Tin tức y tế

Bệnh nhân sốt xuất huyết có được tắm không?

15/10/2023

Có nhiều ý kiến cho rằng, bệnh nhân Sốt xuất huyết không được tắm vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Liệu quan điểm này là đúng hay sai, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, do virus Dengue gây ra. Bệnh này thường bị lây lan bởi muỗi vằn Aedes (loại muỗi có khoang trắng ở chân và lưng). Khi mắc phải sốt xuất huyết dengue, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như Sốt cao, phát ban, đau nhức cơ cùng các khớp, nếu nặng hơn có thể gây xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột và có thể dẫn đến tử vong.

Muỗi vằn Aedes là vật trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi vằn Aedes- vật trung gian lây truyền bệnh Sốt xuất huyết (Nguồn: Internet) 

Các giai đoạn của Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết được chia làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu

Sau thời gian ủ bệnh (từ 4-7 ngày sau khi được xác định nhiễm virus), bệnh nhân sẽ bắt đầu có những cơn Sốt cao, sốt liên tục từ 39-40 độ C. Ngoài ra, các triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn dễ nhận biết như nhức mỏi toàn thân, đau đầu, đau hai bên hốc mắt, phát ban, đau nhức cơ và các khớp,…

  • Giai đoạn nguy hiểm

Xuất hiện từ 3 đến 7 ngày sau khi bị sốt. Tuy ở giai đoạn này người bệnh có thể hạ sốt, nhưng cùng với đó sẽ xuất hiện những dấu hiệu nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng khôn lường.

  • Xảy ra tình trạng thoát huyết tương do thành mạch tăng tính thấm, có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi, hạ huyết áp hoặc gây sốc dẫn đến tử vong. 
  • Bệnh nhân bị xuất huyết nghiêm trọng: xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng, nôn và ho ra máu, trong phân có máu hoặc rong kinh,…
  • Người bệnh có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm hơn như viêm não, viêm cơ tim, viêm gan, viêm tụy…

Trong giai đoạn này, người nhà và đội ngũ y tế cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân để tránh những biến chứng bất ngờ. 

  • Giai đoạn hồi phục: 

Sau khi vượt qua nguy hiểm, ở giai đoạn phục hồi này tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ có những tiến triển tích cực. Nhiệt độ cơ thể và huyết áp trở về mức bình thường, có cảm giác thèm ăn, hoạt động bài tiết diễn ra khá nhiều, số lượng bạch cầu và tiểu cầu dần tăng lên và ổn định.

Tuy đã thuyên giảm nhưng người bệnh cùng gia đình vẫn không nên chủ quan trong thời điểm này. Cần chú trọng bổ sung các thực phẩm nhiều vitamin và khoáng chất, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý để tránh nguy cơ bị Suy tim hay phù phổi.

>>> Xem thêm: Bệnh sốt xuất huyết có lây không?

Các triệu chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết
Các triệu chứng khi vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh Sốt xuất huyết (Nguồn: Internet)

Sốt xuất huyết có được tắm không?

Khi bị Sốt xuất huyết, bệnh nhân hoàn toàn có thể tắm gội. Việc giữ cho cơ thể sạch sẽ cũng là một cách tránh nhiễm trùng. Hiện nay có nhiều thông tin cho rằng nếu như bị sốt xuất huyết thì không được tắm bởi sẽ làm cơ thể nhiễm lạnh khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Đặc biệt với các trẻ em có sức khỏe không được tốt, phụ huynh thường lo lắng không dám tắm cho con. Đây là một quan điểm không chính xác.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi tình trạng bệnh mà có những lưu ý lúc tắm để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. 

Sốt xuất huyết nên tắm bằng nước nóng hay nước lạnh?

Người bị Sốt xuất huyết tuyệt đối không được tắm nước lạnh. Nước quá nóng cũng không phải là một lựa chọn tốt mà cần sử dụng nước ấm ở nhiệt độ vừa phải. Không ngâm quá lâu trong nước, nếu bệnh nhân nữ gội đầu nên sấy khô tóc hoàn toàn, không được để tóc ẩm dẫn đến nhiễm lạnh.

Sốt xuất huyết nên tắm bằng nước nóng hay nước lạnh?
Bệnh nhân không nên tắm bằng nước quá nóng hay quá lạnh (Nguồn: Internet)

Những sai lầm khi tắm khiến bệnh Sốt xuất huyết lâu khỏi

Việc tắm không đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến bệnh Sốt xuất huyết lâu khỏi, thậm chí có thể chuyển biến nặng hơn. Sau đây là những sai lầm trong việc tắm gội mà bệnh nhân cần tránh

  • Tắm với nước quá lạnh: Khi tắm với nước có nhiệt độ thấp, cơ thể sẽ bị nhiễm lạnh. Đồng thời lúc này sẽ khiến mạch trong nội tạng bị dãn, có thể dẫn đến tử vong. 
  • Tắm với nước quá nóng hoặc xông hơi: Nước ở nhiệt độ cao hay xông hơi cũng là nguyên nhân làm giãn mạch máu, gây ra tình trạng xuất huyết.

Sốt xuất huyết giai đoạn giảm tiểu cầu tắm được không?

Riêng với trường hợp Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, người bệnh cần hạn chế hết mức có thể việc tắm gội, tốt nhất nên dùng khăn ấm nhẹ nhàng lau người. Bởi lúc này dưới da thường sẽ xuất hiện những đốm xuất huyết có màu đỏ hoặc vết bầm tím ở nhiều mức độ khác nhau. 

Nếu bắt buộc cần phải tắm, bệnh nhân cần tránh kỳ cọ quá mạnh dẫn đến chảy máu dưới da hoặc chảy máu trong cơ, vô cùng nguy hiểm. 

Hướng dẫn cách tắm phù hợp cho người bị Sốt xuất huyết

Để quá trình điều trị tốt hơn, đồng thời cũng tránh nguy cơ lây nhiễm, khi tắm gội người bị bệnh Sốt xuất huyết nên thực hiện theo hướng dẫn của đội ngũ y tế như: 

  • Tránh tắm ở nơi lộng gió: Sử dụng nhà tắm kín gió để tránh nguy cơ nhiễm lạnh.
  • Dùng nước có nhiệt độ ấm vừa phải.
  • Không ngâm lâu trong nước: Tắm quá lâu là nguyên nhân dẫn đến thân nhiệt bị hạ và suy giảm sức đề kháng.
  • Không dùng khăn tắm chung: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, vậy nên cần sử dụng riêng khăn tắm để tránh lây qua người khác.
  • Cọ người nhẹ nhàng: Không nên cọ quá mạnh vào các vết ban đỏ để không làm tổn thương cho da. 
Sốt xuất huyết có được tắm không?
Người bệnh nên tắm với nước ở nhiệt độ ấm vừa phải (Nguồn: Internet)

Sốt xuất huyết có tái lại không?

Người đã bị Sốt xuất huyết vẫn có thể tái lại và những lần sau sẽ bị nặng hơn. Lý do là loại virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết dengue có 4 chủng: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Vậy nên, nếu lần đầu bệnh nhân mắc bệnh với chủng DEN-1 thì sau này vẫn có thể bị nhiễm bệnh bởi 3 chủng còn lại. Vì thế, sốt xuất huyết có thể tái lại. Thậm chí một người có nguy cơ nhiễm bệnh 4 lần trong đời.

Một số lưu ý khi điều trị Sốt xuất huyết tại nhà

Khi có người thân bị Sốt xuất huyết và được điều trị tại nhà, người thân cần lưu ý những điều sau:

  • Lúc này cơ thể của người bệnh đang rất đau nhức, không nên để người bệnh di chuyển, tránh bị vấp ngã. Nên để bệnh nhân được nghỉ ngơi trên giường.
  • Với tình trạng bị sốt, mỗi ngày người bệnh cần được bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nên cung cấp thêm chất điện giải có trong nước dừa, nước cam,…
  • Chỉ khi bệnh nhân Sốt cao trên 38,5 độ C mới được cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc có thể gây xuất huyết như ibuprofen, aspirin,…
  • Luôn theo dõi sát sao nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Nếu Sốt quá cao nên đưa đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời.
  • Cung cấp các thực phẩm dinh dưỡng cho người bệnh: Vấn đề ăn uống cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Nên chia nhỏ các bữa ăn để cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ. Chú trọng bổ sung đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là tinh bột nhằm bổ sung năng lượng hiệu quả. Ưu tiên các món ăn mềm, dạng lỏng để tránh tình trạng chảy máu chân răng cho người bệnh.
  • Bệnh nhân sau khi khỏi vẫn cần được theo dõi, bổ sung các loại vitamin để hồi phục nhanh chóng. Lúc này có thể kết hợp thêm các bài thể dục nhẹ nhàng nâng cao sức khỏe. 

Qua bài viết trên, Hoàn Mỹ đã trả lời được câu hỏi bệnh nhân Sốt xuất huyết có được tắm hay không. Đồng thời cũng cung cấp một số thông tin liên quan đến căn bệnh này. Hy vọng rằng người bệnh đã có thêm những kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe một cách an toàn và hiệu quả.Để cập nhật thêm những thông tin khác, bạn có thể truy cập nhanh vào chuyên mục Tin tức y tế. Liên hệ qua HOTLINE hoặc đặt lịch khám TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.