Rau càng cua là một loại rau quen thuộc trong mọi bữa ăn gia đình của người Việt Nam. Không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng, mà rau càng cua còn là một dược liệu quý giúp chữa các bệnh như: thanh nhiệt, giải độc cơ thể, viêm họng,… Để tìm hiểu thêm về công dụng của loại rau này trong Đông Y, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
>>> Xem thêm:
Rau càng cua là gì? Thành phần dinh dưỡng của rau càng cua
Rau càng cua còn được biết đến với tên khoa học là Peperomia pellucida, đây là một loài rau thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Ngoài tên gọi rau càng cua, loại rau này còn sở hữu những tên khác như rau tiêu, đơn kim, đơn buốt, quỷ châm thảo, thích châm thảo, tiểu quỷ châm, cương hoa thảo,… Rau càng cua mọc phổ biến ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới.
Thân cây thường thấp khoảng từ 20 – 40 cm, rau có tính nhớt, lá rau có hình trái tim. Ngoài ra, còn có thể nhận biết loại rau này thông qua một số đặc điểm như:
- Thường mọc ở nơi ẩm ướt như chân tường hoặc ruộng và thường mọc xen vào các loại cây cỏ khác.
- Vòng đời chỉ kéo dài 1 năm.
- Mọng nước.
Rau càng cua khi ăn sống sẽ có vị chua và dai giòn. Trong rau càng cua chứa 8% vitamin và khoáng chất, 92% còn lại là nước. Ngoài ra, cứ 100 gram rau càng cua sẽ cung cấp cho cơ thể 24 calo và những chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe như:
8 Công dụng của rau càng cua tốt cho sức khỏe
Rau càng cua có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như gỏi, canh kết hợp với thịt hoặc ăn kèm. Ngoài ra, một số công dụng của rau càng cua mà bạn có thể tham khảo gồm:
Kháng khuẩn, chống viêm
Trong Đông Y, rau càng cua được sử dụng để điều trị sốt, cảm lạnh, đau đầu và thậm chí là viêm khớp. Các báo cáo khoa học chỉ ra rằng, trong rau càng cua có 2 chất là patulolide A và xanthone glycoside. Đây là những hợp chất giúp cải thiện hệ miễn dịch cơ thể và kháng khuẩn.
Ngăn ngừa bệnh viêm khớp
Rau càng cua khi được kết hợp với thuốc Ibuprofen có tác dụng chống viêm và hạn chế các triệu chứng viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp gối. Ngoài ra, rau càng cua còn hỗ trợ điều trị các chấn thương gãy xương, thúc đẩy quá trình phục hồi của vết thương nhanh hơn.
Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Trong rau càng cua có một số chất chống oxy hóa, các chất này có khả năng thu thập và tiêu diệt các gốc tự do có hại cho cơ thể. Chất beta-carotene trong loại rau này là một chất chống oxy hóa lý tưởng, hạn chế quá trình lão hóa của các tế bào.
Giảm axit uric trong máu, ngăn ngừa bệnh gout
Rau càng cua có các hợp chất có thể thay thế cho allopurinol làm giảm nồng độ axit uric trong máu lên đến 44%. Vì thế, ăn loại rau này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh gout.
Tốt cho tim mạch
Rau càng cua chứa nhiều chất xơ cùng các khoáng chất vi lượng như kali, magie có khả năng giảm thiểu lượng cholesterol trong máu. Loại rau này hỗ trợ duy trì các chỉ số huyết áp ở mức an toàn, bảo vệ tim mạch, đồng thời giúp ổn định huyết áp, ngăn ngừa đột quỵ và các bệnh về tim.
Ức chế rối loạn cảm xúc
Chiết xuất từ rau càng cua có thể điều trị rối loạn cảm xúc, Rối loạn lo âu và trầm cảm. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, rau càng cua có tác dụng ổn định tinh thần do sự thay đổi hormone. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những kết luận mang tính tham khảo bước đầu, nên quá trình sử dụng phải có sự chỉ dẫn từ các y bác sĩ để có thể đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.
Bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ đang mang thai sẽ hay gặp tình trạng Thiếu máu thai kỳ. Vì vậy, họ rất cần bổ sung một hàm lượng sắt nhất định. Ngoài bổ sung sắt bằng thuốc, thai phụ còn có thể bổ sung sắt qua đường ăn uống, ví dụ như ăn rau càng cua. Bởi lẽ trong rau càng cua có chứa sắt và một lượng lớn Vitamin C giúp tăng hấp thu lượng sắt vào cơ thể để tăng cường bù sắt, bổ máu và ngăn ngừa thiếu máu.
Ngăn ngừa mắc bệnh đái tháo đường cho mẹ bầu trong thai kỳ
Đái tháo đường là nỗi băn khoăn của phần lớn các thai phụ. Mẹ bầu có thể ăn rau càng cua để ổn định lượng đường trong máu và nâng cao đề kháng. Ngoài ra đây cũng là loại rau cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng chứa hàm lượng calo thấp.
Những bài thuốc Đông Y từ rau càng cua
Dưới đây là một số bài thuốc Đông Y từ rau càng cua:
- Điều trị vết sưng tấy, mưng mủ: Giã nhỏ rau và đắp vào vết thương. Làm liên tục trong nhiều ngày sẽ giảm tình trạng sưng tấy và hạn chế mủ.
- Điều trị thiếu máu: Nấu rau càng cua và thịt bò và ăn 1 tuần 3 lần, tình trạng Thiếu máu sẽ được cải thiện đáng kể. Kết hợp hai loại thực phẩm chứa nhiều sắt này giúp bổ sung một lượng sắt lớn cho cơ thể.
- Viêm họng: Viêm họng là bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Rửa sạch 50-100g rau và xay lấy nước uống. Dùng liên tục trong 3-5 ngày, các triệu chứng viêm họng sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn.
- Điều trị tiểu khó, tiểu buốt: Rau càng cua được xem là loại rau có lợi cho người mắc bệnh tiểu khó. Chỉ cần dùng 200g rau nấu với 300ml nước sôi. Uống nước này 2 lần/ngày trong vòng 5 ngày sẽ nhận thấy hiệu quả rõ rệt.
- Điều trị mụn nhọt: Sử dụng 150g rau rửa sạch rồi ăn sống hoặc xay ra làm nước uống. Hoặc có thể giã nát rồi đắp lên vị trí bị mụn trên mặt hoặc cơ thể. Sử dụng kéo dài ít nhất 1 tuần, các vết mụn sẽ lành nhanh hơn và không bị sưng mủ.
>>> Xem thêm:
- Hoa đậu biếc là gì? Lợi ích và tác hại của loại thực vật này
- Công dụng của trái trâm đặc sản mùa hè và lưu ý khi ăn
Cách sử dụng rau càng cua
Rau càng cua là một món ăn giàu chất dinh dưỡng, vì thế nó luôn hiện diện trong các bữa ăn hằng ngày trong gia đình. Chế biến rau càng cua thật sạch để ăn sống, nấu canh, xào hay trộn với các loại rau khác, thêm vào salad và các món gỏi hải sản, thịt… sẽ cho ra một món ăn hoàn hảo, thơm ngon đầy bổ dưỡng.
Ngoài ra, rau càng cua có thể dùng trong các bài thuốc y học cổ truyền để chữa bệnh. Người bệnh cần hết sức lưu ý đến liều lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe, mang lại hiệu quả cao và tránh gặp phải các tác dụng ngoài ý muốn. Tuy nhiên, nếu bệnh không thuyên giảm thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Ai không nên ăn rau càng cua?
Được biết đến là loại rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người không nên sử dụng rau càng cua vì có thể gây hại về sức khỏe như
- Những người có tiền sử bị sỏi thận lâu năm và đang dùng các loại thuốc khác cần hạn chế ăn rau càng cua.
- Người có tình trạng tỳ vị hư hàn hoặc đang mắc bệnh tiêu chảy không nên ăn rau càng cua.
Vậy bài viết này, đã cung cấp cho bạn tất cả những thông tin liên quan đến loại rau càng cua, về cả cách dùng và công dụng của loại rau này trong Đông Y. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hạn hãy truy cập Tin tức y tế. Bạn cũng đừng quên liên hệ đến số HOTLINE để được tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc đặt lịch TẠI ĐÂY để được thăm khám tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.