết Dengue là gì, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh.

>>> Xem thêm:

Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus Dengue.

Bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa, chủ yếu ở các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Đây là thời điểm muỗi vằn sinh sôi và phát triển mạnh mẽ, đồng thời do người dân thường có thói quen tích trữ nước sinh hoạt, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản.

Trước đây, trẻ em là đối tượng mắc bệnh chủ yếu, nhưng hiện nay người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Nguyên nhân là do khả năng miễn dịch kém hơn trẻ em. Đồng thời họ có xu hướng chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra (Nguồn: Internet)

Đặc điểm của muỗi Aedes truyền bệnh

Muỗi Aedes (muỗi vằn) là loài muỗi nhỏ, màu đen, có vằn trắng ở thân và chân. Chúng thường sinh sôi và phát triển ở những nơi có nước đọng như ao, hồ, vũng nước, chum, vại,… Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, với nhiệt độ trung bình hằng ngày trên 20 độ C.

Muỗi Aedes thường đậu ở những nơi tối, ẩm thấp trong nhà, như góc nhà, gầm giường, kệ tủ,… Chúng cũng có thể đậu trên cả quần áo, chăn màn, dây phơi,… Muỗi vằn cái thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối.

Muỗi Aedes là vật trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi Aedes là nguyên nhân lây lan bệnh Sốt xuất huyết Dengue (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue là do virus Dengue lây truyền từ muỗi vằn sang người. Virus Dengue thuộc họ Flaviviridae, có 4 loại (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4).

Khi muỗi vằn đốt vào người, virus Dengue sẽ xâm nhập vào máu người. Sau đó, virus sẽ di chuyển đến các cơ quan trong cơ thể và gây bệnh. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể lây truyền từ người sang người qua vết đốt của muỗi. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.

>>> Xem thêm:

Các giai đoạn của bệnh Sốt xuất huyết Dengue

Bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn biến qua 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn sốt: Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, thường kéo dài khoảng 3 ngày đầu. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như Sốt cao đột ngột, đau đầu, đau nhức cơ và xương khớp, phát ban, nôn ói, buồn nôn.
  • Giai đoạn nguy hiểm: Đây là giai đoạn quan trọng nhất của bệnh, thường kéo dài từ ngày thứ 3-7 của bệnh. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu dữ dội, đau bụng, nôn nhiều, tụt huyết áp, tiểu ít, xuất huyết.
  • Giai đoạn hồi phục: Đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh, khi bệnh nhân đã hết Sốt sau 48h. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ dần hồi phục và sức khỏe ổn định trở lại.

Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Sốt xuất huyết Dengue

Triệu chứng Sốt xuất huyết Dengue dễ nhận biết

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện sau 4-7 ngày kể từ khi bị muỗi vằn đốt. Có thể dễ dàng nhận biết các triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em như sau:

  • Sốt cao: Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Sốt thường đột ngột, cao từ 39-40 độ C, kéo dài từ 2-7 ngày.
  • Đau đầu: Đau đầu thường là đau đầu dữ dội, dai dẳng, có thể kèm theo đau sau hốc mắt.
  • Đau nhức cơ và xương khớp: Đau nhức cơ và xương khớp thường xảy ra ở vùng vai gáy, lưng, tay chân.
  • Phát ban: Phát ban thường xuất hiện ở ngày thứ 3-5 của bệnh, có thể xuất hiện ở toàn thân hoặc ở một số vùng da, như ngực, lưng, bụng, tay chân.

Dấu hiệu cảnh báo Sốt xuất huyết Dengue nặng

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng:

  • Đau bụng: Đau bụng dữ dội, thường ở vùng gan.
  • Tụt huyết áp: Huyết áp đo được thấp hơn 90/60 mmHg.
  • Nôn ói nhiều: Liên tục nôn ói, không thể uống được nước.
  • Chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường,…
  • Tiểu ít hoặc không tiểu: Lượng nước tiểu thải ra ít hoặc không có.
  • Thay đổi thể trạng: Lừ đừ, mệt mỏi, hôn mê.

Nếu bạn có các dấu hiệu cảnh báo trên, cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Triệu chứng của bệnh Sốt xuất huyết Dengue (Nguồn: Internet)

Biến chứng nguy hiểm của Sốt xuất huyết Dengue

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải:

  • Sốc do mất máu: Khi bị bệnh Sốt xuất huyết, các mao quản trong cơ thể bị tăng tính thấm, dẫn đến việc Mất nước và huyết tương ra ngoài và làm cho máu bị cô đặc. Điều này khiến cho máu không lưu thông được tốt và bị chảy ra ở nhiều nơi như mũi, miệng, răng hoặc vết thương.
  • Tràn dịch vào các màng: Ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh cần được truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã mất do Sốt cao, bỏ ăn, nôn và tiêu chảy. Nhưng ở giai đoạn sau, khi các mao quản đã bị tăng tính thấm quá nhiều, dịch sẽ thoát ra khỏi lòng mạch và tràn vào các màng bao quanh các cơ quan như phổi, bụng, tim.
  • Suy đa tạng, xuất huyết não: Bệnh Sốt xuất huyết cũng có thể gây suy yếu cho các cơ quan khác trong cơ thể như tim, gan, thận. Ngoài ra, não có thể bị xuất huyết do rối loạn đông máu hoặc do áp lực máu cao.
  • Biến chứng ở mắt: Biến chứng xuất huyết võng mạc, khiến cho các mạch máu ở võng mạc bị rách và máu tràn lên bề mặt võng mạc. Điều này làm cho người bệnh bị ảnh hưởng thị lực ở những vùng bị máu che khuất. 
  • Hôn mê: Khi máu chảy ra ngoài trong cơ thể, dịch huyết tương có thể tích tụ ở màng não. Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh Sốt xuất huyết, có thể khiến người bệnh bị hôn mê.
  • Sinh non, sảy thai: Theo các chuyên gia, Sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm cho thai nhi và phụ nữ mang thai. Thai nhi có thể bị suy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu nhiều, co giật, tổn thương gan, thận, chảy máu kéo dài khi sinh.
  • Tụt huyết áp và đau đầu dữ dội: Ở giai đoạn nặng của bệnh Sốt xuất huyết, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi đi đứng do huyết áp giảm. Người bệnh cũng sẽ bị đau đầu dữ dội. Đây là biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết vì có thể gây ra xuất huyết não và tử vong.

>>> Xem thêm:

Cách điều trị Sốt xuất huyết Dengue

Thời gian điều trị: Khoảng 7-10 ngày kể từ khi bắt đầu sốt.

Người bệnh có thể chữa trị tại nhà sau khi được bác sĩ khám, xét nghiệm và hướng dẫn cụ thể cách điều trị, theo dõi bệnh. Vì chưa có thuốc chữa bệnh Sốt xuất huyết, nên việc điều trị chỉ nhằm giảm các triệu chứng:

  • Người bệnh nên uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước ép trái cây (nước dừa, cam, chanh..) hoặc nước cháo loãng có muối.
  • Khi sốt: Lau người bằng nước ấm, uống thuốc hạ Sốt liều từ 10-15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Lưu ý, không được uống quá 60mg/kg/ngày. Không được dùng thuốc Aspirin, Analgin, Ibuprofen vì chúng có thể gây ra xuất huyết và toan máu.
Người bị bệnh sốt xuất huyết cần được theo dõi bởi đội ngũ y tế
Các cách điều trị Sốt xuất huyết Dengue (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi người bệnh

Khi có người thân mắc phải bệnh Sốt xuất huyết, bạn cần thực hiện các bước chăm sóc quan trọng như sau:

  • Cho người bệnh uống nhiều nước: Uống nước để bù lại lượng nước bị mất do sốt, nôn ói, tiêu chảy. Có thể sử dụng oresol hoặc nước điện giải để bù nước nhanh chóng.
  • Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có thời gian hồi phục.
  • Thường xuyên theo dõi các dấu hiệu của bệnh: Theo dõi các dấu hiệu của bệnh như sốt, đau đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban,… Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.

Cách theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue:

  • Theo dõi nhiệt độ: Đo nhiệt độ cho người bệnh 3-4 lần/ngày. Nếu Sốt cao trên 39 độ C, cần cho người bệnh uống thuốc hạ sốt.
  • Theo dõi tình trạng tiêu chảy: Nếu người bệnh tiêu chảy nhiều, cần cho người bệnh uống oresol hoặc nước điện giải để bù nước.
  • Theo dõi tình trạng chảy máu: Nếu người bệnh có dấu hiệu chảy máu bất thường như chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường,… cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.
  • Theo dõi các dấu hiệu khác: Nếu người bệnh có dấu hiệu thay đổi thể trạng như lừ đừ, mệt mỏi, hôn mê,… cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.

Cách phòng ngừa bệnh Sốt xuất huyết Dengue

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân thực hiện đều đặn các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue:

  • Che chắn kỹ các dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi vào đẻ trứng.
  • Tiêu diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước to, rửa sạch các dụng cụ chứa nước nhỏ; úp ngược các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông thường xuyên; cho muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  • Vứt bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… để tránh cho muỗi đẻ trứng.
  • Ngủ màn kể cả ban đêm và ban ngày, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt. 
  • Hợp tác tích cực với ngành y tế trong các đợt phun thuốc diệt muỗi, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.
  • Khi bị Sốt thì phải đi khám ở cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, không nên tự mua thuốc về uống.

>>> Xem thêm: Có nên nhổ răng khôn? Những thông tin bạn cần biết

Một số câu hỏi thường gặp:

Bạn cần làm gì khi bị Sốt xuất huyết Dengue?

Khi bị sốt xuất huyết Dengue, bạn có thể tham khảo thực hiện theo các cách sau:

  • Hạ nhiệt độ cơ thể: Ngoài uống thuốc giảm sốt, bạn cũng có thể làm mát cơ thể bằng cách như chườm khăn ướt lên trán hoặc lau người bằng nước ấm.
  • Bổ sung dinh dưỡng: Cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh, bao gồm 4 nhóm chất: carbohydrate, đạm, vitamin và khoáng chất.
  • Uống nhiều nước: Uống nước để bù lại lượng nước bị mất do sốt, nôn ói, tiêu chảy. Có thể sử dụng oresol hoặc nước điện giải để bù nước nhanh chóng.
  • Nghỉ ngơi: Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có thời gian hồi phục.
  • Thường xuyên theo dõi các dấu hiệu của bệnh: Theo dõi các dấu hiệu của bệnh như sốt, đau đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban,… Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đi khám bác sĩ ngay.

Làm gì để hạn chế biến chứng của Sốt xuất huyết Dengue?

Để hạn chế biến chứng của sốt xuất huyết Dengue. Người bệnh cần lưu ý và tránh như sau:

  • Không ăn trứng: Trứng gây ra một lượng nhiệt lớn tích tụ trong cơ thể người bệnh. Đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue, nhất là trẻ em, khi ăn trứng sẽ làm cho thân nhiệt tăng cao, nhiệt lượng không thoát ra được, khiến cho tình trạng Sốt kéo dài.
  • Không uống trà đặc, cà phê, hút thuốc, uống rượu bia: Những thức uống này đều chứa caffeine, kích thích não, làm cho huyết áp tăng, tim đập nhanh và cơ thể mệt mỏi hơn. Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue khi uống trà đặc còn làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc giảm sốt.
  • Không ăn uống đồ ngọt: Việc hấp thụ quá nhiều đường vào cơ thể sẽ làm cho các tế bào bạch cầu hoạt động kém, khả năng diệt khuẩn yếu và bệnh Sốt xuất huyết càng khó khỏi.
  • Không ăn đồ cay nóng: Việc ăn các món ăn cay nóng không chỉ làm cho cơ thể mệt mỏi, bệnh nặng hơn mà còn ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bệnh nhân.
  • Áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt: Khi đã mắc bệnh tức là bạn có thể đang ở trong vùng có dịch bệnh. Do đó, không nên để bị muỗi đốt, tránh lây lan virus và làm bệnh nặng hơn. Để hạn chế muỗi đốt, bạn có thể tham khảo các biện pháp như treo mùng khi ngủ, dùng thuốc đuổi muỗi hoặc chất diệt muỗi ở những chỗ thông gió, cửa sổ, cửa chính. Ngoài ra, người bệnh nên bôi kem chống muỗi lên da hoặc mặc áo quần dài.

Sốt xuất huyết Dengue có lây không?

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính có thể lan rộng trong cộng đồng nếu không có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Sốt xuất huyết được truyền từ người bệnh sang người khác bởi muỗi cái Aedes aegypti.

Muỗi này có thể mang virus Dengue trong cả cuộc đời của nó, nên chúng có thể gây ra dịch bệnh trên diện rộng với tỷ lệ mắc bệnh cao. Virus Dengue không thể lây từ người này sang người khác mà không cần trung gian.

Sốt xuất huyết Dengue có tái phát hay không?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue. Virus này có 4 loại khác nhau: D1, D2, D3, D4. Mỗi loại virus chỉ gây bệnh một lần khi xâm nhập vào cơ thể người. Do đó, người bệnh có thể tái mắc Sốt xuất huyết nếu tiếp xúc với loại vi rút khác.

Mỗi người có thể mắc Sốt xuất huyết tối đa 4 lần, tương ứng với 4 loại vi rút. Tuy nhiên, trên thực tế, số người mắc sốt xuất huyết lần thứ 4 rất ít, thường chỉ mắc 2 hoặc 3 lần.

Như vậy bài viết trên, Hoàn Mỹ đã thông tin đến bạn về bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn có thể tham khảo thêm kiến thức các loại bệnh khác tại Tin tức y tế. Nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị, hãy liên hệ ngay với số HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí bởi hệ thống của bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.